VIỆT NAM ĐÃ CÓ LUẬT TRƯNG CẦU Ý DÂN In trang
30/08/2016 12:00 SA

Để kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013, ngày 25-11-2015, Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 10 thông qua Luật trưng cầu ý dân, có hiệu lực từ ngày 01-7-2016. 

Luật trưng cầu ý dân gồm 8 chương, 52 Điều quy định về việc trưng cầu ý dân; nguyên tắc trưng cầu ý dân; nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức trong trưng cầu ý dân; trình tự, thủ tục quyết định việc trưng cầu ý dân và tổ chức trưng cầu ý dân; kết quả và hiệu lực của kết quả trưng cầu ý dân. Trưng cầu ý dân là việc Nhà nước tổ chức để cử tri cả nước trực tiếp biểu quyết bằng hình thức bỏ phiếu quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước theo quy định của Luật này. Trưng cầu ý dân và lấy ý kiến nhân dân tuy cùng là hình thức để nhân dân phát huy quyền dân chủ trực tiếp tham gia, thể hiện ý kiến với Nhà nước nhưng vấn đề đưa ra trưng cầu ý dân là những vấn đề quan trọng của đất nước, có phạm vi ảnh hưởng toàn quốc và phải do Quốc hội quyết định và về hình thức, trong trưng cầu ý dân, người dân thể hiện ý chí của mình thông qua việc bỏ phiếu kín. Về giá trị pháp lý, trưng cầu ý dân có giá trị quyết định, có thể thi hành ngay đối với vấn đề được đưa ra trưng cầu và đối tượng trưng cầu ý dân chỉ gồm các cử tri.

Điều 4 của Luật quy định về các nguyên tắc đảm bảo xuyên suốt các khâu, các bước trong trưng cầu ý dân bao gồm: (1) Bảo đảm để nhân dân trực tiếp thể hiện ý chí của mình trong việc quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường đồng thuận xã hội.(2) Thực hiện nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín khi trưng cầu ý dân. (3) Việc trưng cầu ý dân phải được tiến hành theo trình tự, thủ tục do Luật này quy định. Về cử tri trong trưng cầu ý dân cơ bản thống nhất như cử tri trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp là “Công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đủ mười tám tuổi trở lên tính đến ngày trưng cầu ý dân có quyền bỏ phiếu để biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân” trừ các trường hợp theo quy định của pháp luật (Điều 5).

Để xác định cụ thể những vấn đề nào phải đưa ra trưng cầu ý dân phụ thuộc vào yêu cầu thực tế, vào điều kiện và hoàn cảnh tại từng thời điểm, đồng thời, phù hợp với Hiến pháp, Luật tổ chức Quốc hội và các văn bản pháp luật có liên quan, Điều 6 của Luật quy định Quốc hội xem xét, quyết định trưng cầu ý dân về các vấn đề sau đây: (1) Toàn văn Hiến pháp hoặc một số nội dung quan trọng của Hiến pháp;(2) Vấn đề đặc biệt quan trọng về chủ quyền, lãnh thổ quốc gia, về quốc phòng, an ninh, đối ngoại có ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của quốc gia;(3) Vấn đề đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của đất nước;(4)Vấn đề đặc biệt quan trọng khác của đất nước.  Luật còn quy định: “Trưng cầu ý dân được thực hiện trong phạm vi cả nước” để phù hợp với quy định của Hiến pháp về thẩm quyền quyết định trưng cầu ý dân của Quốc hội. Đồng thời, những vấn đề đưa ra trưng cầu ý dân phải là những vấn đề có ý nghĩa ở tầm quốc gia đưa ra để toàn dân quyết định (Điều 7). Để cử tri có thể tham gia đông đảo vào việc bỏ phiếu trưng cầu ý dân cũng như điều kiện thời gian hợp lý cho việc tổ chức trưng cầu ý dân, Luật quy định: “Ngày bỏ phiếu trưng cầu ý dân là ngày chủ nhật, do Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định và được công bố chậm nhất là 60 ngày trước ngày bỏ phiếu trưng cầu ý dân” (Điều 8).

Về các trường hợp không tổ chức trưng cầu ý dân để tránh trường hợp tổ chức trưng cầu ý dân vào những hoàn cảnh không phù hợp, không đảm bảo việc tổ chức trưng cầu ý dân được thành công, Điều 9 của Luật quy định (1) Không tổ chức lại việc trưng cầu ý dân về nội dung đã được trưng cầu ý dân trong thời hạn 24 tháng kể từ ngày kết quả trưng cầu ý dân được công bố.(2) Không tổ chức trưng cầu ý dân trong thời gian ban bố tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp trong cả nước hoặc trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày bãi bỏ tình trạng chiến tranh, bãi bỏ tình trạng khẩn cấp trong cả nước.

Hiệu lực của kết quả trưng cầu ý dân được quy định tại Điều 11 của Luật, cụ thể là (1) Kết quả trưng cầu ý dân có giá trị quyết định đối với vấn đề đưa ra trưng cầu ý dân và có hiệu lực kể từ ngày công bố. (2) Mọi cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân phải tôn trọng kết quả trưng cầu ý dân.(3) Cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tổ chức và bảo đảm thực hiện nghiêm chỉnh kết quả trưng cầu ý dân. Để kết quả cuộc trưng cầu ý dân phản ánh đúng thực chất ý chí, nguyện vọng của cử tri, đồng thời để phòng ngừa vi phạm có thể xảy ra, Điều 13 Luật quy định các hành vi bị nghiêm cấm bao gồm (1) Tuyên truyền, đưa thông tin sai lệch về nội dung, ý nghĩa của việc trưng cầu ý dân.(2) Dùng thủ đoạn lừa gạt, mua chuộc, cưỡng ép, cản trở làm cho cử tri không thực hiện hoặc thực hiện việc bỏ phiếu trưng cầu ý dân trái với mong muốn của mình.(3) Giả mạo giấy tờ, gian lận hoặc dùng thủ đoạn khác để làm sai lệch kết quả trưng cầu ý dân.(4)Lợi dụng việc trưng cầu ý dân để xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân.(5) Vi phạm quy định về bỏ phiếu, kiểm phiếu trưng cầu ý dân, quy định khác của Luật này.

Trưng cầu ý dân là hình thức quan trọng để thực hiện quyền dân chủ trực tiếp cao nhất của người dân đã được quy định trong Hiến pháp, đồng thời để thống nhất với Luật tổ chức Quốc hội và phù hợp với vị trí, chức năng, vai trò của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị nước ta, Điều 14 của Luật quy định Chủ thể có quyền đề nghị trưng cầu ý dân bao gồm: Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ hoặc ít nhất là một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội có quyền đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định việc trưng cầu ý dân. Về thủ tục đề nghị trưng cầu ý dân, Luật quy định: trường hợp có từ một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội trở lên kiến nghị Quốc hội quyết định việc trưng cầu ý dân về cùng một vấn đề thì Ủy ban thường vụ Quốc hội có trách nhiệm tổng hợp các kiến nghị của đại biểu Quốc hội, chuẩn bị hồ sơ theo quy định tại khoản 3 Điều này trình Quốc hội xem xét, quyết định. Việc kiến nghị và tổng hợp kiến nghị của đại biểu Quốc hội được thực hiện theo quy định tại Điều 33 của Luật tổ chức Quốc hội.

Trưng cầu ý dân là sự kiện chính trị-pháp lý đặc biệt quan trọng, việc tổ chức đòi hỏi công phu và tốn kém, vấn đề được đưa ra trưng cầu ý dân phải là vấn đề thực sự xác đáng. Do vậy, Luật quy định, trước khi trình Quốc hội xem xét, quyết định việc trưng cầu ý dân, đề nghị trưng cầu ý dân phải được Hội đồng dân tộc, Ủy ban có liên quan của Quốc hội thẩm tra; Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến. Cơ quan thẩm tra có quyền yêu cầu cơ quan, người đã đề nghị trưng cầu ý dân báo cáo, cung cấp thông tin, tài liệu về những vấn đề liên quan đến nội dung đề nghị trưng cầu ý dân. Cơ quan, người được yêu cầu có trách nhiệm đáp ứng các yêu cầu của cơ quan thẩm tra.

Hiến pháp đã quy định Quốc hội quyết định trưng cầu ý dân, Ủy ban thường vụ Quốc hội chịu trách nhiệm tổ chức trưng cầu ý dân, hơn nữa, trưng cầu ý dân là hoạt động không thường xuyên, do đó, phù hợp với quy định của Hiến pháp và Luật Tổ chức Quốc hội, đồng thời để các cơ quan phụ trách tổ chức trưng cầu ý dân được tổ chức gọn nhẹ, hợp lý, việc tổ chức trưng cầu ý dân sẽ do Ủy ban thường vụ Quốc hội tự mình trực tiếp thực hiện và chỉ đạo việc tổ chức trưng cầu ý dân trên toàn quốc, Chính phủ là cơ quan phối hợp với Ủy ban thường vụ Quốc hội trong tổ chức trưng cầu ý dân, việc tổ chức trưng cầu ý dân ở địa phương sẽ giao cho Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện…

Bên cạnh đó, Luật cũng quy định Ủy ban thường vụ Quốc hội, Ủy ban nhân dân các cấp có quyền thành lập hoặc phân công cơ quan chuyên môn trực thuộc để giúp việc trong tổ chức trưng cầu ý dân; việc thành lập tổ trưng cầu ý dân ở mỗi khu vực bỏ phiếu; trưng tập cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập để giúp thực hiện các công việc liên quan đến tổ chức trưng cầu ý dân. Và nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của các cơ quan, tổ chức trong trưng cầu ý dân được quy định cụ thể từ Điều 18 đến Điều 21 Luật này

Về thành lập Tổ trưng cầu ý dân và nhiệm vụ, quyền hạn của Tổ trưng cầu ý dân theo Điều 21 và về nguyên tắc lập danh sách cử tri, những trường hợp không được ghi tên vào danh sách cử tri, thẩm quyền lập danh sách cử tri, việc niêm yết danh sách cử tri, khiếu nại và giải quyết khiếu nại về danh sách cử tri, việc cử tri bỏ phiếu nơi khác và quy định về khu vực bỏ phiếu biểu quyết trưng cầu ý dân (từ Điều 24 đến Điều 30) thì mặc dù phần này có một số quy định tương đồng với Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân nhưng tính chất của cuộc bầu cử khác với cuộc trưng cầu ý dân vì trưng cầu ý dân là việc cử tri thể hiện ý trí của mình về một vấn đề cụ thể; việc quy định trực tiếp sẽ giúp cho việc tiếp cận văn bản được dễ dàng hơn; một số thuật ngữ cũng sử dụng khác nhau. Do vậy, Luật này quy định cụ thể về nguyên tắc lập danh sách cử tri, những trường hợp không được ghi tên vào danh sách cử tri, thẩm quyền lập danh sách cử tri, việc niêm yết danh sách cử tri, khiếu nại và giải quyết khiếu nại về danh sách cử tri, việc cử tri bỏ phiếu nơi khác và quy định về khu vực bỏ phiếu biểu quyết trưng cầu ý dân...

Còn về xử lý vi phạm phạm pháp luật về trưng cầu ý dân, Điều 50 Luật quy định: “Người nào có hành vi vi phạm quy định của Luật này thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Người nào cản trở hoặc trả thù người khiếu nại, tố cáo về trưng cầu ý dân thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự”./.

Lượt xem: 6.914
Văn bản mới
  • Số 1504-CV/BTGTU 10/01/2025 Tăng cường công tác tuyên truyền đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại ...
  • Số 16-CTr/BTGTU 08/01/2025 Chương trình Công tác Tuyên giáo năm 2025
  • Số 36 - NQ/TU 07/01/2025 Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - ...
  • Số 208-HD/BTGTU 03/01/2025 Hướng dẫn nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền Chỉ thị số 39-CT/TW, ngày ...
  • Số 207-HD/BTGTU 02/01/2025 Hướng dẫn công tác tuyên truyền và tuyên truyền miệng tháng 01 năm 2025
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 005149471
  •  Đang online: 102
  •  Trong tuần: 18.192
  •  Trong tháng: 142.512
  •  Trong năm: 142.512