Tìm hiểu pháp luật: Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 In trang
18/11/2015 12:00 SA

Về nội dung Cấp dưỡng thì Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 (Luật mới) quy định tại Chương VII thay cho Chương VI của Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 ( Luật cũ) . Số điều trong Chương VII của Luật mới là 14 điều  tăng thêm 01 điều so với Luật củ và cũng có những điểm mới được bổ sung thêm.

Trước hết, Luật mới cũng có các quy định chung về Cấp dưỡng tại 03 điều  như tại các điều 50, 51 và 52 của Luật củ cụ thể là Nghĩa vụ cấp dưỡng (Điều 107); Một người cấp dưỡng cho nhiều người (Điều 108) và Nhiều người cùng cấp dưỡng cho một người hoặc cho nhiều người (Điều 109) nhưng bổ sung thêm quy định này được thực hiện giữa cô, dì, chú, cậu, bác ruột và cháu ruột vào Nghĩa vụ cấp dưỡng (Điều 107) là “Nghĩa vụ cấp dưỡng được thực hiện giữa cha, mẹ và con; giữa anh, chị, em với nhau; giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu; giữa cô, dì, chú, cậu, bác ruột và cháu ruột; giữa vợ và chồng theo quy định của Luật này” theo tinh thần của điểm mới thứ tám trong Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 đã được quy định tại Điều 106 là : “Cô, dì, chú, cậu, bác ruột và cháu ruột có quyền, nghĩa vụ thương yêu, chăm sóc, giúp đỡ nhau”.

Bên cạnh đó thì khoản 2 Điều 107 nói rõ hơn là “Trong trường hợp người có nghĩa vụ nuôi dưỡng trốn tránh nghĩa vụ thì theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức được quy định tại Điều 119 của Luật này, Tòa án buộc người đó phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định của Luật này” tức là có quyền yêu cầu Tòa án buộc người không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ đó.

Thứ hai là Luật mới cũng quy định các trường hợp cụ thể như Nghĩa vụ cấp dưỡng của cha, mẹ đối với con tại Điều 110; Nghĩa vụ cấp dưỡng của con đối với cha, mẹ tại Điều 111; Nghĩa vụ cấp dưỡng giữa anh, chị, em tại Điều 112. Nghĩa vụ cấp dưỡng giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu tại Điều 113 và Nghĩa vụ cấp dưỡng giữa vợ và chồng khi ly hôn tại Điều 115.

Ngoài ra, còn bổ sung thêm một điều mới là Điều 114 về Nghĩa vụ cấp dưỡng giữa cô, dì, chú, cậu, bác ruột và cháu ruột với nội dung: “ Cô, dì, chú, cậu, bác ruột không sống chung với cháu ruột có nghĩa vụ cấp dưỡng cho cháu trong trường hợp cháu chưa thành niên hoặc cháu đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình mà không có người khác cấp dưỡng theo quy định của Luật này. Cháu đã thành niên không sống chung với cô, dì, chú, cậu, bác ruột có nghĩa vụ cấp dưỡng cho cô, dì, chú, cậu, bác ruột trong trường hợp người cần được cấp dưỡng không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình mà không có người khác cấp dưỡng theo quy định của Luật này”.

Thứ ba là các quy định về Mức cấp dưỡng theo Điều 116; Phương thức cấp dưỡng theo Điều 117 và Chấm dứt nghĩa vụ cấp dưỡng theo Điều 118 trong đó điều cần đáng quan tâm là “Mức cấp dưỡng do người có nghĩa vụ cấp dưỡng và người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó thỏa thuận căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết. Khi có lý do chính đáng, mức cấp dưỡng có thể thay đổi. Việc thay đổi mức cấp dưỡng do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết”.

Về phương thức cấp dưỡng thì Điều 117 quy định có thể được thực hiện định kỳ hàng tháng, hàng quý, nửa năm, hàng năm hoặc một lần như Điều 54 Luật củ. Còn Nghĩa vụ cấp dưỡng chấm dứt trong 06 trường hợp đã được Điều 118 quy định chứ không phải là 07 trường hợp như quy định tại Điều 61 của Luật củ là do đã ghép 02 khoản 1 và 2 thành một khoản là “Người được cấp dưỡng đã thành niên và có khả năng lao động hoặc có tài sản để tự nuôi mình”.

Thứ tư là về Người có quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng thì Điều 119 quy định ngoài “Người được cấp dưỡng, cha, mẹ hoặc người giám hộ của người đó, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền yêu cầu Tòa án buộc người không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ đó” thì theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự; cá nhân, cơ quan, tổ chức sau đây có quyền yêu cầu Tòa án buộc người không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ đó là Người thân thích; Hội liên hiệp phụ nữ và Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình và Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em (thay cho Ủy ban bảo vệ và chăm sóc trẻ em quy định theo Điều 55 Luật củ trước đây) và cũng nói rõ “Cá nhân, cơ quan, tổ chức khác khi phát hiện hành vi trốn tránh thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng có quyền đề nghị” cơ quan, tổ chức theo quy định trên yêu cầu Tòa án buộc người không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ đó.

Và cuối cùng là tương tự như Điều 62 của Luật cũ, Điều 120 của Luật mới cũng khuyến khích việc trợ giúp của tổ chức, cá nhân với quy định “Nhà nước và xã hội khuyến khích tổ chức, cá nhân trợ giúp bằng tiền hoặc tài sản khác cho gia đình, cá nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, túng thiếu”.   

Hai chương cuối của Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 (Luật mới) là  Chương VIII về Hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài v à Chương IX về Điều khoản thi hành.

Chương VIII của Luật mới thay cho Chương XI của Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 (Luật cũ) với 10 điều từ Điều 121 đến Điều 130, tăng thêm 03 điều so với Luật cũ nhưng thực tế là Luật mới đã bổ sung thêm đến 05 điều luật vì đã bỏ 02 điều của Luật cũ là Điều 105 về Nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài và Điều 106. Giám hộ trong quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài vì đã được quy định ở các văn bản pháp luật khác...

Trước hết, Luật mới cũng có các quy định chung về Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các bên trong quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài tại Điều 121; về Áp dụng pháp luật đối với quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài tại Điều 122 và về Thẩm quyền giải quyết các vụ việc hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài tại Điều 123 như Luật cũ nhưng có bổ sung thêm tại khoản 4 Điều 121 là: Chính phủ quy định chi tiết việc giải quyết quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài nhằm bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của các bên và bảo đảm thực hiện quy định tại khoản 2 Điều 5 của Luật này (là những hành vi bị cấm trong hôn nhân và gia đình).

Ngày 31/12/2014 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 126/2014/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật hôn nhân và gia đình tại Chương III với 8 mục và 46 điều từ Điều 19 đến Điều 64 trong đó có quy định về việc Trung tâm tư vấn, hỗ trợ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài tại Điều 51 và nói rõ “Trung tâm tư vấn, hỗ trợ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài là đơn vị sự nghiệp thuộc Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam hoặc Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương”  và hoạt động theo nguyên tắc phi lợi nhuận, góp phần làm lành mạnh hóa quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài, phù hợp với nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân và gia đình Việt Nam, thuần phong mỹ tục của dân tộc...

Và Bộ Tư pháp cũng đã có Thông tư số 02a/2015/TT-BTP ngày 23/02/2015 Hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 126/2014/NĐ-CP ngày 31/12/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật hôn nhân và gia đình về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài.

Thứ hai là Luật mới bổ sung thêm Điều 124 về Hợp pháp hoá lãnh sự giấy tờ, tài liệu về hôn nhân và gia đình quy định rõ “Giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài lập, cấp hoặc xác nhận để sử dụng giải quyết các vụ việc hôn nhân và gia đình thì phải được hợp pháp hoá lãnh sự, trừ trường hợp được miễn hợp pháp hóa lãnh sự theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc theo nguyên tắc có đi có lại” và tách khoản 4 của Điều 104 Luật cũ lập thành Điều 125 về Công nhận, ghi chú bản án, quyết định của Tòa án, cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài về hôn nhân và gia đình.

Thứ ba là Luật mới có các quy định cụ thể về Kết hôn có yếu tố nước ngoài (Điều 126); Ly hôn có yếu tố nước ngoài (Điều 127); Xác định cha, mẹ, con có yếu tố nước ngoài (Điều 128); Nghĩa vụ cấp dưỡng có yếu tố nước ngoài (Điều 129) và Áp dụng chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận; giải quyết hậu quả của việc nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài (Điều 130) với quy định cụ thể là “Trong trường hợp có yêu cầu giải quyết việc áp dụng chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận; quan hệ nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài thì cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam áp dụng các quy định của Luật này và các luật khác có liên quan của Việt Nam để giải quyết”.

Cuối cùng là Chương IX về Điều khoản thi hành có 03 điều từ Điều 131 đến Điều 133, ngoài các quy định về Hiệu lực thi hành và Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành như Luật cũ thì tăng hơn 01 điều so với Luật cũ vì bổ sung thêm Điều 131 về Điều khoản chuyển tiếp trong đó quy định rõ: “Quan hệ hôn nhân và gia đình được xác lập trước ngày Luật này có hiệu lực thì áp dụng pháp luật về hôn nhân và gia đình tại thời điểm xác lập để giải quyết; Đối với vụ việc về hôn nhân và gia đình do Tòa án thụ lý trước ngày Luật này có hiệu lực mà chưa giải quyết thì áp dụng thủ tục theo quy định của Luật này và không áp dụng Luật này để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm đối với vụ việc mà Tòa án đã giải quyết theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình trước ngày Luật này có hiệu lực”./.

Bùi Thanh Long

Lượt xem: 2.214
Văn bản mới
  • Số 200-HD/BTGTU 19/11/2024 Các hình thức tổ chức biểu dương, khen thưởng và gặp mặt các tập thể, ...
  • Số 198-HD/BTGTU 01/11/2024 Hướng dẫn công tác tuyên truyền và tuyên truyền miệng tháng 11 năm 2024
  • Số 1423-CV/BTGTU 28/10/2024 Tuyên truyền kỷ niệm 70 năm sự kiện Tập kết ra Bắc (1954-2024)
  • Số 1415-CV/BTGTU 23/10/2024 Hướng dẫn trang trí khánh tiết đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 ...
  • Số 9743-HD/BTGTW 16/10/2024 Hướng dẫn trang trí khánh tiết đại hội đảng bô các cấp nhiệm kỳ 2025-2023 ...
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 004161420
  •  Đang online: 434
  •  Trong tuần: 37.121
  •  Trong tháng: 164.880
  •  Trong năm: 1.862.461