Trong công cuộc đổi mới đất nước, nhất là trong giai đoạn hiện nay, việc tăng cường vai trò, hiệu lực của Hiến pháp, pháp luật là một tất yếu khách quan và cũng là một đòi hỏi bức thiết. Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) đã khẳng định, cùng với đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, phải tích cực xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Cùng với việc không ngừng xây dựng, hoàn thiện pháp luật với khâu đột phá chiến lược là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, phải ra sức tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, hiệu quả thi hành pháp luật mà khâu đầu tiên là nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật...
Chính vì vậy mà ngày 20/6/2012, Quốc hội khóa XIII của nước ta đã thông qua Luật phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL), quy định rất nhiều nhiệm vụ, giải pháp, nhằm tạo sự chuyển biến cơ bản, bền vững trong công tác PBGDPL, đưa công tác này đi vào thực chất, hiệu quả. Một trong những giải pháp đó là việc Quốc hội đã lựa chọn và quyết định lấy ngày 09/11, ngày ban hành bản Hiến pháp đầu tiên của đất nước ta(1946) là Ngày Pháp luật nước CHXHCN Việt Nam, để từ đó hằng năm chúng ta tổ chức tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội. Với ý nghĩa đó, Luật PBGDPL quy định Ngày pháp luật được tổ chức nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội. Đương nhiên, các ngày còn lại trong năm, xét trên nhiều khía cạnh, cũng đều là ngày pháp luật trong một Nhà nước pháp quyền…
Theo quy định tại Điều 8 Luật PBGDL và Nghị định số 28/2013/NĐ-CP ngày 04/4/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật PBGDPL cũng như thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 08/11/2013 tại Hà Nội, Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương và Bộ Tư pháp đã tổ chức Lễ Công bố “Ngày pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Năm 2013, năm đầu tiên Luật PBGDPL có hiệu lực thi hành và cũng là năm đầu tiên Ngày 09/11 trở thành Ngày Pháp luật nước CHXHCN Việt Nam được tổ chức trên quy mô toàn quốc. Đây cũng là năm ghi nhận một sự kiện hệ trọng trong đời sống chính trị - pháp lý của đất nước, đó là việc toàn dân tích cực tham gia đóng góp ý kiến xây dựng Hiến pháp (sửa đổi) của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế với chủ đề “Toàn dân xây dựng, thi hành và bảo vệ Hiến pháp vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Ngày Pháp luật có ý nghĩa đặc biệt, vừa là sự tiếp nối đợt sinh hoạt chính trị pháp lý sâu rộng nêu trên, vừa là tiền đề, là cơ sở để tổ chức Ngày Pháp luật trong những năm tiếp theo có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả thiết thực. Việc tổ chức Ngày Pháp luật năm 2013 và sau đó là Ngày Pháp luật năm 2014 thực sự trở thành sự tiếp nối đợt sinh hoạt chính trị - pháp lý sâu rộng nêu trên, nhằm phát huy ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân trong thực hành khẩu hiệu “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”.
Để triển khai thực hiện Ngày Pháp luật 09/11 năm nay có chất lượng, thiết thực và hiệu quả, sau khi có ý kiến thống nhất của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương, Bộ Tư pháp ban hành Công văn số 2788/BTP-PBGDPL ngày 03/8/2015 về việc hướng dẫn tổ chức Ngày Pháp luật năm 2015, theo đó Chủ đề của Ngày Pháp luật năm 2015 là : “Thực hiện Hiến pháp và pháp luật góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; bảo vệ quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân”. Nội dung tổ chức Ngày pháp luật năm nay là tập trung tuyên truyền, quán triệt, phổ biến sâu rộng về vị trí, vai trò, nội dung, tinh thần của Hiến pháp và pháp luật, nhất là các quy định mới của các luật hiện hành. Tuyên truyền, phổ biến các điểm mới dự kiến sửa đổi, bổ sung, thay thế trong dự thảo các văn bản dự kiến sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới theo chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015 và năm 2016. Tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, trọng tâm là Công ước chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người, Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị. Giáo dục ý thức tôn trọng, bảo vệ và chấp hành pháp luật; lợi ích của việc chấp hành pháp luật; phản ánh, xây dựng các mô hình triển khai Ngày Pháp luật thiết thực, chất lượng và hiệu quả…
Ở tỉnh ta, ngày 08/9/2015 Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 5283/KH-UBND và Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Lâm Đồng cũng đã ra Hướng dẫn số 12/HD-MT ngày 03/9/2015 để các cấp các ngành và các địa phương tổ chức Ngày Pháp luật năm 2015 theo các nội dung cụ thể nói trên./.
Bùi Thanh Long