Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Bảo hiểm Y tế (BHYT) 46/2014/QH13 đã chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2015; đây là Luật có phạm vi điều chỉnh rộng lớn trong xã hội, trong đó có những quy định hết sức quan trọng liên quan trực tiếp đến quyền lợi và trách nhiệm của người dân.
Điểm thứ nhất: Bắt buộc tham gia BHYT
Điểm mới trong Luật sửa đổi là bắt buộc mọi người dân đều phải tham gia BHYT và khuyến khích tham gia BHYT theo hộ gia đình. Việc tham gia BHYT theo hộ gia đình được khuyến khích với cơ chế giảm dần mức đóng từ thành viên thứ hai trở đi, đến người thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất. Quy định nêu trên sẽ khắc phục tình trạng cấp trùng thẻ BHYT, hạn chế tình trạng chỉ có người ốm mới tham gia BHYT, bảo đảm sự chia sẻ ngay trong hộ gia đình.
Điểm thứ hai: Mở rộng phạm vi quyền lợi và mức hưởng BHYT
Việc sửa đổi, bổ sung Luật lần này quan tâm nhiều đến quyền lợi của người tham gia BHYT nhằm giảm gánh nặng chi phí khám, chữa bệnh, tăng khả năng tiếp cận dịch vụ y tế đối với một số đối tượng chính sách. Theo đó, người đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; người đang sinh sống tại xã đảo, huyện đảo được cấp thẻ BHYT miễn phí từ nguồn ngân sách Nhà nước bảo đảm.
Luật lần này cũng quy định: Quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí khám chữa bệnh khi người bệnh có thời gian tham gia BHYT từ 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở, trừ trường hợp tự đi khám chữa bệnh. Đây là quy định hết sức mới để bảo vệ, hỗ trợ người bệnh trước rủi ro tài chính. Luật còn bổ sung quy định Quỹ BHYT thanh toán trong các trường hợp tự tử, tự gây thương tích, tai nạn giao thông, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Điểm thứ ba: BHYT đối với trẻ em dưới 6 tuổi
Với trẻ dưới 6 tuổi, Luật quy định trẻ dưới 6 tuổi được quỹ BHYT chi trả cho điều trị lác, cận thị, tật khúc xạ của mắt. Trong trường hợp trẻ đủ 72 tháng chưa đến kỳ nhập học thì thẻ BHYT sẽ có giá trị đến ngày 31/9 của năm đó, tạo điều kiện cho trẻ được chăm sóc sức khỏe đến khi thẻ hết hạn. Luật cũng bổ sung trách nhiệm của UBND xã phải lập danh sách đề nghị cấp thẻ BHYT đồng thời với việc cấp giấy khai sinh cho trẻ. Đây là những quy định nhằm tháo gỡ những vướng mắc của Luật cũ liên quan đến thực hiện BHYT của trẻ dưới 6 tuổi và đảm bảo quyền lợi tối đa cho trẻ.
Điếm thứ tư: Mở thông tuyến khám chữa bệnh có BHYT
Cùng với việc cải cách thủ tục, quy trình khám chữa bệnh, đây là quy định hết sức quan trọng tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người tham gia BHYT trong việc tiếp cận các dịch vụ y tế. Theo đó, từ ngày 1/1/2016 sẽ mở thông tuyến khám chữa bệnh có BHYT giữa tuyến xã và tuyến huyện trên cùng địa bàn tỉnh. Mở thông tuyến khám chữa bệnh có BHYT đến tuyến tỉnh và tuyến trung ương khi điều trị nội trú đối với người thuộc hộ gia đình nghèo và người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn; người đang sinh sống tại các xã đảo, huyện đảo.
Từ 1/1/2015, trường hợp tự đi khám chữa bệnh tại bệnh viện tuyến huyện sẽ được Quỹ BHYT chi trả 70% chi phí khám chữa bệnh và đến năm 2016, sẽ được chi trả 100% chi phí khám chữa bệnh trong cùng địa bàn tỉnh; tại bệnh viện tuyến tỉnh, từ 1/1/2015, Quỹ BHYT chi trả 60% chi phí điều trị nội trú và đến 1/1/2021 là 100%; tại bệnh viện tuyến Trung ương là 40% chi phí điều trị nội trú.