Thời gian gần đây, trước việc cán bộ lãnh đạo các tỉnh, thành phố, các bộ, ngành Trung ương bị khởi tố, bắt tạm giam do liên quan đến tham nhũng và một số cán bộ cấp cao được Ban Chấp hành (BCH) Trung ương Đảng cho thôi việc, số đối tượng phản động đã xuyên tạc, lợi dụng công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; mục đích chống phá công tác cán bộ của Đảng ta rất thâm độc.
Không thể phủ nhận kết quả phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Tham nhũng không mới, là “vấn nạn” của mọi quốc gia trên thế giới. Đây là “giặc nội xâm” Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra, cảnh báo ngay sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, khi Đảng Cộng sản Việt Nam trở thành Đảng cầm quyền; một trong 2 nguy cơ đối với một Đảng cầm quyền: “Sai lầm về đường lối”, “suy thoái, biến chất của đội ngũ cán bộ, đảng viên”.
Thể hiện quyết tâm cao của toàn Đảng, tại Hội nghị Trung ương 5 khóa XI (tháng 5/2012) quyết định thành lập Ban Chỉ đạo (BCĐ) Trung ương về phòng, chống tham nhũng (Gọi tắt là BCĐ), trực thuộc Bộ Chính trị, do đồng chí Tổng Bí thư làm Trưởng ban, chỉ đạo triển khai trên phạm vi cả nước. Đến ngày 10/9/2021, Bộ Chính trị thống nhất bổ sung và đổi tên “BCĐ Trung ương về phòng, chống tham nhũng” thành “BCĐ Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực”.
Thực hiện chỉ đạo của Trung ương, 63 đảng bộ tỉnh, thành phố trong cả nước đã thành lập BCĐ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, do đồng chí Bí thư cấp ủy làm Trưởng ban. Hoạt động của BCĐ các cấp khá hiệu quả; khẳng định công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của Đảng, với quan điểm “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”; đặc biệt, không có chuyện “hạ cánh an toàn”! Nhiều năm qua, các vụ án về kinh tế, nhất là các vụ đại án tham nhũng được điều tra, xử lý đúng người, đúng tội, được Nhân dân đồng thuận và đánh giá rất cao.
Tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (2012 -2022), BCĐ và Ủy ban kiểm tra (UBKT) các cấp đã thi hành kỷ luật 2.700 tổ chức đảng, 168.000 đảng viên, trong đó có hơn 7.390 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng. BCH Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, UBKT Trung ương đã kỷ luật 170 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có 33 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, hơn 50 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang… Và 2 năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng (2021 - 2022), đã khởi tố, điều tra 4.200 vụ/7.572 bị can về các tội tham nhũng, chức vụ, kinh tế (trong đó, tội danh về tham nhũng đã khởi tố, điều tra 455 vụ/1.054 bị can).
Năm 2023, các cấp ủy đã thi hành kỷ luật 606 tổ chức đảng, 24.162 đảng viên (tăng 12% số đảng viên so với năm 2022). Trong đó, đã thi hành kỷ luật 459 đảng viên do tham nhũng, 8.863 đảng viên do suy thoái về tư tưởng chính trị đạo đức, lối sống, vi phạm những điều đảng viên không được làm. Tính từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến cuối năm 2023, đã thi hành kỷ luật 105 cán bộ diện Trung ương quản lý; trong đó, có 22 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, tiến hành tạm giữ, kê biên, phong tỏa, thu hồi tài sản trị giá hơn 234 nghìn tỷ đồng.
4 tháng đầu năm 2024, nhiều vụ án tham nhũng tiếp tục đưa ra xét xử; cán bộ lãnh đạo ở một số bộ, ngành Trung ương, cấp tỉnh bị khởi tố, bắt tạm giam, xử lý kỷ luật; trong đó, hơn 10 trường hợp bị khai trừ ra khỏi Đảng.
Qua đó cho thấy, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là quyết tâm, quyết liệt của Đảng ta. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu: Phòng, chống tham nhũng là “chống giặc nội xâm”. Vì vậy, đây là nhiệm vụ rất quan trọng, nhưng cũng vô cùng khó khăn, phức tạp, đòi hỏi chúng ta phải tiến hành một cách kiên quyết, kiên trì, liên tục, bền bỉ, “không nghỉ”, “không ngừng” ở tất cả các cấp, các ngành, các lĩnh vực; thực hiện đồng bộ các biện pháp chính trị, tư tưởng, tổ chức, hành chính, kinh tế, hình sự; với những bước đi vững chắc, tích cực, chủ động và có trọng tâm, trọng điểm; phải xây dựng cho được một cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để “không thể tham nhũng”; một cơ chế răn đe, trừng trị nghiêm khắc để “không dám tham nhũng” và một cơ chế bảo đảm để “không cần tham nhũng”.
Thổi phồng tham nhũng để chống phá công tác cán bộ
Một thực tế nực cười, khi công tác phòng, chống tham nhũng chưa thực hiện quyết liệt, các thế lực phản động lu loa rằng, Đảng ta đồng lõa, dung túng… cho tham nhũng, bao che cho các quan chức tham nhũng; rồi hồ đồ “kết luận”: Đó là “hệ quả” tất yếu của một đảng độc quyền toàn trị (?) Song, hiện nay Đảng ta chủ trương đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực kiên quyết trên bình diện cả nước, “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”, nhất là gần đây nhiều vụ đại án kinh tế, tham nhũng được đưa ra xét xử công khai; nhiều cán bộ vi phạm đã bị xử lý hình sự với những mức án nghiêm khắc, thì chúng lại uốn 3 tấc lưỡi xỏ xiên đó là “thanh trừng nội bộ”, “đấu đá phe cánh”, “triệt hạ lẫn nhau”(?!)
Một trong những thủ đoạn của Chiến lược “diễn biến hòa bình” chống phá các nước XHCN (Việt Nam là trọng điểm) là khoét sâu mâu thuẫn, phân hóa nội bộ, chuyển hóa đội ngũ cán bộ cao cấp của Đảng; triệt để khai thác những yếu kém từ bên trong… để kích động, lôi kéo, tạo dựng ngọn cờ đối lập với Đảng Cộng sản…
Bởi vậy, một mặt, các thế lực thù địch cố tình phủ nhận kết quả công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng do Đảng ta chỉ đạo; một mặt “lái” mục tiêu, ý nghĩa công tác phòng, chống tham nhũng nước ta sang “hướng” khác; đó chỉ là “đấu đá nội bộ”, “tranh giành quyền lực”, nhằm tạo sự hoài nghi, chia rẽ đoàn kết nội bộ, làm cho Đảng ta suy yếu để chúng dễ bề thâu tóm, thực hiện mưu đồ xấu.
Gần đây, trên các trang mạng của tổ chức Việt Tân, Chân trời mới; các đài nước ngoài phụ đề tiếng Việt: BBC, VOA, RFI, Á Châu tự do (RFA)… ra rả các luận điệu xuyên tạc công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta.
Ngày 28/4/2024, VOA phát tán bài: Từ vụ Vương Đình Huệ: Tại sao Việt Nam có “sân sau?”. VOA “bịa” ra cái gọi “phỏng vấn” số cựu thành viên Viện nghiên cứu phát triển IDS; từ việc nêu một số cán bộ dính líu đến 2 vụ án tham nhũng tại Tập đoàn Phúc Sơn và Thuận An; việc BCH Trung ương cho nguyên Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và nguyên Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thôi giữ chức vụ, VOA dẫn ý kiến của Nguyễn Quang A, rằng: Trong một nền kinh tế phát triển khá nhanh như Việt Nam thì “chắc chắn sẽ xảy ra” tình trạng quan chức móc ngoặc với doanh nghiệp để chia chác thành quả cũng như tài nguyên đất nước. Còn Lê Đăng Doanh lý luận: Các doanh nghiệp tư nhân khi muốn kinh doanh ở Việt Nam đều muốn có mối quan hệ và được sự “che chở” của một hay nhiều người có quyền lực - nguyên nhân của tình trạng quan chức tham nhũng hiện nay...
Tiếp đó, ngày 4/5/2024, BBC Tiếng Việt phát tán bài viết: Địa chấn chính trị Việt Nam: Dồn dập đến bao giờ?”; cũng lợi dụng công tác phòng, chống tham nhũng để chống phá công tác cán bộ của Đảng ta. Chúng rêu rao rằng, công tác cán bộ của Việt Nam đang khủng hoảng trầm trọng, “Tứ trụ giờ chỉ còn nhị trụ”; rồi tự “làm công tác quy hoạch” rằng: Bầu Chủ tịch Quốc hội trước hay bầu Chủ tịch nước trước? Ai sẽ được bầu vào 2 vị trí này?...
Rõ ràng, các đối tượng cực đoan, cơ hội chính trị cố tình thổi phồng công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nhằm gây nhiễu loạn thông tin, gây rối tình hình, tạo hoang mang trong xã hội. Đồng thời, “mượn” tham nhũng, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để xuyên tạc, phá hoại công tác tổ chức, cán bộ của Đảng ta. Đây là kiểu lập lờ, ý đồ chính trị rất thâm độc của các thế lực phản động đang thực hiện, chúng ta cần nhận diện và kiên quyến đấu tranh, vạch trần!
Hoài Hương