TÔN GIÁO VÀ NHÂN QUYỀN Ở VIỆT NAM – SỰ THẬT KHÔNG THỂ PHỦ NHẬN, XUYÊN TẠC In trang
20/05/2024 03:25 CH

1-Những hoạt động chống phá và nhận định thiếu khách quan, mang tính định kiến, không chính xác về tình hình thực tế tôn giáo tại Việt Nam

Thời gian gần đây, tổ chức “Ủy ban cứu trợ người vượt biển” (BPSOS) thường xuyên tiến hành các hoạt động thu thập thông tin liên quan đến lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo tại Việt Nam; tổ chức các hội thảo, diễn đàn thảo luận trên mạng xã hội với chủ đề “tự do tôn giáo tại Việt Nam”. Thành phần tham gia là cá nhân phạm tội, vi phạm pháp luật đã bị xử lý và đại diện cá nhân trong tổ chức tôn giáo không được pháp luật công nhận, thậm chí đang bị chính quyền đưa vào diện xóa bỏ do liên quan đến yếu tố mê tín dị đoan, trục lợi gây ảnh hưởng xấu trong đời sống xã hội. Cuối năm 2023, tổ chức BPSOS đã thành lập cái gọi là “Đề án dân quyền Việt Nam”, đưa ra “Dự án khảo sát tôn giáo Việt Nam”, đăng tải trên Facebook “Bàn tròn tôn giáo Việt Nam” phục vụ mục đích chống phá chính quyền Việt Nam trên không gian mạng.

Trong báo cáo về tự do tôn giáo tại Việt Nam năm 2024, Ủy ban tự do tôn giáo quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF) có những nhận định, đánh giá thiếu khách quan, không chính xác về tình hình tôn giáo ở Việt Nam, cho rằng Việt Nam “đàn áp tôn giáo trong nước”; chỉ trích chính quyền và Công an Việt Nam; USCIRF sử dụng thông tin trong báo cáo này chủ yếu từ nguồn thiếu kiểm chứng, được thu thập từ các tổ chức, cá nhân người Việt Nam ở nước ngoài có tư tưởng cực đoan, móc nối với các phần tử chống đối trong nước nên luôn thiếu khách quan, thậm chí xuyên tạc về tự do tôn giáo ở nước ta. Dựa vào báo cáo này, Chính phủ Mỹ tiếp tục đưa Việt Nam vào danh sách các quốc gia cần theo dõi đặc biệt về tự do tôn giáo.

Trước sự chống phá và những nhận định thiếu khách quan trên, cần khẳng định rằng, tôn trọng và đảm bảo quyền tự do, tín ngưỡng, tôn giáo của công dân là chính sách nhất quán, xuyên suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam trong thời gian qua. Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII khẳng định: “Tập trung hoàn thiện và triển khai thực hiện tốt các chính sách dân tộc, tôn giáo. Nghiêm trị mọi âm mưu, hành động chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, cản trở sự phát triển của đất nước”. Điều 24, Hiến pháp Nước Cộng hòa XHCN Việt Nam năm 2013 nhấn mạnh: “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo”. Quốc Hội nước CHXHCN Việt Nam cũng đã ban hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016; Chính phủ ban hành Nghị định số 162/2017/NĐ-CP về quy định chi tiết việc thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo…Với các chủ trương, chính sách pháp luật đúng đắn về tín ngưỡng, tôn giáo, trong nhiều năm qua, Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc trong việc đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân. Đến nay, Việt Nam có trên 26,5 triệu tín đồ tôn giáo, hơn 54.000 chức sắc, chức việc, gần 30.000 cơ sở thờ tự, cùng hàng nghìn nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung của người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam. Hằng năm, tại Việt Nam có khoảng hơn 8.500 lễ hội tôn giáo, tín ngưỡng được tổ chức long trọng, trong đó có các lễ hội tôn giáo quốc tế lớn như: Đại Lễ Phật đản Liên hợp quốc VESAK; Đại hội giới trẻ tại Khu di tích Lịch sử Đền Hùng năm 2022 với sự tham dự của Tổng Giám mục Marak Zelewki, Đặc phái viên không thường trú của Tòa Thánh Vatican tại Việt Nam; nhiều Hội thảo quốc tế về Tôn giáo được tổ chức tại Việt Nam. Nhà nước cũng tạo điều kiện cho nhiều đoàn tôn giáo quốc tế đến thăm và làm việc tại Việt Nam như: Viện can dự toàn cầu Mỹ (IGE), Tập đoàn truyền thông WAZ của Đức, Ủy ban tự do Tôn giáo quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF). Thực tế cho thấy, ở Việt Nam, các tôn giáo chung sống hài hòa, đoàn kết, gắn bó, đồng hành với dân tộc, không có xung đột sắc tộc, xung đột tôn giáo; đồng bào các dân tộc tôn giáo thực sự trở thành lực lượng quan trọng hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước; tích cực đóng góp vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.  

Ngày 09/5/2024, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết bình luận của Việt Nam đối với báo cáo tự do tôn giáo năm 2024 của Ủy ban Tự do tôn giáo quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF), bà Phạm Thu Hằng, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao nhấn mạnh: Việt Nam luôn thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, quyền theo hoặc không theo tôn giáo của người dân. Tại Việt Nam, không ai bị phân biệt đối xử vì lý do tôn giáo, tín ngưỡng và các hoạt động của các tổ chức tôn giáo được bảo đảm theo đúng các quy định của pháp luật. Các chính sách, nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong bảo đảm quyền con người, trong đó có tự do tôn giáo, tự do tín ngưỡng đã được nhiều nước ghi nhận và đánh giá cao. Đây cũng là những đánh giá, nhận xét của các nước tại Phiên đối thoại về Báo cáo quốc gia của Việt Nam theo Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc vừa được tổ chức tại Geneva, Thụy Sĩ. Việt Nam bác bỏ những nhận định không khách quan, mang tính định kiến và không chính xác về tình hình thực tế tại Việt Nam được nêu trong Báo cáo tự do tôn giáo quốc tế năm 2024 của Uỷ ban Tự do Tôn giáo Hoa Kỳ (USCIRF).

2-Lợi dụng việc Việt Nam tiếp tục ứng cử thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc (LHQ) nhiệm kỳ 2026-2028 để xuyên tạc, vu cáo, chống phá Việt Nam.

Tại Phiên họp cấp cao khóa 55 Hội đồng nhân quyền LHQ vừa qua tại Geneva, Thụy Sĩ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tuyên bố Việt Nam tái ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2026-2028. Lợi dụng việc này, các thế lực thù địch, tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí đã xuyên tạc, tuyên truyền chống phá Việt Nam. Các phương tiện truyền thông, mạng xã hội RFA, tổ chức Liên minh xã hội dân sự toàn cầu (CIVICUS) đã tung ra các bài viết công kích tình hình nhân quyền Việt Nam. RFA đã kêu gào “Việt Nam cần thả các tù nhân lương tâm nếu muốn tái cử vào Hội đồng Nhân quyền!”. Trang mạng xã hội của tổ chức khủng bố Việt Tân viết “Theo Báo cáo xếp hạng chỉ số Tự do toàn cầu thường niên năm 2024 của Tổ chức Freedom House, Việt Nam được xếp vào trong nhóm các quốc gia “Không có tự do” với chỉ 19/100 điểm”. Fanpage News BBC Tiếng Việt đăng bài xuyên tạc “làn sóng đàn áp mới khi Việt Nam vẫn muốn có ghế ở Hội đồng nhân quyền LHQ”….

Sự thật là, bạn bè quốc tế luôn đánh giá cao những nỗ lực và thành tựu to lớn mà Việt Nam đạt được trong bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, thể hiện sự tin tưởng của cộng đồng quốc tế đối với chính sách và năng lực của Việt Nam trong thúc đẩy và bảo đảm quyền con người trên thế giới, một trong ba trụ cột chính của Liên Hiệp Quốc. Trong rất nhiều năm qua, đường lối, định hướng phát triển của Việt Nam là hết sức đúng đắn, thể hiện ở chủ trương của Đảng, Nhà nước trong việc hoạch định những chính sách phát triển về quyền con người, lấy con người làm trung tâm. Sự điều hành của Chính phủ Việt Nam cũng hết sức quyết liệt, đạt hiệu quả cao. Trên cơ sở những nỗ lực, ý thức của người dân trong việc chấp hành, làm theo quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước, Việt Nam đã kêu gọi, vận động người dân ủng hộ, tuân thủ chính sách, đồng thời đem lại quyền lợi cho người dân, bảo đảm quyền chính đáng của cộng đồng. Chỉ số phát triển con người (HDI) ở Việt Nam đã tăng 45,8% trong giai đoạn 1990 - 2020, đưa Việt Nam nằm trong danh sách các nước có tốc độ tăng HDI cao nhất trên thế giới. Theo Báo cáo chỉ số hạnh phúc thế giới năm 2023, Việt Nam đứng thứ 65/156 quốc gia và vùng lãnh thổ, tăng 12 bậc so với năm 2022. Các chuyên gia quốc tế nhận định, chỉ số của Việt Nam đã tăng vượt bậc, bắt nguồn từ những ưu tiên, nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc xây dựng, phát triển quyền con người, thúc đẩy bình đẳng xã hội. Và một điều không thể không nhắc tới, đó là những kinh nghiệm, nỗ lực của Việt Nam trong vai trò thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2014-2016, 2023-2025, Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ (2020-2021) đã tạo tiền đề, cơ sở để củng cố niềm tin của bạn bè quốc tế trong việc ủng hộ Việt Nam ứng cử làm thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc nhiệm kỳ 2026-2028.

Nếu trúng cử thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ trong nhiệm kỳ ba năm sắp tới, Việt Nam sẽ đóng góp trực tiếp vào công tác bảo vệ và thúc đẩy quyền con người trên toàn thế giới, là một trong ba nhiệm vụ trụ cột của Liên hiệp quốc. Việt Nam sẽ thúc đẩy các ưu tiên đã được xác định khi tham gia Hội đồng Nhân quyền thông qua đối thoại và hợp tác, nhất là về bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương và bảo đảm quyền con người trong ứng phó với các vấn đề toàn cầu. Điều này không chỉ góp phần giải quyết những quan tâm chung, cấp bách của nhân loại mà còn giúp mở ra những cơ hội chia sẻ và học hỏi những kinh nghiệm tốt, tranh thủ sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, giúp cho người dân Việt Nam được thụ hưởng các quyền con người, quyền công dân ngày càng tốt hơn. Chính vì vậy, Việt Nam tiếp tục ứng cử thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc nhiệm kỳ 2026-2028 là hoàn toàn xứng đáng, không có gì phải bàn cãi.

 

        Đình Bắc

 

 

Lượt xem: 149
Văn bản mới
  • Số 181/HD/BTGTU 26/06/2024 Hướng dẫn Tuyên truyền Chỉ thị số 32-CT/TW và Kế hoạch số 119-KH/TU, ngày 29/5/2024 ...
  • Số 180-HD/BTGTU 24/06/2024 Tuyên truyền Chỉ thị số 31-CT/TW, ngày 19/3/2024 của Ban Bí thư Trung ương Đảng ...
  • Số 827/TB/TU 18/06/2024 Thông báo kết luận của Đồng chí Quyền Bí thư Tỉnh ủy tại buổi gặp ...
  • Số 124/KH/TU 17/06/2024 Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW, ngày 05/02/2024 của Ban Bí thư về ...
  • Số 121 - KH/TU 16/06/2024 Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 27-CT/TW, ngày 25 tháng 12 năm 2023 của ...
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 003184786
  •  Đang online: 150
  •  Trong tuần: 34.224
  •  Trong tháng: 138.404
  •  Trong năm: 885.827