Trước đây, nền kinh tế nước ta vận hành theo cơ chế kế hoạch hóa tập trung quan liêu, bao cấp. Từ năm 1986 đến nay là thời kỳ đổi mới toàn diện, cả cấu trúc, cơ chế vận hành của nền kinh tế nước ta, theo hướng xóa bỏ cơ chế kế hoạch hóa tập trung quan liêu, bao cấp, hình thành thể chế kinh tế thị trường (KTTT) định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN). Kinh tế thị trường định hướng XHCN được Đảng ta xác định là mô hình tổng quát của nước ta trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (CNXH). Phát triển KTTT định hướng XHCN là đường lối, quan điểm, chính sách đổi mới đúng đắn, là sự kế thừa và phát triển về tư duy, lý luận của Đảng ta, có tính khái quát cao, là kết tinh trí tuệ và sức sáng tạo của toàn dân tộc, vừa có tính tổng kết lý luận, vừa có ý nghĩa thực tiễn, phản ánh ý chí và nguyện vọng của toàn Đảng, toàn dân về phát triển đất nước hướng đến mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Sau gần 40 năm đổi mới, Việt Nam đạt được những thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện, tạo nhiều dấu ấn nổi bật. Tuy nhiên, các thế lực thù địch không ngừng tuyên truyền những luận điệu sai trái, xuyên tạc bác bỏ KTTT định hướng XHCN của Việt Nam. Vấn đề này, đòi hỏi cần tỉnh táo nhận diện và kiên quyết đấu tranh phản bác những quan điểm sai trái, xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta.
Kinh tế thị trường XHCN là sự tìm tòi, thể hiện cả về lý luận và thực tiễn của CNXH trong thời đại ngày nay. Đây cũng là bước đột phá trong tư duy lý luận của Đảng ta trong thời kỳ đổi mới, là sự lựa chọn khách quan, phù hợp với xu thế vận động chung của nền kinh tế thế giới. Tuy nhiên, khi đề cập đến mô hình kinh tế này, một số luận điểm cho rằng KTTT và định hướng XHCN như “nước và lửa”, không thể kết hợp với nhau. Họ khẳng định: KTTT là của chủ nghĩa tư bản (CNTB), rằng KTTT không dung hợp với CNXH, việc chuyển sang KTTT là chuyển sang CNTB, rằng đó chỉ là “tấm áo khoác CNXH” cho nội dung TBCN, rằng đó là “râu ông nọ cắm cằm bà kia”, là “đầu Ngô mình Sở”. Có người còn ví von bằng hình ảnh rằng nền KTTT như con “hổ đói”, còn định hướng XHCN là “con thỏ non”, nếu thả chung với nhau, KTTT sẽ ăn thịt định hướng XHCN.
Thực tiễn cho thấy những quan niệm nêu trên, nếu không phải là những luận điệu ác ý của các thế lực thù địch thì cũng là những quan niệm phiến diện của những người ít tiếp nhận thông tin. Phải chăng, các quan điểm này có cội nguồn lý luận từ thuyết xã hội hậu công nghiệp nêu ra từ những năm 60 của thế kỷ XX. Đây là sự xuyên tạc thiếu căn cứ bởi lẽ, thực tế lịch sử cho thấy, kể từ khi xã hội phân chia thành giai cấp cùng với sự xuất hiện của nhà nước thì nền kinh tế ở bất kỳ quốc gia nào cũng đều chịu sự định hướng chính trị của một giai cấp nhất định trong xã hội. Đó là giai cấp nắm trong tay quyền lực nhà nước, thông qua nhà nước, giai cấp cầm quyền đề ra những chủ trương, chính sách để bảo vệ lợi ích của mình, trước hết là lợi ích kinh tế. Thật vậy, nếu kinh tế thị trường TBCN được định hướng bởi nền chính trị, nhà nước của giai cấp tư sản, nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng tối đa phục vụ tốt nhất cho lợi ích của giai cấp tư sản thì KTTT, định hướng XHCN được định hướng bởi nền chính trị của giai cấp công nhân - giai cấp có lợi ích cơ bản thống nhất với lợi ích của Nhân dân lao động và toàn thể dân tộc. Bởi thế, một trong những nét đặc sắc mang bản chất của KTTT định hướng XHCN là tăng trưởng kinh tế phải gắn liền với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội trong từng bước đi, từng chính sách và suốt quá trình phát triển, không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.
Lịch sử hình thành và phát triển của xã hội loài người cho thấy: KTTT không đồng nhất hoặc là sản phẩm riêng có của CNTB, đó là thành tựu phát triển cao của nền văn minh nhân loại, không thể và chưa bao giờ là độc quyền của CNTB. Điều này đồng nghĩa với sự bình đẳng của mọi quốc gia có thể chế chính trị khác nhau, trong đó các nước XHCN có thể sử dụng mô hình kinh tế này để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển theo mục đích của mình. Mặc dù sự phát triển của KTTT có gắn bó chặt chẽ với các giai đoạn phát triển của CNTB, nhưng nó không đồng nghĩa với CNTB. Kinh tế thị trường tồn tại và phát triển khi sản xuất và trao đổi hàng hóa phát triển một cách phổ biến trong nền kinh tế trên các nguyên tắc của thị trường tức là quan hệ hàng hóa - tiền tệ, giá cả hình thành trên thị trường và được quyết định bới quan hệ cung - cầu trên thị trường... Kinh tế thị trường tồn tại và phát triển trong CNTB và cả trong CNXH. Vì lẽ đó, KTTT không chỉ dung hợp với CNTB mà còn dung hợp được với CNXH. Không nên quan niệm chỉ là “mượn” hoặc sử dụng KTTT như là một yếu tố ngoại lai, đứng bên ngoài mô hình phát triển kinh tế. Cần nhấn mạnh rằng: KTTT còn là phương thức phát triển kinh tế dựa trên những nguyên tắc của thị trường có sự điều tiết của nhà nước. Nó không thể quyết định bản chất và định hướng phát triển của một chế độ xã hội. Bản chất của chế độ chính trị - xã hội quyết định bản chất của nền KTTT.
Có thể khẳng định, chỉ phát triển có hiệu quả nền KTTT hiện đại thì mới có khả năng thực hiện thành công công nghiệp hóa rút ngắn ở Việt Nam. KTTT phải là một yếu tố nội tại bền vững trong mô hình kinh tế tổng quát định hướng XHCN ở nước ta. Nền kinh tế định hướng XHCN ở nước ta không thể là nền kinh tế phi thị trường.
Tư duy mới của Đảng về cấu trúc tổng thể mô hình phát triển kinh tế được thể hiện và phát triển trong các Văn kiện Đại hội của Đảng lần thứ VI, VII, VIII, IX, X, XI, XII và XIII là đủ rõ ràng trên những định hướng cơ bản, có tính nguyên tắc. Đặc biệt, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội được Đại hội toàn quốc lần thứ VII của Đảng thông qua đã luận giải cơ sở khoa học và thực tiễn của tính tất yếu khách quan của sự lựa chọn con đường xây dựng CNXH, phân tích các đặc trưng thuộc về bản chất của xã hội XHCN và những quan điểm tổng quát về phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng XHCN ở nước ta.
Kế thừa và phát triển nhận thức về nền KTTT định hướng XHCN qua các kỳ Đại hội Đảng từ khi đổi mới đến nay, Báo cáo chính trị Đại hội XIII đánh giá: “Nhận thức về nền KTTT định hướng XHCN ngày càng đầy đủ hơn. Hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách tiếp tục được hoàn thiện phù hợp với yêu cầu xây dựng nền KTTT hiện đại và hội nhập quốc tế. Các yếu tố thị trường và các loại thị trường từng bước phát triển đồng bộ, gắn với thị trường khu vực và thế giới. Nhiều rào cản tham gia thị trường được dỡ bỏ, môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện rõ rệt, khởi nghiệp sáng tạo và phát triển doanh nghiệp khá sôi động. Doanh nghiệp nhà nước từng bước được sắp xếp, tổ chức lại có hiệu quả hơn; kinh tế tư nhân ngày càng được khẳng định là một động lực quan trọng của nền kinh tế; kinh tế tập thể từng bước đổi mới gắn với cơ chế thị trường; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài phát triển nhanh, là bộ phận quan trọng của nền kinh tế nước ta”.
Tuy nhiên, Văn kiện Đại hội XIII khẳng định: “Thể chế KTTT định hướng XHCN còn nhiều vướng mắc, bất cập. Năng lực xây dựng thể chế còn hạn chế; chất lượng luật pháp và chính sách trên một số lĩnh vực còn thấp. Môi trường đầu tư, kinh doanh chưa thực sự thông thoáng, minh bạch. Chưa tạo được đột phá trong huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực phát triển. Thể chế phát triển, điều phối kinh tế vùng chưa được quan tâm và chậm được cụ thể hóa bằng pháp luật nên liên kết vùng còn lỏng lẻo”.
Vì vậy, hoàn thiện toàn diện, đồng bộ thể chế KTTT định hướng XHCN trong những năm tới cần tập trung vào việc thống nhất và nâng cao nhận thức về phát triển KTTT định hướng XHCN; xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ; nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế. Đồng thời, cần nhận rõ những luận điệu xuyên tạc bản chất mô hình KTTT định hướng XHCN ở nước ta hiện nay của các thế lực thù địch đều nhằm mục đích duy nhất là làm chệch hướng XHCN trong phát triển KTTT, từ đó làm chệch quỹ đạo xây dựng CNXH ở nước ta. Cần hết sức tỉnh táo nhận diện và kiên quyết đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, tiếp tục giữ vững niềm tin vào con đường mà Đảng và Nhân dân ta đã chọn./.
Hà Phúc Lâm