VẤN NẠN TIN GIẢ VÀ VAI TRÒ CỦA NHỮNG NGƯỜI LÀM BÁO CÁCH MẠNG In trang
15/12/2020 10:24 SA

             Chúng ta đang sống trong một “thế giới thông tin” thật giả đen xen vô cùng phức tạp, thế giới mà chưa bao giờ “người đưa tin” nhiều như lúc này. Nếu trước đây, “người đưa tin” phải là nhà báo chuyên nghiệp hoặc các cộng tác viên, thì hôm nay hầu như hễ ai có điện thoại di động trong tay, họ cũng có thể làm “người đưa tin”.

Có điện thoại thông minh là thế giới đã trong tầm tay
Có điện thoại thông minh là thế giới đã trong tầm tay

Chúng ta đang sống trong một thế giới mà dường như không có tường rào thông tin nào chắc chắn, nó xuyên biên giới, xuyên lục địa. Ngồi ở Việt Nam chúng ta có thể nhìn, nghe và thấy những sự kiện ở khắp 5 châu, 4 biển. Chúng ta không phải chờ đợi đón tin trong khung giờ thời sự của các Đài Phát thanh, Truyền hình hay phải đợi báo in theo định kỳ phát hành mà chỉ cần có chiếc điện thoại thông minh là thế giới đã ở trong tầm tay thông qua rất nhiều các trang mạng xã hội. Theo số liệu thống kê, tính đến tháng 1/2020, Việt Nam có khoảng 65 triệu người sử dụng các phương tiện truyền thông thông minh để giải trí, chia sẻ thông tin…Đây là con số khổng lồ mà chỉ 7 năm trước không ai có thể nghĩ tới.

Chúng ta cũng đang sống trong một thế giới mà tốc độ lan truyền thông tin vượt qua cả tốc độ âm thanh và ánh sáng. Chỉ cần một dòng trạng thái, một dòng thông tin nào đó được ấn nút, thì ngay lập tức thông tin đó được tiếp nhận trên một phạm vi vô cùng rộng lớn…

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Và những thủ đoạn…tin giả

Sự phát triển vượt trội của công nghệ thông tin đã làm biến đổi rất nhiều đời sống xã hội; nó hấp dẫn và chi phối mọi hoạt động của con người. Nó trở thành một thứ quyền lực mềm, nhiều lợi ích nhưng cũng tác hại khôn lường. Một trong những tác hại khôn lường đó, chính là vấn nạn tin giả, nhất là tin giả trên lĩnh vực chính trị. Những thế lực thù địch lợi dụng sự phát triển công nghệ, dùng thủ đoạn tin giả phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng. Điều cực kỳ nguy hiểm là thủ đoạn “giả trong thật, thật trong giả”; biến hiện tượng thành bản chất, tốt thành xấu, hòng làm mất uy tín, mất lòng tin của Nhân dân vào Đảng.

Xin nêu ra đây một số thủ đoạn tin giả đáng chú ý:

- Một là, thủ đoạn "dán nhãn":

Theo thủ đoạn này, họ bịa ra những thông tin không có thật được ngụy trang trong cái vỏ bọc xấu xí, kích động dư luận lên án mà không cần xem xét bằng chứng.

- Hai là, thủ đoạn "khái quát bóng bẩy":

Dùng những sự kiện có thật làm vỏ bọc cho những thông tin giả, xuyên tạc Đảng, xuyên tạc chế độ rồi đưa ra những lời lẽ đức hạnh kêu gọi dân chủ, nhân quyền...

Ví dụ: Chúng bịa ra thông tin rằng đảo Gạc Ma của chúng ta mất về tay Trung Quốc là do mệnh lệnh của Đảng “không được nổ súng” dù chúng biết rằng mệnh lệnh lúc bấy giờ là “không được nổ súng trước”. “Không được nổ súng” và “không được nổ súng trước” hoàn toàn khác về bản chất và mục đích. Từ đó chúng xuyên tạc rằng: “ Đảng Cộng sản Việt Nam ác với dân, hèn với giặc”.

Chúng dùng những thông tin giả để xuyên tạc Luật An ninh mạng, loan truyền rằng Đảng, Nhà nước tước đoạt quyền tự do ngôn luận, bịt miệng dân, dù chúng biết rằng Luật an ninh mạng không hề cấm quyền tự do ngôn luận và Luật này không chỉ có ở Việt Nam mà rất nhiều nước trên thế giới đã ban hành.

Họ bịa ra những thông tin về mất quyền tự tự do báo chí, và rằng báo chí Việt Nam phải đi qua nhiều tầng kiểm duyệt, trong đó có sự kiểm duyệt gắt gao của hệ thống Tuyên giáo dù chúng biết rằng, báo chí Việt Nam hoạt động theo luật, không hề bị kiểm duyệt, các tổng biên tập là người chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động báo chí, còn Tuyên giáo chỉ là định hướng thông tin. Kiểm duyệt và định hướng hoàn toàn khác biệt về bản chất.

Từ những thông tin giả được ngụy trang bằng những sự kiện, những vấn đề có thật, chúng đưa ra những lời lẽ đức hạnh về bảo vệ quyền tự do của con người, quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận, đòi thành lập báo chí tư nhân, lập ra cái tổ chức phi pháp gọi là Hội Nhà báo độc lập Việt Nam...

+ Ba là, thủ đoạn "chuyển tải":

Với thủ đoạn này, họ thường dẫn lời các vị lãnh đạo của Trung ương, của địa phương và những người có uy tín trong xã hội; lợi dụng vào uy tín, quyền hạn và sự nổi tiếng của những người đó để chuyển tải những thông tin giả mạo rồi quy kết thành bản chất để người nghe tôn trọng và chấp nhận.

+ Bốn là: Thủ đoạn (quân bài gian lận)

Lợi dụng sự kiện, vấn đề có thật rồi cài cấy những thông tin, những chi tiết không có thật để xuyên tạc sự thật nhằm đánh lừa độc giả, lôi kéo chống Đảng, Nhà nước, bài xích chế độ.

- Năm là: Thủ đoạn “Nhất, nhất huyệt”

Khoét sâu những chi tiết có thật nhưng được cắt xén rồi đánh tráo bản chất; khai thác thông tin về việc xin ra khỏi đảng của một số người bất mãn rồi thổi phồng lên rằng đảng viên xin ra khỏi đảng như “nấm sau mưa”, từ đó kêu gọi “bài đảng”…

Ảnh minh họa ST
Ảnh minh họa ST

- Sáu là: Thủ đoạn “Mưa dầm thấm lâu”

Chúng triệt để lợi dụng các trang mạng xã hội để loan truyền tin giả, rồi bình luận, xuyên tạc quan điểm, đường lối lãnh đạo của Đảng, Nhà nước ta với thủ đoạn nói một lần chưa tin, nói vài ba lần thì hơi tin, nói nhiều lần, rất nhiều lần sẽ có rất nhiều người tin... từ đó kích động chống phá Đảng…

Hiện nay, khi Đảng ta chuẩn bị Đại hội lần thứ XIII, chúng đẩy mạnh cường độ, mật độ thông tin giả để đánh vào cán bộ, đảng viên, làm thay đổi bản chất tốt đẹp đối với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; xuyên tạc chính quyền; áp đặt quan điểm coi “Đảng mắc sai lầm trong việc kiên định quá lâu mô hình chủ nghĩa xã hội kiểu Xô-Viết và rằng chủ nghĩa Mác – Lênin – một mô hình lạc hậu của một hệ thống tư tưởng lỗi thời, từ lâu đã bị xếp vào kho tàng lịch sử…Từ đó, đòi thay đổi chế độ; kêu gọi đa nguyên, đa đảng.

Những Fanpage, website mạo danh lãnh đạo Đảng, Nhà nước
Những Fanpage, website mạo danh lãnh đạo Đảng, Nhà nước

Vai trò của người làm báo cách mạng

Thực trạng trên đang là thử thách lớn cho những người làm báo trong đấu tranh, loại trừ tin giả, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, ổn định tư tưởng trong Nhân dân. Đây không phải là cuộc chơi “con chữ” mà là một “cuộc chiến thông tin”.

Để chủ động và giành thắng lợi, trước hết mỗi người làm báo, mỗi một hội viên hội Nhà báo và cơ quan báo chí bắt buộc phải thực hiện nghiêm 10 điều quy định đạo đức người làm báo, trong đó điều thứ nhất được quy định là: “Trung thành với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; vì lợi ích của đất nước, vì hạnh phúc của Nhân dân; góp phần nâng cao uy tín, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế”. Có 4 yêu cầu để thực hiện tốt điều này:

 

Một là: Báo chí nói chung, hội viên nhà báo và người làm báo nói riêng phải giữ cho được “ngọn lửa truyền thống” của báo chí cách mạng Việt Nam, không được tách rời lòng yêu nước với yêu nghề; bởi yêu nghề mà không yêu nước đối với nhà báo sẽ là mối nguy cho chế độ và xã hội.

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, nhà báo Hồ Quang Lợi cho rằng: “Có một chiều hướng là không ít người (trong đó có cả nhà báo) chỉ thấy những hạn chế, tiêu cực diễn ra trên các lĩnh vực đời sống xã hội, chỉ biết chê bai, phê phán như người ngoài cuộc mà không hề đề xuất những giải pháp có hiệu quả. Có một hiện tượng không còn là đơn lẻ nữa là gần đây, có không ít nhà báo và một số tờ báo chỉ cảm thấy "hứng thú" khi viết về mặt trái, các vụ tiêu cực, các tệ nạn xã hội mà không chú trọng đúng mức tới việc phát hiện những nhân tố mới, những mặt tốt vẫn là một hiện thực sống động không thể phủ nhận ở nước ta thời đổi mới.

Nhà báo phải thấy rằng, quần chúng Nhân dân không mất lòng tin vào đường lối, không mất lòng tin vào Ðảng mà chỉ mất lòng tin vào một số đảng viên, cán bộ tham nhũng, suy thoái tư tưởng, đạo đức, lối sống.

Lòng yêu nước của một nhà báo không phải chỉ thông tin biểu dương, ca ngợi một chiều; lòng yêu nước của nhà báo cũng không phải ở chỗ chỉ chống tiêu cực, phản ánh những mặt trái xã hội mà lòng yêu nước của một nhà báo chân chính là sự “hài hòa” giữa chống và xây, định hướng dư luận đến những giá trị nhân văn tốt đẹp; chung tay xây dựng " Ðảng ta là đạo đức, là văn minh". Tuyệt đối cảnh giác, không để các thế lực thù địch lợi dụng thông tin để chống phá Đảng, chống phá chế độ.

Hai là: Nhà báo phải thường xuyên trui rèn bản lĩnh; muốn trui rèn bãn lĩnh thì phải nâng tầm trí tuệ, trau dồi lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Nhà báo thiếu bản lĩnh, trí tuệ sẽ “ngã nghiêng, dao động” và “thiếu lửa, thiếu tầm”; dễ dàng quỵ ngã bởi cái tôi nhu nhược và dục vọng tầm thường.

Ba là: Nhà báo phải nêu cao trách nhiệm đối với quốc gia, dân tộc; trách nhiệm đối với Đảng, Nhà nước và công chúng; trách nhiệm đối với bổn báo và trách nhiệm đối với ngòi bút của chính mình. Thiếu trách nhiệm sẽ dẫn đến thờ ơ, hời hợt, cạn nông, thậm chí là vô cảm.

Bốn là: Không ngừng phổ cập và rèn luyện kỹ năng tác nghiệp báo chí. Thiếu phổ cập, lười rèn luyện là đồng nghĩa với sự tụt lùi, bảo thủ, trì trệ, sáo mòn, sáo rỗng, ngược với hoạt động báo chí là hoạt động sáng tạo.

Điều 5 trong 10 điều quy định đạo đức người làm báo đã quy định rõ người làm báo phải: “Chuẩn mực và trách nhiệm khi tham gia mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khác”. Đây là yêu cầu mang tính bắt buộc. Người làm báo có quyền tiếp nhận, khai thác thông tin trên mạng xã hội để làm cho tác phẩm báo chí của mình sâu sắc, hấp dẫn, giúp cho bổn báo có nhiều thông tin phong phú, đáp ứng nhu cầu của người đọc, người nghe, người xem nhưng phải nghiêm túc thẩm định nguồn tin; sự thật hay phi sự thật? sự thật bao nhiêu? Nên hay không nên sử dụng? sử dụng nó như thế nào? Trách nhiệm ở đây cũng được hiểu là trách nhiệm của người làm báo trong “nắn dòng” thông tin, bác bỏ tức thì những tin giả, tin bịa, kịp thời định hướng dư luận…

Đó là những vấn đề cốt lõi của người làm báo trong thời đại 4.0. Và để thực hiện, ngoài sự tự thân của người làm báo, Hội Nhà báo tỉnh cần phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Thông tin - Truyền thông và các cơ quan chức năng khác, xây dựng đội ngũ chủ lực “tác chiến không gian mạng” mà nòng cốt là hội viên, nhà báo. Hình thành lực lượng thành viên, có cả những người đang công tác ở Trung tâm văn hóa thông tin ở các  huyện; chủ động loan tin, chia sẻ những sự kiện quan trọng, những vấn đề dư luận quan tâm; kịp thời nắn dòng thông tin sai lệch để định hướng dư luận; triệt tiêu các tác động tiêu cực của thông tin giả đối với đời sống chính trị, xã hội, góp phần giữ vững an ninh tư tưởng, xây dựng Đảng, bảo vệ chế độ…

Hoài Trung

Lượt xem: 1.510
Văn bản mới
  • Số 92-KH/BTGTU 19/12/2024 Kế hoạch tổ chức chào cờ và sinh hoạt chính trị năm 2025
  • Số 1492-CV/BTGTU 18/12/2024 Tuyên truyền kết quả kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV
  • Số 204-HD/BTGTU 09/12/2024 Hướng dẫn tuyên truyền kỷ niệm 300 năm Ngày sinh Hải Thượng Lãn Ông Lê ...
  • Số: 1720/STTTT - TTr 06/12/2024 Về việc cảnh báo thủ đoạn cắt ghép hình ảnh cá nhân vào clip “nhạy ...
  • Số 203-HD/BTGTU 04/12/2024 Nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền Kết luận số 91-KL/TW, ngày 12/8/2024 của ...
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 004343643
  •  Đang online: 231
  •  Trong tuần: 231
  •  Trong tháng: 134.334
  •  Trong năm: 2.044.684