TƯ TƯỞNG CHỌN NGƯỜI TÀI CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH In trang
12/05/2016 12:00 SA

Tổ chức là một công việc phức tạp, nhưng có thể gói gọn trong một câu nói là: Biết cách dùng người.

Biết cách dùng người là việc lớn, có ý nghĩa, thể hiện tầm trí tuệ, tài năng lãnh đạo lớn nhất của người lãnh đạo. Lịch sử dân tộc cho thấy trong các triều đại phong kiến Việt Nam, những bậc “minh quân” luôn mong muốn có nhiều nhân tài, cùng góp công sức và trí tuệ để xây dựng triều đại thịnh trị, làm cho “Quốc thái dân an” như: Vua Lê Thái Tổ trong “Chiếu Cầu hiền” đã viết: “Người tài ở đời cố nhiên là không ít, nên đường lối tìm người cũng không phải có một phương”. Các vương triều đã có nhiều cách khác nhau để phát hiện và tuyển chọn nhân tài ra giúp nước như thi tuyển, tiến cử và tự tiến cử; trong đó phương thức tự tiến cử là hình thức thường xuất hiện nhiều, những khi đất nước gặp khó khăn, nhân tài muốn đem tài năng của mình để giúp nước, cứu dân. Trong lịch sử, Vua Quang Trung là người vô cùng sâu sắc trong vấn đề cầu hiền tài. Sau khi lên ngôi ông lập tức ra “Chiếu cầu hiền”, “Chiếu lập học” như: “Xây dựng đất nước lấy việc khuyến học làm đầu. Tìm lẽ trị binh lấy tuyển nhân tài làm gốc”…

Như vậy, cùng với quá trình dựng và giữ nước trong chiều dài lịch sử dân tộc, cha ông ta đã để lại kinh nghiệm quý báu, những tấm gương, những đúc kết của “phép trị nước”, đó là tuyển chọn và sử dụng người hiền tài. Trên thực tế, ở dải đất hình chữ S này "Hào kiệt thời nào cũng có". Lịch sử cũng để lại nhiều bài học đắt giá, khi vua không minh lại thiếu tướng hiền thì đất nước dễ rơi vào nạn giặc giã và bị các tai ương khác rình rập.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp thu bài học lịch sử, những quan niệm truyền thống về cầu người hiền tài, coi đó là nhân tố có tính quyết định thắng lợi của sự nghiệp cách mạng. Trong thực tiễn lãnh đạo sự nghiệp cách mạng, Hồ Chí Minh trở thành người thầy tiêu biểu trong cách tuyển dụng nhân tài để trị nước trong bối cảnh mới của đất nước, nhằm thực hiện mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, Hồ Chí Minh không đưa ra những quan điểm mang tính “chỉ giáo” về việc sử dụng người hiền tài, nhưng đã thực hiện thành công việc huy động, tập hợp nhân tài của đất nước, bồi dưỡng, giáo dục và rèn luyện họ trở thành lực lượng nòng cốt của cách mạng, cả trong giai đoạn đấu tranh và xây dựng Tổ quốc. Hồ Chí Minh đã đúc kết những tư tưởng tiến bộ trong lịch sử dân tộc về sử dụng người hiền tài.

Năm 1924, sau hơn một thập niên bôn ba ở nước ngoài, khảo sát thực tiễn cách mạng thế giới, Hồ Chí Minh tiếp nhận và đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, ánh sáng chân lý của thời đại, từ đó hình thành con đường cách mạng Việt Nam, Người trở về Quảng Châu (Trung Quốc), nơi sát biên giới Việt Nam để chuẩn bị về tổ chức, tư tưởng và lực lượng cách mạng. Năm 1925, Hồ Chí Minh trực tiếp thành lập tổ chức Hội Việt Nam cách mạng thanh niên, tập hợp những người trẻ tuổi, giàu nhiệt tình yêu nước, có tri thức, là sự mở đầu cho việc cầu hiền tài của Người, chứng tỏ Người sớm nhận thức được vị trí, tầm quan trọng của nhân tài đối với sự nghiệp cách mạng.Thực tiễn cách mạng đã minh chứng, những thanh niên ưu tú do Hồ Chí Minh tuyển chọn, bồi dưỡng, giáo dục và rèn luyện thực sự trưởng thành qua đấu tranh cách mạng, trở thành đội ngũ tiên phong góp phần quan trọng đưa cách mạng vượt qua mọi khó khăn, thử thách đi đến thắng lợi.

Sau Cách mạng tháng Tám, ngày 20/11/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra văn bản Tìm người tài đức đăng trên báo Cứu quốc số 411. Văn bản này giống như “Chiếu cầu hiền” của các bậc minh quân ở triều đại phong kiến tiến bộ nước ta trong lịch sử. “Tìm người tài đức” của Bác Hồ là văn kiện có giá trị vô cùng to lớn của Đảng và Nhà nước ta về chủ trương trọng dụng nhân tài, chẳng những có giá trị trọng đại lúc đương thời, mà còn có giá trị và ý nghĩa lớn lao đối với sự hưng thịnh của đất nước và dân tộc muôn đời sau. Văn bản nêu rõ "Nhà nước cần phải kiến thiết. Kiến thiết cần phải có nhân tài. Trong số 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài, có đức. E vì Chính phủ nghe không đến, thấy không khắp, đến nỗi những bậc tài đức không thể xuất thân. Khuyết điểm đó, tôi xin thừa nhận". Hồ Chủ tịch cũng đề xuất sửa đổi khuyết điểm bằng cách chiêu mộ người tài: "Nay muốn sửa đổi điều đó và trọng dụng những kẻ hiền năng, các địa phương phải lập tức điều tra nơi nào có người tài đức, có thể làm được những việc ích nước lợi dân thì phải báo cáo ngay cho Chính phủ biết. Báo cáo phải nói rõ tên tuổi, nghề nghiệp, tài năng, nguyện vọng và chỗ ở của người đó".

Đây chính là tầm nhìn chiến lược, thực sự cầu thị, hết sức sáng suốt và đúng đắn của Bác về vấn đề nhân tài. Bởi Bác thấy rất rõ, rất sâu vai trò của nhân tài đối với sự nghiệp kháng chiến và kiến quốc, đồng thời thể hiện một cách chân thành tư tưởng trọng dụng nhân tài, “chiêu hiền đãi sĩ”, vốn là bản chất cao cả của các bậc vĩ nhân.

Từ lời kêu gọi của Người, nhiều người tài đức, các nhân sĩ, trí thức ở trong nước và ngoài nước đã theo Đảng, Bác Hồ, đóng góp trí tuệ và tài sản cá nhân cho hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, cũng như cho công cuộc xây dựng hòa bình. Từ các vị quan chức cấp cao của triều Nguyễn như: Phan Kế Toại, Bùi Bằng Đoàn, Phạm Khắc Hòe... các bậc danh nho như các cụ: Huỳnh Thúc Kháng, Võ Liêm Sơn, Nguyễn Văn Tố... đến các trí thức tài giỏi như: Phan Anh, Tạ Quang Bửu, Vũ Đình Tụng, Nguyễn Văn Huyên, Hoàng Minh Giám, Phạm Huy Thông, Trần Văn Giầu, Trần Đại Nghĩa, Phạm Ngọc Thạch, Tôn Thất Tùng… đều xuất thân giúp nước.

Nhờ biết phát hiện, trọng dụng những người có tài năng, đức độ, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ lâm thời, Chính phủ Liên hiệp kháng chiến, trong một thời gian ngắn phải đối phó với vô vàn khó khăn về văn hóa - xã hội và nạn thù trong, giặc ngoài, đã xây dựng và ban hành được hệ thống thể chế, kiến tạo được bộ máy, quy tụ và tập hợp được đội ngũ cán bộ, công chức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ chính quyền cách mạng và kháng chiến kiến quốc. Đó là kết quả cụ thể minh chứng cho tài năng và nghệ thuật trọng dụng nhân tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thực tiễn xây dựng chính quyền cách mạng, kháng chiến kiến quốc mà đến nay chúng ta vẫn và sẽ phải tiếp tục học tập, noi theo.

Có thể nói, Chủ tịch Hồ Chí Minh là một mẫu mực tuyệt vời, tiêu biểu nhất về việc trọng dụng nhân tài. Tư tưởng tìm và trọng dụng người tài của Bác cần tiếp tục được quán triệt và phát huy để đội ngũ cán bộ của chúng ta ngày càng trưởng thành, lớn mạnh, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp đổi mới.

Hồng Vĩnh

Lượt xem: 4.232
Văn bản mới
  • Số 92-KH/BTGTU 19/12/2024 Kế hoạch tổ chức chào cờ và sinh hoạt chính trị năm 2025
  • Số 1492-CV/BTGTU 18/12/2024 Tuyên truyền kết quả kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV
  • Số 204-HD/BTGTU 09/12/2024 Hướng dẫn tuyên truyền kỷ niệm 300 năm Ngày sinh Hải Thượng Lãn Ông Lê ...
  • Số: 1720/STTTT - TTr 06/12/2024 Về việc cảnh báo thủ đoạn cắt ghép hình ảnh cá nhân vào clip “nhạy ...
  • Số 203-HD/BTGTU 04/12/2024 Nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền Kết luận số 91-KL/TW, ngày 12/8/2024 của ...
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 004343699
  •  Đang online: 287
  •  Trong tuần: 287
  •  Trong tháng: 134.390
  •  Trong năm: 2.044.740