70 năm trước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói về trách nhiệm của những người đại biểu đại diện quyền lực của nhân dân: “Tổng tuyển cử là một dịp cho toàn thể quốc dân lựa chọn những người có tài, có đức để gánh vác công việc nước nhà”; “những người trúng cử sẽ phải ra sức giữ vững nền độc lập của Tổ quốc, ra sức mưu cầu hạnh phúc của đồng bào. Phải luôn luôn nhớ và thực hành câu: vì lợi nước, quên lợi nhà, vì lợi chung, quên lợi riêng. Phải làm sao cho xứng đáng với đồng bào, cho xứng đáng với Tổ quốc”.
Trong bài nói chuyện với đồng bào Thủ đô nhân dịp mừng kỳ họp thứ nhất Quốc hội khoá II, Hồ Chí Minh nêu rõ hơn về phẩm chất của người đại biểu Quốc hội, Người nói: “Tất cả đại biểu Quốc hội hứa với đồng bào là được cử vào Quốc hội để làm đại biểu Quốc hội không phải là để làm quan, không phải là để ngồi trên ăn trốc mà là người đầy tớ tuyệt đối trung thành của đồng bào”. “Quốc hội phải có những đại biểu thật xứng đáng, những đại biểu một lòng một dạ phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân và phục vụ chủ nghĩa xã hội”.
Từ lời dạy của Người, chuẩn mực của đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân được xác định cụ thể: Trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; Có phẩm chất đạo đức tốt, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật; Có bản lĩnh, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền và các hành vi vi phạm pháp luật khác; Có trình độ văn hóa, chuyên môn, có đủ năng lực, sức khỏe, kinh nghiệm công tác và uy tín để thực hiện nhiệm vụ đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân; Liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân, được nhân dân tín nhiệm; Có điều kiện tham gia các hoạt động của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.
Trong suốt 70 năm, kể từ ngày Tổng tuyển cử đầu tiên, phẩm chất chung nhất của người đại diện ý chí và quyền lực của nhân dân dù ở tầm cả nước hay ở địa phương không gì khác hơn “tài và đức”. Chính nhờ “tài và đức”, Quốc hội Việt Nam dù phải trải qua bao gian khổ, khó khăn thời chiến, đầy dẫy thách thức thời bình vẫn có những quyết sách “đại thành công” trong sự nghiệp giải phóng thống nhất đất nước, giữ yên bờ cõi; xã hội phồn vinh.
Không phủ nhận rằng, hoạt động Quốc hội, Hội đồng nhân dân tuy có lúc thăng trầm, có lúc chưa làm thỏa mãn lòng dân nhưng sự đổi mới, tiến bộ qua mỗi nhiệm kỳ Quốc hội cũng như Hội đồng nhân dân các cấp là điều ai ai cũng thấy. Tình trạng “Nghị gật”, “hữu danh, thiếu trách nhiệm” từng bước bị đào thải; Dân chủ nghị trường ngày càng được cải thiện và phát huy; Tiếng nói lòng dân từ mọi miền đất nước, kể cả kiều bào ở nước ngoài thực sự được tôn trọng. Đã có rất nhiều đại biểu của dân thực hiện quyền chất vấn công khai, đặt đúng và trúng vấn đề, không giấu giếm, úp mở đối với các thành viên Chính phủ về mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội, đặc biệt là những vấn đề mà nhân dân quan tâm, bức xúc, kiến nghị. Không ít đại biểu của dân tỏ rõ chính kiến của mình, phê bình trực tiếp đối với các thành viên Chính phủ thiếu sâu sát thực tiễn, trả lời qua loa, chiếu lệ mà nổi bật là các đại biểu ở TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Lâm Đồng, Đà Nẵng, Quảng Nam, Khánh Hòa, Nghệ An, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Bình Dương, Tiền Giang, Đồng Nai... Nhiều đại biểu của dân (dù chưa là tất cả) đã đưa hơi thở cuộc sống vào nghị trường, thể hiện quyền giám sát của dân thông qua các tranh luận thậm chí là “nẩy lửa”. Có thể nói, những đổi mới, những thành công của Quốc hội khóa XII, XIII và bản lĩnh nghị trường của các đại biểu Quốc hội cũng như đại biểu Hội đồng nhân dân là cơ sở để cử tri trong cả nước bầu chọn hiền tài phụng sự cho nước, cho dân.
Đất nước bước vào giai đoạn mới 2016 – 2020 với nhiều thời cơ, thách thức đan xen. Đây là giai đoạn đẩy mạnh hội nhập quốc tế; Công nghiệp hóa, hiện đại hóa; Bảo vệ chủ quyền biển đảo; Tiếp tục cải cách nền hành chính và quyết liệt chống tham nhũng, lãng phí, vì vậy, đi bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, nhiệm kỳ 2016 – 2021, cũng có nghĩa là chúng ta cùng nhau đi chọn người tài, đức có đầy đủ khả năng đại diện quyền lực cho nhân dân; Có trình độ lý luận, có năng lực thực tiễn; Trọng dân, hiểu dân, lắng nghe dân nói và trên hết đó phải là những con người có “bản lĩnh nghị trường”, dám nói, nói đúng, nói trúng, không né tránh, không ngại va chạm, sẵn sàng tranh luận vì lợi ích quốc gia, dân tộc; Vì chủ nghĩa xã hội, dân giàu nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Nhà nước ta là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; mọi quyền lực đều thuộc về nhân dân. Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, đại diện cho ý chí và quyền lực của nhân dân; Hội đồng nhân dân các cấp là cơ quan quyền lực cao nhất của nhân dân ở địa phương. Điều đó đã được quy định rõ ràng tại Hiến pháp 2013. Vấn đề ở chỗ, phát huy quyền lực đó như thế nào, ý chí, nguyện vọng của nhân dân được thể hiện đến đâu là do nơi thừa hành bổn phận và “bản lĩnh nghị trường” của mỗi một đại biểu Quốc hội, mỗi một đại biểu Hội đồng nhân dân. Thế nên, mỗi lá phiếu trong ngày 22-5-2016 là trách nhiệm cao cả của mỗi cử tri đối với ngày mai của đất nước, địa phương.