Công cuộc đổi mới ở nước ta đã được tiến hành 30 năm, trong đổi mới thì trước hết là đổi mới tư duy tức là đổi mới cách nghĩ, nâng cao nhận thức, từ đó, đổi mới cách làm chủ yếu là làm kinh tế. Cho đến nay thì sự phát triển về kinh tế đang diễn ra với tốc độ cao, tuy nhiên, những khái niệm đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức vẫn là vấn đề mang tính thời sự.
Tư duy thực chất là tên gọi của hoạt động não người, khi người ta tư duy chính là suy nghĩ, kết quả của suy nghĩ ấy chính là nhận thức. Như vậy, tư duy và nhận thức có mối quan hệ chặt chẽ, nhận thức là sản phẩm của tư duy. Cho nên, thực chất của việc nâng cao nhận thức chính là nâng cấp tư duy. Tư duy không phải là một cái gì đó chung chung, trừu tượng, mà nó có những cấp độ từ thấp đến cao, được thể hiện thông qua trình độ sản xuất. Trình độ tư duy nào thì quy định trình độ sản xuất đó, trình độ sản xuất nào thì chịu ảnh hưởng của tư duy đó. Ở từng người, cấp độ tư duy được thể hiện thành hành vi, cách sống, cách làm việc, ứng xử…
Như vậy, để nâng các cấp độ tư duy, người ta phải hiểu tư duy của mình đang ở cấp độ nào. Cấp độ tư duy càng thấp thì khả năng đánh giá càng thấp, ở cấp độ thấp thì đánh giá thiên về cảm tính, rời rạc, hoặc tốt, hoặc xấu, hoặc đúng hoặc sai một cách máy móc, có ranh giới rõ ràng.
Cấp độ tư duy càng thấp thì người ta càng bị chi phối bởi “tư duy chụp hình”, “định kiến” tức là nhìn sự vật, sự việc trong trạng thái tĩnh, hình thức, không thấy được sự vận động và phát triển của nó. Cấp độ tư duy thấp người ta dễ tin vào những hiện tượng siêu nhiên, dễ bị ảnh hưởng bởi “may, rủi” và thường cầu viện vào một cái gì đó ngoài bản thân mình để được bình an, hoặc, người ta sẽ không nhận thức hết mối quan hệ giữa cá nhân và môi trường (tự nhiên và xã hội) dẫn đến hủy hoại, trốn tránh, cô lập mình với môi trường...
Cũng như vậy, nếu như còn nóng vội, tức giận, xúc phạm nhau, vô cảm, cực đoan, áp đặt, một chiều, ... thì chưa thể gọi là ở cấp độ tư duy cao được.
Vậy, cấp độ tư duy cao là gì? Trong nhận thức của con người, theo chiều phát triển của mỗi cá nhân thì, ngay từ ban đầu bao giờ cũng nhận thức rời rạc, máy móc, đó là phương pháp siêu hình. Cao hơn phương pháp siêu hình là phương pháp biện chứng, Tư duy duy vật biện chứng hoàn thiện các mức độ nhận thức trước đó, thống nhất nhận thức từ cảm tính chuyển sang lý tính để khẳng định chân lý, từ lo-gic biện chứng để hiểu mối liên hệ phổ biến của sự vật, hiện tượng, sự chuyển hóa của vật chất và tinh thần theo quy luật vận động và phát triển. Tư duy duy vật biện chứng hiện nay đã xuất hiện nhiều nhưng chưa thể trở thành phổ biến. Nó chỉ trở thành phổ biến khi mà việc nghiên cứu chủ nghĩa Mác – Lênin trở thành một nhu cầu cần thiết trong quá trình học tập. Như Ăng-ghen nói “Học thuyết của chúng tôi không phải là một giáo điều mà là một kim chỉ nam cho hành động. Luận điểm kinh điển ấy nhấn mạnh một cách đặc biệt rõ rệt và nổi bật một phương diện của chủ nghĩa Mác mà người ta rất thường hay quên không nhắc tới. Mà quên không nhìn tới phương diện ấy thì chúng ta sẽ làm cho chủ nghĩa Mác trở thành phiến diện, quái dị, chết cứng, sẽ vứt bỏ linh hồn sống của nó, sẽ phá hủy cơ sở lý luận cơ bản của nó – tức là phép biện chứng, học thuyết về sự phát triển toàn diện và đầy mâu thuẫn; như thế chúng ta sẽ phá hủy sự liên hệ giữa chủ nghĩa Mác với những nhiệm vụ thực tiễn nhất định của thời đại, những nhiệm vụ có thể biến đổi ở mỗi bước ngoặt mới của lịch sử”. Vậy nên, chúng ta càng khẳng định sự đúng đắn của Đảng ta khi lấy chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho mọi hành động, bởi chỉ có như thế ta mới nâng được trình độ tư duy của mình lên mức cao nhất, phá bỏ những bảo thủ, trì trệ, lạc hậu, tạo điều kiện cho con người mới, xã hội mới được phát triển theo đúng quy luật.
Đo được cấp độ tư duy thôi cũng đã là điều không dễ, bởi con người luôn có sự “bảo thủ” nhất định. Cần phải vượt qua sự bảo thủ ấy để tiếp cận chân lý, để nâng cấp độ tư duy. Vậy, bằng cách nào để ta có thể “nâng cấp” tư duy? Cấp độ tư duy chỉ có thể được nâng lên khi chúng ta học và lao động (hay hoạt động thực tiễn).
Trong đó, học thường có hai con con đường, một là được học và hai là tự học. Việc học tập bước đầu sẽ mang lại cho chúng ta kiến thức, kiến thức ấy khi được “tiêu hóa” qua tư duy sẽ cho chúng ta hiểu biết, hiểu biết khi được đưa vào thực tiễn sẽ hình thành kinh nghiệm. Từ kinh nghiệm, con người hoạt động thực tiễn hiệu quả hơn, ngày càng sáng tạo hơn và nó là cơ sở để phát hiện ra quy luật. Một khi con người đã phát hiện ra quy luật, hành động theo quy luật, tức là con người đã đạt đến trình độ tư duy duy vật biện chứng. Tuy nhiên, một điều đáng lo ngại hiện nay là chúng ta xem thường việc học và tự học. Học chỉ là mang lại bằng cấp, là để đủ tiêu chuẩn làm việc, hoặc học theo kiểu công việc cần thì ta mới học, mới tìm tòi, chỉ phục vụ cho mục đích nào đó. Mà ta chưa xem học là nhu cầu tự thân, nhu cầu tất yếu. Lênin từng nói “học, học nữa, học mãi” hay chủ tịch Hồ Chí Minh nói “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ, học để phụng sự đoàn thể, giai cấp và nhân dân; Tổ quốc và nhân loại”. Việc học (nhất là tự học) vì thế phải được thực hiện nghiêm túc, thường xuyên, liên tục. Học đương nhiên không chỉ là qua trường lớp mà còn học trong giao tiếp, trong công việc, trong cuộc sống hằng ngày. Một trong những nội dung cần phải học là chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Bản thân mỗi người cũng như các tập thể, khi nhìn nhận, xử lý vấn đề gì có thể xem xét xem mình đã nhìn nó theo các nguyên lý, các quy luật, các cặp phạm trù hay chưa, cần tự kiểm tra mức độ biết – hiểu – vận dụng chủ nghĩa Mác – Lênin của mình ở mức độ nào. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói (và chính Bác đã thực hiện điều này rất hiệu quả) “phải học tập tinh thần của chủ nghĩa Mác - Lênin; học tập lập trường, quan điểm và phương pháp của chủ nghĩa Mác - Lênin để áp dụng, giải quyết cho tốt những vấn đề thực tế trong công tác cách mạng của chúng ta” và “Hiểu chủ nghĩa Mác – Lênin là phải sống với nhau có tình có nghĩa. Nếu thuộc bao nhiêu sách mà sống không có tình có nghĩa thì sao gọi là hiểu chủ nghĩa Mác – Lênin được”. Có nghĩa là, ta học không chỉ để làm việc, mà còn để chung sống, tạo dựng mối quan hệ hài hòa với môi trường tự nhiên, môi trường xã hội và xây dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa người và người. Trong toàn bộ trình tự này thì lao động là yếu tố xuyên suốt.
Lao động tạo nên tư duy sáng tạo của con người, con người chỉ có thể trưởng thành bằng lao động và thông qua lao động. Bằng lao động, con người cải tạo tự nhiên, cải tạo xã hội và cải tạo chính mình. Lao động có thể là lao động chân tay hay trí óc, sản phẩm lao động có thể có giá trị tinh thần hay vật chất, điều quan trọng, lao động chính là môi trường để ta thể hiện được năng lực lý giải và năng lực hoạt động thực tiễn, thông qua đó, các cấp độ tư duy được nâng lên. Có một xu hướng hiện nay ảnh hưởng không tốt đến lao động hay nâng các trình độ tư duy, đó là chúng ta ngại lao động, lười lao động. Cho rằng sung sướng chính là “ngồi mát ăn bát vàng”, chúng ta có xu hướng tìm những công việc nhàn nhã nhưng thu nhập cao, chúng ta mong muốn tạo điều kiện hết sức cho con em mình bằng cách tước lao động ra khỏi các em và cho rằng đó là thương chúng, chúng ta tạo điều kiện cho người cao tuổi nghỉ ngơi hoàn toàn và cho đó là xứng đáng, chúng ta làm cho lao động có thêm cái mác là “vất vả” mà không nhìn thấy lao động chính là nhu cầu tất yếu của con người. Chính vì thế, khi làm việc (lao động) chúng ta bị bệnh thành tích, bệnh hình thức, nói không đi đôi với làm, nói nhiều, làm ít, nói một đằng làm một nẻo... và sau đó thì đổ lỗi cho hoàn cảnh, cho thời đại,... Vì vậy, cần phải nhìn nhận đúng về lao động và giáo dục lao động. Lao động không chỉ tạo nên của cải vật chất và tinh thần mà lao động sẽ giúp cho chúng ta đem lý luận vào thực tiễn, hiện thực hóa và kiểm nghiệm chúng. Giải pháp ở đây vẫn là học tập tư tưởng và tấm gương đạo đức của Bác, lao động không chỉ cần cù, chăm chỉ, nhiệt tình, tận tâm, trách nhiệm mà còn khoa học, sáng tạo, đóng góp, cống hiến. Có như thế trình độ lý giải thực tiễn mới trở thành năng lực hành động thực tiễn cũng có nghĩa là chúng ta đang nâng cao cấp độ tư duy, nâng cao trình độ nhận thức.
Tóm lại, tư duy không phải là “một khối nguyên xi” mà nó có các cấp độ, gắn với đó là trình độ nhận thức, mỗi người đều có thể đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức, và đó cũng chính là con đường hoàn thiện nhân cách của mỗi chúng ta. Chúng ta có mục tiêu “xây dựng chủ nghĩa xã hội”, vậy, mỗi cá nhân và tập thể cần chủ động trong “xây dựng con người xã hội chủ nghĩa”, chúng ta đã có kim chỉ nam cho mọi hành động, đó là chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vấn đề là làm sao đưa nó thành thực tiễn chứ không phải chỉ là khẩu hiệu./.
Nguyễn Thị Minh Hiếu