Lòng dân - ý Đảng qua góp ý dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng In trang
08/12/2020 04:04 CH

Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng đã được công bố, nhằm lấy ý kiến rộng rãi trong các tầng lớp Nhân dân từ ngày 20/10 đến 10/11/2020.

Các dự thảo văn kiện bao gồm: Dự thảo báo cáo chính trị tại Đại hội XIII của Đảng; Dự thảo báo cáo tổng kết thực hiện chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2011-2020, xây dựng chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030; Dự thảo báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025; Dự thảo báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng nhiệm kỳ Đại hội XII.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tại Lâm Đồng, căn cứ các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng giao Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy ban hành hướng dẫn việc công bố, thảo luận, lấy ý kiến của Nhân dân; đồng thời, chỉ đạo các đảng bộ trực thuộc, các cơ quan, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và các cơ quan thông tấn, báo chí triển khai việc công bố và lấy ý kiến Nhân dân vào dự thảo các Văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Trên cơ sở đó, Sở Thông tin - Truyền thông đã lập chuyên mục lấy ý kiến dự thảo văn kiện trên cổng thông tin điện tử tại địa chỉ www.lamdong.gov.vn, thiết kế baner to rõ gắn chính giữa cổng thông điện tử để người dân dễ dàng thấy và truy cập. Giao diện góp ý thân thiện và thuận tiện cho người dân tiếp cận. Thời gian thực hiện từ ngày 24/10/2020 đến ngày 10/11/2020. Trong thời gian lấy ý kiến, có 757 lượt người đọc và tải văn kiện. Ngoài ra, Trung tâm quản lý cổng thông tin điện tử quảng bá tin nhắn việc công bố và đóng góp ý kiến cho các văn kiện qua Cổng hành chính công Zalo kể từ ngày 24/10/2020 đến ngày 10/11/2020. Trong thời gian lấy ý kiến, có 81.221 lượt người đọc tin và có 945 lượt tải về. Báo Lâm Đồng, Đài Phát thanh-Truyền hình Lâm Đồng cũng đã đăng tải toàn văn dự thảo các văn kiện để các tầng lớp Nhân dân tiện theo dõi…

Ngay sau khi các dự thảo văn kiện được công bố, qua các phương tiện thông tin đại chúng đã thu hút sự quan tâm của đông đảo các tầng lớp Nhân dân. Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Lâm Đồng tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý với thành phần là các ủy viên Ủy ban, lãnh đạo các tổ chức thành viên Mặt trận Tổ quốc các cấp, nhân sĩ trí thức, các chức sắc tôn giáo, người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Các đoàn thể chính trị-xã hội, bằng nhiều hình thức đã tổ chức cho cán bộ, hội viên góp ý các dự thảo văn kiện.

Qua báo cáo tổng hợp của các địa phương, cơ quan, đơn vị, đã có hơn 2.500 cán bộ và gần 13.000 hội viên các đoàn thể tham dự các hội nghị, hội thảo… góp ý dự thảo các văn kiện, trong đó có trên 1.655 lượt ý kiến góp ý, trên 80 ý kiến góp ý bằng văn bản…

Đa số ý kiến đánh giá các dự thảo văn kiện được xây dựng công phu, bố cục chặt chẽ, khoa học; nội dung có tầm chiến lược, khái quát cao, có cơ sở lý luận và thực tiễn, phù hợp với tình hình quốc tế và trong nước.

Nội dung các dự thảo văn kiện thể hiện khách quan những thành tựu, hạn chế; vừa có tính tổng kết lý luận, vừa có ý nghĩa thực tiễn, phản ánh ý chí và nguyện vọng của toàn Đảng, toàn dân về tất cả các lĩnh vực được thể hiện trong các nhóm vấn đề lớn.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm đã tham góp với Đảng nhằm hoạch định đường lối, chủ trương, quyết sách quan trọng của đất nước đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 và 2045, góp phần nâng cao chất lượng dự thảo các văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, như:

Thứ nhất, bên cạnh các ý kiến đồng tình, các đại biểu cũng đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết vào dự thảo Báo cáo chính trị.

Một số ý kiến đề nghị cần nhấn mạnh và làm nổi bật hơn những điểm đáng tự hào của Việt Nam trong nhiệm kỳ qua như: Những đóng góp với quốc tế trong giải quyết các vấn đề về nhân quyền; việc cử lực lượng tham gia gìn giữ hòa bình quốc tế; Việt Nam được bầu vào ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc với số phiếu gần như tuyệt đối (192/193 nước); xử trí phù hợp các tình huống trên Biển Đông...

 Nhiều ý kiến cho rằng, ngoài 7 thành tựu đã nêu, nên bổ sung thành tựu: “Niềm tin đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa của nhân dân đã được củng cố và phát huy mạnh mẽ…” “Hệ thống cơ sở hạ tầng có bước phát triển; Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa được nâng cao; Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả tích cực”.

Một số ý kiến đề nghị chỉnh sửa, bổ sung vào phần hạn chế một số nội dung như: Một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội chưa đạt kế hoạch; mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại không đạt được; Năng suất lao động của Việt Nam tuy có sự cải thiện đáng kể, nhưng nhìn chung vẫn thấp; Hệ thống pháp luật về quản lý, khai thác tài nguyên chưa hoàn thiện, còn nhiều bất cập, gây thất thoát, lãng phí, tạo kẻ hở cho tiêu cực, tham nhũng, dẫn đến các vụ khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài, gây bức xúc, “điểm nóng” trong nhân dân. Khoa học còn nặng về nghiên cứu, chưa đi sâu vào thực tế, ứng dụng; Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng chưa toàn diện; sức chiến đấu ở một số tổ chức Đảng còn yếu…

Đối với mục tiêu phát triển: Đa số các ý kiến đều chọn phương án 1 vì đây là phương án phù hợp với điều kiện thực tiễn của nước ta trong giai đoạn hiện nay. Vì xu thế phát triển của thế giới, tiêu chí các nước công nghiệp có thể thay đổi theo hướng cao hơn, do đó đặt ra mục tiêu cơ bản trở thành nước công nghiệp là rất khó thực hiện trong khi thực tế hiện nay, nước ta vẫn là nước nông nghiệp. (“Đến năm 2025: Là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: Là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập Nước: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao). Ngoài ra, có ý kiến đề nghị xem xét cụm từ “Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập Nước”, nên cụ thể hoặc chỉnh sửa lại cho rõ, để Nhân dân hiểu đúng; bên cạnh đó, các thế lực thù địch không thể lợi dụng để xuyên tạc.

Đa số ý kiến đề nghị bổ sung xem xét trong phần định hướng các chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025: chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân 7%/năm là khó thực hiện trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang xảy ra, kéo theo nguy cơ suy thoái kinh tế trong nhiều năm tới; do đó, điều chỉnh xuống 6-6,5% cho phù hợp với bối cảnh hiện nay…

Đồng thời, các ý kiến đóng góp của đại diện các tầng lớp Nhân dân đã đề cập nhiều nội dung quan trọng về định hướng sắp tới trên các lĩnh vực: xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ, Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, dân chủ, tăng cường quốc phòng, an ninh…

Thứ hai, về dự thảo báo cáo tổng kết thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 - 2020, xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, các ý kiến thống nhất với nhận định tổng quát “Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn, thách thức huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước, thực hiện đồng bộ, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra và đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực”.

Một số ý kiến đề nghị đánh giá thêm một số nội dung còn hạn chế, yếu kém như: Công nghệ xử lý rác, nước thải chưa được quan tâm và đầu tư nhiều nên đã ảnh hưởng đến môi trường và cuộc sống của người dân… Đồng thời, đề nghị bổ sung nguyên nhân: Hệ thống kết cấu hạ tầng còn hạn chế, chưa theo kịp yêu cầu phát triển…

Đa số các ý kiến thống nhất 05 quan điểm phát triển; đồng thời thống phương án 01 về mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 và 2045 (“Đến năm 2030, là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thuộc nhóm trên của các nước có thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, trở thành nước phát triển, có thu nhập cao); các chỉ tiêu chủ yếu và 3 đột phá chiến lược; 10 nhiệm vụ giải pháp trên tất cả các lĩnh vực.

Thứ ba, về dự thảo báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng nhiệm kỳ Đại hội XII, hầu hết ý kiến thống nhất: Trong nhiệm kỳ Đại hội XII, công tác xây dựng Đảng được Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các cấp Ủy, tổ chức Đảng đặc biệt chú trọng, thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện với quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt và đạt được nhiều kết quả rõ rệt. Kết hợp chặt chẽ hài hòa, hiệu quả giữa xây dựng và chỉnh đốn Đảng, trong đó xây dựng Đảng được tập trung đẩy mạnh, chỉnh đốn Đảng được chú trọng tăng cường. Đề cao trách nhiệm của cấp ủy, sự gương mẫu của cấp trên và người đứng đầu các cấp; phát huy dân chủ; tăng cường đoàn kết thống nhất trong Đảng; huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân. Nhiều vấn đề khó, phức tạp đặt ra và thực hiện từ nhiều năm trước nhưng hiệu quả thấp, đến nay đã đạt được kết quả quan trọng.

Đối với 10 nhóm nhiệm vụ của công tác xây dựng Đảng: thống nhất với nhận định: 5 nguyên nhân chính của hạn chế, khuyết điểm đã đầy đủ, sát thực tiễn. Ngoài ra có một số ý kiến góp ý:

Về cơ quan lãnh đạo của Đảng ở các cấp, địa phương, đề nghị bổ sung nội dung: Quy định thống nhất nhiệm kỳ đại hội của chi bộ trực thuộc Đảng ủy cơ sở như nhiệm kỳ của chi bộ cơ sở để thống nhất các mục tiêu, chương trình hành động từ cấp trên xuống các chi bộ.

Về tổ chức cơ sở đảng, đề nghị nghiên cứu sửa đổi quy định: “số lượng đảng viên tối thiểu để lập chi bộ từ 3 đảng viên chính thức trở lên”, thành “số lượng đảng viên tối thiểu để lập chi bộ từ 5 đảng viên chính thức trở lên”.

Về vướng mắc, bất cập, sau vướng mắc thứ nhất đề nghị xem xét: “Hiện nay, Điều lệ Đảng quy định, chi bộ có 9 đảng viên chính thức trở lên được bầu váo cấp ủy chi bộ. Thực tế có chi bộ có 10 đảng viên chính thức, trong đó có 5 đảng viên tuổi cao, sức yếu được cho miễn sinh hoạt, miễn công tác, khi họp chi bộ chỉ còn 5 đảng viên trong đó có 3 đồng chí cấp ủy, do đó có những tháng sinh hoạt chi bộ cũng là sinh hoạt cấp ủy”. Đề nghị Trung ương có hướng dẫn cụ thể để khi gặp trường hợp như trên để chi bộ dễ thực hiện.

Cần làm rõ công tác xây dựng, củng cố tổ chức cơ sở đảng, nâng cao chất lượng đảng viên vẫn còn mang tính hình thức, chạy theo chỉ tiêu kết nạp đảng viên mới, do đó đã xuất hiện tình trạng một số đảng viên chưa thật sự xứng đáng đứng vào hàng ngũ của Đảng nhưng vẫn được xem xét kết nạp để đảm bảo theo chỉ tiêu đã đề ra.

Bên cạnh việc góp ý vào các dự thảo văn kiện, nhiều ý kiến đã kiến nghị, đề xuất với Trung ương nhiều vấn đề cần tiếp tục quan tâm trong thời gian tới, như: Bổ sung chỉ đạo, định hướng hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách nhằm phát huy vai trò nòng cốt của MTTQ và các đoàn thể chính trị xã hội, đặc biệt là vai trò giám sát, phản biện xã hội; Các chính sách phát triển kinh tế- xã hội, quốc phòng, an ninh vùng đồng bào dân tộc thiểu số cần toàn diện, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, phát huy lợi thế, tiềm năng của vùng và tinh thần tự lực của phụ nữ dân tộc thiểu số trong phát triển đất nước; Chính thức hóa các việc làm trong khu vực phi chính thức để bảo đảm quyền lợi của lao động di cư; các chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cần phù hợp, sát thực tế hơn đối với nữ lao động di cư; đưa nhóm lao động di cư thành một nhóm đối tượng trong gói hỗ trợ đột xuất của Chính phủ; Quan tâm hơn nữa đến lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, nhất là lĩnh vực đầu tư xây dựng, các dự án đầu tư có yếu tố nước ngoài; Có chính sách, giải pháp hữu hiệu hơn cho đầu tư duy trì và phát triển bản sắc văn hóa tốt đẹp của từng vùng miền, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch, dịch vụ…

Việc công bố, thảo luận, lấy ý kiến của Nhân dân vào dự thảo các văn kiện lần này là một đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, phát huy trí tuệ tập thể, dân chủ trong Nhân dân, góp phần tạo sự thống nhất cao về nhận thức, hành động và ý chí quyết tâm trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân hướng về Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Hồng Vĩnh

 

 

 

Lượt xem: 933
Văn bản mới
  • Số 92-KH/BTGTU 19/12/2024 Kế hoạch tổ chức chào cờ và sinh hoạt chính trị năm 2025
  • Số 1492-CV/BTGTU 18/12/2024 Tuyên truyền kết quả kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV
  • Số 204-HD/BTGTU 09/12/2024 Hướng dẫn tuyên truyền kỷ niệm 300 năm Ngày sinh Hải Thượng Lãn Ông Lê ...
  • Số: 1720/STTTT - TTr 06/12/2024 Về việc cảnh báo thủ đoạn cắt ghép hình ảnh cá nhân vào clip “nhạy ...
  • Số 203-HD/BTGTU 04/12/2024 Nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền Kết luận số 91-KL/TW, ngày 12/8/2024 của ...
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 004343643
  •  Đang online: 231
  •  Trong tuần: 231
  •  Trong tháng: 134.334
  •  Trong năm: 2.044.684