Trong đời sống tinh thần của mỗi chúng ta, sách đóng vai trò hết sức quan trọng, sách là chiếc chìa khóa vạn năng mở cánh cửa trí tuệ và tâm hồn của con người, là người thầy siêu việt thắp sáng trong ta nguồn tri thức vô tận, dạy chúng ta biết sống và biết hy sinh.
Ảnh minh họa.
Sách cho ta kiến thức về rất nhiều vấn đề trong cuộc sống. Sách được phân loại chẳng những theo thể loại, lĩnh vực mà còn theo độ tuổi, sở thích. Sách được in với nhiều thứ tiếng, nhiều ngôn ngữ khác nhau và có thể mang đến bất kỳ đâu trên thế giới. Sách có một vai trò rất quan trọng đối với việc mở rộng hiểu biết của con người và từ đó góp phần phát triển thế giới.
Từ xa xưa, ông cha ta đã rất đề cao vai trò của sách, coi sách như gia tài đáng giá nhất mà cha mẹ để lại cho con cháu: “Để vàng bạc chẳng bằng để sách cho con”, và cho rằng “Một kho vàng không bằng một nang chữ”. Sách không chỉ là một kho kiến thức vô tận mà còn là kho của cải vô tận. Chỉ với những trang sách đó, thế hệ sau mới có thể hiểu được những gì mà thế hệ trước đã làm, được kế thừa và tiếp tục phát triển, làm cho đời sống con người trở nên văn minh, hiện đại hơn.
Sách chính là người thầy vĩ đại, có tác dụng lớn đối với việc giáo dục nhân cách con người. Mỗi cuốn sách đều thể hiện giá trị nhân văn cao cả, dạy cho chúng ta biết sống, biết yêu thương, sẻ chia với những người xung quanh. Bởi khi viết sách, người viết đã gửi gắm những kinh nghiệm, tâm tư, tình cảm, khát vọng trong cuộc sống và trong mọi mối quan hệ xã hội, để từ đó giúp người đọc hiểu, cảm nhận và thay đổi chính mình. Sách giúp chúng ta cảm nhận được tình yêu thương con người, cho ta hiểu biết về các giá trị văn hóa, xã hội và giá trị cuộc sống…kiến thức đó có trong thơ ca, những tác phẩm văn học, lịch sử, địa lý, triết học… Đúng như câu nói của nhà văn nổi tiếng thế giới, đại thi hào Nga M.Gorki: “Sách mở rộng ra trước mắt tôi những chân trời mới”.
Trong hành trình 30 năm tìm đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhờ có sách mà Người đã có thêm nhiều hiểu biết về những nước đã đi qua. Người còn tìm đến với ánh sáng của chủ nghĩa Mác-Lênin cũng qua những trang sách. Đó cũng là vũ khí đắc lực để Người truyền bá tư tưởng cách mạng vô sản về nước, cổ vũ Nhân dân đấu tranh giành độc lập, tự do cho Tổ quốc, thống nhất non sông, vững bước đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Ở Trường Sa, sách có vai trò quan trọng, là người bạn thân thiết, là món ăn tinh thần không thể thiếu đối với cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Năm 2020, trong chuyến hành trình đến với Trường Sa, chúng tôi đến thăm các đảo, thăm các phòng truyền thống, phòng Hồ Chí Minh vào những giờ nghỉ, ngày nghỉ luôn có đông cán bộ, chiến sĩ chăm chú đọc sách, báo; hay lúc giải lao sau giờ huấn luyện, dưới tán cây bàng quả vuông, cây tra, phong ba từng nhóm cán bộ, chiến sĩ cùng nhau đọc sách, báo, trao đổi, chia sẻ sôi nổi những thông tin hay những câu chuyện vui với nhau. Trên các đảo, điểm đảo của quần đảo Trường Sa, những tủ sách, giá sách được cán bộ, chiến sĩ xếp gọn gàng, ngăn nắp. Mỗi đảo có hàng ngàn đầu sách thuộc nhiều thể loại như chính trị, văn hóa xã hội, kinh tế, quốc phòng, pháp luật, sách văn học… Chia sẻ với chúng tôi, Trung tá Đinh Văn Cường, Chính trị viên đảo Trường Sa Lớn tâm sự: Nhiệm vụ của người lính đảo là canh giữ biển trời thiêng liêng của Tổ quốc. Hàng ngày, các chiến sĩ trên đảo Trường Sa không chỉ rèn luyện sức khỏe mà còn luôn tìm cách làm phong phú đời sống tinh thần. Những năm qua, Đảng ủy Thị trấn Trường Sa luôn quan tâm chỉ đạo đẩy mạnh và nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, nhất là công tác thư viện nhằm bảo đảm nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần, thông tin, nghiên cứu, học tập, nâng cao kiến thức toàn diện cho cán bộ, chiến sĩ. Việc duy trì hoạt động sách, báo tại đảo đã mang lại hiệu quả rất lớn, giúp cán bộ, chiến sĩ nâng cao nhận thức, ý thức trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Nhiều chiến sĩ trên đảo đã biết làm thơ, viết văn và sáng tác nhạc để biểu diễn trong các buổi sinh hoạt, giao lưu với các đoàn đại biểu đất liền ra thăm đảo…
Nhận thấy tầm quan trọng của văn hóa đọc, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hàng năm là ngày Sách Việt Nam nhằm khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, nâng cao nhận thức của Nhân dân về ý nghĩa to lớn và tầm quan trọng của việc đọc sách đối với việc phát triển kiến thức, kỹ năng và phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người. Ngày Sách Việt Nam là sự kiện văn hóa quan trọng đối với những người yêu sách và cả cộng đồng xã hội. Góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Là dịp để tôn vinh giá trị của sách, khẳng định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của sách trong đời sống xã hội. Tôn vinh người đọc và những người tham gia sưu tầm, sáng tác, xuất bản, in, phát hành, lưu giữ sách.
Những năm qua, tỉnh Lâm Đồng luôn chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền Ngày Sách Việt Nam trong hệ thống giáo dục, hệ thống trường học, nhất là trong học sinh, sinh viên, đồng thời phát huy vai trò của hệ thống thư viện trường học trên địa bàn tỉnh. Vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tích cực hưởng ứng, phục vụ lợi ích công cộng như: Quyên góp, trao tặng sách cho trẻ em nghèo, hỗ trợ cho vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số… Vận động người dân hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam tại địa phương phù hợp với điều kiện thực tế và đạt hiệu quả thiết thực.
Hằng năm, Thư viện tỉnh phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức nhiều hoạt động hưởng ứng “Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam” với nhiều hoạt động ý nghĩa như: tổ chức Lễ khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam; phát động phong trào đọc sách; sáng tạo cùng sách; đọc sách tại chỗ; phát thẻ miễn phí; xếp sách nghệ thuật; vẽ tranh theo sách; tổ chức các cuộc thi cho các em thiếu niên; phục vụ xe ô tô thư viện lưu động tại các trường trên địa bàn thành phố Đà Lạt.
Có thể thấy, sách có vai trò rất quan trọng đối với mỗi con người. Các hoạt động hưởng ứng Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam được tổ chức hằng năm đã và đang diễn ra sôi nổi tại các địa phương sẽ góp phần quảng bá, tôn vinh sách, khơi gợi tình yêu sách và thúc đẩy văn hóa đọc cũng như phong trào đọc sách trong Nhân dân, làm phong phú đời sống tinh thần, từ đó nâng cao kiến thức và làm chủ cuộc sống của chính mình, góp phần xây dựng và phát triển đất nước.
Kiều Ninh