“Người tốt, việc thiện - Chung sức xây dựng cộng đồng nhân ái” là những hành động, việc làm, ý tưởng, sáng kiến được thực hiện mang lại cho một người/nhóm/cộng đồng có hoàn cảnh khó khăn, bị tổn thương có cuộc sống tốt hơn về vật chất và tinh thần.
Ông Vũ Thanh Lưu - Phó Chủ tịch Hội CTĐ Việt Nam tặng hoa chúc mừng ông Trần Văn Hiệp – Chủ tịch UBND tỉnh được Đại hội suy tôn làm Chủ tịch danh dự của Hội CTĐ tỉnh nhiệm kỳ 2021 -2026, ảnh (LĐ online)
Ngày 14/3/2023, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Lâm Đồng ban hành Kế hoạch số 62/KH-CTĐLĐ về triển khai phong trào “Người tốt, việc thiện - Chung sức xây dựng cộng đồng nhân ái” giai đoạn 2022-2027 nhằm lan tỏa lòng nhân ái, cổ vũ hành động tử tế góp phần xây dựng nếp sống văn hóa, đề cao giá trị nhân đạo trong cộng đồng, thúc đẩy cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”, gắn học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Phong trào có ý nghĩa giáo dục sâu sắc, góp phần hình thành lối sống có trách nhiệm, giàu lòng nhân ái, quan tâm, chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau với tinh thần tự nguyện, không vụ lợi hướng về những người có hoàn cảnh khó khăn, hoạn nạn, người yếu thế, giúp họ vươn lên hòa nhập cộng đồng, là cộng đồng của những “người tốt” làm “việc thiện”.
Tiêu chí để xét tặng Danh hiệu “Người tốt, việc thiện” là chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; vận động và tham gia hiệu quả Cuộc vận động “mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”, có hành động, việc làm, ý tưởng, sáng kiến trong các hoạt động nhân đạo, công tác Hội và phòng trào chứ thập đỏ tại cơ quan, đơn vị, cộng đồng. Tiêu chí để xét tặng danh hiệu “Cộng đồng nhân ái” là tích cực hưởng ứng và thực hiện có kết quả Phong trào “Người tốt, việc thiện - Chung sức xây dựng cộng đồng nhân ái” và Cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”; 100% số người có hoàn cảnh khó khăn, bị tổn thương tại cộng đồng được giúp đỡ; lan tỏa các hoạt động nhân đạo của cộng đồng đến các nhóm dân cư, các địa bàn khác.
Phong trào chú trọng xây dựng, phát hiện gương “Người tốt, việc thiện” trong cuộc sống, công việc hàng ngày trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, trường học; vận động cán bộ, hội viên, tình nguyện viên, thanh thiếu niên Chữ thập đỏ, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân tham gia hưởng ứng phong trào. Tham mưu, vận động để xác định việc tham gia phong trào và đăng ký trợ giúp “địa chỉ nhân đạo” là tiêu chí thi đua của cán bộ, đảng viên thuộc các cơ quan Đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị- xã hội trên địa bàn.
Giới thiệu tuyên truyền về những tấm gương “Người tốt, việc thiện” ở mỗi cơ quan, tổ chức, trường học, doanh nghiệp, địa bàn dân cư, trên các chuyên trang, chuyên mục của các loại hình báo chí. Tổ chức các hoạt động hỗ trợ vật chất, tinh thần, công sức, trí tuệ giúp cho người khó khăn, hoạn nạn, người yếu thế với tinh thần “không bỏ ai ở lại phía sau”…
Thúy Ngà