Công dân Việt Nam, không phụ thuộc vào hoàn cảnh xuất thân và vị trí xã hội, sau thời gian phấn đấu, rèn luyện nhất định (có thể phải kinh qua các giai đoạn như “cảm tình”, “đối tượng”) được kết nạp vào Đảng, làm đảng viên của Đảng Cộng sản Việt Nam, luôn cảm nhận niềm vinh dự lớn lao của cuộc đời và từ đó có được niềm tự hào chính đáng. Bởi vì, Đảng là đội tiên phong của giai cấp công nhân, giai cấp lãnh đạo cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, được dân tộc coi là Đảng của dân, được ủy thác trọng trách độc quyền lãnh đạo đất nước thông qua thể chế chính trị mà Đảng chịu trách nhiệm lập ra để quản lý, điều hành mọi lĩnh vực hoạt động quốc kế dân sinh. Với lòng biết ơn và kính trọng, Nhân dân ta đã dành những mỹ từ rất đẹp khi nói về Đảng như: “Đảng vĩ đại”, “Đảng là đạo đức văn minh”, “Đảng là lương tri của thời đại”…
Chiến sĩ trẻ tuyên thệ trong lễ kết nạp đảng và nhận quyết định kết nạp Đảng tại Đảo Nam Yết, Trường Sa.
Khi được kết nạp vào Đảng, thông thường trong một buổi lễ được tổ chức nghiêm trang, người được kết nạp tuyên thệ trước cờ Tổ quốc, cờ Đảng, trước các đồng chí, đồng nghiệp của mình về việc suốt đời phấn đấu thực hiện lý tưởng của Đảng: xây dựng Nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, tự do và giàu mạnh; một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh! Đó gần như là “Lời thề danh dự” của đảng viên, một lời thề được đảm bảo bằng chính cuộc sống của người tuyên thệ!
Với lời thề như vậy, về thực chất, người đảng viên đã khẳng định sự cam kết của mình là luôn đặt lợi ích của dân tộc, của giai cấp công nhân, của Đảng lên trên hết trong ý nghĩ, nhận thức và trong mọi hoạt động thực tiễn của cá nhân. Sự cam kết này cũng chính là lương tri, là phẩm giá đạo đức, là niềm vinh dự, tự hào chính đáng của công dân nước Việt khi trở thành đảng viên.
Cùng với thời gian, “Lời thề danh dự” của đảng viên khi được kết nạp vào Đảng thường bị lu mờ trong tâm trí của người đảng viên đó, cũng như trong trí nhớ tập thể của tổ chức cơ sở đảng mà đảng viên sinh hoạt. Hiện tượng này có thể được coi là khá phổ biến nếu đảng viên không còn sinh hoạt tại nơi được kết nạp hoặc di chuyển qua nhiều tổ chức, cơ quan, đơn vị hoặc sinh hoạt đảng ở nơi không còn đối tượng quần chúng có thể được kết nạp vào Đảng để có điều kiện định kỳ lại được nghe, được chứng kiến tuyên thệ của đảng viên mới. Lãng quên câu chữ, lời văn của “Lời thề danh dự” nhưng vẫn giữ được phẩm chất đạo đức, tư cách và làm tròn trách nhiệm của đảng viên là điều có thể chấp nhận được. Còn vì quên “Lời thề danh dự” mà có những sai phạm, khuyết điểm thì đó là sự phạm lỗi. Nhưng nếu vừa “quên”, vừa có những hành vi đi ngược lại, làm trái với những gì đã tuyên thệ thì đó là sự phản bội “lời thề”, là phạm tội!
Những hành vi tiêu cực, tham ô, tham nhũng, hà lạm bớt xén của công, “thụt két” ngân sách quốc gia, làm thất thoát, lãng phí ngân sách, làm tổn hại lợi ích của Đảng mà không ít đảng viên, cán bộ gây ra trong thời gian qua phải được coi như là sự phản bội “Lời thề danh dự” của đảng viên. Đó là điều mà bất cứ đảng viên nào, không phụ thuộc vào tuổi đảng, vào cương vị công tác, vị trí xã hội không thể làm nếu có lòng tự trọng tối thiểu của công dân.
Thiết nghĩ, trong tình hình hiện nay, để góp phần tích cực và nhằm mang lại hiệu quả thiết thực trong phòng, chống suy thoái đạo đức, tiêu cực, tham ô, tham nhũng của đảng viên, cán bộ, có lẽ nên tìm cách để đảng viên nhớ lại, “hâm nóng” lại “Lời thề danh dự” của mình! Nên chăng là để mỗi người tự suy ngẫm, tự đánh giá một cách thành thật với chính mình rồi viết ra, văn bản hóa “Lời thề danh dự” của đảng viên, coi đó như một kim chỉ nam hướng dẫn tư duy và hành động của mình và chia sẻ với các đồng chí trong sinh hoạt tư tưởng ở tổ chức cơ sở đảng.
Nguyễn Mộng Sinh