Vì một nền hòa bình cho nhân loại In trang
31/08/2022 08:46 SA

“Ngày Quốc tế hòa bình” còn được gọi là ngày Hòa bình thế giới, ngày Quốc tế vì Hòa bình, ngày quốc tế phòng chống chiến tranh; đây là ngày để tôn vinh hòa bình, kêu gọi chấm dứt chiến tranh, bạo lực, bất công.

Ngày Quốc tế hòa bình được Liên hợp quốc (LHQ) khởi xướng vào năm 1981 và lần đầu tiên được tổ chức vào tháng 9/1982. Tới năm 2002, Đại hội đồng LHQ chính thức lấy ngày 21/9 hằng năm để kỷ niệm Ngày Quốc tế hòa bình.

Kỷ niệm ngày này, LHQ mong muốn và khuyến khích toàn nhân loại cùng hành động và hợp tác vì mục tiêu hòa bình cho mọi quốc gia, mọi dân tộc. Đây cũng là lời nhắn nhủ tới mọi người về vai trò của LHQ trong nỗ lực xây dựng hòa bình, đồng thời cũng là tiếng chuông liên tục nhắc nhở tổ chức này về nghĩa vụ thực hiện các cam kết lâu dài để giành lấy hòa bình cho nhân loại.

Trên thực tế, trong suốt nhiều thập kỷ qua, hoạt động giữ gìn hòa bình đã liên tục được LHQ triển khai dưới hình thức các phái bộ. Những người lính thuộc lực lượng giữ gìn hòa bình đầu tiên của LHQ đã có mặt tại Palestine vào năm 1948. Kể từ đó đến nay, hình ảnh người lính “mũ nồi xanh” đã không còn xa lạ tại hầu hết các điểm nóng trên thế giới như Đông Timor, Haiti, nhưng chủ yếu vẫn là ở châu Phi và Trung Đông. Đã có hơn 70 phái bộ giữ gìn hòa bình LHQ được thành lập, với hơn 1 triệu binh sĩ, dân thường và cảnh sát đến từ 125 nước trên thế giới. Đó là những người lính, quan sát viên quân sự, cảnh sát dân sự, bác sỹ, kỹ sư... với các nhiệm vụ: giám sát việc chấp hành lệnh ngừng bắn giữa các bên xung đột, bảo vệ người dân, tuần tra, rà phá bom mìn, chất nổ, huấn luyện cảnh sát quốc tế, hỗ trợ xây dựng hệ thống tư pháp, đảm bảo môi trường an ninh thuận lợi cho các quá trình chuyển giao chính trị và hỗ trợ cho các thể chế nhà nước còn non trẻ.

Chính thức là thành viên của LHQ ngày 20/9/1977, Việt Nam ngay từ những ngày đầu tham gia LHQ đã chủ động đóng góp tiếng nói về những vấn đề liên quan đến hòa bình, ổn định, hợp tác ở Đông-Nam Á. Việt Nam tích cực cùng nhiều quốc gia thành viên các nước thúc đẩy LHQ thông qua các nghị quyết, quyết định cùng các biện pháp cụ thể nhằm phát huy vai trò của LHQ, tăng cường sự phối hợp giữa các dân tộc trong cuộc đấu tranh chống chạy đua vũ trang, giải trừ quân bị, ngăn ngừa và giải quyết các tranh chấp, xung đột quốc tế bằng biện pháp hòa bình, bảo vệ độc lập và quyền tự quyết của các dân tộc, cải thiện môi trường kinh tế quốc tế, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và bảo đảm quyền con người.

Với mong muốn đóng góp hơn nữa vào những hoạt động của cộng đồng quốc tế trong lĩnh vực hòa bình-an ninh quốc tế, từ năm 1997, Việt Nam ứng cử vào vị trí Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2008-2009.

Trên cương vị Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ và vai trò Chủ tịch Hội đồng Bảo an từ 1/7-31/7/2008, Việt Nam tích cực tham gia, đóng góp hiệu quả và có trách nhiệm trong việc duy trì hòa bình và an ninh thế giới. Cùng với đó, ủng hộ mạnh mẽ, đóng góp vào việc giải quyết các bất đồng và xung đột quốc tế, đấu tranh chống tội phạm xuyên quốc gia, khủng bố quốc tế và thúc đẩy giải trừ quân bị, không phổ biến vũ khí giết người hàng loạt. Từ kinh nghiệm của đất nước đã trải qua nhiều năm tháng chiến tranh với những hậu quả nghiêm trọng và nay thu được thành tựu quan trọng trong phát triển, Việt Nam luôn nỗ lực để Hội đồng Bảo an hoạt động hiệu quả trong việc tái thiết cho những nước vừa trải qua xung đột.

Đặc biệt, ngày 25/5/2014, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam phê duyệt Đề án “Quân đội nhân dân Việt Nam tham gia hoạt động giữ gìn hòa bình LHQ giai đoạn 2014-2020 và những năm tiếp theo”. Triển khai đề án này, Trung tâm Giữ gìn hòa bình Việt Nam (nay là Cục Giữ gìn hòa bình Việt Nam) được thành lập.

Năm 2014, hai sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam đầu tiên lên đường làm nhiệm vụ sĩ quan liên lạc tại Phái bộ Nam Sudan, đánh dấu sự tham gia chính thức hoạt động giữ gìn hòa bình Liên hợp quốc của Việt Nam. Đến nay, số lượng sĩ quan được Việt Nam cử đi theo hình thức cá nhân tăng cả về số lượng và lĩnh vực, nhiệm vụ tham gia; và đã được LHQ, chỉ huy phái bộ và sĩ quan các nước đánh giá cao cả về trình độ chuyên môn, khả năng tổ chức làm việc và ý thức kỷ luật... Nhiều sĩ quan đã được LHQ tặng thưởng huân chương. Các sĩ quan Việt Nam hiện đang hướng tới ứng tuyển vào những vị trí cao hơn ở phái bộ cũng như các vị trí chỉ huy khác nhau.

Cùng với đó, sau hơn 4 năm chuẩn bị, Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 gồm 63 cán bộ, nhân viên đã lên đường làm nhiệm vụ tại Phái bộ giữ gìn hòa bình Liên hợp quốc Nam Sudan vào đầu tháng 10/2018. Bệnh viện đang hoạt động hiệu quả và tạo được những ấn tượng tốt đẹp đối với LHQ. Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc và Cố vấn quân sự Liên hợp quốc đã hai lần gửi thư cho Chính phủ Việt Nam để cảm ơn những đóng góp của Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 cho sứ mệnh giữ gìn hòa bình LHQ. Hiện nay, Việt Nam đang tích cực chuẩn bị cho Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 nhằm sẵn sàng triển khai tới Nam Sudan sau khi Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 kết thúc nhiệm kỳ hoạt động.

Việc tham gia, đóng góp ngày càng tích cực, có hiệu quả cho hoạt động giữ gìn hòa bình của LHQ đã khẳng định Việt Nam có đầy đủ năng lực trong lĩnh vực này. Với năng lực đó, Cục Giữ gìn hòa bình Việt Nam được lựa chọn là một trong 4 cơ sở huấn luyện của khu vực để huấn luyện cho lực lượng giữ gìn hòa bình theo Dự án hợp tác ba bên của LHQ. Đồng thời, vừa qua, Việt Nam cũng đã tiếp nhận cương vị Chủ tịch Hiệp hội các trung tâm giữ gìn hòa bình châu Á-Thái Bình Dương năm 2020. Đây là cơ hội để Việt Nam nâng cao vị thế, đồng thời tiếp tục đóng góp thiết thực vào hoạt động giữ gìn hòa bình LHQ.

Hòa bình, tự do và thịnh vượng luôn là mong mỏi, khát vọng của mọi dân tộc. Trong thời đại Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, tiến bộ của nhân loại không chỉ được đo bằng những thành tựu của công nghệ mà trước hết phải là hòa bình và thịnh vượng và phải biết chắt chiu, nắm lấy từng cơ hội dù nhỏ nhoi cho hòa bình.

 

Thuý Ngà (tổng hợp)

Lượt xem: 679
Văn bản mới
  • Số 200-HD/BTGTU 19/11/2024 Các hình thức tổ chức biểu dương, khen thưởng và gặp mặt các tập thể, ...
  • Số 198-HD/BTGTU 01/11/2024 Hướng dẫn công tác tuyên truyền và tuyên truyền miệng tháng 11 năm 2024
  • Số 1423-CV/BTGTU 28/10/2024 Tuyên truyền kỷ niệm 70 năm sự kiện Tập kết ra Bắc (1954-2024)
  • Số 1415-CV/BTGTU 23/10/2024 Hướng dẫn trang trí khánh tiết đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 ...
  • Số 9743-HD/BTGTW 16/10/2024 Hướng dẫn trang trí khánh tiết đại hội đảng bô các cấp nhiệm kỳ 2025-2023 ...
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 004179498
  •  Đang online: 160
  •  Trong tuần: 6.208
  •  Trong tháng: 182.958
  •  Trong năm: 1.880.539