Thắm tình hữu nghị, trọn nghĩa thủy chung Việt - Lào, Lào - Việt In trang
26/08/2022 10:41 SA

Mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam  có được là dựa trên những điểm tương đồng về điều kiện tự nhiên, kinh tế, chính trị và xã hội; được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đặt nền móng đã phát triển không ngừng qua các thời kì lịch sử.

Cuối thế kỷ XIX, chế độ phong kiến hai nước lâm vào khủng hoảng, bị thực dân xâm lược và trở thành thuộc địa của thực dân Pháp. Không khuất phục trước kẻ thù, Nhân dân hai nước liên tục đứng lên đấu tranh. Năm 1945, nắm bắt thời cơ cách mạng, Nhân dân hai nước đứng lên tiến hành cuộc khởi nghĩa, làm nên Cuộc cách mạng Tháng Tám 1945 thành công. Xây dựng Nhà nước kiểu mới của dân, do dân và vì dân. Đây là kì tích đầu tiên, là chiến công chung của Nhân dân hai nước dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương.

Tuy nhiên, vừa ra đời hai nhà nước non trẻ lại đứng trước cảnh “ngàn cân treo sợi tóc” đó là thù trong, là giặc ngoài… Đặc biệt, ngay sau cách mạng Tháng Tám, thực dân Pháp đã ngoan cố ra sức ngăn cản quá trình phát triển của cách mạng hai nước. Chúng điên cuồng vũ trang hòng đặt lại ách thống trị của chúng. Nhưng với tinh thần đoàn kết chống thực dân Pháp xâm lược, Nhân dân hai nước Việt Nam, Lào đã sát cánh bên nhau; cán bộ, chiến sĩ quân đội Việt Nam luôn thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “giúp bạn là mình tự giúp mình” đã đoàn kết, phối hợp chiến đấu chặt chẽ, hiệu quả với quân dân Lào, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác và giành thắng lợi hoàn toàn vào năm 1954. Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945-1954), thể hiện nghị lực và quyết tâm của cả hai nước Việt Nam-Lào trong cuộc chiến đấu chống kẻ thù chung, kết tinh sức mạnh đoàn kết đặc biệt, liên minh chiến đấu giữa Nhân dân và quân đội hai nước Việt-Lào.

Từ năm 1954-1975, Nhân dân hai nước bước vào cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược. Trong giai đoạn này, quan hệ Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam phát triển lên đỉnh cao của hình thức liên minh chiến lược trực tiếp chống đế quốc, trở thành một mẫu mực về tình đoàn kết, chiến đấu, hỗ trợ lẫn nhau trên mọi lĩnh vực. Thủy chung với tình hữu nghị truyền thống, trung thành với chủ nghĩa quốc tế của giai cấp công nhân, Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam đã giúp đỡ, hỗ trợ đến mức cao nhất cả về vật chất lẫn tinh thần cho cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược của Nhân dân các bộ tộc Lào. Đáp lại, Đảng, Nhà nước và Nhân dân Lào đã tạo mọi điều kiện thuận lợi, hết lòng ủng hộ và giúp đỡ Việt Nam trong sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Trong cuộc trường chinh đầy gian khổ ấy, quân tình nguyện Việt Nam đã cùng Quân đội giải phóng Nhân dân Lào mở nhiều chiến dịch cùng hàng loạt trận chiến đấu thắng lợi, đánh bại từng bước chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, rồi “Chiến tranh đặc biệt tăng cường” của Mỹ ở Lào, làm cho đế quốc Mỹ phải phân tán lực lượng đối phó, góp phần hỗ trợ đắc lực, tạo thời cơ thuận lợi cho các bước chuyển biến của chiến tranh cách mạng ở Việt Nam, tạo đà phát triển đi lên của cách mạng Campuchia, dẫn tới thắng lợi hoàn toàn vào năm 1975.

Từ năm 1976 đến nay, với nhiệm vụ khôi phục, phát triển kinh tế-xã hội, tăng cường ổn định chính trị-xã hội và củng cố quốc phòng, an ninh, quan hệ Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam được thúc đẩy và mở rộng trên tất cả các lĩnh vực, trở thành mối quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước và Nhân dân hai nước. Kết quả là, Việt Nam hiện là nước đứng thứ hai trong tổng số 68 quốc gia và vùng lãnh thổ có hoạt động đầu tư trực tiếp tại Lào. Hợp tác giữa các địa phương hai nước được chú trọng thúc đẩy. Cùng với đó, quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh luôn được phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu, đã đưa mối quan hệ và tình đoàn kết đặc biệt Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam lên một tầm cao mới.

Để có được mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam phải kể đến vai trò to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Cayxỏn Phômvihản, Chủ tịch Xuphanuvông và các nhà lãnh đạo cấp cao của hai Đảng, hai Nhà nước trong quá trình xây dựng và phát triển.

Ngày 05/9/1962, hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Đây là sự kiện lịch sử trọng đại, đánh dấu một giai đoạn phát triển mới, khẳng định sự gắn bó của hai dân tộc láng giềng Việt Nam - Lào, luôn cùng kề vai sát cánh, gắn bó, đoàn kết, giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau trong công cuộc đấu tranh giành độc lập tự do cho dân tộc.

Ngày 18/7/1977, hai nước ký kết các hiệp ước: Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác, Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào… đã đánh dấu mốc son lịch sử quan trọng trong quan hệ giữa hai nước. Đăc biệt trong giai đoạn mới hiện nay, dưới sự chỉ đạo của hai Đảng, hai Nhà nước, các ban của Đảng, bộ, ngành của Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị, địa phương, doanh nghiệp hai nước đã chủ động phối hợp và tích cực triển khai thực hiện có hiệu quả các thỏa thuận, hiệp định, kế hoạch, chương trình hợp tác giữa hai bên và đạt được những kết quả thiết thực trên tất cả các lĩnh vực, góp phần quan trọng vào việc giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh ở mỗi nước; tiếp tục củng cố và tăng cường quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào; đồng thời, nâng cao vị thế, uy tiến của hai Đảng, hai nước trên trường quốc tế, đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực và thế giới.

Từ thực tiễn đoàn kết keo sơn gắn bó giữa hai dân tộc Việt Nam - Lào trong những năm tháng chiến tranh trước đây cũng như trong sự nghiệp xây dựng đất nước hiện nay đã để lại nhiều bài học lịch sử, rất cần chắt lọc, vận dụng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc mỗi nước.

Để gìn giữ, phát huy tình cảm hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào chúng ta cần phát huy sức mạnh tổng thể của cả hệ thống chính trị và Nhân dân hai nước trên cơ sở phát huy những kinh nghiệm được đúc kết trong lịch sử và tăng cường đẩy mạnh hợp tác hơn nữa trên mọi lĩnh vực.

Cảnh Việt

 

 

Lượt xem: 3.124
Văn bản mới
  • Số 206-HD/BTGTU 23/12/2024 Hướng dẫn học tập, quán triệt, tuyên truyền Chuyên đề năm 2025 “Học tập và ...
  • Số 92-KH/BTGTU 19/12/2024 Kế hoạch tổ chức chào cờ và sinh hoạt chính trị năm 2025
  • Số 1492-CV/BTGTU 18/12/2024 Tuyên truyền kết quả kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV
  • Số 204-HD/BTGTU 09/12/2024 Hướng dẫn tuyên truyền kỷ niệm 300 năm Ngày sinh Hải Thượng Lãn Ông Lê ...
  • Số: 1720/STTTT - TTr 06/12/2024 Về việc cảnh báo thủ đoạn cắt ghép hình ảnh cá nhân vào clip “nhạy ...
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 004386878
  •  Đang online: 66
  •  Trong tuần: 66
  •  Trong tháng: 177.569
  •  Trong năm: 2.087.919