Tuyên ngôn độc lập sức sống trường tồn cùng thời đại In trang
25/08/2022 03:35 CH

Việt Nam là một quốc gia, dân tộc luôn yêu chuộng, khát vọng tự do, hòa bình và độc lập; đồng thời, cũng là một dân tộc có truyền thống lịch sử chống giặc ngoại xâm kiên trì, bền bỉ nhất trên thế giới. Trong suốt hàng nghìn năm giữ nước, dân tộc ta đã có ba bản Tuyên ngôn độc lập, đó là: Bài thơ “Nam Quốc Sơn Hà” của Lý Thường Kiệt năm (891); “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi năm (1428) và “Tuyên ngôn độc lập” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tại Quảng trường Ba Đình Hà Nội ngày 2/9/1945.

Trong ba Bản Tuyên ngôn ấy, Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi thảo và tuyên đọc trước quốc dân đồng bào ngày 2-9-1945 tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, tuy ngắn gọn (chỉ có 1.120 chữ, được sắp xếp trong 49 câu) nhưng đây là một văn kiện lịch sử, nó bao hàm và chứa đựng những nội dung bất hủ, mang sức sống trường tồn với thời gian để khẳng định quyền tự chủ, tự do và độc lập của dân tộc Việt Nam.

Trước hết, Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định:  quyền dân tộc và quyền con người luôn gắn bó chặt chẽ với nhau bằng việc Người luận dẫn những lời bất hủ trong bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được. Trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc” và Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của cách mạng Pháp năm 1791 “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi, và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”.

Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, bằng trí tuệ mẫn tiệp, bằng sự trải nghiệm thực tế và thực tiễn sinh động của cách mạng Việt Nam, Người đã phát triển, sáng tạo, đưa ra một mệnh đề không thể phủ nhận về quyền độc lập của mọi dân tộc: “Suy rộng ra câu ấy có nghĩa là: Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”. Trong bản Tuyên ngôn của mình, Bác trích dẫn một cách khéo léo lời hai bản Tuyên ngôn nổi tiếng thế giới của Mỹ và Pháp với dụng ý sâu sắc. Từ hai bản Tuyên ngôn ấy, Người đã suy rộng ra và thể hiện một tư tưởng lớn, một luận điểm quan trọng thể hiện sự vượt trội của Chủ tịch Hồ Chí Minh được trình bày trong Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam. Đây là một nội dung rất căn bản, có ý nghĩa không chỉ đối với dân tộc Việt nam mà còn có ý nghĩa sâu sắc đối với thời đại. Từ đó tới nay, các nước trên thế giới đã và đang tiếp tục đấu tranh để giành độc lập, giành quyền tự chủ của dân tộc mình.

Trong Tuyên ngôn Độc lập, quyền dân tộc và quyền con người có mối quan hệ biện chứng, gắn bó mật thiết, tác động qua lại lẫn nhau. Dân tộc độc lập là điều kiện tiên quyết, là tiền đề để bảo đảm thực hiện quyền con người và ngược lại thực hiện tốt quyền con người chính là phát huy những giá trị cao cả và ý nghĩa thật sự của độc lập dân tộc. Bởi vì, con người có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc. Nhưng dưới chế độ thực dân, phong kiến quyền đó đã bị tước đoạt và chỉ khi dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo thì ba quyền ấy mới được đảm bảo ngày một tốt hơn. Điều đó mang một ý nghĩa thời đại, là mục tiêu kiên định không thể xa rời của sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định nước ta được độc lập mà dân không được tự do thì độc lập ấy chẳng có ý nghĩa gì. Quyền dân tộc và quyền con người có mối quan hệ mật thiết với nhau và cũng là nét độc đáo trong Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Từ quyền con người, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nâng lên thành quyền dân tộc, từ quyền của cá nhân, Người đã nâng lên thành quyền của mọi dân tộc bị áp bức, bóc lột trên thế giới. Có thể thấy, đây chính là một tư tưởng lớn, một cống hiến vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thể hiện tâm huyết lớn của Người dành cho dân tộc Việt Nam và các dân tộc trên thế giới, tất cả vì mục tiêu giải phóng con người; tất cả các dân tộc đều có quyền tự quyết định lấy vận mệnh của dân tộc mình, lấy sức ta để giải phóng cho ta.

Sau khi khẳng định quyền dân tộc và quyền con người, Chủ tịch Hồ Chí Minh  đã dùng những  từ ngữ đanh thép để tố cáo và vạch trần bản chất cướp nước của bè lũ tay sai, của thực dân phong kiến, giả nhân giả nghĩa, lợi dụng lá cờ tự do bình đẳng, bác ái để che đậy hành vi bất nhân, bất nghĩa từ chính sách ngu dân, chúng dùng  rượu cồn, thuốc phiện, thuế khóa để làm cho nòi giống ta suy nhược… Người không những chỉ tố cáo, vạch trần tội ác của chủ nghĩa thực dân trước Nhân dân thế giới mà còn giúp họ nhìn rõ bản chất của chúng để phòng và đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân. Nếu trên thế giới, còn tồn tại chủ nghĩa thực dân thì quyền con người sẽ không bao giờ được thực hiện.  

Kết thúc bản Tuyên ngôn Độc lập, sau khi trịnh trọng tuyên bố với thế giới và quốc dân đồng bào về các quyền của nước Việt Nam được hưởng tự do và độc lập và hơn thế, sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Nhân danh dân tộc Việt Nam, Người long trọng khẳng định: “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”.

Lời khẳng định đanh thép ấy trong Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện ý chí quyết tâm của toàn thể dân tộc Việt Nam, ý thức rất rõ mối hiểm nguy, thách thức đang chờ phía trước; vì vậy, dân tộc Việt Nam sẵn sàng chấp nhận những hy sinh, mất mát, có thể là rất to lớn để bảo vệ bằng được thành quả quý giá, lớn lao nhất vừa giành được đó là: quyền độc lập, tự do, quyền tồn tại của một quốc gia dân tộc.

Thực hiện lời thề độc lập - lời thề giữ nước thiêng liêng ấy, dân tộc Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo đã anh dũng đứng lên chiến đấu trường kỳ, bền bỉ suốt 30 năm chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược với tinh thần “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” để giành độc lập dân tộc, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước với những chiến công hiển hách bằng chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 và Đại thắng mùa Xuân năm 1975.

Chiến tranh đã lùi xa, cả nước bắt tay vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Hơn 40 năm qua, chúng ta đã đạt được rất nhiều thành tựu vĩ đại, đất nước không ngừng phát triển, an ninh chủ quyền quốc gia được giữ vững, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân ngày càng được nâng lên, thế và lực của nước ta trên trường quốc tế ngày càng được khẳng định… Điều đó chứng tỏ giá trị lịch sử của Bản Tuyên ngôn Độc lập, đó là sự kết tinh và thể hiện tư tưởng lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đại đoàn kết toàn dân tộc, về tự do, độc lập dân tộc, hạnh phúc của Nhân dân gằn liền với chủ nghĩa xã hội.

77 năm đã trôi qua, Bản Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn mang một sức sống mãnh liệt và giá trị trường tồn, là ngọn đuốc soi đường cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa ngày nay.

                                                                                                  

Nguyễn Thị Mỵ

         

 

Lượt xem: 623
Văn bản mới
  • Số 200-HD/BTGTU 19/11/2024 Các hình thức tổ chức biểu dương, khen thưởng và gặp mặt các tập thể, ...
  • Số 198-HD/BTGTU 01/11/2024 Hướng dẫn công tác tuyên truyền và tuyên truyền miệng tháng 11 năm 2024
  • Số 1423-CV/BTGTU 28/10/2024 Tuyên truyền kỷ niệm 70 năm sự kiện Tập kết ra Bắc (1954-2024)
  • Số 1415-CV/BTGTU 23/10/2024 Hướng dẫn trang trí khánh tiết đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 ...
  • Số 9743-HD/BTGTW 16/10/2024 Hướng dẫn trang trí khánh tiết đại hội đảng bô các cấp nhiệm kỳ 2025-2023 ...
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 004179476
  •  Đang online: 138
  •  Trong tuần: 6.186
  •  Trong tháng: 182.936
  •  Trong năm: 1.880.517