Tháng Chín trong tâm thức người việt In trang
26/08/2022 10:38 SA

Tháng Chín dương lịch là một tháng khá đặc biệt đối với tâm thức mỗi người dân đất Việt. Một tháng mà khi gọi tên lên, ai cũng thấy lòng náo nức. Bởi vì tháng chín gắn với những ngày lễ, ngày kỷ niệm quan trọng đối với đất nước, với đời người.

Ngày quan trọng nhất của tháng Chín là ngày Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam (2/9/1945), và cũng đồng thời là ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trần (2/9/1969). Có điều gì đó rất huyền diệu, thiêng liêng mà không thể lý giải được một cách tường minh, ấy là đúng ngày 2/9/1945, Bác đứng trên lễ đài, trước quảng trường Ba Đình lịch sử để đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, trước biết bao trái tim đang hân hoan thổn thức của mỗi người dân Việt Nam. Thì cũng đúng ngày 2/9 của 24 năm sau, Bác “vẫy chào cõi thực để vào hư” (Xuân Diệu), để “đi thăm các cụ Các Mác; Lê nin và đi gặp tổ tiên” (Di chúc Hồ Chí Minh). Nếu ngày 2/9/1945, cả thủ đô Hà Nội, khắp quảng trường Ba Đình tràn ngập cờ hoa: “Hôm nay sáng mồng hai tháng chín/ Thủ đô hoa vàng nắng Ba Đình” để đón chào một nước Việt Nam độc lập mới ra đời; thì đến 2//-1969, cả Việt Nam mưa gió não nùng để tiễn một con người ưu tú của dân tộc về cõi vĩnh hằng: “Suốt mấy hôm rày đau tiễn đưa/ Đời tuôn nước mắt, trời tuôn mưa” (Tố Hữu). Cũng từ năm 1969, như thành thông lệ, hầu như ngày 2/9 năm nào trời cũng đổ mưa.

Ngày Quốc khánh, trong tâm thức của các tầng lớp Nhân dân, là một ngày trọng đại và thiêng liêng vô cùng. Nó đánh dấu một mốc son đáng tự hào. Đó là ngày Việt Nam chính thức được khai sinh. Là ngày mỗi người dân đất Việt có thể tự hào ngẩng cao đầu kiêu hãnh với các dân tộc, quốc gia khác trên thế giới, bởi “nước Việt Nam từ máu lửa” đã “Rũ bùn đứng dậy sáng lòa”. Trên bản đồ thế giới, cái tên Việt Nam đã được ghi vào một cách vẻ vang. Đến giờ, nhắc lại không khí náo nức của ngày Quốc khánh 2/9/1945, những người già vẫn không khỏi bồi hồi, xúc động, cho dù khi được chứng kiến sự kiện quan trọng ấy, họ đều còn rất nhỏ. Rất nhỏ, nhưng không khí phấn chấn hào hùng và niềm xúc động tột cùng của toàn xã hội đã đi theo họ suốt cả cuộc đời. Những chứng nhân lịch sử ấy nay không còn nhiều nữa, nhưng những gì họ đang lưu giữ trong ký ức và kể lại cho các thế hệ sau, cũng đã truyền lửa sang những trái tim Việt Nam trẻ trung, để ngày 2/9 mãi mãi trở thành một ngày thiêng liêng trọng đại đối với toàn dân tộc cũng như với mỗi con người. Bởi thế,  ngày 2/9 còn được gọi là ngày “Tết Độc Lập”.

Nhiều hoạt động thiết thực kỷ niệm Quốc khánh được tổ chức hàng năm. Trên các trang mạng, tràn ngập những khẩu hiệu, biểu ngữ, những hình ảnh đại diện là lá cờ đỏ sao vàng và ảnh lãnh tụ Hồ Chí Minh mà giới trẻ chia sẻ cho nhau để đón chào ngày 2/9, đủ thấy rằng ngày này có tầm quan trọng như thế nào trong tâm thức mỗi người. Nhất là với những người con Việt Nam ở xa Tổ quốc, Quốc khánh là dịp gợi nhớ về quê hương, đất nước nhiều nhất. Mỗi dịp Quốc khánh, cả dân tộc lại bồi hồi ôn lại những chặng đường máu lửa mà đất nước đã đi qua, cho đến ngày thắng lợi cuối cùng.

Quốc khánh còn trùng với ngày Bác Hồ đi xa. Nói theo cách giản dị của người Việt Nam là ngày giỗ Bác. Theo truyền thống của người Việt, ngày giỗ thường theo âm lịch. Nhưng với triệu triệu trái tim Việt Nam, thì “Việt Nam có Bác, Bác là Việt Nam”. Hình ảnh Bác luôn gắn với ngày Quốc khánh, luôn gắn với một nước Việt Nam độc lập, cho nên, như một lẽ tự nhiên, khi đón chào ngày Quốc khánh, người Việt Nam luôn nhớ Bác Hồ. Ngày kỷ niệm Quốc khánh cũng là ngày kỷ niệm Bác ra đi. Rất nhiều gia đình người Việt làm cơm cúng Bác, thắp hương nhớ Bác trong ngày 2/9. Bác là người ruột thịt của tất cả mọi người dân Việt Nam, mọi gia đình Việt Nam.

Tháng Chín còn gợi trong tâm thức người dân đất Việt một ngày quan trọng nữa: ngày khai giảng. Sau những tháng hè được nghỉ, học sinh náo nức tựu trường. Người Việt Nam có truyền thống tôn sư trọng đạo, coi trọng học hành, tri thức, nên ngày khai giảng có ý nghĩa vô cùng đặc biệt. Đó là ngày hội đến trường mà toàn dân đều phấn khởi hướng về. Đó là ngày đầu tiên mở ra một năm học mới với biết bao hi vọng, say mê. Ngày khai giảng luôn được tổ chức trọng thể, cho dù ở cấp học nào, ở vùng nào, miền Nam hay miền Bắc, đồng bằng hay miền núi, hay những vùng hải đảo xa xôi. Không đơn thuần mang ý nghĩa là một ngày đánh dấu năm học mới, ngày khai giảng còn gửi gắm biết bao hi vọng, bao tình yêu của người Việt Nam đối với sự nghiệp học hành của con em mình. Cho nên, ngày khai giảng không chỉ có ngành giáo dục quan tâm, mà toàn thể xã hội đều quan tâm. Không chỉ có giáo viên và học sinh phấn khởi, mà bất cứ ai trên dải đất hình chữ S này đều thấy lòng rộn ràng. Gia đình nào cũng có con em đang đến trường. Người lớn nào cũng đã từng qua tuổi ấu thơ, cũng có những ngày khai giảng đẹp lung linh trong ký ức. Xã hội càng phát triển, con người càng khao khát vươn đến chân trời tri thức nên sự nghiệp giáo dục đào tạo càng được coi trọng. Một đất nước coi “Hiền tài là nguyên khí quốc gia” như Việt Nam, coi người thầy có vị trí quan trọng chỉ sau vua, coi học hành là nền tảng phát triển bền vững nhất, thì ngày khai giảng chắc chắn là một ngày đặc biệt: “Sáng đầu thu trong xanh/ Em mặc quần áo mới/ Đi đón ngày khai trường/ Vui như là đi hội” (Nguyễn Bùi Vợi).

Như vậy, ngày đầu tháng Chín, người dân Việt Nam đã có một ngày Tết-Tết độc lập, và một ngày Hội - ngày hội đến trường, đủ thấy tháng chín có vị trí quan trọng đến thế nào. Chưa kể, tháng chín dương lịch thường là tháng tám âm lịch, có thêm ngày Tết Trung thu-rằm tháng Tám. Với người Việt Nam, rằm tháng Tám cũng là một ngày đặc biệt. Thế giới có ngày Quốc tế thiếu nhi (1/6) thì Việt Nam có hẳn một ngày Tết dành cho thiếu nhi là Tết Trung thu. Vào ngày ấy, dẫu giàu có hay nghèo khó, thì nhà nào cũng làm một mâm “cỗ trông trăng”, trước là thắp hương tổ tiên, sau bầy ra thưởng nguyệt, và sau nữa để cho trẻ con “phá cỗ”. Vầng trăng đêm rằm tháng Tám cũng là vầng trăng đẹp nhất trong năm. Bầu trời giữa thu trong văn vắt, cao và rộng mênh mông, thanh khiết. Gió nhẹ mà mát. Vầng trăng như chiếc mâm vàng vành vạnh tỏa sáng vằng vặc xuống nhân gian. Trẻ con rồng rắn đi từ nhà nọ đến nhà kia. Có nhiều trò vui được bày ra nhân dịp Tết Trung thu. Người lớn thì thưởng trà, thưởng rượu, thưởng hoa, trẻ con thì múa lân, múa rồng, chơi đèn ông sao, đèn kéo quân. Và đặc biệt nữa là, trên mâm cỗ trông trăng rằm tháng Tám truyền thống của mỗi gia đình người Việt đều không thể thiếu một ông tiến sĩ bằng giấy. Thứ đồ chơi giản dị làm từ giấy màu và những mảnh nan tre ấy mang một ý nghĩa sâu xa. Các bậc cha mẹ, ông bà luôn ước mong con cháu mình để tâm cho việc học, để mai sau đỗ đạt, thành tài. Khát vọng học hành được thể hiện ngay trong những đồ chơi dành cho con trẻ. Bây giờ, Tết Trung thu đã ít nhiều đổi khác, nhưng vẫn là ngày tết được trẻ em mong chờ nhất trong năm, nhất là trẻ em ở những vùng nông thôn, những vùng xa xôi.

Tháng Chín đã về! Những ngày tháng Chín quan trọng đã đến! Không phải bỗng dưng mà trong tháng này, thiên nhiên cũng như đổi khác, mềm mại hơn, trong sáng hơn, tha thiết hơn! Trong tâm thức của người dân Việt Nam, tháng Chín luôn là một tháng thiêng liêng và đáng nhớ!

 

Kiều Ninh

 

 

Lượt xem: 1.011
Văn bản mới
  • Số 200-HD/BTGTU 19/11/2024 Các hình thức tổ chức biểu dương, khen thưởng và gặp mặt các tập thể, ...
  • Số 198-HD/BTGTU 01/11/2024 Hướng dẫn công tác tuyên truyền và tuyên truyền miệng tháng 11 năm 2024
  • Số 1423-CV/BTGTU 28/10/2024 Tuyên truyền kỷ niệm 70 năm sự kiện Tập kết ra Bắc (1954-2024)
  • Số 1415-CV/BTGTU 23/10/2024 Hướng dẫn trang trí khánh tiết đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 ...
  • Số 9743-HD/BTGTW 16/10/2024 Hướng dẫn trang trí khánh tiết đại hội đảng bô các cấp nhiệm kỳ 2025-2023 ...
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 004179397
  •  Đang online: 136
  •  Trong tuần: 6.107
  •  Trong tháng: 182.857
  •  Trong năm: 1.880.438