GIÁO SƯ, TIẾN SỸ HOÀNG CHÍ BẢO NHỮNG NỘI DUNG CỐT LÕI VỀ TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH In trang
11/01/2017 12:00 SA

I. Khái quát, giá trị, ý nghĩa của Chỉ thị 05-CT/TW

Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị khoá XII về “học tập làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” là một sự phát triển mới, bổ sung, điều chỉnh quan trọng của Đảng ta so với Chỉ thị số 03-CT/TW.

Nói tới Hồ Chí Minh là nói tới nhà tư tưởng kiệt xuất, một nhà Mác xít bậc nhất của nước ta thế kỷ 20. Cả cuộc đời của Người, nổi trội là tấm gương đạo đức cách mạng cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư.

Lần này Đảng ta nhấn mạnh đến tư tưởng, đạo đức, phong cách để chúng ta thấu hiểu một trong những vấn đề quan trọng của Hồ Chí Minh là lấy lý luận gắn liền với thực tiễn. Cuộc đời hơn 6 thập kỷ của Bác đã sử dụng rất thành công nguyên lý Mác xít là thống nhất lý luận và thực tiễn. Người coi đây là nguyên tắc, là bản chất tối cao của Chủ nghĩa Mác-Lênin. Ngay trong đạo đức của Người cũng có tư tưởng về đạo đức, thái độ, tình cảm về đạo đức, nhất là biểu hiện về hành vi, lối sống đạo đức.

Tư tưởng của Hồ Chí Minh chính là phương pháp sáng tạo Hồ Chí Minh, phương pháp tư duy, phương pháp hành động, phương pháp ứng xử.

Phong cách chính là con người, là kết tinh độc đáo nhất giữa tư tưởng và thực tiễn. Nhà thơ Minh Huệ có nói: “Vì một lẽ thường tình Bác là Hồ Chí Minh”. Tên gọi của Người chính là tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người, nhất là kết tinh hội tụ ở phong cách.

Phong cách là con người, phong cách Hồ Chí Minh chính là nơi hội tụ những giá trị tốt đẹp cả lý luận và thực tiễn của Người; nói rộng hơn đó là di sản Hồ Chí Minh, trong đó tư tưởng là cốt lõi.

Có thể nói bản chỉ thị lần này phổ biến đến từng chi bộ, Tổng Bí thư đứng ra chỉ đạo đến toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, cuộc học tập rộng lớn sâu xa mà trước giờ chưa từng có. Điều này cần thiết cho chúng ta xây dựng và chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh ngang tầm nhiệm vụ chính trị xứng đáng là một Đảng cầm quyền, xứng đáng niềm tin cậy nhân dân dành cho Đảng.

Có một chi tiết đáng quan tâm là bản Chỉ thị ghi ngày 15/5/2016. Ngày 15/5 chính là ngày Bác viết xong di chúc cách đây 51 năm. Sự trùng hợp này có ý nghĩa nhắc nhở chúng ta suốt đời làm theo Bác.

II. Nội dung cơ bản, cốt lõi về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

1. Về tư tưởng giải phóng con người

Hồ Chí Minh là nhà Mác xít sáng tạo bậc nhất cách mạng Việt Nam thế kỷ 20, người đầu tiên truyền bá Chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam, người đã sáng lập ra Đảng, Nhà nước, Quân đội, Mặt trận và các đoàn thể. Trong cuộc đời, Người đồng thời sử dụng 02 thuật ngữ Chủ nghĩa Mác, Chủ nghĩa Lênin, đến những năm 1960, Người sử dụng đồng thời Chủ nghĩa Mác-Lênin. Bác luôn nhấn mạnh vấn đề thực tiễn, thực hành và thực tế, đây là điểm gợi mở cho chúng ta tìm hiểu tư tưởng của Người. Qua nghiên cứu, chúng ta thấy Bác có cả một học thuyết giải phóng, triết lý về nhân sinh và hành động. Học thuyết giải phóng Hồ Chí Minh về giải phóng giai cấp công nhân, giải phóng nhân dân lao động, giải phóng xã hội loài người và con người. Nhưng nét độc đáo của Hồ Chí Minh là đặt giải phóng dân tộc, hạnh phúc, tự do của đồng bào lên trên hết. Điểm đặc biệt của Bác là giải quyết thành công giữa giải phóng dân tộc với giải phóng giai cấp trên lập trường giai cấp công nhân. Bác đã vượt qua ý thức hệ phong kiến và những hạn chế của tư sản để suốt đời trung thành ý thức hệ thời đại là Chủ nghĩa Mác-Lênin. Đó là bản lĩnh Hồ Chí Minh; là một trong những sáng tạo của Người về lý luận Mác xít.

Đặc biệt ở Hồ Chí Minh có hệ thống chủ nghĩa nhân sinh thể hiện tinh thần nhân đạo, nhân văn của Người. Bác sống 79 tuổi nhưng mang trong mình 175 cái tên, trong đó có 2 cái tên Nguyễn Ái Quốc (trong 30 năm tìm đường cứu nước) và Nguyễn Ái Dân (khi đã trở thành nguyên thủ quốc gia). Suốt đời mình Bác chỉ có 2 chữ thôi, đó là nước và dân, yêu nước tức là yêu dân, yêu dân tức là thước đo lòng yêu nước. Cho nên Đảng ta đã nói: Không ngừng bồi đắp mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân, giữa Nhà nước và nhân dân.

Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống các nguyên tắc lớn ở tầm chiến lược của cách mạng Việt Nam, ảnh hưởng lớn cách mạng thế giới. Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, đây là phát hiện của Bác từ hoạt động thực tiễn, từ nghiên cứu thế giới dẫn đến con đường phát triển của Việt Nam trong thế kỷ 20.

Đặc biệt Hồ Chí Minh phát hiện ra quy luật phát triển của Đảng ta: Chủ nghĩa Mác -Lênin với phong trào công nhân kết hợp phong trào yêu nước của nhân dân ta. Điều này chứng tỏ, ngay từ khi ra đời, Đảng ta đã gắn liền máu thịt với nhân dân. Nhân dân và chủ nghĩa yêu nước của dân tộc chính là bệ đỡ của Đảng để tạo nên những kỳ tích cách mạng Việt Nam. Vì vậy, trong cuộc đời hoạt động của mình, Bác nhắc chúng ta dựa vào dân mà phát triển Đảng, đặc biệt trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” đã nói rất rõ điều này. Trong lúc lâm bệnh nặng, Bác cũng không quên nghĩ tới dân. Chữ dân thấm đẫm nhất trong triết lý nhân sinh của Hồ Chí Minh. Chính vì yêu dân như vậy nên Bác có một bản lĩnh suốt đời đứng ngoài vòng danh lợi, suốt đời đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân.

2. Tư tưởng Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội và xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Không ai nói về chủ nghĩa xã hội thấm đẫm chất nhân văn như Hồ Chí Minh, đây có thể nói là điểm sáng tạo của Người trong việc bổ sung phát triển Chủ nghĩa Mác-Lênin. Bác nói, Chủ nghĩa xã hội Việt Nam chỉ cần 5 chữ thôi: Đó là “lý kết hợp với tình”. Ở đây cho thấy một tư duy biện chứng và hài hoà của Hồ Chí Minh, trong đó trung tâm là con người, mục tiêu và phát triển vì con người. Tư tưởng Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội là một tư tưởng hài hoà dựa trên quan điểm thực tiễn, quan điểm chủ nghĩa xã hội. Bác nói: Xây dựng Chủ nghĩa xã hội Việt Nam là làm sao xây dựng đời sống vật chất ngày càng tăng, đời sống tinh thần ngày càng tốt, xã hội ngày càng văn minh tiến bộ. Xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam đúc kết một câu, đó là: Hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh. Bác nói: Tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc nhưng không được làm bừa, làm ẩu. Cách làm tốt nhất là dựa vào dân, mục đích là phục vụ dân, mưu cầu hạnh phúc nhân dân.

Tư tưởng Hồ Chí Minh là tư tưởng đại đoàn kết toàn dân tộc. Bác là biểu tượng của tư tưởng đại đoàn kết toàn dân tộc, mở rộng ra đó là văn hoá chính trị. Đoàn kết thể hiện giá trị văn hoá.

Tư tưởng Hồ Chí Minh còn là tư tưởng công an nhân dân, quân đội nhân dân chính quy tinh nhuệ bảo vệ cách mạng mà sâu xa là bảo vệ nhân dân.

Tư tưởng Hồ Chí Minh còn là tư tưởng về đường lối đối ngoại, chính sách ngoại giao linh hoạt mềm dẻo, thêm bạn bớt thù, tranh thủ tối đa sự ủng hộ của các nước bạn bè trên thế giới.

Tư tưởng Hồ Chí Minh là tư tưởng về văn hoá và con người. Tư tưởng Hồ Chí Minh là tư tưởng về môi trường.

Có thể nói tư tưởng Hồ Chí Minh bao quát toàn bộ diện, hệ thống các lĩnh vực đời sống xã hội mà cốt lõi là xây dựng giá trị tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Tư tưởng Hồ Chí Minh là tư tưởng độc lập, thể hiện bản lĩnh sáng tạo độc lập, làm chủ mọi hoàn cảnh và đặc biệt nữa là một niềm tin vô hạn vào tương lai. Bác tổng kết: Thiên thời, địa lợi, nhân hoà, trong đó lấy nhân hoà làm gốc và đó là một tầm nhìn chiến lược.

Bác không chỉ là một nhà tư tưởng lớn, một nhà văn hoá kiệt xuất mà còn là một nhà thơ chuyên nghiệp. Trong 24 năm là nguyên thủ quốc gia, Bác rất chú trọng việc dùng người. Bác nói: Rèn đạo đức thì như giã gạo nhưng dùng người thì tuyệt đối không như giã gạo, cho nên phải nghiêm khắc mà bao dung, nghiêm khắc với lỗi lầm khuyết điểm, nhưng phải bao dung nhân ái để con người hoàn thiện.

Tiếp nhận tư tưởng Hồ Chí Minh cả trong tác phẩm và trong hoạt động thực tiễn. Ví như bài thơ “đánh cờ” nghĩa đen là một ván cờ nhưng nghĩa bóng là tầm nhìn chiến lược của người lãnh đạo.

Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống lớn quan điểm, phương pháp về tầm nhìn chiến lược, sách lược cách mạng Việt Nam, đó còn là ảnh hưởng của Bác đối với phong trào cách mạng thế giới. Và đặc biệt tư tưởng Hồ Chí Minh thuộc dòng tư tưởng Mác xít sáng tạo. Có thể rút ra mấy đặc điểm về tư tưởng Hồ Chí Minh như sau:

- Chú trọng kinh nghiệm thực tiễn, nhưng phải lý luận hoá kinh nghiệm chứ không rơi vào chủ nghĩa kinh nghiệm dung tục tầm thường. Người rất thực tế, thực tiễn nhưng không thiển cận. Người đọc thiên kinh vạn quyển nhưng không rơi vào chủ nghĩa sách vở.

- Hồ Chí Minh là con người của sáng tạo, đổi mới.

- Người giản dị nhưng không hề giản đơn. Học cái tâm, cái đức của Bác chứ không thể bắt chước Bác.

Hồ Chí Minh chỉ nắm lấy tinh thần và phương pháp của chủ nghĩa Mác - Lênin để vận dụng vào nước ta chứ không giáo điều. Người nhìn Chủ nghĩa Mác-Lênin không chỉ là khoa học mà còn là đạo đức, là văn hoá “đọc hàng trăm, hàng nghìn quyển sách về Mác-Lênin mà ăn ở với nhau không có lý có tình thì làm sao hiểu chủ nghĩa Mác - Lênin được”.

Thực hành sinh ra hiểu biết; hiểu biết tiến lên lý luận; lý luận lãnh đạo thực hành. Ngay với cách mạng nước ta, Bác nói: Làm cách mạng trước hết phải có Đảng. Đảng trước hết phải có chủ nghĩa làm cốt, Đảng không có chủ nghĩa giống như người không có trí khôn. Cho nên công tác tư tưởng của Đảng lúc này được đặt lên hàng đầu.

(Còn nữa)

Lượt xem: 3.122
Văn bản mới
  • Số 1504-CV/BTGTU 10/01/2025 Tăng cường công tác tuyên truyền đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại ...
  • Số 16-CTr/BTGTU 08/01/2025 Chương trình Công tác Tuyên giáo năm 2025
  • Số 36 - NQ/TU 07/01/2025 Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - ...
  • Số 208-HD/BTGTU 03/01/2025 Hướng dẫn nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền Chỉ thị số 39-CT/TW, ngày ...
  • Số 207-HD/BTGTU 02/01/2025 Hướng dẫn công tác tuyên truyền và tuyên truyền miệng tháng 01 năm 2025
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 005150556
  •  Đang online: 110
  •  Trong tuần: 19.277
  •  Trong tháng: 143.597
  •  Trong năm: 143.597