Để xích lại gần biển hơn, cùng với những cung đường nối gần với biển, Đà Lạt có nhiểu tour du lịch hoa – biển, gắn thành phố hoa với nắng gió biển của Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận… Thành phố Đà Lạt cũng kết nghĩa với một số thành phố biển để cùng hợp tác và phát triển. Hướng về biển, đảo là một nhu cầu không thể thiếu đối với người Đà Lạt, biển, đảo là nơi luôn được lựa chọn để gia đình du lịch, để trẻ em xây lâu đài cát, để các bạn trẻ “phượt” và khám phá, để đôi lứa hưởng tuần trăng mật. Biển, đảo vì vậy, vẫn luôn thân thuộc đúng như câu hát “không xa đâu Trường Sa ơi”.
Tình hình biển, đảo trở thành một nội dung trong sinh hoạt thường xuyên không những của các tổ chức Đảng, Mặt trận, đoàn thể mà còn của các sinh hoạt dân cư khác. Đặc biệt là sau vụ việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Với tấm lòng của người dân yêu nước, người Đà Lạt dõi theo từng diễn biến với sự lo lắng nhưng không nóng vội, quan tâm nhưng điềm tĩnh và tin tưởng vào cách xử lý của Đảng và Nhà nước. Lúc bấy giờ, tình cảm đối với đất nước, với biển, đảo có cơ hội được thể hiện mạnh mẽ. Người dân không chỉ chăm chú theo dõi các phương tiện thông tin đại chúng hơn mà bất cứ sự kiện gì liên quan đều được nêu ra, bàn bạc sôi nổi. Những hoạt động tìm hiểu về biển, đảo, luật Biển Việt Nam, UNLOCK… được tổ chức thường xuyên hơn. Trong 2 năm 2014 – 2016, các tổ chức cơ sở Đảng tổ chức hơn 150 lượt sinh hoạt chuyên đề về biển, đảo, thu hút trên 20000 lượt cán bộ, đảng viên, nhân dân tham gia. Những buổi triển lãm “Trường Sa, Hoàng Sa - chủ quyền của Việt Nam” lôi cuốn nhiều người dân Đà Lạt đến tìm hiểu. Trong các trường học, những cuộc thi tìm hiểu về biển, đảo được tổ chức, tất cả các lớp học đều có báo tường về biển, đảo Việt Nam, các em tìm hiểu về biển, đảo với tất cả sự háo hức, nhiệt tình. Theo Thành đoàn Đà Lạt, trong 2 năm đã có 57 hội thi các loại được các cấp Đoàn, Hội, Đội từ Thành phố đến cơ sở tổ chức, tiêu biểu như: thi vẽ tranh “Trường Sa – Hoàng Sa trong trái tim em”, “Trắc nghiệm tìm hiểu về biển, đảo Việt Nam”, thi viết “thư gửi Trường sa – Hoàng Sa thân yêu”, thi tìm hiểu “Hành trình vì biển, đảo thân yêu”… Học sinh thành phố Đà Lạt cũng thể hiện tình cảm của mình với Trường Sa – Hoàng Sa thân yêu bằng những buổi chào cờ, ngoại khóa xếp hình đất nước có quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, xếp hình lá cờ của Tổ quốc, trường Chuyên Thăng Long, trường tiểu học Trưng Vương là những điển hình. Bên cạnh đó, những bài hát, múa về biển, đảo cũng được phổ biến hơn trong các chương trình văn nghệ trong các hội thi hay văn nghệ quần chúng được tổ chức từ thành phố đến cơ sở.
Người Đà Lạt không chỉ yêu biển đảo qua việc tìm hiểu, qua những khẩu hiệu tuyên truyền mà còn thể hiện tình yêu bằng những hành động cụ thể, thiết thực. Các cấp ủy Đảng, Chính quyền, Mặt trận và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội của Thành phố đều có những phát động quyên góp ủng hộ Trường Sa. Năm 2013 và 2024 Thành phố đã nhận được trên 1,9 tỷ đồng đóng góp. Đoàn viên thanh niên thành phố Góp quỹ ũng hộ xây dựng bia tưởng niệm tại Vùng 4 Hải quân 26.000.000 đồng; Thành đoàn Đà Lạt tặng 10.000.000 đồng mua hạt giống gửi vùng 4 Hải quân, nhờ gửi ra Trường Sa theo các đơn vị lữ đoàn. Chi đoàn Trung tâm Nghiên cứu Khoai tây rau hoa cử Đoàn Viên ra đảo Trường Sa, cung cấp, giới thiệu các giống cây mới, phù hợp trồng tại Trường Sa. Chương trình “Góp đá xây Trường Sa” do báo Tuổi trẻ phát động và những hoạt động khác do các ngành, các cấp tổ chức cũng được người Đà Lạt hưởng ứng một cách hào hứng. Nhiều người dân Đà Lạt đóng góp cho Trường Sa lặng thầm và bền bỉ, trong đó phải kể đến Hợp tác xã Anh Đào, mỗi tháng gửi cho bộ đội Trường Sa 1 tấn rau xanh, việc làm ấy vẫn duy trì đều đặn từ năm 2013 đến nay. Người Đà Lạt cũng tham gia bảo vệ Trường Sa thân yêu, anh Anh Trần Văn Tư, phường 8 là chiến sĩ hiện đang công tác tại Trường Sa, gia đình anh được Thành phố chăm lo chu đáo. Đây cũng là một đầu mối gắn kết thành phố hoa và biển, đảo.
Còn nhiều, nhiều nữa những tấm lòng người dân Đà Lạt với biển, đảo. Có thể khẳng định, người Đà Lạt yêu biển như yêu phần còn thiếu của mình, đậm đà, tha thiết.
Nguyễn Thị Minh Hiếu