Trong bài thơ Tổ quốc nhìn từ biển, tác giả Nguyễn Việt Chiến đã có những dòng thơ đầy cảm xúc:
Nếu Tổ quốc đang bão giông từ biển
Có một phần máu thịt ở Hoàng Sa
Ngàn năm trước con theo cha xuống biển
Mẹ lên rừng thương nhớ mãi Trường Sa.
Thật vậy, biển đảo luôn là tiếng gọi thiêng liêng của non sông Việt Nam, khi biển đảo “dậy sóng”, mỗi người trong chúng ta dù đồng bằng hay miền núi, thành thị hay nông thôn cũng đều mang nỗi lo chung, một lòng giữ cho bằng được chủ quyền biển đảo.
Từ năm 2015 cho đến những tháng đầu năm 2016, tình hình Biển Đông trở thành đề tài “nóng” trên tất cả các diễn đàn từ các phương tiện thông tin đại chúng đến các diễn đàn mạng, hay tại các cuộc nói chuyện bên tách trà thường ngày. Có lẽ, chưa lúc nào tình yêu biển đảo lại mạnh mẽ và thường trực như lúc này.
Mặc dù là một huyện miền núi nhưng tình hình Biển Đông luôn là mối quan tâm thường nhật của nhân dân huyện Di Linh với những băn khoăn, lo lắng về việc: tàu Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa; quân đội Trung Quốc giả làm ngư dân, tàu Trung Quốc đánh bắt cá trái phép trên vùng lãnh hải Việt Nam, Trung quốc tiến hành bồi đắp trái phép trên các đảo cạn trên quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa, những phát ngôn ngang ngược của Trung Quốc đối với vấn đề chủ quyền hai quần đảo….v.v. Bên cạnh đó, người dân cũng bàn luận về quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước trước diễn biến ngày càng phức tạp trên Biển Đông.
Trong những năm qua, thực hiện hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, sự chỉ đạo của Thường trực Huyện ủy, Ban Tuyên giáo Huyện ủy đã ban hành các văn bản hướng dẫn tuyên truyền về biển đảo, chuyển tải chính xác, kịp thời chủ trương, quan điểm của Đảng, Nhà nước ta về các vấn đề liên quan đến biển, đảo; khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Ngoài ra, thông qua đội ngũ báo cáo viên từ huyện đến cơ sở, Ban Tuyên giáo Huyện ủy Di Linh thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền biển, đảo đến cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân. Lồng ghép những nội dung về Biển Đông vào các chuyên đề, bài giảng tại các buổi Thông tin thời sự, bồi dưỡng lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ. Qua đó, tạo nên sự đồng thuận trong cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và quần chúng nhân dân đối với các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về biển, đảo. Mới đây, Thường trực Huyện ủy đã chỉ đạo Ban Tuyên giáo Huyện ủy phối hợp với Học viện Lục quân tổ chức thông tin tình hình Biển Đông cho các đồng chí nguyên là lãnh đạo chủ chốt huyện qua các thời kỳ, các đồng chí là cán bộ chủ chốt cấp huyện, đảng viên, công chức trên địa bàn huyện. Qua hội nghị, cán bộ hưu trí, công chức, viên chức trên địa bàn huyện đã được tiếp cận với nguồn thông tin chính thống cùng những quan điểm, chính sách của Đảng và Nhà nước ta đối với vấn đề bảo vệ chủ quyền biển đảo trong tình hình mới.
Có thể nói, với người dân Di Linh, tình yêu biển đảo không chỉ ở lời nói mà còn được thể hiện bằng những việc làm thiết thực như tích cực tham gia các cuộc vận động vì Hoàng Sa; Trường sa như cuộc vận động“Góp đá xây dựng Trường Sa”, “Nghĩa tình biên giới, hải đảo” với nhiều hình thức như: nhắn tin ủng hộ qua tổng đài 1408, quyên góp tiền, tham gia các hoạt động, hội thi tìm hiểu về biển, đảo quê hương. Từ năm 2013 đến nay, đông đảo các tầng lớp nhân dân và cán bộ, công chức các cơ quan, ban ngành, Mặt trận - đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn huyện đã tích cực quyên góp với số tiền hơn 1,4 tỷ đồng ủng hộ cho Trường Sa thân yêu.
Dẫu chưa nhiều nhưng đó là tấm lòng của người dân vùng đất cao nguyên Di Linh gởi về những người con thân yêu của Tổ quốc đang nơi đầu sóng ngọn gió ngày đêm canh giữ biển trời quê hương.
Đăng Thanh