TỪ CƠ CHẾ CHÍNH SÁCH ĐẶC THÙ NGHĨ VỀ VIỆC XÂY DỰNG ĐÀ LẠT TRỞ THÀNH THÀNH PHỐ THÔNG MINH. In trang
20/04/2016 12:00 SA

Lợi thế từ cơ chế, chính sách đặc thù. 

Theo “Cơ chế, chính sách đặc thù” của Chính phủ, các nhà đầu tư kinh doanh bất động sản (trừ các dự án du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng) trong phạm vi thành phố Đà Lạt sau khi hoàn thành đầu tư xây dựng hạ tầng, được phép chuyển nhượng dự án cho các đối tượng khác xây dựng nhà ở, công trình kiến trúc theo quy hoạch chung, phù hợp với luật định. Thủ tướng Chính phủ sẽ xem xét, quyết định việc miễn tiền thuê đất đối với các dự án đầu tư xây dựng Khu du lịch quốc gia và Khu du lịch trọng điểm; miễn thuế nhập khẩu vật tư, trang thiết bị đầu tư xây dựng nhà kính, nhà lưới sản xuất rau, hoa ứng dụng công nghệ cao đối với các loại thiết bị mà trong nước chưa sản xuất. Đà Lạt được ưu tiên bố trí vốn từ nguồn ngân sách Trung ương, bao gồm nguồn vốn ODA, trái phiếu Chính phủ, các chương trình hỗ trợ có mục tiêu; được hưởng tín dụng ưu đãi để thực hiện các công trình, dự án trọng điểm, các dự án kết cấu hạ tầng quan trọng. Sớm triển khai một số dự án hạ tầng giao thông có tính chất thông thương, đối ngoại, liên kết vùng như đầu tư nâng cấp Quốc lộ 27; nâng cấp tỉnh lộ 723 nối Đà Lạt với Nha Trang thành Quốc lộ; đầu tư tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương, phấn đấu hoàn thành các đoạn thiết yếu trước năm 2020 theo các hình thức: PPP, BT, BOT, BTO, ODA,... Ngoài ra, Chính phủ sẽ tạo điều kiện đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật – xã hội khác, xử lý rác thải, các công trình dịch vụ tiện ích, công cộng cần thiết. Đà Lạt cũng được thí điểm xây dựng mô hình "làng đô thị xanh" (green village) theo Đồ án quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trung ương sẽ đầu tư hoặc đưa vào danh mục ưu tiên kêu gọi đầu tư của Trung ương, và cho phép Lâm Đồng trực tiếp kêu gọi đầu tư đối với các công trình, dự án quan trọng thuộc lĩnh vực môi trường, công nghệ sinh học và nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin tập trung...Những danh mục ưu đãi về cơ chế, chính sách đặc thù nêu trên đã mở ra nhiều hy vọng về tính khả thi cho lộ trình xây dựng Đà Lạt trở thành thành phố thông minh trong tương lai.

Xây dựng thành phố thông minh

Một thành phố thông minh cần phải hội tụ 3 yếu tố: Hạ tầng hiệu quả, phát triển bền vững và môi trường sống thân thiện dựa trên 6 tiêu chí: Nền kinh tế thông minh; di chuyển thông minh; môi trường thông minh; quản lý đô thị thông minh; cư dân thông minh; cuộc sống thông minh... Nếu căn cứ các tiêu chí trên, con đường đến đích “thành phố thông minh” của Đà Lạt có vẻ như khá xa vời.

Tuy nhiên, theo đồng chí Nguyễn Thiện Nhân – UVBCT, Chủ tịch UBTWMTTQVN, việc xác định nhiệm vụ: “xây dựng thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận thành trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp; hội nghị, hội thảo và du lịch văn hóa di sản tầm quốc gia, khu vực và quốc tế; trung tâm nghiên cứu, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, cấp quốc gia và quốc tế; trung tâm nghiên cứu khoa học, giáo dục đào tạo và chuyển giao công nghệ đa ngành, đa quốc gia”. Đặc biệt theo đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, khi mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch chung, ban hành cơ chế, chính sách đặc thù cho thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận, thì việc xây dựng thành phố Đà Lạt trở thành một thành phố thông minh là cần thiết và hoàn toàn khả thi. Đây là xu hướng phát triển mới, tất yếu mà các đô thị trên thế giới đã thực hiện từ hơn 10 năm nay. Chủ tịch UBTWMTTQVN cho rằng: Với các tiền đề về quản lý, ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chính quyền điện tử, sự hợp tác của các trường Đại học và doanh nghiệp, sự hỗ trợ của Trung ương và các tư vấn quốc tế trong thời gian qua, Đà Lạt hoàn toàn có thể xây dựng và thực hiện đề án Đà Lạt - thành phố thông minh trong 5-10 năm tới.

Tất nhiên, để đạt được 6 tiêu chí nêu trên, Đà Lạt phải vượt qua nhiều khó khăn trở ngại, nhưng không quá quá bi quan vì trên thế giới hiện nay, mỗi thành phố thông minh, trước mắt cũng chỉ xác định cho mình một hướng trọng tâm. Các nước Châu Âu thường hướng tới môi trường xanh, tiết kiệm năng lượng, đặc biệt là các ứng dụng công nghệ tin học trong lĩnh vực giao thông. Các nước ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương hướng nhiều hơn đến việc ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong các lĩnh vực chính quyền điện tử, y tế, giao thông, giáo dục, quản lý đô thị. Hay như thành phố Hà Nội, bên cạnh việc xây dựng chính quyền điện tử làm trung tâm, thì một số lĩnh vực có liên quan trực tiếp đến người dân như giáo dục, y tế, giao thông được ưu tiên triển khai thực hiện trước.

Không phủ nhận rằng Đà Lạt khó có thể cùng một lúc đạt được 6 tiêu chí, nhưng việc xây thành phố thông minh theo một lộ trình có thứ tự trọng tâm dựa vào thế mạnh đặc thù như nhiều nơi trên thế giới, thì việc xây dựng thành phố thông minh hoàn toàn không phải là viễn cảnh xa vời (hay nằm mơ giữa ban ngày như một số người nhận định).

Nhìn từ thực tiễn.

Hơn 40 năm sau ngày giải phóng, Đà Lạt đã không ngừng đổi mới với tốc độ phát triển khá cao. Đặc biệt, sau 30 năm đổi mới, diện mạo thành phố hôm nay đã có nhiều khởi sắc với những thành tựu đáng tự hào. Đà Lạt đã và đang xây dựng thành phố văn minh hiện đại và những kết quả đã đạt được chính là nền tảng để Đà Lạt hướng tới thương hiệu một thành phố thông minh với trọng tâm là “nền kinh tế thông minh”, trong đó, cốt lõi là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Điểm đột phá để đo chỉ số thông minh trong phát triển NNCNC ở Đà Lạt là đầu tư chiều sâu, trong đó ứng dụng “công nghệ thông minh” trên lĩnh vực sinh học chọn tạo, nhân giống, lai giống là nhân tố đi đầu. Tính đến cuối năm 2015, Đà Lạt đã chọn tạo các loại giống mới, có giá trị kinh tế cao vừa cung cấp cho địa phương, vừa xuất khẩu qua Châu Âu và một số nước trong khu vực Châu Á. Người dân Đà Lạt đã mạnh dạn đầu tư, lựa chọn công nghệ, thiết bị phù hợp, thực hiện quy trình canh tác tiên tiến, tự động hóa trong sản xuất từ khâu đất - giống - canh tác - thu hoạch - sau thu hoạch – môi trường, trở thành địa phương dẫn đầu cả nước trên lĩnh vực này. Du lịch Đà Lạt đã không ngừng mở rộng với nhiều loại hình sản phẩm mới với cơ sở vật chất du lịch ngày càng nâng cao; văn hóa du lịch ngày càng chú trọng cả về loại hình và ứng xử. Có thể thấy nền kinh tế Đà Lạt được xây dựng trên hai mũi nhọn là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và du lịch. Hai mũi nhọn này hỗ trợ và là động lực chính vừa hỗ trợ nhau, vừa cùng nhau thúc đẩy nhiều hoạt động kinh tế khác. Nói không ngoa rằng, Đà Lạt đang tiệm cận gần hơn với một nền “kinh tế thông minh” khi mà hàm lượng chất xám, hàm lượng khoa học kỹ thuật và ứng dụng công nghệ thông tin truyền thông ngày càng được nâng tầm, tạo ra ngày càng nhiều sản phẩm “thân thiện sức khỏe con người” vô cùng phong phú.

Lợi thế tự nhiên nữa, Đà Lạt là “thành phố trong rừng, rừng trong thành phố”. Đây là yếu tố hết sức cơ bản đáp ứng yêu cầu “đô thị xanh” trong tiêu chí của một thành phố thông minh. Hiện nay, Đà Lạt có gần 19.000 ha rừng, độ che phủ đạt gần 48%. Quyết tâm của thành phố đến năm 2020, nâng độ che phủ của rừng lên 51% và sẽ còn tiếp tục nâng lên trong những năm sau đó. Sự hiện hữu của rừng đã tạo nên lá phổi xanh cho đời sống mọi cư dân thành phố với một môi trường sống khá trong lành, tạo nên điểm mạnh riêng có của Đà Lạt so với các thành phố khác trong cả nước, thậm chí là cả khu vực Đông Nam á.

Bất lợi cơ bản của Đà Lạt là chưa hình thành rõ nét việc quản lý đô thị theo hướng hiện đại cho dù đã sau 5 năm thực hiện đề án “chính phủ điện tử”; hạ tầng kinh tế - kỹ thuật chưa đồng bộ, đặc biệt là hạ tầng giao thông còn quá kém; quản lý giao thông đô thị còn thủ công; các cơ sở y tế, giáo dục, dịch vụ công cộng và các dịch vụ thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân còn kém và chưa đầy đủ. Việc ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông còn yếu và thiếu; ý thức thực hiện nếp sống văn minh đô thị của cư dân thành phố vẫn chưa như kỳ vọng. Đó, chính là những trở ngại lớn nhất trong lộ trình xây dựng thành phố thông minh...

Xây dựng Đà Lạt thành thành phố thông minh nhất định là việc phải làm như lời của UVBCT Nguyễn Thiện Nhân. Và để thực hiện, bắt buộc Đà Lạt phải xây dựng một lộ trình rất căn cơ, bài bản. Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch Đà Lạt đến năm 2030, tầm nhìn 2050 kèm theo đó là các cơ chế, chính sách đặc thù khá rõ ràng với những danh mục phù hợp với các tiêu chí xây dựng thành phố thông minh. Đó là cái gốc, là điều kiện thuận lợi, nhưng phải cần một lộ trình với sự phân kỳ khoa học cùng sự đầu tư của Chính phủ; sự cộng lực của các ngành chức năng như xây dựng (đảm bảo tuân thủ quy hoạch đã được phê duyệt), giao thông (nâng cao chất lượng hạ tầng giao thông; đầu tư hệ thống giám sát, điều phối, quản lý phương tiện giao thông công cộng và cung cấp các tiện ích hỗ trợ cho người dân thông qua ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông), y tế (đầu tư nâng cấp bệnh viện và trang thiết bị y tế đạt chuẩn; khám bệnh bằng kỹ thuật hạt nhân, thực hiện bệnh án điện tử, hỗ trợ chẩn đoán, chữa bệnh từ xa... kết nối để xây dựng mạng thông tin y tế), giáo dục (xây dựng “trường học và lớp học thông minh”, tạo môi trường học tập tương tác, phát kiến, sáng tạo, xây dựng kho dữ liệu giáo dục,... tiến tới hình thành “xã hội học tập”), tài nguyên môi trường (Quản lý tài nguyên môi trường bằng ứng dụng kỹ thuật hạt nhân và các công nghệ thông minh; phát huy lợi thế môi trường xanh, quản lý rừng bằng hệ thống thông tin, truyền thông thông minh). Ngoài ra, sự đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội của ngành công an; sự đồng tâm, hiệp lực từ các doanh nghiệp; sự năng động của ngành công nghệ thông tin và đặc biệt là sự đồng thuận của mọi cư dân thành phố sẽ là yếu tố cực kỳ quan trọng cho kết quả xây dựng Đà Lạt - thành phố thông minh trong tương lai.

Đà Lạt đã có những lợi thế khá rõ ràng và bất lợi cũng không hề ít, vì thế Đà Lạt đang rất cần những hiến kế nhiệt tâm từ phía các nhà khoa học trong tỉnh, trong nước và quốc tế; sự hỗ trợ nhiệt tình của những người yêu Đà Lạt và của du khách bốn phương, để rồi từ những hiến kế, hỗ trợ đó, có thể 5 năm nữa, Đà Lạt sẽ có một nền kinh tế thông minh đúng nghĩa, giao thông thông minh đúng nghĩa và một môi trường xanh chuẩn. Có thể 10 năm nữa, Đà Lạt sẽ có thêm hệ thống quản trị thông minh, cùng các tiện ích thông minh khác dành cho cộng đồng dân cư. Và biết đâu từ sự hiến kế nhiệt tâm của các nhà khoa học; sự hỗ trợ nhiệt tình của du khách bốn phương, Đà Lạt sẽ thực sự là một thành phố thông minh với đầy đủ các yếu tố, tiêu chí cần thiết trong thời gian 15, 30 năm tới. Dĩ nhiên, để có được điều mong mỏi đó, trước tiên cần có sự thông minh của toàn hệ thống chính trị thành phố Đà Lạt.

Văn Tòa

Lượt xem: 2.325
Văn bản mới
  • Số 1504-CV/BTGTU 10/01/2025 Tăng cường công tác tuyên truyền đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại ...
  • Số 16-CTr/BTGTU 08/01/2025 Chương trình Công tác Tuyên giáo năm 2025
  • Số 36 - NQ/TU 07/01/2025 Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - ...
  • Số 208-HD/BTGTU 03/01/2025 Hướng dẫn nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền Chỉ thị số 39-CT/TW, ngày ...
  • Số 207-HD/BTGTU 02/01/2025 Hướng dẫn công tác tuyên truyền và tuyên truyền miệng tháng 01 năm 2025
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 005152197
  •  Đang online: 186
  •  Trong tuần: 20.918
  •  Trong tháng: 145.238
  •  Trong năm: 145.238