Hành trình 30 năm tìm đường cứu nước CỦA THẦY GIÁO NGUYỄN TẤT THÀNH In trang
15/06/2021 10:34 SA

Khuất Minh Phương

         Đầu thế kỷ XX, Việt Nam đã có một lớp thanh niên ưu tú rời đất nước ra đi vì khát vọng giành lại độc lập cho Tổ quốc, tự do và phẩm giá cho đồng bào. Số đông nô nức Đông du theo lời kêu gọi đầy nhiệt huyết của Phan Bội Châu. Duy chỉ có thầy giáo Nguyễn Tất Thành dám một mình sang phương Tây…

Nguyễn Ái Quốc tại Đại hội Tuors - Đảng xã hội Pháp - năm 1920. Ảnh TL.
Nguyễn Ái Quốc tại Đại hội Tuors - Đảng xã hội Pháp - năm 1920. Ảnh TL.

           Ngày 02-06-1911, Nguyễn Tất Thành ra Bến Nhà Rồng liên hệ xin việc. Ngày 03-06-1911, anh được nhận vào làm phụ bếp trên tàu buôn Đô đốc Latouche Tréville. Ngày 05-06-1911, với tên mới Văn Ba, anh theo tàu rời nước ra đi. Không khoác áo thân sĩ, thầy giáo Nguyễn Tất Thành ra đi trong tư cách một người lao động, khởi nghiệp với đôi bàn tay trắng, với một ý chí mãnh liệt, một nghị lực phi thường, một mình tiến hành cuộc trường chinh 30 năm tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc.

          Sinh ra, lớn lên trong một gia đình nhà nho yêu nước, nơi quê hương giàu truyền thống cách mạng, chứng kiến bao cảnh đau thương nước mất, nhà tan, Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước, cứu dân khi mới 21 tuổi. Từ lúc còn nhỏ, Người sớm được tiếp cận với các tư tưởng lớn của phương Đông, hấp thụ vốn văn hóa truyền thống của dân tộc, Hán học và bước đầu tiếp xúc với văn hóa phương Tây. Vốn có tư chất thông minh, tinh thần ham học hỏi, khả năng tư duy độc lập, tính ham hiểu biết và nhạy cảm với cái mới, Người bị lôi cuốn bởi khẩu hiệu “Tự do, bình đẳng, bác ái” và thôi thúc bởi ý định tìm hiểu “cái gì ẩn dấu sau” những từ đẹp đẽ đó ở chính nước sinh ra khẩu hiệu đó. Những tư tưởng tiến bộ của cuộc cách mạng ở Pháp năm 1789, thành tựu văn minh, tiến bộ của nhân loại ở Pháp và các nước châu Âu khác đã thúc đẩy Người muốn đến tận nơi tìm hiểu. Đó chính là những lý do Nguyễn Tất Thành quyết định chọn nước Pháp, chọn châu Âu làm điểm đến đầu tiên trong cuộc hành trình đi tìm đường cứu nước năm 1911. Chính cuộc hành trình đầy gian nan, vất vả ấy đã giúp Người tìm đến với chủ nghĩa Mác- Lênin như một lẽ tất yếu lịch sử và nhận ra ở đó con đường đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người.

          Hành trang ban đầu của Nguyễn Tất Thành khi ra nước ngoài là vốn tri thức về văn hóa phương Đông và phương Tây, lòng yêu nước nhiệt thành, tiếp thu có chọn lọc con đường cứu nước của các nhà yêu nước lớp trước và một dự định lớn lao, đó là “xem nước Pháp và các nước khác, sau khi xem xét họ làm như thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào ta” đó là dự định tìm con đường cứu nước, cứu dân.

          Có thể nói, đầu thế kỷ XX, Hồ Chí Minh là một trong số rất ít các nhà cách mạng đương thời có điều kiện đi nhiều (do làm bồi tàu, thủy thủ), có một vốn hiểu biết khá tường tận về chủ nghĩa đế quốc và hệ thống thuộc địa của chúng. Gần 10 năm, vừa lao động kiếm sống, vừa tiến hành khảo sát thực tiễn nhiều nước tư bản và các nước thuộc địa, khảo sát các cuộc cách mạng ở các nước Pháp, Anh, Mỹ… Nguyễn Tất Thành đã có nhận thức quan trọng là: Cách mạng tư sản (CMTS) là những cuộc cách mạng vĩ đại, nhưng là những cuộc cách mạng chưa đến nơi. Nó đã phá tan gông xiềng phong kiến cùng những luật lệ hà khắc và những ràng buộc vô lý để giải phóng sức lao động của con người. CMTS dựng lên một chế độ mới tiến bộ hơn xã hội phong kiến. Nhưng cách mạng xong rồi dân chúng vẫn khổ, vẫn bị áp bức, bóc lột và vẫn ấp ủ mong muốn làm cách mạng. Từ đó, Người đi tới kết luận, chúng ta đổ xương máu để làm cách mạng thì không đi theo con đường cách mạng này. Nguyễn Tất Thành đã tìm ra những mặt trái của xã hội phương Tây, nhận ra “ Ở đâu cũng có người nghèo khổ như xứ sở mình” do ách áp bức, bóc lột dã man, vô nhân đạo của bọn thống trị. Điều đó đã giúp Người có một nhận thức quan trọng: Nhân dân lao động trên toàn thế giới cần đoàn kết lại để đấu tranh chống kẻ thù chung là giai cấp thống trị; cùng nhau thực hiện nguyện vọng chung là độc lập, tự do.

           Cuối năm 1917, Nguyễn Tất Thành từ Anh trở lại Pháp vào lúc cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga vừa bùng nổ thắng lợi, mở ra hướng phát triển mới trong lịch sử loài người. Sự kiện này có ảnh hướng lớn đến tình cảm và nhận thức của Người. Đầu năm 1919, Nguyễn Tất Thành tham gia Đảng xã hội Pháp, một chính Đảng duy nhất ở Pháp tỏ ý quan tâm đến số phận các dân tộc thuộc địa. Tuy nhiên, Nguyễn Ái Quốc thất vọng, vì họ nói rất hay, “thông qua những nghị quyết rất kêu, để sau đại hội đưa vào viện bảo tàng”.

          Từ những hoạt động thực tiễn trên và đọc “Sơ thảo lần thứ nhất luận cương về các vấn đề dân tộc và thuộc điạ” của Lênin đăng trên báo L’ Humanite tháng 7/1920, Người đã đến với chủ nghĩa Mác - Lênin. Trong bối cảnh lúc bấy giờ, có nhiều trí thức Việt Nam sống tại Pháp, nhưng Người đã thể hiện vượt trội về tư tưởng khi nhận ra được chân lý lớn nhất của thời đại. Luận cương đã giải đáp cho Nguyễn Ái Quốc những băn khoăn về con đường giành độc lập, tự do cho dân tộc, trả lời câu hỏi ai là người lãnh đạo, lực lượng tham gia và mối quan hệ giữa cách mạng giải phóng ở các nước thuộc địa với cách mạng vô sản (CMVS) ở chính quốc. Đêm kết thúc Đại hội Tours của Đảng xã hội Pháp (30-12-1920), Người bỏ phiếu tán thành gia nhập Quốc tế 3, đánh dấu bước ngoặt lớn trong đời hoạt động cách mạng của Nguyễn Ái Quốc. Đây là một mốc lịch sử quan trọng trong hành trình đi tìm đường cứu nước của Người, đánh dấu bước chuyển biến quyết định, nhảy vọt, thay đổi về chất trong nhận thức tư tưởng và lập trường chính trị của Người - từ một nhà yêu nước chân chính trở thành một chiến sĩ cộng sản. Đồng thời, sự kiện đó cũng đánh dấu một bước ngoặt lịch sử vĩ đại của cách mạng Việt Nam, mở đầu quá trình kết hợp đấu tranh giai cấp với đấu tranh dân tộc, độc lập, dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội (CNXH), tinh thần yêu nước chân chính với chủ nghĩa quốc tế vô sản. Người kết luận: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”. Từ đây, cách mạng Việt Nam bắt đầu đi vào quỹ đạo của CMVS. Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, con đường cách mạng độc lập dân tộc gắn liền với CNXH bắt đầu hình thành.

          Đầu năm 1924, Nguyễn Ái Quốc về Quảng Châu (Trung Quốc). Tại đây, Người bắt đầu xây dựng những nhân tố bảo đảm cho cách mạng Việt Nam như: Truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam, khơi dậy tinh thần đấu tranh của các tầng lớp Nhân dân, xây dựng tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam, phát triển lực lượng cách mạng. Các văn bản: Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Điều lệ vắn tắt do Người dự thảo được thông qua tại Hội nghị hợp nhất, chứng tỏ đến năm 1930, tư tưởng của Nguyễn Ái Quốc về con đường cách mạng Việt Nam đã được hình thành cơ bản. Đường lối này khi được Đảng, Hồ Chí Minh truyền bá, cả dân tộc đã hưởng ứng đi theo. Đó là sự lựa chọn của chính lịch sử của toàn dân tộc Việt Nam.

          Sau nhiều năm dày công chuẩn bị về chính trị và tổ chức cho việc thành lập Đảng, đào tạo và huấn luyện cán bộ cho cách mạng Việt Nam, để chủ động đón thời cơ giải phóng dân tộc đang đến gần, ngày 28-01-1941, Người đã vượt qua biên giới Việt - Trung, đặt chân lên mảnh đất địa đầu của Tổ quốc sau hơn 30 năm xa cách. Một trang sử mới mở ra trong cuộc đời cách mạng của Người và cũng là bước ngoặt mới cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc Việt Nam.

          Cảm xúc của Bác đã được nhà thơ Trịnh Trọng Quý khắc họa trong những câu thơ hết sức cảm động:

                             Một sớm đặt chân về biên giới

                             Bác ứa lệ nhìn dải đất quê

                             Khi Bác cúi hôn vầng đất mẹ

                             Là lúc mùa xuân xứ sở về.

                                                          (Bác về)

           Trong hành trình tìm đường cứu nước, Nguyễn Ái Quốc đến với chủ nghĩa Mác-Lênin, với học thuyết chủ nghĩa xã hội khoa học, Người đã đặt nền móng cho lý luận cách mạng Việt Nam trong thời đại mới; chấm dứt khủng hoảng đường lối cứu nước triền miên từ giữa thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX; tìm thấy đường lối phát triển đúng đắn cho dân tộc, phù hợp với trào lưu tiến hóa chung của nhân loại và xu thế của thời đại. Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, đã đem ánh sáng chủ nghĩa Mác-Lênin soi đường cho phong trào yêu nước. Hồ Chí Minh, một biểu tượng sáng chói trong hai cuộc kháng chiến lừng lẫy của dân tộc chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, trong công cuộc tái thiết và phát triển đất nước theo con đường đi lên CNXH. Việc tìm ra con đường cứu nước, phát triển của dân tộc Việt Nam, Hồ Chí Minh đã đóng góp to lớn, thiết thực chuẩn bị cho việc mở ra một giai đoạn phát triển mới của phong trào CMVS nói chung, phong trào giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa và phụ thuộc trên thế giới và châu Á nói riêng.

          Sự kiện 05-06-1911 gắn liền với tên tuổi và công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, Người đã xông pha trên con đường vạn dặm để tìm ra cái “cẩm nang thần kì”, đưa sự nghiệp cứu nước, giải phóng dân tộc đến thắng lợi vẻ vang, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á. Việt Nam từ một xứ thuộc địa nửa phong kiến đã trở thành nước tự do, độc lập. Nhân dân từ thân phận nô lệ trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình. Bài học khảo sát với tầm nhìn thời đại, một tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo nhằm tìm ra con đường đúng đắn cho sự nghiệp cứu nước, giải phóng dân tộc của Hồ Chí Minh từ 110 năm trước vẫn đang là tấm gương sáng mà chúng ta cần học tập để tìm ra con đường phát triển phù hợp cho Việt Nam ở thời kỳ hội nhập quốc tế hiện nay.

                                                                                                                   K.M.P

 

Lượt xem: 3.807
Văn bản mới
  • Số 92-KH/BTGTU 19/12/2024 Kế hoạch tổ chức chào cờ và sinh hoạt chính trị năm 2025
  • Số 1492-CV/BTGTU 18/12/2024 Tuyên truyền kết quả kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV
  • Số 204-HD/BTGTU 09/12/2024 Hướng dẫn tuyên truyền kỷ niệm 300 năm Ngày sinh Hải Thượng Lãn Ông Lê ...
  • Số: 1720/STTTT - TTr 06/12/2024 Về việc cảnh báo thủ đoạn cắt ghép hình ảnh cá nhân vào clip “nhạy ...
  • Số 203-HD/BTGTU 04/12/2024 Nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền Kết luận số 91-KL/TW, ngày 12/8/2024 của ...
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 004343407
  •  Đang online: 290
  •  Trong tuần: 290
  •  Trong tháng: 134.098
  •  Trong năm: 2.044.448