HỒNG THANH
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh dành tình cảm đặc biệt về chăm sóc, giáo dục thiếu niên và nhi đồng (TN-NĐ). Dù đã hơn nửa thể kỷ “vắng” Bác; song, tư tưởng và tình cảm của Người đối với thế hệ măng non của nước nhà vẫn nguyên vẹn…
Ảnh Minh họa
Tình cảm đặc biệt của Bác Hồ dành cho TN-NĐ
Sinh ra giữa lúc nước mất, Nhân dân bị nô lệ, tuổi thơ Bác gắn với những tháng năm “dữ dội”; bởi vậy, Người hiểu sâu sắc thiệt thòi của trẻ em Việt Nam trước “vận nước gian nan”, Bác đau lòng trước cảnh“Trẻ em cũng bị bận thân cực lòng ...”.
Bác Hồ đã dành “hết thảy” tình yêu thương cho Nhân dân Việt Nam và cho những ai lao khổ, bị áp bức, đọa đày trên thế giới. Tình yêu thương và sự quan tâm của Bác được thể hiện trong các bài nói, nhiều bức thư và trong thơ của Người. Nhà thơ Tố Hữu viết:“Bác sống như trời đất của ta/Yêu từng ngọn lúa, mỗi cành hoa/Tự do cho mỗi đời nô lệ/Sữa để em thơ, lụa tặng già…”
Trong những năm bôn ba đi tìm đường cứu nước, chứng kiến trẻ em ở các nước thuộc địa cũng bị lầm than, cơ cực, Bác nghĩ về đất nước, thương TN-NĐ nước nhà phải sống trong nỗi đau chung của người dân mất nước. Tình yêu thương của Bác Hồ đối với TN-NĐ là nỗi niềm đau đáu, khắc khoải quặn thắt trong trái tim Người để rồi “cuộn chảy” thành thơ. Trước Cách mạng Tháng tám (1945), dù bận nhiều công việc của cách mạng nhưng Bác đã dành nhiều bài viết, gởi nhiều bức thư, nhiều bài thơ cho TN-NĐ trong cả nước. Người đau đớn: “Vì ai nên nỗi thế này?…” Và, Bác chỉ kẻ thù của sự lầm than, cơ cực của trẻ em đó là: “Vì giặc Nhật giặc Tây bạo tàn/ Khiến ta mất nước nhà tan/ Trẻ em cũng bị cơ hàn xót xa”.
Bác xem trẻ em là “công dân đặc biệt” phải được chăm sóc và giáo dục thật tốt; muốn vậy phải đánh đuổi cho được giặc ngoại xâm ra khỏi đất nước. Dù viết cho thiếu nhi, song nhiều bài thơ của Bác khiến người lớn cũng phải xúc động, bởi ẩn chứa trong thơ Bác là lời kêu gọi, động viên có sức hiệu triệu lớn. Người gợi mở, dẫn dắt con trẻ hiểu vì sao nước mất nhà tan, vì sao trẻ em phải thất học: “Vì ai ngăn cấm học hành? Vì ai ta phải chịu đành dốt ngây?”...Rồi Người vận động, giác ngộ thiếu nhi:“Vậy nên trẻ em nước ta/Phải đoàn kết lại để mà đấu tranh”…
Tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục TN-NĐ
“Trẻ em như búp trên cành…”, lứa tuổi thơ ngây chưa đủ để nhận thức nên rất cần được chăm sóc, giáo dục tốt mới trở thành công dân có ích, thế hệ gánh vác sứ mệnh đất nước sau này. TN-NĐ là người chủ tương lai của đất nước nên theo Bác cần phải sớm rèn luyện đạo đức cách mạng cho trẻ em. Bởi vậy, sau Cách mạng tháng Tám 1945 cho đến trước lúc “đi xa”, Bác đã dành nhiều tâm huyết, tình cảm giáo dục thế hệ trẻ.
Từ năm 1950 đến 1955, vào Ngày Quốc tế thiếu nhi (1/6), Bác Hồ đều đặn gởi thư cho TN-NĐ cả nước; thư của Bác thường gọn, lời lẽ giản dị rất dễ nhớ nên dễ đi vào tâm hồn trẻ thơ. Trong thư của Bác ngoài chứa đựng tư tưởng lớn, còn là những lời chỉ bảo ân cần trẻ em từ việc nhỏ đến việc lớn rất cụ thể: “Ở nhà phải nghe lời bố mẹ. Đi học phải siêng năng. Đối với thầy phải kính trọng, lễ phép. Đối với bạn phải đoàn kết, thương yêu giúp đỡ lẫn nhau”; “Giữ kỷ luật, chớ tự do phóng túng, vì tự do phóng túng là không tốt”; “Phải yêu Tổ quốc, yêu đồng bào, yêu lao động”; “Phải thật thà, dũng cảm”; “Việc gì có ích cho kháng chiến, có ích cho Tổ quốc thì các cháu nên gắng sức làm. Tuổi các cháu còn nhỏ, nhiều công việc nhỏ cộng lại thành công việc to”....
Đặc biệt, Ngày Quốc tế thiếu nhi (1/6/1953), Bác Hồ đã gởi thư cho nhi đồng trong nước và nhi đồng nước ngoài. Lần này, Bác thể hiện tình thân ái, ân cần, trìu mến và thân thương nhất không chỉ đối với nhi đồng trong nước mà cả “nhi đồng các nước bạn và nhi đồng thế giới”. Tình yêu thương và sự quan tâm chăm sóc trẻ em nước ta và trẻ em trên thế giới là tình yêu bao la xuất phát từ trái tim nhân hậu, một nhân cách lớn của Bác Hồ mà trước nay chưa có vị lãnh tụ của quốc gia nào sánh được !
Trên Báo Nhân Dân ra ngày 1-6-1969 đăng bài viết của Bác về TN-NĐ có tựa đề: “Nâng cao trách nhiệm chăm sóc và giáo dục thiếu niên nhi đồng”. Bác nêu: “Nói chung trẻ em ta rất tốt. Ở miền Nam các cháu rất dũng cảm, hăng hái giúp đỡ bộ đội, gia đình kháng chiến, nhiều cháu mới hơn 10 tuổi đã trở thành Dũng sĩ diệt Mỹ. Ở miền Bắc, các cháu đều thi đua “làm nghìn việc tốt”…Người khẳng định: “Thiếu niên, nhi đồng là người chủ tương lai của nước nhà. Vì vậy, chăm sóc và giáo dục tốt các cháu là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân”. Và, trước lúc “đi xa”, trong Di chúc để lại cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, Bác không quên nhắc nhở Đảng ta: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”…
Thấm nhuần tư tưởng của Bác, từ khi ra đời và trải qua 91 năm lãnh đạo đất nước, Đảng ta đã có nhiều chủ trương, nghị quyết lãnh đạo Đoàn Thanh niên và công tác thanh, thiếu nhi. Đảng đã có các nghị quyết về lãnh đạo thanh niên; trong đó, Đảng đã giao tổ chức Đoàn trực tiếp chăm sóc, giáo dục, bồi dưỡng TN-NĐ thành lớp người kế tục sự nghiệp cách mạng của đất nước...
Quốc hội và Chính phủ đã ban hành các chính sách, văn bản pháp luật về chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em. Vấn đề về quyền trẻ em đã được hiến định từ Hiến pháp năm 1946 cho đến Hiến pháp (sửa đổi, bổ sung năm 2013). Khoản 1, Điều 37 Hiến pháp năm 2013 ghi rõ: “Trẻ em được Nhà nước, gia đình, xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục, được tham gia vào các vấn đề về trẻ em. Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em”. Năm 2016, Quốc hội đã thông qua Luật Trẻ em. Quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước trong việc xây dựng Luật Trẻ em là bảo đảm hài hòa các quyền trẻ em và nguyên tắc trong Công ước của Liên hiệp quốc và các điều ước quốc tế khác có liên quan.
Đặc biệt, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc làn thứ XIII của Đảng tiếp tục khẳng định: “Tăng cường giáo dục kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em, kiểm soát tình hình tai nạn, bạo lực với trẻ em. Tiến tới phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em dưới 5 tuổi. Tăng cường giám sát, kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về trẻ em”…
H.T