Thế giới ca ngợi Hồ Chí Minh In trang
24/05/2021 09:32 SA

THANH DƯƠNG HỒNG

Đã hơn nửa thế kỷ Bác “đi xa”; song, trong tâm tưởng của mọi công dân đất Việt và bạn bè thế giới kính yêu Người thì dường như Bác vẫn còn đây! Đọc những bài thơ, bài viết của các thi sĩ, nhà báo, nhà hoạt động cách mạng các nước viết về Bác mới cảm nhận hết tình cảm đặc biệt của nhân dân thế giới dành cho Bác Hồ vô cùng sâu đậm…

Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh trong những năm hoạt động cách mạng ở nước ngoài. Ảnh.TL.
Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh trong những năm hoạt động cách mạng ở nước ngoài. Ảnh.TL.

Hồ Chí Minh - nguồn cảm xúc vô tận

Tập thơ “Tên người là cả một niềm thơ”, với 59 bài thơ của các thi sĩ ở 26 nước đã viết về Bác Hồ, do NXB Thanh niên ấn hành năm 1974. Để tuyển chọn những tác phẩm sâu sắc  viết về Bác, xuất bản khi đất nước còn chìm trong chiến tranh, 28 nhà thơ, những dịch giả tên tuổi của Việt Nam đã dịch, chuyển ngữ như: Xuân Diệu, Tố Hữu, Tế Hanh, Phạm Huy Thông, Trinh Đường…Qua đây, chúng ta hiểu vì sao Bác Hồ trở thành niềm kính yêu vô vàng đối với nhân dân thế giới - “Tên Người là cả một niềm thơ”!

Đã có hàng trăm bài thơ của Tố Hữu, Chế Lan Viên, Viễn Phương, Nguyễn Đức Mậu, Hải Như, Minh Huệ…viết về Bác Hồ. Song, Hồ Chí Minh không chỉ của Việt Nam mà đã trở thành con người của thế giới; của mọi dân tộc cần lao, bị áp bức, đọa dày. Người đã đấu tranh không mệt mỏi cho đất nước Việt Nam độc lập, cho thế giới hòa bình. Bởi vậy, viết về Bác, ca ngợi Hồ Chí Minh là nguồn cảm xúc vô cùng tận của thi sĩ khắp thế giới.

Trong cuộc đời cách mạng, Bác Hồ đã đặt chân đến 30 quốc gia, làm nhiều nghề khác nhau để sống, để tìm kiếm con đường cứu nước, cứu dân. Hiểu sâu sắc tình yêu lớn lao của Bác đối với dân, với nước mới viết được những câu thơ: “Vì đất nước/Người đã ra đi/Tại những miền xa lạ/Người hiểu thêm Tổ quốc mình…” (Enxơtơ su Ma Khơ - CHDC Đức).

Trong bài thơ“Hồ Chí Minh tên Người là cả một niềm thơ”, Phêlích Pita Rôđơrighết (Cu Ba) đã khái quát về một nhân cách lớn Hồ Chí Minh:“Bởi vì Người, Chủ tịch Hồ Chí Minh/Nhà thơ Hồ Chí Minh/Người nông dân Việt Nam trong sáng: Hồ Chí Minh…”. Theo ông, chỉ có Hồ Chí Minh mới quặn thắt lòng: “Trong mỗi xóm nhỏ tan hoang vì bom na-pan Mỹ/Một mảnh tim Người tự cháy xót xa/Hồ Chí Minh, tên Người là cả một niềm thơ…”.

 Một nhà thơ khác của Cu Ba bằng thi pháp hóa và bằng sự cảm nhận tuyệt vời về Hồ Chí Minh; theo tác giả, để làm nên một người cộng sản, Hồ Chí Minh đã hội tụcác yếu tố:

“Bác vốn là người du kích

Ngoài trí thông minh, Người chẳng thiếu gì cảm xúc:

Bác vốn là nhà thơ

Ngoài sự tinh anh, Người có tầm nhìn xa:

Bác vốn là nhà chính trị

Ngoài sự hiểu biết, Người còn bao vốn quý:

Bác vốn là người thầy

Và tất cả chung đúc vào đây:

Người du kkích, nhà thơ, nhà chính trị, người thầy

Để làm nên một người cộng sản”.

                              (Lisanđơrô  Ôtêrô - Cu Ba).

Đối với các nhà thơ thế giới, Chủ tịch Hồ Chí Minh là một người cộng sản mẫu mực; đạo đức, nhân cách thanh cao, vĩ đại mà dung dị, gần gũi với mọi người:“Người nông dân gặp Bác/Đoán Bác là nông dân /Anh công nhân đường sắt/Tưởng Bác là công nhân.../Người là ai ?Người là ai ?/Mà sao lại quá bình thường ?. Để đến khi“Người đã xa mấy dặm đường/Mọi người mới biết tỏ tường:/ Đấy là lãnh tụ Việt Nam”. (Câu chuyện Mục Nam Quan - Trương Vĩnh Mai - Trung Quốc). Sự khiêm nhường của Bác Hồ được nhà thơ Inđiô Nabôri (Cu Ba) khâm phục: “Bác Hồ ơi/Ca ngợi Người/Không cần phải viết một bản Ô-đi-xa hay I-li-át/Cũng chẳng cần đâu một áng thơ dài/Ca ngợi Người, Bác Hồ ơi/Là bản anh hùng ca thời đại/Gọn gàng trong hai chữ VIỆT NAM !” (Ca ngợi Người).

Trước nay, trên thế giới chưa có vị lãnh tụ nước nào gần gũi, yêu nhân dân mình và nhân dân khắp năm châu như Hồ Chí Minh. Những tưởng chỉ có người Việt Nam gọi Chủ tịch Hồ Chí Minh là Bác, Bác Hồ; thật xúc động trong tập thơ“Tên người là cả một niềm thơ” có đến 14 bài thơ đã lấy hai từ Bác Hồ” đặt tên cho tác phẩm. Bác Hồ đã vượt lênmột niềm thơ” để trở thành tên gọi chung, niềm tự hào của cả thế giới:

                   Hồ Chí Minh: Hạnh phúc nở muôn hoa

                   Thế giới quanh Người không dứt lời ca”.

                                                (Hồ Chí Minh - Êoan Maccon - Anh).

Tư tưởng Hồ Chí Minh luôn tỏa sáng

Con người, sự nghiệp và tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn tỏa sáng trong tâm thức của Nhân dân Việt Nam và bạn bè thế giới. Từ khi bôn ba đi tìm đường cứu nước, đấu tranh cho độc lập dân tộc và phong trào giải phóng các dân tộc thuộc địa trên thế giới cho đến khi “lên đường theo tổ tiên” về với “thế giới người hiền”, Hồ Chí Minh luôn được bạn bè thế giới kính yêu, ngưỡng mộ. Một nhà thơ người Haiti năm 1961 sang thăm Việt Nam, được Bác Hồ tiếp đã cảm phục viết: “Những ai muốn biết thế nào là một con người thực sự, vẻ đẹp của thế giới ở đâu, sự chiến thắng của chân lý trên trái đất ở đâu, ở đâu có mùa xuân, xin hãy đến thăm Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự tồn tại điển hình một anh hùng của thời đại chúng ta”.

Ngày 2-9-1969, Bác Hồ từ trần đã làm nức nỡ triệu triệu trái tim Nhân dân Việt Nam và bạn bè thế giới. Điện chia buồn của Đảng Cộng sản và Chính phủ cách mạng Cu-Ba, Chủ tịch Phi-đen Ca-xtơ-rô đã viết: “Hồ Chủ Tịch thuộc những lớp người đặc biệt mà cái chết đã gieo mầm cho sự sống và là nguồn cổ vũ đời đời bất diệt...”. Điện chia buồn của Đảng Cộng sản I-ta-li-a đã viết: “Ở Người có cái gì đó không thể chết được và sẽ không bao giờ chết...”. Mighen Đêxtêphanô - Giáo sư cố vấn Viện nghiên cứu châu Á viết: “Hồ Chí Minh là tác giả vĩ đại của cách mạng Việt Nam, cuộc cách mạng với bản chất của nó, trong nguồn gốc của nó, trong cuộc đấu tranh và chiến thắng của nó luôn là nguồn cảm hứng và là người chỉ đường. Và cuối cùng chữ Bác Hồ là chữ đã thể hiện đồng thời tình cảm, sự kính trọng và ý nghĩa của chữ đó. Tấm gương của Bác Hồ tiếp tục là nguồn cảm hứng để không yếu đuối trong đấu tranh giành lấy tương lai, để không dừng lại ở điều đạt được mà luôn luôn tiến lên phía trước...”...

Tình cảm bạn bè quốc tế dành cho Bác Hồ hết sức đặc biệt, đúng như những câu thơ đầy niềm tự hào của nhà thơ Hải Như đã viết trong những ngày Bác qua đời:

Hỏi có ai giàu hơn Bác Hồ ta

Người chợp mắt, cả năm châu cùng đến

Trên giường Bác, chúng tôi không thắp nến

Đã có trăng sao ôm ấp quanh Người”

(Chúng cháu canh giấc Bác ngủ, Bác Hồ ơi).

Ngoài thơ ca, Bác Hồ cũng là đề tài mà báo chí các nước ca ngợi nhiều nhất. Tờ Tiến lên của Xri Lanca nhận định: “Người (Hồ Chủ Tịch) đã làm nên lịch sử hiện đại, là một trong những nhân vật cao quý nhất, đáng kính nhất của thời đại chúng ta”.

Mô-đa-gát At-mét, Giám đốc UNESCO khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã nói: “Chỉ có ít nhân vật trong lịch sử trở thành một bộ phận của huyền thoại ngay khi còn sống và rõ ràng Hồ Chí Minh là một trong số đó. Người sẽ được ghi nhớ không phải chỉ là người giải phóng cho Tổ quốc và nhân dân bị đô hộ, mà còn là một nhà hiền triết hiện đại đã mang lại một viễn cảnh và hi vọng mới cho những người đang đấu tranh không khoan nhượng để loại bỏ bất công, bất bình đẳng khỏi trái đất này”...

Sau khi Bác qua đời, báo chí các nước đã dành nhiều bài viết xúc động ca ngợi, ghi nhận đóng góp lớn lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với phong trào hòa bình trên thế giới. Báo Quan Điểm của Miến Điện ra ngày 5-9-1969 viết về Hồ Chí Minh: “Người luôn đứng về phía độc lập, công lý và phồn vinh của loài người và đấu tranh để thực hiện những mục tiêu đó. Chủ tịch Hồ Chí Minh là gương sáng ngời của nhân dân Việt Nam, nhân dân các thuộc địa, các lực lượng dân chủ và hoà bình thế giới”....

Đọc những vần thơ, bài viết, những nhận định sâu sắc của bạn bè quốc tế về Bác, chúng ta vô cùng tự hào Việt Nam có Bác Hồ, một con người vĩ đại đã làm rạng danh non sông, đất nuốc và được bạn bè thế giới kính yêu, ngưỡng vọng...

T.D.H

Lượt xem: 7.222
Văn bản mới
  • Số 92-KH/BTGTU 19/12/2024 Kế hoạch tổ chức chào cờ và sinh hoạt chính trị năm 2025
  • Số 1492-CV/BTGTU 18/12/2024 Tuyên truyền kết quả kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV
  • Số 204-HD/BTGTU 09/12/2024 Hướng dẫn tuyên truyền kỷ niệm 300 năm Ngày sinh Hải Thượng Lãn Ông Lê ...
  • Số: 1720/STTTT - TTr 06/12/2024 Về việc cảnh báo thủ đoạn cắt ghép hình ảnh cá nhân vào clip “nhạy ...
  • Số 203-HD/BTGTU 04/12/2024 Nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền Kết luận số 91-KL/TW, ngày 12/8/2024 của ...
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 004343422
  •  Đang online: 305
  •  Trong tuần: 305
  •  Trong tháng: 134.113
  •  Trong năm: 2.044.463