Những câu chuyện cảm động Bác Hồ đi thăm và chúc tết người nghèo In trang
02/02/2021 09:33 SA

          Sinh thời Bác Hồ kính yêu từng nói: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bật là làm sao cho nhân dân ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Và mỗi lần Tết đến, Xuân về, Bác lại nghĩ đến dân, lo sao cho dân có một mùa xuân ấm no, hạnh phúc. Mỗi câu chuyện về Người, nhất là những câu chuyện Bác Hồ thăm và chúc tết người nghèo, dù rất mực giản dị nhưng vẫn luôn có giá trị nhân văn sâu sắc cho hôm nay và mai sau.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

          Xuân Tân Tỵ, năm 1941, Bác mới được đặt chân trở về giữa lòng Tổ quốc thân yêu sau đúng 30 năm trời ra đi tìm đường cứu nước (1911-1941). Hành trang theo Bác trở về vẻn vẹn chỉ có một chiếc va ly xách tay bằng mây, trong đựng hai bộ quần áo đã cũ và tập tài liệu Con đường giải phóng tập hợp những bài giảng trong lớp huấn luyện ở Nậm Quang (Quảng Tây, Trung Quốc) do Bác phụ trách vừa mới kết thúc trước Tết mấy hôm.

          Mùa Xuân năm ấy, từ hang Pác Bó đã ra đời một bài thơ Xuân tuyệt đẹp của Bác Hồ: "Non xa xa, nước xa xa/ Nào phải thênh thang mới gọi là/ Đây suối Lênin, kia núi Mác/ Hai tay xây dựng một sơn hà".

          Chỉ hơn bốn năm sau, ngày 2/9/1945, non sông đã thu về một mối, Tổ quốc hoàn toàn thống nhất sau bao đêm dài cách trở. Hồ Chí Minh trở thành vị Chủ tịch đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Và mùa Xuân độc lập đầu tiên ấy, Xuân Bính Tuất năm 1946 đã trở về trên toàn cõi đất nước với một sắc màu khác lạ làm gợi nhớ đến một thời Nghiêu Thuấn xa xưa. Vào thời khắc mọi gia đình quây quần bên nhau chuẩn bị đón giao thừa thì vị Chủ tịch nước xắn quần, bước thấp bước cao đến các ngõ hẻm ở phố Sinh Từ, phố Hàng Lọng... để được chính mắt nhìn thấy cảnh Tết vừa, Tết nghèo của bà con lao động Hà Nội mới vừa thoát khỏi ách thực dân phong kiến.

          Chính trong cuộc "vi hành" đêm Ba mươi Tết của mùa Xuân độc lập đầu tiên đó, Bác Hồ đã chứng kiến cảnh gia đình một người đạp xích lô "Tết mà không có Tết" ngoài một nén hương đang cháy dở trên bàn, còn chủ nhà thì đang đắp chiếu nằm mê mệt vì ốm. Bác đã xúc động lấy khăn lau nước mắt, lặng lẽ bước ra khỏi nhà, bảo đồng chí thư ký ghi lại địa chỉ để hôm sau báo cáo cho đồng chí Chủ tịch Hà Nội biết.

          Cũng đêm Ba mươi Tết Bính Tuất đó, đúng giờ giao thừa, khi Đài Tiếng nói Việt Nam truyền khi khắp đất nước lời chúc mừng năm mới của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thì chính Người lại đang vui Xuân cùng nhân dân ở đền Ngọc Sơn, trong vai một cụ già cùng cháu đi hái lộc.

          Lần đầu tiên nhân dân Hà Nội, nhân dân cả nước, được hưởng một mùa Xuân mới mẻ, giao thừa nghe đọc thư chúc Tết của Bác Hồ: "Hỡi đồng bào cả nước!

          Hôm nay là mùng một Tết năm Bính Tuất, ngày Tết đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Tôi thay mặt Chính phủ chúc đồng bào năm mới muôn sự tốt lành".

          Cuối thư là một bài thơ ngắn: "Trong năm Bính Tuất mới/ Muôn việc đều tiến tới/ Kiến quốc chóng thành công/ Kháng chiến mau thắng lợi".

          Kể từ mùa Xuân đầu tiên đó, suốt 24 năm làm Chủ tịch nước, mỗi lần Tết đến, Xuân về, Bác lại nghĩ đến dân, lo sao cho dân có một mùa Xuân ấm no, hạnh phúc. Thường thì trước Tết ba tháng, Bác đã nhắc các cơ quan, các ngành chuẩn bị Tết cho dân. Riêng Bác cũng tự mình chuẩn bị sớm ba việc. Tìm ý thơ cho bài thơ mừng năm mới, nhắc văn phòng chuẩn bị thiếp "Chúc Mừng Năm Mới" để kịp gửi đến những nơi xa xôi nhất, kể cả bộ đội ở các vùng rừng núi, hải đảo xa xôi và cán bộ công tác ở nước ngoài. Và cuối cùng là một chương trình đi thăm dân không thể thiếu đối với Bác, một chương trình riêng mà chỉ Bác và các đồng chí cảnh vệ biết.

          Có nhiều cuộc gặp các gia đình nghèo trong dịp Tết rất xúc động, như trường hợp Bác đến thăm gia đình mẹ con chị Tín, một lao động nghèo ở phố Hàng Chĩnh, Hà Nội vào tối Ba mươi Tết năm 1960.

          Tết năm 1960, nếu Bác chỉ đến thăm các gia đình theo chương trình của các cơ quan đã bố trí thì làm sao Chủ tịch nước biết được gần đến giao thừa rồi mà chị Tín vẫn còn phải đi gánh nước thuê đổi gạo để sáng mai mùng một Tết có cơm ăn cho bốn đưa con của mình. Gặp Bác, chị Tín xúc động để rơi cả đôi thùng gánh nước xuống đất, run run cầm lấy bàn tay của Bác:

          - Cháu không ngờ lại được Bác đến thăm...

          Chỉ nói được vậy, chị đã oà lên khóc nức nở.

          Vị Chủ tịch nước đã an ủi chị:

          - Bác không đến thăm những gia đình như cô thì thăm ai...

          Và Bác đã vào nhà thăm hỏi khá lâu năm mẹ con chị Tín. Gọi là nhà nhưng đâu có phải là nhà mà là một cái chái như một túp lều. Chồng chị Tín là công nhân khuân vác ở bến Phà Đen đã mất cách đó bốn năm, còn chị thì cho đến lúc này vẫn chưa có việc làm ổn định. Cảnh nghèo của gia đình đã phũ phàng hiện ra trước mắt Bác. Trên chiếc bàn gỗ mục chỉ có một nải chuối xanh và một gói kẹo. Đúng là "Ba mươi Tết mà không có Tết". Cách đây 15 năm, Tết Độc lập đầu tiên, Bác đã đau lòng chứng kiến cảnh một gia đình "Tết mà không có Tết" ở ngõ hẻm Sinh Từ. Đó là khi đất nước mới thoát khỏi vòng nô lệ. Còn bây giờ, kháng chiến đã thắng lợi, hoà bình đã sáu năm, mà lại còn cái cảnh này sao? Không phải ở đâu xa mà ở ngay Thủ đô Hà Nội... Vậy còn bao nhiêu gia đình như thế này ở khắp mọi miền đất nước? Cứ ngồi nghe báo cáo thì đâu cũng là no ấm, tươi vui...

          Đêm ấy, trên đường về, ngồi trên xe, Bác Hồ trầm ngâm suy nghĩ. Vẻ đăm chiêu thoáng hiện trên gương mặt của Người. Bác đã từng tâm sự với các đồng chí phục vụ: "Một ngày dân chưa đủ ăn, áo chưa đủ mặc, các cháu chưa được học hành, mọi người còn khổ thì Bác ăn không ngon, ngủ không yên".

          Về đến nhà, các đồng chí Bộ Chính trị đang chờ Bác để chúc mừng năm mới. Mọi người băn khoăn khi thấy Bác không vui. Bác kể lại hoàn cảnh gia đình chị Tín cho mọi người nghe. Cuối câu chuyện Bác nói "Ta có chính quyền trong tay, nhưng chính quyền đó chưa thực sự là do dân, vì dân. Một số lãnh đạo các địa phương còn quan liêu và nặng về hình thức. Họ không chịu đi sâu, đi sát quần chúng, nên phục vụ quần chúng chưa tốt. Nếu chúng ta chỉ nghe báo cáo của họ thì sẽ không bao giờ nắm được chính xác tình hình để có chủ trương, nghị quyết đúng đắn. Đảng quan liêu, chính quyền quan liêu, thực sự là một nguy cơ đối với đất nước chúng ta.

          Câu chuyện Tết Bác đến thăm các gia đình nghèo, trong đó có gia đình chị Tín là những câu chuyện thể hiện hành động, việc làm đời thường cụ thể nhưng chứa đựng một triết lý sống, một nhân cách vĩ đại, tâm hồn cao cả với một tình thương yêu bao la vô tận đối với con người của Bác Hồ. Bác nói :“Mỗi người, mỗi gia đình đều có một nỗi đau khổ riêng và gộp những nỗi đau khổ riêng của mỗi người, mỗi gia đình lại thì thành nỗi đau khổ của tôi”. Trong cuộc đời hoạt động của mình, Bác đã đặt chân lên nhiều nước, nhiều nơi trên các châu lục Á, Âu, Phi, Mỹ và nhiều lần, Bác đã rơi nước mắt khi phải chứng kiến những mảnh đời bất hạnh, những kiếp sống ngựa trâu của những người nô lệ, những người lao động nghèo khổ. Câu chuyện Bác đến thăm và chúc Tết những gia đình nghèo như gia đình chị Tín thật xúc động, đã xóa đi khoảng cách giữa Bác là Chủ tịch nước với những người dân lao động bình thường trong xã hội.

          Là chủ tịch nước, sứ mệnh của cả dân tộc đang đặt trên đôi vai Bác. Biết bao công việc bộn bề, vậy mà Bác vẫn dành thời gian để đến thăm những gia đình nghèo khổ khi năm cũ sắp qua - xuân mới đã về. Đó chính là tình thương yêu con người, là sự chăm lo ân cần của Bác đối với Nhân dân, đặc biệt là những người nghèo khổ, có hoàn cảnh bất hạnh. Hai câu thơ của nhà thơ Tố Hữu: “Bác ơi, tim Bác mênh mông thế/ Ôm cả non sông mọi kiếp người” đã ca ngợi lòng nhân ái mênh mông của Bác, sự hy sinh suốt đời cho Nhân dân, cho dân tộc, cho thế giới hòa bình. Có thể thấy, đức độ của Bác theo năm tháng càng khắc ghi sâu đậm không bao giờ phai nhạt và lung linh toả sáng trong tâm hồn mỗi người dân Việt Nam.

Hồng Vĩnh (tổng hợp)

Lượt xem: 14.254
Văn bản mới
  • Số 92-KH/BTGTU 19/12/2024 Kế hoạch tổ chức chào cờ và sinh hoạt chính trị năm 2025
  • Số 1492-CV/BTGTU 18/12/2024 Tuyên truyền kết quả kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV
  • Số 204-HD/BTGTU 09/12/2024 Hướng dẫn tuyên truyền kỷ niệm 300 năm Ngày sinh Hải Thượng Lãn Ông Lê ...
  • Số: 1720/STTTT - TTr 06/12/2024 Về việc cảnh báo thủ đoạn cắt ghép hình ảnh cá nhân vào clip “nhạy ...
  • Số 203-HD/BTGTU 04/12/2024 Nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền Kết luận số 91-KL/TW, ngày 12/8/2024 của ...
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 004343602
  •  Đang online: 346
  •  Trong tuần: 346
  •  Trong tháng: 134.293
  •  Trong năm: 2.044.643