HỌC BÁC – TÌNH NGƯỜI RỘ NỞ In trang
20/01/2017 12:00 SA

Mùa Xuân không chỉ là thời điểm giao mùa, kết thúc một năm cũ bước sang năm mới, đối với người Việt Nam mùa Xuân còn gắn với nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước, của dân tộc. Đặc biệt, với Bác Hồ cứ mỗi độ Xuân về, Tết đến, Người luôn quan tâm và dành nhiều tình cảm ấm áp dành cho người dân.
Từ ngày đất nước được độc lập, vào những ngày Tết của dân tộc Bác luôn dành trọn những ngày nghỉ của mình đến thăm từng nhà, coi nhân dân ta chuẩn bị Tết cổ truyền như thế nào, qua đó sẽ biết nhân dân có được hưởng cuộc sống ấm no, vui tươi chưa? Dù bận trăm công nghìn việc nhưng chưa khi nào Bác quên đi thăm đồng bào, chiến sĩ.

Đối với Bác, việc đi thăm và chúc Tết đã trở thành nếp, bởi Bác cho rằng đây là lúc có thể hiểu được đầy đủ đời sống, tâm tư của người lao động, được thấy nhân dân nô nức, phấn khởi, mọi nhà đoàn tụ, đầm ấm tận hưởng niềm vui sau một năm làm việc vất vả. Bác vẫn thường nói: "Đấu tranh giành được độc lập rồi nhưng chỉ độc lập thực sự khi nhân dân được hưởng ấm no hạnh phúc". Vì quan niệm về độc lập, về sự ấm no hạnh phúc của nhân dân đơn giản nhưng sâu sắc ấy mà kể từ khi nước nhà được khai sinh cho đến khi Bác đi vào cõi vĩnh hằng, gần như năm nào Bác cũng đi chúc Tết đồng bào. Xuất phát từ tình thương bao la của Người, nhiều cuộc gặp gỡ giữa Bác với người lao động, đặc biệt là người nghèo, đầy xúc động và ấm tình người. Vào đêm giao thừa của Tết đầu tiên sau ngày nước nhà giành được độc lập, Bác và đồng chí thư ký cùng đi trong một ngõ tối trên phố Sinh Từ đến thăm một người kéo xe thuê ở một tỉnh khác về làm ăn. Do không đủ tiền về quê ăn Tết, lại bị ốm, đang lên cơn sốt, Bác đứng lặng nhìn người kéo xe với tất cả lòng thương cảm và nhân ái. Và rồi Bác dặn thư ký hôm sau mang thuốc và quà đến hỏi thăm, động viên. Trên đường về, Bác nói: "Ba mươi Tết mà không có Tết". Câu nói ấy ngắn gọn nhưng tựa như lời trách mình, nhắc nhở mình về trách nhiệm chăm lo Tết cho người lao động nghèo khổ.

Có nhiều cuộc gặp các gia đình nghèo trong Tết, nhưng có lẽ cuộc gặp gỡ gia đình chị Nguyễn Thị Tín với Bác là một trong những cuộc gặp cảm động nhất. Chị Tín là người gánh nước thuê ở ngõ 16 Lý Thái Tổ, trong đêm ba mươi mưa phùn gió bấc của Tết Nhâm Dần (năm 1962). Chồng mất sớm, một mình tần tảo nuôi bốn con nhỏ, nên đêm ba mươi chị Tín vẫn phải đi gánh nước thuê. Với đôi gánh trên vai, vừa ra ngõ thì gặp Bác. Quá bất ngờ, đôi gánh trên vai chị rơi xuống đất. Tay chị run run nắm lấy tay Bác và nói trong sự nghẹn ngào xúc động: "Cháu không ngờ lại được Bác đến thăm!". Bác nhẹ nhàng: "Bác không đến thăm những gia đình như cô thì thăm ai...". Nói rồi Bác bước vào trong nhà, nhìn căn phòng tuềnh toàng và trên bàn thờ tổ tiên chỉ có nải chuối xanh, trong khi 4 đứa con chị đang chia nhau một gói kẹo, một ánh mắt buồn sâu thẳm trên khuôn mặt hiền từ của Bác. Bác lấy kẹo chia cho các cháu, lấy chiếc bánh chưng được chuẩn bị sẵn đặt lên bàn thờ. Chị Tín nhìn Bác trong hai hàng nước mắt lăn trên hai gò má gầy guộc xanh xao. Có hạnh phúc nào lớn hơn khi một vị Chủ tịch nước, Chủ tịch Đảng quan tâm tới gia đình mình. Thực sự là hạnh phúc lớn lao không gì so sánh nổi.

Những câu chuyện về sự quan tâm của Bác Hồ với người lao động nghèo là những dẫn chứng cụ thể nhất, sinh động nhất về tấm lòng thương yêu nhân dân.

Mừng Xuân, đón Tết là dịp để mỗi người dân Việt Nam nhớ về tổ tiên, ông bà, cầu mong những điều an lành, hạnh phúc. Tết là dịp để mọi người đi lại thăm hỏi, chúc những điều may mắn, tốt đẹp. Thế nhưng cũng có nơi, có chỗ lạm dụng mừng Xuân, đón Tết để tổ chức vui chơi linh đình, tốn kém. Bác Hồ đặc biệt quan tâm đến vấn đề này. Bác từng căn dặn: “Suốt năm, chúng ta thi đua lao động, sản xuất, những ngày Tết Nguyên đán, chúng ta vui chơi một hôm để chào xuân. Việc đó đúng, nên chúng ta mừng Xuân một cách vui vẻ, lành mạnh. Nếu có bao nhiêu tiền bỏ ra mua sắm, đánh chén lu bù, thế là mừng Xuân một cách lạc hậu, thế là lãng phí, thế là không Xuân".

Thực hiện lời dạy sâu sắc của Người, tại phiên họp thường kỳ của Chính phủ ngày 29/11/2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các địa phương không được về Hà Nội chúc tết, tặng quà cho Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, Bộ trưởng mà hãy dành thời gian chủ động tập trung chăm lo Tết cho nhân dân. Và ngày 19/12/2016, đồng chí Đinh Thế Huynh - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đã ký ban hành Quy định số 55 - QĐ/TW của Bộ Chính trị về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên. Theo đó, nghiêm cấm việc lợi dụng tổ chức giao lưu, liên hoan, gặp mặt, chúc mừng trước, trong và sau mỗi kỳ đại hội, hội nghị, kỳ họp hoặc các dịp mít tinh, kỷ niệm ngày truyền thống, khai giảng, bế giảng hoặc khi cán bộ được đề bạt, bổ nhiệm, phong, thăng quân hàm, luân chuyển, thuyên chuyển công tác... để ăn uống, "tiệc tùng", tặng, nhận quà, với động cơ vụ lợi. Việc tổ chức cưới hỏi, ma chay, giỗ, tết, sinh nhật phải thực hiện đơn giản, tiết kiệm, bảo đảm nếp sống văn hóa mới theo đúng quy định của Đảng và Nhà nước; phù hợp với thuần phong mỹ tục, bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Nghiêm cấm việc lợi dụng để "biếu xén", đưa tặng quà với động cơ vụ lợi, không trong sáng. Chấm dứt ngay tình trạng ăn uống, "chè chén" xa hoa, lãng phí, gây phản cảm trong dư luận xã hội.

Nhớ Bác, khắc ghi và làm theo Bác, để tình người rộ nở như hoa mùa xuân.

Lượt xem: 1.153
Văn bản mới
  • Số 92-KH/BTGTU 19/12/2024 Kế hoạch tổ chức chào cờ và sinh hoạt chính trị năm 2025
  • Số 1492-CV/BTGTU 18/12/2024 Tuyên truyền kết quả kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV
  • Số 204-HD/BTGTU 09/12/2024 Hướng dẫn tuyên truyền kỷ niệm 300 năm Ngày sinh Hải Thượng Lãn Ông Lê ...
  • Số: 1720/STTTT - TTr 06/12/2024 Về việc cảnh báo thủ đoạn cắt ghép hình ảnh cá nhân vào clip “nhạy ...
  • Số 203-HD/BTGTU 04/12/2024 Nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền Kết luận số 91-KL/TW, ngày 12/8/2024 của ...
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 004343637
  •  Đang online: 225
  •  Trong tuần: 225
  •  Trong tháng: 134.328
  •  Trong năm: 2.044.678