Từng câu chuyện kể về Bác tuy ngắn gọn, súc tích nhưng hàm chứa bao ý nghĩa sâu xa, nó khiến chúng ta phải chạnh lòng, suy ngẫm, nhìn lại bản thân và hành động theo lẽ phải. Khó có đơn vị đo lường nào có thể đo được sức mạnh nhân văn của mỗi câu chuyện mang lại. Hãy trân trọng, nâng niu ý nghĩa từng câu chuyện và xem đó là những bài học vô giá về đạo đức, tác phong và nhân cách của một con người. Với câu chuyện “Ai chẳng có lần lỡ tay”, trích trong quyển sách “120 chuyện kể về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” là một minh chứng.
“Trong một chuyến tới thăm nước bạn lần ấy, Bác có mang theo một cây san hô lớn, màu hồng rất đẹp để tặng khách. Khi chuyển món quà quý lên máy bay, đồng chí Lâm đã làm gãy một “cành” lớn.
Đồng chí Lâm rụng rời tay chân, mặt tái mét, run như lên cơn sốt.
Bác nhìn thấy. Đồng chí Lâm lắp bắp mãi không thưa được câu gì với Bác. Bác vỗ vai đồng chí Lâm nhẹ nhàng nói:
- Thôi để Bác dặn chuyển một cây khác vào chuyến máy bay sau. Chú đừng buồn. Ai chẳng có lần lỡ tay”.
Một cử chỉ rất đời thường, một lời nói nhẹ nhàng nhưng ẩn chứa cả tấm lòng bao dung, vị tha, rộng lượng của Người, ẩn chứa cả một nhân cách cao quý, vĩ đại. Ở một góc cạnh khác câu chuyện còn mang một ý nghĩa về tinh thần trách nhiệm, tính trung thực, dám làm dám chịu. Biết nhìn nhận khuyết điểm và quyết tâm sửa chữa sai lầm của mình đó là điều đáng trân trọng. Đôi khi sự thật khiến chúng ta ngỡ ngàng và chua xót khi nhiều người vẫn chỉ nhìn thấy quá khứ, thấy cái lỗi cũ, mà không nhận ra, khẳng định những thay đổi tích cực từ những người từng mắc lỗi. Nhưng Bác chúng ta thì không? Bác sẵn sàng bỏ qua những lỗi lầm của cấp dưới và không ngừng động viên, khích lệ cấp dưới, hướng họ đến những hành động đẹp, sửa chữa lỗi lầm.
Câu chuyện khép lại với nhiều tầng ý nghĩa sâu xa, như một lời nhắn nhủ chân thành đến mọi người hãy sống trung thực, trách nhiệm và sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ, bao dung với mọi người trong cuộc sống, công việc...
Phòng LLCT & LSĐ