TƯ TƯỞNG CHIẾN LƯỢC TRONG THƠ CHÚC TẾT CỦA BÁC HỒ In trang
20/01/2017 12:00 SA

Sinh thời, Bác Hồ không bao giờ nhận mình là một nhà thơ hay nhà văn mà chỉ là người bạn của văn chương, người yêu văn nghệ. Mặc dù thơ chúc Tết của Bác Hồ thấm đẫm tư tưởng cách mạng, nhưng ngôn ngữ không cao siêu, khô khan mà giản dị, dễ hiểu, giàu tình thân ái, nghe ngọt ngào của một bài ca xuân mang âm hưởng hùng tráng có sức lay động lòng người. Thơ chúc Tết của Bác luôn ngời sắc xuân, đậm đà chất thép như nhà thơ Hoàng Trung Thông khái quát: Vần thơ của Bác vần thơ thép/ Mà vẫn mênh mông bát ngát tình. Trong hành trình hoạt động cách mạng, Bác nhận ra văn học, nghệ thuật có một sức mạnh như một vũ khí đấu tranh lợi hại, tác dụng to lớn, nên đã nắm lấy và mài sắc nó để phục vụ cách mạng. Tư tưởng của Bác không chỉ thể hiện rõ trong đường lối chỉ đạo cách mạng, trong các bài phát biểu mà còn thể hiện khá sâu sắc trong các tác phẩm văn chương mà Người sáng tác để tuyên truyền, vận động nhân dân. Thơ chúc Tết là một trong những mảng thơ mà Bác quan tâm. Với một phong cách riêng của nhà thơ – chiến sĩ, thơ chúc Tết của Bác đúc kết những thắng lợi trong năm qua, đề ra nhiệm vụ mang tầm chiến lược của năm mới, vừa mang cảm hứng lịch sử, vừa chan chứa ý thơ.

Tư tưởng chủ đạo xuyên suốt trong các bài thơ chúc Tết của Bác là tư tưởng về giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người, về độc lập gắn liền với chủ nghĩa xã hội… Ham muốn tột bậc của Bác là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành. Ý nguyện và khát vọng này luôn xuất hiện trong các bài thơ chúc Tết. Đọc các bài thơ chúc Tết của Bác, ta nhận thấy các từ ngữ như: “đấu tranh”, “kháng chiến”, “thắng lợi”, “độc lập”, “thành công”, “chiến thắng”, “hòa bình”, “thống nhất” được đưa vào trong thơ với tần số cao. Điều đó khẳng định sự nhất quán và bản lĩnh của Bác. Ngay từ Tết Bình Thân 1956, mục tiêu giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, khát khao Nam - Bắc sum họp một nhà luôn là tư tưởng chủ đạo trong đường lối cách mạng của Người.

Quyết chí bền gan phấn đấu
Hòa bình, thống nhất thành công
(Thơ chúc Tết Bính Thân 1956)

Chúc đồng bào ta bền bỉ đấu tranh
Thành đồng miền Nam vững bền mạnh mẽ
Cả nước một lòng, hăng hái tiến lên
Thống nhất một nhà, Nam Bắc vui vẻ!
(Thơ chúc Tết Canh Tý 1960)

Chúc miền Bắc hăng hái thi đua
Chúc miền Nam đoàn kết tiến tới
Chúc hòa bình thống nhất thành công!
(Thơ chúc Tết Tân Sửu 1961)

Rồi đây thống nhất thành công,
Bắc Nam ta lại vui chung một nhà
(Thơ chúc Tết Giáp Thìn 1964)

Sự thống nhất trong tư tưởng của Bác là độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng chỉ rõ: “Đại hội lần này là Đại hội xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà”. Miền Bắc là hậu phương lớn chi viện cho miền Nam đánh thắng Mỹ - Ngụy, một lòng cùng phấn đấu cho hòa bình thống nhất nước nhà và tiến lên chủ nghĩa xã hội thể hiện sâu sắc trong các bài thơ chúc Tết của Bác.

Miền Bắc thi đua xây dựng
Miền Nam giữ vững thành đồng
(Thơ chúc Tết Bính Thân 1956)

Chúc miền Nam đấu tranh tiến tới
Sức triệu người hơn sóng biển Đông
Chủ nghĩa xã hội càng thắng lợi
Hòa bình thống nhất quyết thành công
(Thơ chúc Tết Nhâm Dần 1962)

Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ
Tiến lên!
Toàn thắng ắt về ta!
(Thơ chúc Tết Mậu Thân 1968)

Muốn đạt được mục tiêu giải phóng dân tộc, đất nước được hòa bình, thống nhất, tiến lên chủ nghĩa xã hội không có con đường nào khác con đường bạo lực cách mạng. Tư tưởng quân sự của Bác Hồ trong công cuộc giải phóng dân tộc là “Tư tưởng kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ, dựa vào sức mình là chính”. Bác viết:

Toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến
Chí ta đã quyết, lòng ta đã đồng
Tiến lên chiến sĩ! Tiến lên đồng bào!
(Thơ chúc Tết Đinh Hợi 1947)

Muốn kháng chiến thành công thì phải phát huy tinh thần yêu nước, tinh thần đoàn kết dân tộc để tạo nên sức mạnh chiến thắng kẻ thù. Tư tưởng của Bác Hồ về đại đoàn kết toàn dân tộc là một tư tưởng cơ bản, nhất quán và xuyên suốt, là chiến lược tập hợp lực lượng đấu tranh với kẻ thù dân tộc và giai cấp trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của Người. Đại đoàn kết toàn dân tộc là động lực chủ yếu, là sức mạnh vĩ đại quyết định sự thành công của cách mạng. Đại đoàn kết toàn dân tộc là một mục tiêu, một nhiệm vụ hàng đầu của cách mạng Việt Nam. Đại đoàn kết toàn dân tộc là đại đoàn kết toàn dân.

Toàn dân đại đoàn kết,
Cả nước dốc một lòng
Thống nhất chắc chắn được,
Độc lập quyết thành công
(Thơ chúc Tết Mậu Tý 1948)

Toàn dân hăng hái một lòng
Thi đua chuẩn bị, tổng phản công kịp thời
(Thơ chúc Tết Tân Mão 1951)

Quân và dân ta nhất trí kết đoàn
Kháng chiến, kiến quốc nhất định hoàn toàn thành công
(Thơ chúc Tết Giáp Ngọ 1954)

Bắc Nam như cội với cành
Anh em ruột thịt, đấu tranh một lòng
(Thơ chúc Tết Giáp Thìn 1964)

Trong tư tưởng của Bác, thể hiện rõ sự kết hợp nhuần nhuyễn dân tộc với giai cấp, độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa quốc tế trong sáng. Trong thơ chúc Tết của Người, cách mạng Việt Nam luôn gắn với cách mạng thế giới, hạnh phúc của dân tộc gắn liền với hạnh phúc nhân loại:

Mừng toàn thể chiến sĩ đồng bào,
Mừng phe dân chủ, hòa bình thế giới
(Thơ chúc Tết Quý Tỵ 1953)

Mừng năm mới, mừng xuân mới
Mừng Việt Nam, mừng thế giới
Đường lên hạnh phúc rộng thênh thênh
(Thơ chúc Tết Tân Sửu 1961)

Nhiều người trong chúng ta còn nhớ chùm thơ Xuân chống Mỹ của Bác để lại những dấu ấn đặc sắc: Thơ Xuân 1965,1966,1968 và bài thơ Xuân cuối cùng của Bác vào năm 1969. Đọc chùm thơ Xuân toát lên đầy đủ, tập trung cuộc kháng chiến chống Mỹ. Đây là những khúc ca chiến thắng dồn dập vừa kịp thời cổ vũ toàn dân, toàn quân, vừa nói lên nhiệm vụ chiến lược của cả nước, vừa ấm áp tình cảm của vị Cha già. Xuân 1966, Bác nhắc tới những chiến thắng:

Mừng miền Nam rực rỡ chiến công
Nhiều Dầu Tiếng, Bầu Bàng, Plây me, Đà Nẵng…
Mừng miền Bắc chiến đấu anh hùng
,

Chiến thắng lịch sử dồn dập, cái sau mạnh mẽ hơn cái trước như một bước nhảy vọt. Nếu năm 1967 Xuân về xin có một bài ca/ Gửi chúc đồng bào cả nước ta/ Chống Mỹ hai miền đều đánh giỏi/ Tin mừng thắng trận nở như hoa thì đến Xuân 1968, Bác khẳng định: Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua/ Thắng trận tin vui khắp nước nhà và năm 1969 phát triển một bước cao hơn trong lời tiên đoán: Năm qua thắng lợi vẻ vang/ Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to. Và, bài thơ chúc Tết cuối cùng Xuân 1969, một bài thơ hay của ca khúc tiến công, ca khúc chiến thắng thể hiện tập trung nhất phương châm lớn của Bác: Không có gì đáng quý hơn độc lập tự do. Cả đoạn thơ như một tiếng kèn xung trận:

Vì độc lập vì tự do
Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào
Tiến lên, chiến sĩ đồng bào
Bắc Nam sum họp, Xuân nào vui hơn
.

Qua cặp từ “Mỹ cút, ngụy nhào” không chỉ để gieo vần mà là mục tiêu vừa định tính, vừa định lượng mang ý nghĩa chiến lược tài tình của một tầm vĩ nhân.

Với Bác, miền Nam luôn thường trực trong trái tim của Người: Đến ngày thống nhất nước nhà/ Bắc Nam sum họp thì ta vui lòng. Bác khẳng định một chân lý bất diệt: Dù cho sông cạn đá mòn/ Nhân dân Nam Bắc là con một nhà. Niềm khát khao Nam Bắc thống nhất luôn đau đáu trong tim Bác, mùa xuân sẽ đẹp và ấm áp hơn khi giang sơn thu về một mối:

Bắc Nam sum họp xuân nào vui hơn.

Sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong tư tưởng của Bác là tấm lòng vì nước, vì dân, đó cũng là tư tưởng chủ đạo trong đường lối cách mạng Việt Nam. Những nhiệm vụ chiến lược được phân tích, nhận định rồi cô đọng kết tinh nâng lên thành chất thơ hàm súc, sâu lắng hòa quyện nhuần nhuyễn trong ngôn ngữ tiếng Việt. Mỗi bài thơ chúc tết của Bác mang nội dung như Bác từng nói “Vừa là kêu gọi, vừa là mừng xuân” (Xuân 1964), vừa là hành khúc chiến thắng, vừa thể hiện cao độ quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân lại vừa ấm áp tình người của vị lãnh tụ kính yêu. Thơ chúc Tết của Bác là lời hiệu triệu, mang những dự báo về tương lai một năm mới, vừa là lời chúc mừng năm mới, nhưng lại vừa là đường lối chỉ đạo toàn dân kháng chiến kiến quốc, là sợi dây tình cảm nối liền lãnh tụ với quần chúng nhân dân.

Mặc dù Bác Hồ đã đi xa, nhưng ngày nay và mãi mãi về sau, thơ chúc Tết của Bác vẫn là di sản văn hóa tinh thần vô giá không chỉ đối với dân tộc Việt Nam mà cả các dân tộc yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Mọi người yêu thơ Bác, mong ngóng được đón thơ chúc Tết của Bác vào dịp đón giao thừa năm mới, vì thơ Bác thấm nhuần tư tưởng vì nước vì dân, vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc cho nhân dân. Một mùa xuân mới lại về, nhớ Bác Hồ, nhớ thơ chúc Tết của Bác, chúng ta đọc lại mấy vần thơ của Tố Hữu như để thầm gọi Bác.

Bác ơi!
Tết đến giao thừa đó
Vẫn còn nghe thơ Bác mọi lần.

Khuất Minh Phương

Lượt xem: 1.535
Văn bản mới
  • Số 92-KH/BTGTU 19/12/2024 Kế hoạch tổ chức chào cờ và sinh hoạt chính trị năm 2025
  • Số 1492-CV/BTGTU 18/12/2024 Tuyên truyền kết quả kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV
  • Số 204-HD/BTGTU 09/12/2024 Hướng dẫn tuyên truyền kỷ niệm 300 năm Ngày sinh Hải Thượng Lãn Ông Lê ...
  • Số: 1720/STTTT - TTr 06/12/2024 Về việc cảnh báo thủ đoạn cắt ghép hình ảnh cá nhân vào clip “nhạy ...
  • Số 203-HD/BTGTU 04/12/2024 Nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền Kết luận số 91-KL/TW, ngày 12/8/2024 của ...
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 004343515
  •  Đang online: 259
  •  Trong tuần: 259
  •  Trong tháng: 134.206
  •  Trong năm: 2.044.556