Ngày 17/02/2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết 10-NQ/TU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 (Nghị quyết 10).
Đồng chí Trần Văn Hiệp, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra thực trạng công tác bảo vệ và trồng rừng tại huyện Lạc Dương
Theo đó, trong những năm qua, thực hiện Chỉ thị 13-CT/TW, ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng”; Nghị quyết 71/NQ-CP, ngày 08/8/2017 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chỉ thị 13-CT/TW; Chỉ thị 30-CT/TU, ngày 26/3/2015 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, quản lý lâm sản”, cấp ủy, chính quyền các cấp và hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở có nhiều nỗ lực, cố gắng, thể hiện quyết tâm cao trong công tác quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR) và đạt được những kết quả quan trọng: Kịp thời kiện toàn bộ máy các cấp về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng (QLBV&PTR) phù hợp với điều kiện thực tiễn; nhận thức, hành động của các cấp, ngành, hệ thống chính trị và Nhân dân có sự chuyển biến rõ nét, thực hiện nghiêm túc, quyết liệt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước về công tác QLBV&PTR; thực hiện tốt chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên theo quy định pháp luật, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; thực hiện xã hội hóa công tác phát triển rừng; diện tích, chất lượng và tỷ lệ che phủ rừng tăng qua từng năm (năm 2014: 52,5%; năm 2020: 55%, đứng thứ 6 cả nước và thứ 2 trong các tỉnh Tây Nguyên); số vụ vi phạm, diện tích, khối lượng lâm sản thiệt hại giảm dần; thực hiện tốt chính sách giao khoán quản lý, bảo vệ rừng, chi trả dịch vụ môi trường rừng; công tác trồng rừng, chăm sóc rừng, trồng cây phân tán đạt kết quả khá tốt, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần giảm nghèo nhanh và bền vững, ổn định đời sống người dân, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an sinh xã hội.
Tuy nhiên, công tác QLBV&PTR vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, như: Kết quả đạt được chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế về rừng và đất lâm nghiệp; công tác quản lý, tổ chức thực hiện quy hoạch còn nhiều bất cập; tình trạng khai thác lâm sản trái phép, lấn chiếm, tranh chấp đất rừng còn phức tạp, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự ở địa phương; chưa khai thác hiệu quả tiềm năng về du lịch sinh thái rừng gắn với QLBV&PTR; việc lấn chiếm, trồng cây nông nghiệp trên đất lâm nghiệp xảy ra ở nhiều địa phương; xã hội hóa công tác QLBV&PTR còn hạn chế.
Trên cơ sở chỉ ra những kết quả đạt được, những tồn tại hạn chế và nguyên nhân, Nghị quyết 10 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã đề ra các quan điểm, mục tiêu:
Về quan điểm: Xác định công tác QLBV&PTR là trách nhiệm, nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, thường xuyên, liên tục của cấp ủy, chính quyền các cấp, lực lượng Kiểm lâm và đơn vị chủ rừng. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện phải thường xuyên, liên tục, đảm bảo sát thực tiễn; mọi hành vi vi phạm quy định về QLBVR phải được kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm minh, kịp thời, theo quy định pháp luật. Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, biện pháp đảm bảo thiết thực, hiệu quả, phù hợp, sát với yêu cầu thực tiễn của từng địa phương, đơn vị.
Về mục tiêu cụ thể: Giai đoạn 2021 - 2025: Quản lý, bảo vệ, phát triển và khai thác hiệu quả, bền vững, nâng cao chất lượng rừng và đất lâm nghiệp hiện có theo quy hoạch; phấn đấu giảm từ 20%/năm trở lên về số vụ vi phạm, diện tích rừng và khối lượng lâm sản bị thiệt hại; giải tỏa, thu hồi toàn bộ diện tích rừng mới bị phá, đất lâm nghiệp mới bị lấn chiếm để trồng lại rừng; khoanh nuôi tái sinh rừng. Triển khai trồng rừng, chăm sóc rừng trồng, trồng 50 triệu cây xanh; khôi phục rừng trên đất lâm nghiệp đang canh tác nông nghiệp theo kế hoạch; phát triển rừng sản xuất, trồng cây dược liệu, cây đặc sản có giá trị cao dưới tán rừng; chủ động ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, theo dõi, giám sát tài nguyên rừng trên địa bàn quản lý, đảm bảo tỷ lệ che phủ rừng từ 55% trở lên. Nâng cao giá trị kinh tế từ rừng thông qua thu hút các nguồn lực đầu tư của nhà nước, doanh nghiệp, khai thác tiềm năng du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch mạo hiểm, du lịch cộng đồng; giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập.... Đến năm 2030: Tiếp tục thực hiện các biện pháp, giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong QLBVR; các vụ vi phạm quy định về QLBVR được phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh theo quy định; nâng cao chất lượng rừng (cả rừng tự nhiên và rừng trồng); phát triển kinh tế rừng; thực hiện trồng rừng, trồng cây dược liệu dưới tán rừng, trồng 50 triệu cây xanh, trồng cây đa mục đích trên diện tích đất lâm nghiệp đang sản xuất nông nghiệp còn lại theo kế hoạch...
Đồng thời, Nghị quyết 10 đề ra các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu về quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác QLBV&PTR; Bảo vệ, phát triển rừng bền vững, khai thác hiệu quả các giá trị rừng nhằm thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030
Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các ban của Tỉnh ủy, Ban cán sự đảng, đảng đoàn, thành ủy, huyện ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy; Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh tổ chức phổ biến, quán triệt, tuyên truyền và xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện Nghị quyết. Đối với các thành ủy, huyện ủy phải xây dựng nghị quyết chuyên đề. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy xây dựng kế hoạch tuyên truyền, phổ biến nội dung Nghị quyết bằng các hình thức thiết thực, hiệu quả, tạo sự thống nhất cao trong nhận thức và hành động thực hiện Nghị quyết. Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo cụ thể hóa Nghị quyết 10 bằng chương trình, kế hoạch thực hiện; chủ trì, phối hợp với các Ban của Tỉnh ủy, thành ủy, huyện ủy kịp thời chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện Nghị quyết này và định kỳ hàng năm sơ kết, báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy kết quả thực hiện để theo dõi, chỉ đạo.
Trần Lộc