Trước nay, khi nhắc đến “Làng hoa hồng”, nhiều người đều biết đó là một trong 5 Làng hoa truyền thống nổi tiếng tại Phường 5- TP Đà Lạt. Tuy nhiên, gần đây xuất hiện thêm Làng hoa hồng dưới chân núi Lang Biang, thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương, đã và dang thu hút đông đảo khách du lịch thập phương…
{image id =1}
Làng hoa công nghệ cao
Đà Lạt trước nay là địa phương dẫn đầu cả nước về sản xuất nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC). Song, có ý kiến cho rằng, những năm gần đây, NNCNC “dịch chuyển” về huyện Lạc Dương; bởi đất đai, khí hậu khá tương đồng Đà Lạt nên rất phù hợp với các loại cây công nghiệp. Nhiều doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đã đầu tư vào Lạc Dương để phát triển NNCNC. Đặc biệt, nông dân bản địa khá nhạy bén với phương thức sản xuất mới, có “tầm nhìn” xa và dự đoán được nhu cầu thị trường nên đã mạnh dạn thay đổi cơ cấu cây trồng “đúng hướng”. Nhiều hộ nông dân (người Kinh) và người dân tộc thiểu số (DTTS) đã thay đổi diện tích các loại cây trồng truyền thống, thu nhập thấp để trồng hoa hồng trong nhà kính, nhà lưới công nghệ cao.
Những người “tiên phong” đưa hoa hồng về Lạc Dương để loài hoa này hiện hữu, rực rỡ dưới chân núi Lang Biang hùng vĩ phải kể đến như: Ông Hoàng Bình Minh, Phạm Văn Nhân, Nguyễn Xuân Quả, hay cựu chiến binh Nghiêm Xuân Chư… (Thị trấn Lạc Dương).
Nhận thấy cây cà phê, các loại rau, màu giá cả rất bấp bênh; trong khi đó, các loại hoa, nhất là hoa hồng giá cả ổn định, được thị trường ưa chuộng; đặc biệt, vào các dịp lễ, tết, hoa hồng “hút hàng”, các hộ dân đã mạnh dạn chuyển dần sang trồng hoa hồng các loại. Để “chắc ăn”, ban đầu mỗi hộ dân chuyển đổi vài sào trồng thử trong nhà kính; kết quả thu nhập rất khả quan. Đến nay, tại thị trấn Lạc Dương đã có gần 300 hộ chuyên canh hoa hồng, diện tích trên 300 ha (chiếm 90% diện tích hoa hồng trong toàn huyện) - hình thành “Làng hoa hồng” dưới chân núi Lang Biang!
Giải thích vì sao không trồng các loại hoa khác mà chuyên canh hoa hồng? Các “nghệ nhân” Làng hoa khá lãng mạn chia sẻ: “Hoa hồng là sứ giả tình yêu”; khi đời sống vật chất đã khá lên, người ta biết quan tâm đến đời sống tinh thần, quan tâm hơn đến người xung quanh, nhất là giới trẻ, họ thường tặng hoa hồng cho nhau trong các dịp lễ, tết, sinh nhật, Ngày Tình nhân, Ngày quốc tế hạnh phúc gia đình…. Bởi vậy, hoa hồng thường được ưa chuộng nhất.
Mặc khác, hoa hồng khá dễ trồng, ít sâu bệnh và có thể “lưu” gốc cho thu hoạch trong nhiều năm (sau khi cắt hoa bán, mầm mới sẽ phát triển cho hoa trên gốc cũ), nên ít tốn công và kinh phí đầu tư như các loài hoa khác…
Đến nay, nhiều hộ dân ở Thị trấn Lạc Dương đầu tư mạnh vào sản xuất hoa hồng; hộ ít vài sào, có hộ diện tích vài ha; hoa hồng ở đây được áp dụng CNC trong các khâu sản xuất, bảo quản nên hoa rất đẹp, bền được thị trường ưa chuộng. Bà Nguyễn Thị Bốn (Thị trấn Lạc Dương) có 5.000m2 hoa hồng, thu nhập mỗi tháng trên 60 triệu đồng. Bà cho biết, cứ 2 ngày cắt hoa một lần; mỗi lần cắt từ 5.000 đến 6.000 cành, giá bán tại vườn ngày thường từ 1.200 đến 1.500 đồng/cành; khi khan hiếm, thương lái mua giá cao hơn…
Còn ông Hoàng Bình Minh (tổ dân phố Đan Kia - Thị trấn Lạc Dương), với 3.500m2 trồng hoa hồng, mỗi năm ông thu nhập vài trăm triệu đồng. Trong dịp Tết Nguyên đán Nhân Dần, nhất là Ngày Tình nhân vừa qua, giá các loại hoa hồng tăng đột biến, nhiều hộ kinh doanh hoa hồng ở Lạc Dương trúng đậm! Theo ông Minh, nhờ thu nhập cao từ trồng hoa hồng, nhiều nông dân đã xây nhà mới khang trang, đời sống khá hẵn lên; có nhiều hộ đã sắm ô tô bán tải (cả tỷ đồng) để vừa vận chuyển hoa, nông cụ sản xuất vừa là phương tiện ngao du, thăm thú…
Làng hoa hồng - Làng Du lịch
Lạc Dương là miền đất đa văn hóa gắn với những huyền thoại kỳ bí; mạch nguồn dòng chảy văn hóa của người DTTS bản địa. Trên địa bàn huyện có nhiều điểm tham quan hấp dẫn du khách, nhất là khách quốc tế; nơi đây còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa và các sản phẩm văn hóa đặc trưng: Cồng chiêng, thổ cẩm, rượu cần...
Cùng với sự phát triển của một huyện dân tộc sau 40 thành lập, đến nay bộ mặt mới của vùng đất này đã thay da đổi thịt, trở thành “điểm đến” của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước, nhất là đầu tư trên lĩnh vực NNCNC, phát triển du lịch, dịch vụ, thủy điện… Trung bình mỗi năm thu hút gần 2 triệu lượt khách tham quan, dã ngoại, trải nghiệm các sản vật văn hóa của người bản địa…
Bên cạnh các địa danh nổi tiếng (núi Lang Biang, Làng rượu cần gắn với biểu diễn cồng chiêng, Thung Lũng Vàng, Vườn thú ZooDoo, Làng Cù Lần…), du khách đến Lạc Dương còn yêu thích trải nghiệm cùng với nông dân trên những vườn trồng hoa hồng hay những trang trại sản xuất rau, hoa CNC.
Huyện ủy Lạc Dương đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về “Phát triển du lịch trên địa bàn huyện Lạc Dương giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025”. Đây là nền tảng cơ bản trong “lộ trình” phát triển toàn diện của huyện đa văn hóa này.
Đặc biệt, ngày 15/7/2021, UBND tỉnh Lâm Đồng có văn bản số 4920/UBND-VX1 về việc cho phép UBND huyện Lạc Dương sử dụng địa danh Langbiang để đăng ký nhãn hiệu chứng nhận sản phẩm hoa hồng Langbiang. Theo đó, ngày 24/9/2021, UBND huyện Lạc Dương ban hành Quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Hoa hồng Lang Biang” nhằm phát triển mạnh thương hiệu hoa hồng trên thị trường; bảo hộ và tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân trong quá trình trồng, sản xuất, kinh doanh các loại hoa hồng trên địa bàn huyện.
Ngoài các sản phẩm du lịch nổi tiếng hiện có, việc hình thành “Làng hoa hồng” dưới chân núi Lang Biang góp phần tô điểm thêm vẻ đẹp huyền bí và giàu có của vùng đất này. Làng hoa hồng còn là “điểm nhấn” - địa chỉ du lịch mới hấp dẫn du khách, nhất là du khách yêu thích thiên nhiên, trải nghiệm sản vật nhà vườn và văn hóa bản địa!
Du lịch canh nông Lâm Đồng là một trong 4 sản phẩm đã được Cục Sở hữu trí tuệ Bộ KH-CN công nhận. Và, huyện Lạc Dương có đủ các yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” để phát triển loại hình du lịch này.
Những ngày đầu năm mới 2022, khi ngành du lịch Lâm Đồng “khởi động” trở lại, “Làng hoa hồng” Lang Biang đã rộn ràng lữ thứ…
Thanh Dương Hồng