Khổng tử, triết gia nổi tiếng Trung Quốc, ông tổ của nền giáo dục thế giới đã đưa ra thuyết “Tam tòng, Tứ đức” với các chuẩn mực: Công - Dung - Ngôn - Hạnh là các tiêu chuẩn cơ bản của phụ nữ, mỗi phụ nữ cần tu luyện, hoàn thiện mình. Ở Việt Nam chúng ta, đây cũng là những tiêu chuẩn, giá trị về cái đẹp mang tính "khuôn mẫu" được xã hội từ xưa đến nay tôn vinh, thừa nhận và trao tặng cho người phụ nữ Việt Nam. Ứng với mỗi xã hội, mỗi một thời kỳ lịch sử, với những bối cảnh, điều kiện, môi trường văn hóa khác nhau, thì có những cách hiểu và vận dụng cũng khác nhau.
Nét đẹp của phụ nữ Việt Nam truyền thống
Người phụ nữ Việt Nam truyền thống được xem là người phụ nữ đẹp xuất phát từ quan điểm phong kiến, cách nhìn thẩm mỹ đề cao cái đẹp gắn với cái thiện và cái cao cả; cái đẹp được đặt trong khuôn mẫu, quy chuẩn, đó là “khuôn vàng thước ngọc”. cái đẹp được nhìn nhận đánh giá chặt chẽ, nghiêm túc, kỹ lưỡng. Do vậy, người phụ nữ đẹp nhất phải là người phụ nữ có đủ bốn chuẩn mực: “công, dung, ngôn, hạnh”. Quan điểm thẩm mỹ này được tầng lớp trí thức và quan lại phong kiến đưa ra cho đến nay vẫn tiếp tục được gìn giữ, khẳng định vì đó là những nét đẹp tiêu biểu đáng trân quý của người phụ nữ Việt Nam trên bốn trụ cột giá trị cơ bản xuyên suốt là: giá trị đẹp về lao động, giá trị đẹpvề hình thể - nhan sắc, giá trị đẹp ngôn từ, giá trị đẹp về đạo đức. Theo quan niệm xưa:
“Công” là nữ công, có nghĩa người phụ nữ phải giỏi nữ công gia chánh, làm nội trợ giỏi, khéo léo sắp xếp giải quyết các công việc trong gia đình, giỏi về may vá, thêu thùa, vẽ họa, đàn giỏi, hát hay.
“Dung”, là nhan sắc, biết làm đẹp, đó là thứ quý giá mà tạo hóa đã ban tặng cho người phụ nữ. Chế độ phong kiến xưa, chữ “dung” được hiểu theo cách nhìn của quan lại phong kiến gắn với vẻ đẹp của người con gái đài các, đẹp cao sang, quyền quý, yểu điệu, mong manh như cành tơ liễu buông mành, khiến liễu hờn, hoa ghen, hoa cười, ngọc thốt, mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da, da trắng như tuyết, môi đỏ như máu, tóc đen như khung cửa gỗ mun; răng đen (Những cô hàng xén răng đen/cười như mùa thu tỏa nắng), tóc dài,v.v.
“Ngôn” là ngôn từ, lời nói xuất phát từ suy nghĩ, từ tâm hồn, tấm lòng, phản ánh đúng- sai, thiện- ác, sang - hèn của một người, v.v. cho nên theo quan niệm xưa, người con gái có phẩm hạnh tốt thì phải biết kiệm lời nhưng khi nói thì mỗi chữ, mỗi câu thốt ra phải đáng giá ngàn vàng; lời nói đoan chính, dễ nghe, nhỏ nhẹ như suối nước trong; nhu mì, hiền hòa như lời ca của thiên nhiên, êm ái như lòng đất mẹ, lời nói có giá trị.
“Hạnh” là hạnh kiểm, đạo đức, là phẩm chất quý giá mà người phụ nữ cần có. Người xưa cho rằng người đàn ông nào lấy được người vợ có đạo đức là có phúc vì khi người đàn ông bị ốm đau, bị sa cơ lỡ vận, vẫn được người vợ yêu thương, chung thủy, tận tâm chăm sóc, không thay lòng đổi dạ. Mặt khác con cái thường học được nhiều đức tính tốt hay không tốt của người mẹ; phúc đức tại mẫu ( mẹ), cho nên cha mẹ để lại cho con bao nhiêu ruộng vườn cũng không bằng để cho con sống có đạo đức, danh dự, nghèo cho sạch, rách cho thơm. Muốn cho con thành tài, thành người có ích cho xã hội, ra thi thố làm quan cai trị thì trong phép cai trị phải lấy đức làm đầu.
Nét đẹp của phụ nữ Việt Nam hiện đại
Sự vận động và phát triển tất yếu của lịch sử từ truyền thống xưa lên xã hội hiện đại, mà cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công đã mở ra một kỷ nguyên mới, một thời đại mới. Thân phận người phụ nữ Việt Nam từ đây được đổi đời, được chuyển hướng phát triển; người phụ nữ được giải phóng, được xã hội mới coi trọng, đề cao, người phụ nữ có cơ hội thể hiện tài năng, sự cống hiến, đóng góp. Vì vậy phạm trù cái đẹp cũng vận động, biến đối theo. Nét đẹp của người phụ nữ hôm nay được kế thừa các giá trị đẹp của người phụ nữ Việt Nam truyền thống, chọn lọc, tiếp thu các giá trị đẹp của thời đại, biết đi làm đẹp, chăm sóc thẩm mỹ… và sáng tạo ra các giá trị đẹp mới, cách chăm sóc mới, rèn luyện, nuôi dưỡng thể chất, tinh thần, hình thể phù hợp với thị hiếu, cách nhìn thẩm mỹ về cái đẹp của xã hội hiện đại.
“Công” không còn giới hạn người phụ nữ chỉ giỏi làm các công việc trong phạm vi gia đình mà đã vươn ra ngoài xã hội. Hiện nay, người phụ nữ Việt Nam vừa giỏi việc nhà vừa đảm việc nước. Vị trí, vai trò của người phụ nữ trong gia đình và xã hội được coi trọng, được phát huy . Người phụ nữ ở xã hội hiện đại – xã hội chủ nghĩa, được gia đình và xã hội tạo điều kiện học tập, phấn đấu, Nhà nước, pháp luật bảo vệ. Cho nên, người phụ nữ không còn tự ti, mặc cảm như người phụ nữ truyền thống mà đã mạnh dạn vươn lên trở thành các nhà lãnh đạo, quản lý giỏi, nhà doanh nghiệp giỏi trong thời kỳ đổi mới. Với phong cách sống năng động, sáng tạo, tự chủ, tự tin, dám nghĩ, dám làm. Người phụ nữ không chỉ là chỗ dựa cho chồng, con mà họ còn là niềm hi vọng, sự tin tưởng của toàn xã hội. Góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới, sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức và hội nhập quốc tế.
“Dung” là dung nhan, nhan sắc, biết làm đẹp thì ngày ngay nội dung này vẫn được coi trọng yêu cầu người phụ nữ phải biết làm đẹp, biết chăm sóc hình thức – nhan sắc. Bên cạnh đó, hàng năm các cuộc thi hoa hậu, thi tuyển người mẫu thời trang, được ban tổ chức cuộc thi và công chúng bình chọn người đẹp, để vinh danh, đăng quang trong phạm vi quốc gia và trên thế giới. Cái đẹp của người phụ nữ hiện đại được bình chọn dựa trên tỷ lệ hài hòa, cân đối của cấu trúc cơ thể theo quan điểm về cái đẹp của nền văn hóa phục hưng. Cái đẹp hình thể của người phụ nữ Việt Nam hôm nay về chiều cao, cân nặng, tỷ lệ cơ thể cân đối các số đo, do cuộc sống tốt hơn từ thành quả phát triển của xã hội mang lại nên đã có sự thay đổi so với người phụ nữ truyền thống. Bên cạnh đó cái đẹp cũng được gắn với cái thiện (hạnh kiểm – đạo đực) và với trí tuệ, như vậy, quan niệm về “Dung” hôm nay, nhan sắc đẹp đòi hỏi phải đẹp cả về trí tuệ.
“Ngôn” là ngôn ngữ, lời nói của người phụ nữ hiện đại, là nói nhanh, nói rõ, nhẹ nhàng, đủ nghe, ứng xử linh hoạt, mềm dẻo, phù hợp, đủ sức thuyết phục đối tác, đối tượng trong qua trình giao tiếp, đàm phán trong kinh doanh, mua bán, hợp đồng, v.v. và yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Ngôn ngữ, lời nói của người phụ nữ hôm nay không còn giống y nguyên ngôn ngữ của phụ nữ truyền thống đó là sự nhẹ nhàng, chậm rãi, theo kiểu phu xướng phụ tùy, gọi dạ bảo vâng do quan điểm trọng nam kinh nữ, sống trong gia đình lớn gia trưởng, áp đặt ngự trị, tạo cho phụ nữ tâm lý mặc cảm, tự ti, thấp cổ bé họng, không dám lớn tiếng.
“Hạnh” là hạnh kiểm, đạo đức, người phụ nữ Việt Nam hiện đại hôm nay có nét đẹp toàn diện về đạo đức như: có suy nghĩ, lời nói thiện, sống thiện, làm việc thiện, sống có ước mơ, có hoài bão, yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, biết yêu thương, chia sẻ với con người với cộng đồng, là người vợ hiền, người công dân kiểu mẫu, yêu lao động, làm việc hết trách nhiệm, ứng xử văn hóa, có tình nghĩa, chia sẻ, đồng cảm.
Có thể thấy, “Công, Dung, Ngôn, Hạnh” là những tiêu chuẩn, những giá trị khuôn thước về cái đẹp được xã hội từ xưa đến nay tôn vinh, thừa nhận và trao tặng cho người phụ nữ Việt Nam. Ngày xưa, “tứ đức” là khuôn vàng thước ngọc, ngày nay “tứ đức” vẫn là chuẩn mực của người phụ nữ nhưng đã được bổ sung thêm nhiều nét mới; đồng thời cũng đã hình thành, phát triển thêm những phẩm chất mới, góp phần tạo dựng nét đẹp của người người phụ nữ Việt Nam hiện đại.
Lê Vân