Cùng với gông cùm, xiềng xích hay những phòng giam được phục chế, Di tích Nhà tù Sơn La vẫn còn lưu giữ một cây đào xanh tốt mọc bên tường xà lim năm xưa, mang tên người chiến sĩ cộng sản-Tô Hiệu. Trải qua những trận đánh phá bằng bom của giặc (Pháp đánh phá năm 1952, Mỹ đánh phá năm 1965) nhằm xóa dấu vết tội ác, Nhà tù Sơn La bị phá huỷ gần hết nhưng như có một phép màu kỳ lạ, cây đào mang Tô Hiệu vẫn như còn nguyên vẹn. Cây đào tiếp tục bám rễ, vươn cành và nở hoa mỗi dịp xuân về như một chứng nhân của lịch sử, khẳng định sức sống vĩnh hằng, ý chí quật cường, đấu tranh gian khổ của người chiến sĩ cộng sản kiên trung.
Đồng chí Tô Hiệu sinh năm 1912 trong một gia đình nhà nho nghèo có truyền thống yêu nước tại thôn Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ, huyện Mỹ Văn, tỉnh Hưng Yên. Đồng chí Tô Hiệu tham gia cách mạng từ rất sớm, khi mới 14 tuổi. Bị thực dân Pháp bắt và đày đi Côn Đảo lúc 18 tuổi, ra tù tiếp tục hoạt động cách mạng tại nhiều địa phương. Cuối tháng 12/1939, đồng chí là Ủy viên Thường vụ Xứ ủy, Bí thư Thành ủy Hải Phòng bị thực dân Pháp bắt và kết án 5 năm tù và đày lên nhà tù Sơn La. Được coi là thành phần cực kỳ nguy hiểm và lấy cớ bị bệnh lao phổi nên chúng giam riêng đồng chí tại một xà lim rộng gần 4 m² bên cạnh hành lang đi tuần. Những ngày bị giam cầm, mặc dù đói, rét, bệnh tật, đòn roi dã man của kẻ thù chẳng những không đè bẹp được ý chí cách mạng của đồng chí, mà trái lại, còn hun đúc thêm ý chí gang thép của người cộng sản.
Từ yêu cầu cấp bách phải thành lập một chi bộ cộng sản để lãnh đạo, tổ chức đấu tranh trong ngục tù, tháng 12/1939, Chi bộ lâm thời nhà tù được thành lập. Đến tháng 5/1940, Chi bộ nhà tù Sơn La bí mật tổ chức Đại hội lần thứ nhất, quyết định các chủ trương công tác mới và bầu đồng chí Tô Hiệu làm Bí thư Chi bộ.
Với tư cách là hạt nhân lãnh đạo quần chúng đấu tranh trong và ngoài nhà tù, Chi bộ nhà tù Sơn La đã quy tụ, đoàn kết được tuyệt đại đa số tù nhân; tổ chức dạy, huấn luyện quân sự; biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng; giáo dục, động viên, tổ chức mọi người đấu tranh, làm thất bại nhiều âm mưu, hành động tàn bạo của kẻ thù. Đồng thời, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đảng viên, cung cấp cán bộ ưu tú cho Đảng trước mắt và lâu dài, cũng như tuyên truyền, vận động thức tỉnh đồng bào các dân tộc Sơn La và cả vùng Tây Bắc đứng lên đấu tranh, khởi nghĩa giành chính quyền.
Tháng 5/1941, đồng chí Tô Hiệu và Chi bộ nhà tù Sơn La đã quyết định xuất bản tờ báo Suối Reo. Đây là một sự kiện lớn ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống tinh thần, cổ vũ động viên anh em tù nhân ở nhà tù Sơn La. Tờ báo ra đời trong điều kiện hoạt động bí mật, viết bằng tay. Nội dung phản ánh các nội dung sinh hoạt của tù nhân trong cuộc đấu tranh chống lại chế độ tù đày hà khắc của chính quyền thực dân, thể hiện tinh thần, khí phách hiên ngang của người tù cộng sản với lời: “Thu sang hoa cỏ già rồi, Suối Reo lên để cho đời trẻ trung. Thu sang non nước lạnh lùng, Suối Reo lên để cho lòng ta reo...”.
Là Trưởng Ban huấn luyện, đào tạo của Chi bộ, mặc dù bệnh lao phổi tàn phá cơ thể, nhưng đồng chí Tô Hiệu vẫn miệt mài viết tài liệu, truyền đạt kinh nghiệm, huấn luyện đảng viên với tinh thần lạc quan cách mạng. Đồng chí nói với anh em trong Chi bộ: “Mình biết chắc mình sẽ chết sớm hơn mọi người, vì vậy mình phải tranh thủ thời gian để chiến đấu phục vụ cho Đảng”. Đồng chí thường ngồi xổm trên bệ xi măng, mặt quay vào tường, hai đầu gối co lên áp vào ngực để nén cho vết thương trong phổi đỡ nhức nhối, vừa viết tài liệu vừa ho, đôi khi khạc ra máu. Cũng chính những ngày này, từ những giọt nước hiếm hoi trong ngục tối, đồng chí Tô Hiệu đã gieo một mầm đào ngay bên ngách xà lim.
Tháng 2/1944, do sức khỏe của đồng chí Tô Hiệu quá yếu, nên các đồng chí trong Chi bộ đã đấu tranh với bọn cai ngục xin đưa đồng chí vào ở trong một kho xép gần Trại ba gian để tiện chăm sóc và để đồng chí được gần gũi với anh em trong những ngày cuối đời.
Lúc 10 giờ 15 phút, ngày 7/3/1944, trong vòng tay đồng chí, anh em, đồng chí Tô Hiệu đã trút hơi thở cuối cùng khi tròn 32 tuổi. Trước khi ra đi, đồng chí đã để lại bức di chúc gửi Chi bộ nhà tù Sơn La, với nội dung phân tích tình hình thế giới cũng như trong nước; nêu sự tất thắng của cách mạng và động viên đồng đội ở lại giữ vững tinh thần đấu tranh, chiến đấu cho đến ngày cách mạng thành công. Đồng chí Tô Hiệu mất, trong niềm tiếc thương vô hạn, Chi bộ nhà tù đã kịp thời chỉ đạo anh em đi lao động bên ngoài nhà tù khắc tấm bia đá có chữ “Tô Hiệu”, bí mật đặt dưới mộ của đồng chí. Nhờ đó, năm 1980 khi khai quật nghĩa địa Gốc Ổi đã xác định chính xác phần mộ của liệt sỹ Tô Hiệu.
18 năm hoạt động cách mạng, với bản lĩnh chính trị kiên cường, nắm bắt sắc bén tình hình thời sự, giải quyết công việc thận trọng, chính xác, phẩm chất trong sáng, chí công vô tư, tận tụy, đồng chí Tô Hiệu đã dìu dắt, động viên đồng chí, đồng đội trong “địa ngục trần gian” của đế quốc, giữ vững khí tiết, chiến thắng kẻ thù. Người Bí thư Chi bộ mẫu mực, người lãnh đạo xuất sắc trọn đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.
Cuộc đời của đồng chí Tô Hiệu tuy ngắn ngủi, nhưng những cống hiến cho dân tộc, cho cách mạng thật to lớn. Cây đào mang tên Tô Hiệu tại vách tường Nhà tù Sơn La ngày nay đã trở thành biểu tượng không chỉ thể hiện tinh thần đấu tranh bất khuất, kiên cường của các chiến sỹ cộng sản tại Nhà ngục Sơn La, mà còn nhắn nhủ cho thế hệ hôm nay và mai sau về truyền thống cách mạng, anh hùng bất khuất của quê hương, đất nước.
Hồng Vĩnh (tổng hợp)