Đồng chí Lê Văn Lương là người cộng sản kiên trung thuộc thế hệ đầu tiên của Đảng ta, một cán bộ lãnh đạo giàu kinh nghiệm, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã có nhiều công lao to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân ta.
Đồng chí Lê Văn Lương tên thật là Nguyễn Công Miều, sinh ngày 28 tháng 3 năm 1912 trong một gia đình có truyền thống Nho học tại thôn Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên.
Cả cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, đồng chí đã nêu cao tấm gương trong sáng: với kẻ thù - hiên ngang, bất khuất; với công việc - tận tụy, trung thành, liêm chính, đặt lợi ích cách mạng lên trên hết và trước hết; với đời sống của dân - chăm lo thiết thực cụ thể; với đồng chí - khiêm nhường, chu đáo, gần gũi thân tình; đối với bản thân - một gương sáng về tự phê bình, một nếp sống trong sáng, giản dị và khoan dung.
Năm 15 tuổi (1927), đồng chí gia nhập Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội, tổ chức tiền thân của Đảng; 17 tuổi, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương; 19 tuổi, đồng chí bị chính quyền thực dân Pháp bắt giam, kết án tử hình. Sau đó, do sức ép phong trào đấu tranh của các lực lượng yêu nước và tiến bộ ở trong nước cũng như trên thế giới, đồng chí được giảm án xuống chung thân và bị đày ra Côn Đảo. Trong thời gian bị giam cầm tại Côn Đảo, đồng chí đã cùng cấp uỷ nhà tù đề ra nhiệm vụ đoàn kết các lực lượng tù nhân, đấu tranh giành quyền sống. Đồng chí dành nhiều tâm sức, trí tuệ để biên soạn tài liệu, tuyên truyền, giáo dục các bạn tù, biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng, qua đó cùng đảng bộ nhà tù đào tạo được nhiều cán bộ, đảng viên có trình độ lý luận, được rèn luyện, thử thách và trưởng thành trong đấu tranh gian khổ, những cán bộ này đã trở thành lực lượng nòng cốt của cách mạng Việt Nam sau này, góp phần vào thắng lợi Cách mạng tháng Tám lịch sử và những thắng lợi vĩ đại của Đảng và dân tộc ta.
Cuối năm 1948, đồng chí Lê Văn Lương được Bộ Chính trị và Bác Hồ phân công thay đồng chí Lê Đức Thọ làm Trưởng ban Đảng vụ. Trên cương vị công tác này, đồng chí Lê Văn Lương có nhiều đóng góp vào thành công chung của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng. Đồng chí đã tham mưu, giúp Trung ương, Bộ Chính trị chuẩn bị tổ chức Đại hội, soạn thảo điều lệ mới, chuẩn bị nhân sự ứng cử vào Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Cũng trong thời kỳ này, đồng chí đã tham mưu mở cuộc vận động chỉnh đốn tổ chức gắn với cuộc vận động cải cách ruộng đất tại những vùng mới giải phóng theo đúng tinh thần Cương lĩnh chính trị của Đảng; đồng thời, chú trọng công tác giáo dục nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên, đặc biệt là nâng cao ý thức tổ chức, làm tròn nhiệm vụ lãnh đạo Nhân dân, xây dựng Đảng thành một khối thống nhất, góp phần nhanh chóng ổn định hệ thống tổ chức đảng và củng cố lòng tin của quần chúng Nhân dân với Đảng, xây dựng hậu phương vững chắc để kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ.
Với cương vị Bí thư Thành ủy Hà Nội trong suốt 10 năm từ khi đất nước thống nhất đến năm 1986, đồng chí đã cống hiến hết sức mình cho sự nghiệp xây dựng Thủ đô, chăm lo cuộc sống của Nhân dân thành phố… Đồng chí Lê Văn Lương nhấn mạnh: “Tất cả cán bộ và đảng viên, bất kỳ hoạt động ở ngành nào, cũ hay mới, công nông hay trí thức, cấp trên hay cấp dưới, đều phải đoàn kết, nhất trí. Phải hăng hái chấp hành nghị quyết của đa số và cấp trên, tuyệt đối phục tùng kỷ luật của Đảng, đồng thời, đem ý kiến, sáng kiến, kinh nghiệm của mình góp vào việc quyết định các chủ trương, chính sách của Đảng và giúp sức các cơ quan chỉ đạo làm việc”.
Trong gần 70 năm hoạt động cách mạng, với gần 15 năm bị thực dân giam cầm, bị tra tấn dã man, tàn bạo, bị đầy đọa khắc nghiệt, đồng chí Lê Văn Lương luôn giữ vững khí tiết người cộng sản; thể hiện tấm gương mẫu mực, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, luôn trung thành, tận tụy với Đảng, với Tổ quốc, hết lòng hết sức phục vụ cách mạng, phục vụ Nhân dân. Và nói về đồng chí Lê Văn Lương, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết những dòng khái quát, cô đọng và chân tình: "Nói đến đồng chí Lê Văn Lương, tôi nghĩ, ngoài vấn đề công tác của anh trên nhiều trọng trách mà Đảng đã giao phó, cần nhấn mạnh đến con người Lê Văn Lương, đến đạo đức cách mạng, chí công vô tư, không hề có chút cá nhân chủ nghĩa; đến lối sống khiêm tốn trong sáng, giản dị, một lòng vì nước, vì dân, vì Đảng; phấn đấu sống và làm việc như một người cộng sản mẫu mực".
Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Lê Văn Lương (28/3/1912 - 28/3/2022), là dịp để chúng ta tìm hiểu sâu sắc hơn về cuộc đời, sự nghiệp hoạt động cách mạng vẻ vang và những cống hiến to lớn của đồng chí đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Trong bối cảnh các cấp ủy đảng đang tích cực tổ chức học tập, quán triệt, triển khai, quyết tâm đưa Nghị quyết Hội nghị lần thứ Tư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” vào cuộc sống; góp phần động viên cán bộ, đảng viên và Nhân dân cả nước, hăng hái thi đua học tập, nghiên cứu, lao động sản xuất, thực hành sáng tạo, làm nhiều việc tốt. Đồng thời, đây cũng là dịp để chúng ta tuyên truyền, cổ vũ các tầng lớp nhân dân tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và những học trò xuất sắc của Người, trong đó có đồng chí Lê Văn Lương.
Thúy Ngà