Văn hóa đọc ở Việt Nam trong bối cảnh hội nhập và phát triển In trang
13/04/2022 09:52 SA

Văn hóa đọc có vai trò quan trọng đối với sự phát triển nhân cách văn hóa cá nhân, từ đó ảnh hưởng sâu sắc đến chiến lược phát triển con người, cũng chính là sự phát triển, thịnh vượng của mỗi quốc gia, dân tộc.

Giáo viên, học sinh tham quan, tìm hiểu sách trưng bày tại Thư viện huyện Đức Trọng năm 2021
Giáo viên, học sinh tham quan, tìm hiểu sách trưng bày tại Thư viện huyện Đức Trọng năm 2021

Hiện nay, văn hóa đọc đang là vấn đề thu hút sự chú ý, quan tâm của xã hội. Vấn đề này không còn là “chuyện của độc giả” ở Mỹ và các nước phương Tây mà nó trở thành vấn đề mang tính toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Văn hóa đọc ở Việt Nam trong bối cảnh hội nhập và phát triển đã mở ra rất nhiều cơ hội mới và cả những khó khăn, thách thức. Trong kỳ họp lần thứ 28 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tại Paris (Pháp) từ ngày 25/10/1999 đến ngày 16/11/1999, tổ chức UNESCO đã quyết định chọn ngày 23/4 hàng năm là ngày “Sách và bản quyền thế giới”. Đây là một hoạt động nhằm tôn vinh vai trò, giá trị của sách, khuyến khích người đọc và tôn vinh văn hóa đọc.

Tại Việt Nam, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hàng năm là ngày Sách Việt Nam nhằm khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, nâng cao nhận thức của Nhân dân về ý nghĩa to lớn và tầm quan trọng của việc đọc sách đối với việc phát triển kiến thức, kỹ năng và phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người.

Ngày Sách Việt Nam là sự kiện văn hóa quan trọng đối với những người yêu sách và cả cộng đồng xã hội. Việc lấy ngày 21/4 là ngày Sách Việt Nam có ý nghĩa rất quan trọng. Đây là thời điểm ra mắt cuốn sách “Đường Kách mệnh” của Chủ tịch Hồ Chí Minh - tác phẩm đầu tiên bằng tiếng Việt được in bởi những người thợ in Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tác giả lớn, một Danh nhân văn hóa, các tác phẩm của Người có giá trị không chỉ đối với người dân Việt Nam mà còn được bạn bè quốc tế đón nhận. Việc chọn ngày Sách Việt Nam gắn với một tác phẩm nổi tiếng của Người sẽ có ý nghĩa văn hóa sâu sắc. Bên cạnh đó, tháng 4 còn là thời điểm diễn ra Ngày sách và Bản quyền Thế giới (23/4), nhằm tôn vinh văn hóa đọc, khuyến khích mọi người dân thế giới khám phá niềm yêu thích đọc sách. Việc tổ chức ngày Sách Việt Nam vào dịp này thể hiện sự hội nhập của văn hóa đọc Việt Nam với văn hóa nhân loại, sẽ hấp dẫn và lôi cuốn độc giả.

Cùng với cả nước, những năm qua, tỉnh Lâm Đồng đã quán triệt, triển khai thực hiện Quyết định số 284/QĐ-TTg ngày 24/02/2014 của Thủ tướng Chính phủ về Ngày sách Việt Nam, hướng dẫn các địa phương, đơn vị tổ chức Ngày Sách Việt Nam 21/4 trên địa bàn toàn tỉnh. Hàng năm, Sở Thông tin và Truyền thông xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai các hoạt động hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam bằng những việc làm thiết thực, cụ thể đó là: Chỉ đạo các cơ quan báo chí đẩy mạnh tuyên truyền và quảng bá về Ngày Sách Việt Nam; tập trung xây dựng tin bài, phóng sự về phong trào đọc sách, xây dựng văn hóa đọc trong thời gian cao điểm Ngày Sách Việt Nam từ 15-30/4 hàng năm. Chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền Ngày Sách Việt Nam trong hệ thống giáo dục, hệ thống trường học, nhất là trong học sinh, sinh viên, đồng thời phát huy vai trò của hệ thống thư viện trường học trên địa bàn tỉnh. Vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tích cực hưởng ứng, phục vụ lợi ích công cộng như: Quyên góp, trao tặng sách cho trẻ em nghèo, hỗ trợ cho vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số… Vận động người dân hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam tại địa phương phù hợp với điều kiện thực tế và đạt hiệu quả thiết thực.

Thư viện tỉnh phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Giáo dục và Đào tạo, Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đà Lạt, Thành Đoàn Đà Lạt tổ chức Ngày Hội Sách với nhiều hoạt động ý nghĩa như: tổ chức Lễ khai mạc Ngày Sách và phát động phong trào đọc sách; nói chuyện chuyên đề kỷ niệm 110 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (05/6/1911-05/6/2021); sáng tạo cùng sách; đọc sách tại chỗ; phát thẻ miễn phí; xếp sách nghệ thuật; vẽ tranh theo sách; tổ chức thi rung chuông vàng; thi trắc nghiệm trên máy vi tính tìm hiểu về Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh… và phục vụ xe ô tô thư viện lưu động tại các trường trên địa bàn thành phố Đà Lạt.

Đặc biệt, trong năm 2021, Thư viện tỉnh đã tổ chức thành công Cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc” dành cho học sinh, sinh viên nhằm khơi dậy niềm đam mê đọc sách, hình thành thói quen và kỹ năng đọc sách trong thế hệ trẻ. Cuộc thi đã thu hút 18.246 học sinh tham gia với 1.037 bài dự thi của học sinh đến từ 114 trường học các cấp học trong toàn tỉnh. Ban Tổ chức đã trao giải thưởng cho 3 tập thể và 41 cá nhân có thành tích xuất sắc. Đồng thời, chọn 20 bài dự thi của học sinh đoạt giải cao ở vòng thi cấp tỉnh tham dự chung khảo cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc” 2021 toàn quốc. Kết quả, tỉnh Lâm Đồng có 04 em đã đoạt giải khuyến khích cuộc thi toàn quốc.

Qua 8 năm tổ chức Ngày Sách Việt Nam trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã đạt được kết quả quan trọng, nâng cao nhận thức của Nhân dân về ý nghĩa to lớn của việc đọc sách và văn hóa đọc, hiểu được ý nghĩa, tầm quan trọng của sách đối với việc phát triển tri thức, tâm hồn của mỗi con người trong quá trình phát triển. Đồng thời, góp phần nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, các đoàn thể đối với việc sáng tác, quảng bá, lưu giữ sách trên địa bàn tỉnh; động viên, khuyến khích những cá nhân, tập thể tham gia vào quá trình sáng tác, sưu tầm, xuất bản, phát hành, lưu giữ và quảng bá sách.

Mới đây, ngày 4/11/2021, Chính phủ ban hành Quyết định 1862/QĐ-TTg về việc tổ chức “Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam” thay thế Quyết định 284/QĐ/TTg ngày 24/2/2014 về Ngày Sách Việt Nam. Theo đó, lấy ngày 21/4 hằng năm là “Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam”. Thực hiện quyết định trên, tỉnh Lâm Đồng  đã xây dựng kế hoạch, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức “Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam” lần thứ nhất năm 2022 và các hoạt động hưởng ứng, trong đó tập trung vào nội dung đẩy mạnh phong trào đọc sách, lan tỏa tri thức, nét đẹp của văn hóa, con người Việt Nam cho nhân dân trên địa bàn. Đồng thời, khai thác triệt để nguồn lực về khoa học công nghệ, sử dụng các hình thức đa dạng trên không gian mạng để tổ chức các hoạt động quảng bá về văn hóa đọc; tích cực tham gia và triển khai đồng bộ tại địa phương các hoạt động, các cuộc thi do Trung ương phát động nhằm thúc đẩy văn hóa đọc trong Nhân dân.

Việc tổ chức “Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam” cùng với các hoạt động hấp dẫn cũng là dịp đưa văn hóa đọc đến gần hơn với cộng đồng, thúc đẩy phong trào đọc sách ở mọi lứa tuổi, mọi tầng lớp Nhân dân.

 

                                                                                              Kiều Ninh

 

 

Lượt xem: 1.168
Văn bản mới
  • Số 206-HD/BTGTU 23/12/2024 Hướng dẫn học tập, quán triệt, tuyên truyền Chuyên đề năm 2025 “Học tập và ...
  • Số 92-KH/BTGTU 19/12/2024 Kế hoạch tổ chức chào cờ và sinh hoạt chính trị năm 2025
  • Số 1492-CV/BTGTU 18/12/2024 Tuyên truyền kết quả kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV
  • Số 204-HD/BTGTU 09/12/2024 Hướng dẫn tuyên truyền kỷ niệm 300 năm Ngày sinh Hải Thượng Lãn Ông Lê ...
  • Số: 1720/STTTT - TTr 06/12/2024 Về việc cảnh báo thủ đoạn cắt ghép hình ảnh cá nhân vào clip “nhạy ...
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 004383699
  •  Đang online: 99
  •  Trong tuần: 39.363
  •  Trong tháng: 174.390
  •  Trong năm: 2.084.740