Học sinh trở lại trường trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid - 19 - ghi nhận từ ý kiến người dân In trang
13/04/2022 09:12 SA

Nhằm nắm bắt tâm trạng của người dân xung quanh việc cho học sinh trở lại trường trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19; trong 05 ngày (từ ngày 21-25/2/2022), Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã tổ chức triển khai khảo sát online “Ý kiến của người dân về việc cho học sinh trở lại trường trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid - 19”. Cuộc điều tra lần này đã thu hút đông đảo các thành phần Nhân dân tham gia khảo sát, với gần 75 nghìn người. Trong đó, nam giới chiếm 25.2%, nữ giới chiếm 74.8%. Nhóm người có độ tuổi: từ 18 đến 30 tuổi (chiếm 23%); từ 31 đến 50 tuổi (chiếm 69.7%); từ 51 đến 60 tuổi (chiếm 6.5%); từ 51 tuổi trở lên (chiếm 0.8%). Cơ cấu thành phần nghề nghiệp: Hưu trí (chiếm 5.3%); giáo viên (chiếm 0.5%), lực lượng vũ trang (chiếm 11.9%); cán bộ công nhân viên chức (chiếm 28.5%), công nhân (3.5%), nông dân chiếm (21.7%); ngành nghề khác (28.7%)…

1
1

Với phương pháp xử lý các kết quả điều tra bằng phần mềm SPSS 20; thống kê mô tả, thống kê suy luận, phân tích tương quan, so sánh hai giá trị….đã cho thấy các ý kiến đa chiều của người dân xung quanh vấn đề trên.

Theo kết quả khảo sát, có nhiều ý kiến trái chiều về việc cho học sinh đến trường tại thời điểm này, cụ thể có 59.6% người tham gia khảo sát trả lời đồng ý và 40.4% không đồng ý. Thực hiện phép kiểm định One Way Anova, (sig = 0.00 < 0.005) cho thấy có mối quan hệ giữa độ tuổi của người đánh giá với quan điểm về việc cho học sinh đến trường trong tình hình dịch bệnh phức tạp, cụ thể: Nhóm người có trình độ học vấn từ cao đẳng, đại học và sau đại học tỷ lệ đồng ý (36.1%) cao hơn nhóm người có học vấn thấp hơn (tiểu học, trung học phổ thông) (21.5%). Nhóm người khảo sát sinh sống ở vùng thành thị đồng ý cho con đến trường cao hơn nhóm người sống ở nông thôn và nhóm những người có con trong độ tuổi đi học có tỷ lệ đồng ý cao hơn những người không có con trong độ tuổi đi học.

Lý do được nhiều người đưa ra với việc không đồng ý mở cửa trường học lúc này, đó là: 30.4% cho rằng dịch bệnh đang rất phức tạp và 23.6% cho rằng học sinh nhiều cấp chưa được tiêm vắc xin.

Từ số liệu của cuộc điều tra cho thấy, đa số các bậc phu huynh (88.8%) đã chủ động thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong quá trình cho con em mình đến trường và khi trở về nhà. Hưu trí được đánh giá là có mức độ quan tâm cao nhất về các biện pháp phòng chống dịch cho con, cháu mình (93.7%).

Để đánh giá về cơ sở vật chất, trang thiết bị phòng chống dịch bệnh Covid-19 ở các nhà trường hiện nay, chúng tôi sử dụng câu hỏi với thang đo likert 5 bậc; kết quả thu về cho thấy người dân còn có nhiều ý kiến đánh giá trái chiều về vấn đề này, trong đó: có trên 50% người khảo sát nhận xét cơ sở vật chất ở các nhà trường hiện nay trong bối cảnh phòng, chống dịch chỉ đạt mức độ trung bình, hạn chế; chỉ có 16% đánh giá là tốt và rất tốt, trong đó những người khảo sát ở khu vực thành thị đánh giá cơ sở vật chất của các nhà trường hiện nay tốt hơn khu vực nông thôn (thành thị 64.6%, nông thôn 35.4%).

Phần lớn người khảo sát tỏ ra lo ngại và đánh giá mức độ ảnh hưởng nghiêm trọng và rất nghiêm trọng của việc dịch bệnh kéo dài ảnh hưởng đến vấn đề học tập và tâm lý của các em. Tuy nhiên, người dân thể hiện sự tin tưởng về việc kiểm soát các nguy cơ lây nhiễm của nhà trường khi học sinh đi học trực tiếp trở lại; cụ thể có trên 50% người khảo sát thể hiện sự tin tưởng và rất tin tưởng.

Người dân đánh giá cao công tác phối hợp giữa phụ huynh, nhà trường và ngành Y tế trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại địa phương kịp thời đến rất kịp thời (60.2%), chỉ có 39.8% đánh giá là không kịp thời và ít kịp thời. Đây chưa phải là con số hoàn hảo; tuy nhiên, trong thời gian qua, với diễn biến phức tạp của dịch bệnh, các ngành, các địa phương trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã chủ động triển khai nhiều biện pháp để thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch hiệu quả nhằm từng bước đưa đời sống kinh tế - xã hội trở lại trạng thái bình thường mới, bứt phá mạnh mẽ để thực hiện thắng lợi các mục tiêu đã đề ra. Đồng thời, đa số tham gia khảo sát (95.7%) đề nghị cần phải giảm tải các hoạt động giáo dục không cần thiết trong các nhà trường hiện nay, để phòng chống dịch bệnh Covid - 19, đặc biệt là ở bậc tiểu học.

Rất nhiều giải pháp được đưa ra nhằm đảm bảo công tác an toàn phòng, chống dịch bệnh Covid -19 khi học sinh đến trường như: Không đi đến trường và không được đưa trẻ đến trường nếu bản thân cha mẹ đang thời gian cách ly tại nhà hoặc có biểu hiện sốt, ho, khó thở; Giữ gìn vệ sinh, thường xuyên rửa tay với xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay; Nhà trường phối hợp với ngành Y tế tập huấn đầy đủ cho cán bộ, giáo viên và người lao động về công tác phòng, chống dịch Covid-19…Tuy nhiên, theo đại đa số người dân thì việc cần thiết hiện nay là: Nhà trường phối hợp chặt chẽ với phụ huynh theo dõi sức khỏe hàng ngày trước khi đến trường và sau giờ học của học sinh hoặc khi bản thân hoặc người trong gia đình nếu có biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh (86.4%); phụ huynh cần cho trẻ tiêm vắc xin phòng, chống dịch Covid-19 khi có thông báo lịch tiêm của ngành Y tế (7.7%).

 Cuộc điều tra trực tuyến “Ý kiến của người dân về việc cho học sinh trở lại trường trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid -  19” đã đạt được mục đích, yêu cầu đề ra; đảm bảo tính khoa học, chặt chẽ, khách quan. Trong thời gian tới, để đảm bảo cho học sinh trở lại trường trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19, thiết nghĩ các giải pháp sau cần tiếp tục được quan tâm: Các cơ quan chuyên môn tiếp tục thực hiện tốt công tác truyền thông, phát huy tối đa hiệu quả của các kênh thông tin như: Zalo, e-mail, trang thông tin… để liên lạc, cập nhật kịp thời tình hình học sinh với giáo viên, phụ huynh; các địa phương căn cứ tình hình thực tế xây dựng các phương án, kịch bản chi tiết, cụ thể và tổ chức xử lý các tình huống xảy ra trong quá trình dạy, học trực tiếp. Tập huấn cho đội ngũ nhân viên y tế trường học, cán bộ quản lý, giáo viên về các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19; quan tâm, tăng cường cơ sở vật chất phục vụ dạy học, đặc biệt là ở vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tổ chức kiểm tra, đánh giá các tiêu chí bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19 tại các trường học; nhanh chóng triển khai tiêm vắc xin cho học sinh từ 5 đến dưới 12 tuổi theo hướng dẫn Bộ Y tế…

 

                                                                                                          Thu Dung

                                                                

 

Lượt xem: 434
Văn bản mới
  • Số 183-HD/BTGTU 01/07/2024 Hướng dẫn tuyên truyền Chỉ thị số 27-CT/TW, Kế hoạch số 121-KH/TU, ngày 16/6/2024 của ...
  • Số 182-HD/BTGTU 01/07/2024 Hướng dẫn công tác tuyên truyền tháng 7 năm 2024
  • Số 181/HD/BTGTU 26/06/2024 Hướng dẫn Tuyên truyền Chỉ thị số 32-CT/TW và Kế hoạch số 119-KH/TU, ngày 29/5/2024 ...
  • Số 180-HD/BTGTU 24/06/2024 Tuyên truyền Chỉ thị số 31-CT/TW, ngày 19/3/2024 của Ban Bí thư Trung ương Đảng ...
  • Số 827/TB/TU 18/06/2024 Thông báo kết luận của Đồng chí Quyền Bí thư Tỉnh ủy tại buổi gặp ...
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 003211001
  •  Đang online: 259
  •  Trong tuần: 19.502
  •  Trong tháng: 19.502
  •  Trong năm: 912.042