Sức khỏe toàn cầu trước đại dịch Covid-19 In trang
13/04/2022 09:48 SA

Cứ vào mỗi dịp 7/4 hàng năm, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) sẽ hỗ trợ quốc gia thành viên kỷ niệm Ngày Sức khỏe Thế giới nhằm để lan tỏa thông tin và nhận thức về tầm quan trọng của sức khỏe đối với mọi người.

Chủ đề của Ngày Sức khỏe Thế giới 2022 là Bảo hiểm Sức khỏe Toàn dân
Chủ đề của Ngày Sức khỏe Thế giới 2022 là Bảo hiểm Sức khỏe Toàn dân

Năm 1948, WHO lần đầu tiên tổ chức Hội nghị Y tế Thế giới. Hội nghị này đã quyết định bắt đầu từ năm 1950 lấy ngày 7/4 hàng năm làm ngày Sức khỏe Thế giới. Ngày Sức khỏe Thế giới ra đời để kỷ niệm việc thành lập WHO và được tổ chức này xem như một cơ hội để thu hút toàn thế giới hằng năm quan tâm đến sức khỏe toàn cầu. Mỗi năm, Tổ chức Y tế Thế giới sẽ chọn một vấn đề y tế trọng điểm toàn cầu và tổ chức các sự kiện trên phạm vi địa phương, khu vực, quốc tế trong ngày này và suốt năm để nêu bật lĩnh vực được lựa chọn. Năm 2022 khởi đầu với nhiều hy vọng và những điều mới có thể xảy ra trong khi đại dịch COVID-19 vẫn đang còn hiện hữu, với chủ đề “Bảo hiểm sức khỏe toàn dân” hy vọng tất cả mọi người, ở khắp mọi nơi đều được quyền có sức khỏe tốt.

Đại dịch COVID-19 đã tác động tiêu cực đến sức khỏe, đẩy nhiều người vào cảnh nghèo đói và mất an ninh lương thực trên thế giới. Đồng thời làm gia tăng sự bất bình đẳng về giới, xã hội và sức khỏe. Theo WHO, lần đầu tiên sau 20 năm, mức độ nghèo đói trên toàn cầu được dự đoán sẽ gia tăng và cản trở đến tiến trình hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững. Có tới 60% người dân sống ở một số quốc gia trong khu vực thiếu các dịch vụ y tế thiết yếu. Hơn 1 tỷ người sống trong các khu định cư hoặc khu ổ chuột đang phải đối mặt với những thách thức ngày càng tăng trong việc ngăn ngừa các bệnh truyền nhiễm và đặc biệt là bệnh COVID-19. Trong đó, khu vực Châu Á - Thái Bình Dương nói chung chiếm gần 82,5 triệu người; 5,9 triệu trẻ em ở khu vực này có nguy cơ không thể trở lại trường học do đại dịch và 52% dân số châu Á - Thái Bình Dương vẫn chưa kết nối với Internet.

Trên khắp thế giới, một số nhóm phải vật lộn để kiếm sống với thu nhập hàng ngày ít ỏi, điều kiện nhà ở và giáo dục kém hơn, ít cơ hội việc làm hơn, trải qua bất bình đẳng giới lớn hơn và ít hoặc không được tiếp cận với môi trường an toàn, nước sạch, an ninh lương thực và các dịch vụ y tế. Điều này dẫn đến phát sinh nhiều bệnh tật, gây hại cho xã hội và nền kinh tế. Vấn đề này có thể ngăn ngừa được và đó là lý do tại sao WHO kêu gọi các nhà lãnh đạo đảm bảo rằng mọi người đều có điều kiện sống và làm việc có lợi cho sức khỏe. Đồng thời, kêu gọi các nhà lãnh đạo giám sát sự bất bình đẳng về sức khỏe và đảm bảo rằng tất cả mọi người đều có thể tiếp cận các dịch vụ y tế chất lượng ở nơi họ cần.

COVID-19 đã gây ảnh hưởng nặng nề đến tất cả các quốc gia, nhưng tác động của nó là khắc nghiệt nhất đối với những cộng đồng vốn đã dễ bị tổn thương, làm nhiều người trải qua sự lo âu, mệt mỏi và nhiều vấn đề khác về sức khỏe tinh thần. Chính vì thế, ngày sức khỏe thế giới năm 2022 với chủ đề “Bảo hiểm sức khỏe toàn dân” để đảm bảo rằng tất cả mọi người, ở mọi nơi đều được quyền có sức khỏe tốt. Bảo hiểm Y tế Toàn dân có nghĩa là mọi người có thể tiếp cận các dịch vụ y tế mà không gặp khó khăn về tài chính. Toàn bộ hoạt động chăm sóc sức khỏe bao gồm thúc đẩy các sáng kiến ​​chăm sóc sức khỏe, cung cấp các biện pháp phòng ngừa, đảm bảo điều trị, cung cấp dịch vụ phục hồi chức năng và chăm sóc giảm nhẹ có thể tiếp cận được với chi phí có thể kiểm soát được. Tại Việt Nam, đến hết 2021, có hơn 88,8 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, đạt tỷ lệ bao phủ 91,01% dân số, cho thấy chính sách BHYT đang đi đúng hướng, trở thành nguồn tài chính đáng kể góp phần bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân.

Với những nỗ lực kiểm soát đại dịch rất thành công trong hai năm qua, Việt Nam đã sớm đạt được mục tiêu tiêm chủng mà WHO đặt ra nhờ những nỗ lực ngoại giao vaccine và tiến hành tiêm nhanh chóng, an toàn, hiệu quả. Việt Nam đã bao phủ vaccine cho 90% người trưởng thành và hơn 75% dân số đã được tiêm chủng, một trong những tỉ lệ cao nhất thế giới. Thành công của việc tiêm vaccine tại Việt Nam không chỉ là những con số mà còn là những người dân được cứu sống, họ không phải nhập viện, các bệnh viện không bị quá tải, kinh tế - xã hội đang được phục hồi nhanh chóng...

Từ tháng 10/2021, Việt Nam đã chuyển sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, từng bước mở cửa nền kinh tế, tập trung phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Tăng trưởng GDP từ mức âm hơn 6% trong quý III đã đảo chiều tăng 5,22% trong quý IV năm 2021, qua đó đưa GDP Việt Nam năm 2021 tăng 2,58%. Những tháng đầu năm 2022, kinh tế - xã hội đạt các kết quả tích cực, khởi sắc trên các lĩnh vực, các hoạt động đang trở lại bình thường. Kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm.

Năm 2022, Việt Nam phấn đấu là năm chiến thắng dịch bệnh, từng bước “bình thường hóa” với dịch COVID-19, thúc đẩy phục hồi nhanh, phát triển kinh tế - xã hội bền vững, chăm lo an sinh xã hội, bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội và hội nhập quốc tế sâu rộng.

Trước tình hình dịch bệnh dự báo sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, khó dự báo, với phương châm tiếp tục ngăn chặn lây lan, kiểm soát hiệu quả rủi ro, hạn chế số ca chuyển nặng, giảm ca tử vong, không để quá tải hệ thống y tế, Việt Nam đang thần tốc trong việc tiêm vaccine, hoàn thành tiêm vaccine mũi thứ 3 cho người trên 18 tuổi và việc tiêm mũi thứ 2 cho người từ 12-17 tuổi trong tháng 3; chuẩn bị tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi, nghiên cứu tiêm mũi thứ 4 và tiêm cho trẻ dưới 5 tuổi.

Việt Nam đã đúc rút ra được 3 trụ cột về phòng chống dịch (cách ly, xét nghiệm, điều trị), công thức “5K + vaccine + thuốc điều trị + công nghệ + đề cao ý thức người dân và các biện pháp khác”. Trong đó, vaccine là “lá chắn” an toàn nhất cho người dân để phòng, chống COVID-19. Hy vọng, với sự nỗ lực này và sự tăng cường đoàn kết, hợp tác quốc tế trong nỗ lực chung phòng, chống dịch bệnh, Việt Nam sẽ cùng các quốc gia trên toàn cầu chiến thắng đại dịch COVID-19.

                                                                    Vinh Quang

 

 

 

Lượt xem: 576
Văn bản mới
  • Số 183-HD/BTGTU 01/07/2024 Hướng dẫn tuyên truyền Chỉ thị số 27-CT/TW, Kế hoạch số 121-KH/TU, ngày 16/6/2024 của ...
  • Số 182-HD/BTGTU 01/07/2024 Hướng dẫn công tác tuyên truyền tháng 7 năm 2024
  • Số 181/HD/BTGTU 26/06/2024 Hướng dẫn Tuyên truyền Chỉ thị số 32-CT/TW và Kế hoạch số 119-KH/TU, ngày 29/5/2024 ...
  • Số 180-HD/BTGTU 24/06/2024 Tuyên truyền Chỉ thị số 31-CT/TW, ngày 19/3/2024 của Ban Bí thư Trung ương Đảng ...
  • Số 827/TB/TU 18/06/2024 Thông báo kết luận của Đồng chí Quyền Bí thư Tỉnh ủy tại buổi gặp ...
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 003211119
  •  Đang online: 354
  •  Trong tuần: 19.620
  •  Trong tháng: 19.620
  •  Trong năm: 912.160