Đảng ta và việc xây dựng xã hội học tập In trang
05/10/2016 12:00 SA

Ngay từ khi ra đời, Đảng Cộng sản Việt Nam đã nêu rõ trong Cương lĩnh năm 1930 là “đấu tranh và xây dựng một xã hội tự do tổ chức, nam nữ bình quyền, phổ cập giáo dục…”. Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công và nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ra đời, sáng ngày 03/9/1945, tại Bắc Bộ phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ tọa phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ và trình bày những nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước bao gồm sáu vấn đề trong đó vấn đề thứ hai là “Giải quyết nạn dốt”. Người còn thể hiện mong muốn dân ta ai cũng được học hành và cũng đã yêu cầu người biết chữ dạy cho người chưa biết chữ…Đó chính là những khởi đầu tốt đẹp của việc xây dựng một xã hội học tập để mọi người đều được học tập và học tập suốt đời bởi đây là một chiến lược quan trọng để đạt được sự dân chủ và bình đẳng của mọi người trong xã hội....

Thực tiễn đã cho thấy cùng với việc xoá mù chữ, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nước ta đã mở ra hệ thống học tập không chính quy dành cho người lớn tuổi, cho người nghèo, cho con em tầng lớp lao động. Khắp nơi trên đất nước hàng loạt các trường phổ thông lao động, các trường bổ túc công nông, bổ túc văn hoá, vừa học vừa làm đã hình thành và đem lại quyền được học hành cho mọi người dân, mà trước đấy trong lịch sử phát triển giáo dục nước ta chưa từng bao giờ có được. Mặt khác, trong các trường thuộc hệ chuyên nghiệp và đại học hàng loạt các khoa, các lớp tại chức, chuyên tu với đủ tất cả các lĩnh vực, ngành nghề cũng đã được mở ra để đáp ứng cho nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực lớn mà xã hội đang đòi hỏi và từng bước hình thành một xã hội học tập…

Từ khi đất nước đổi mới, Đảng ta đã có các chủ trương phát triển giáo dục - đào tạo theo hướng “cả nước trở thành một xã hội học tập” thông qua các lần Đại hội và các chỉ thị, nghị quyết như Nghị quyết Trung ương 2 khoá VIII, với nội dung “Tạo điều kiện để ai cũng được học hành. Người nghèo được Nhà nước và cộng đồng giúp đỡ để học tập. Bảo đảm điều kiện cho những người học giỏi phát triển tài năng”. Chỉ thị 11-CT/TW ngày 13/4/2007 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập” và nhất là Đại hội Đảng lần thứ XI với Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH bổ sung phát triển năm 2011 trong phần Định hướng lớn về phát triển văn hóa, xã hội đã khẳng định “Con người là trung tâm của chiến lược phát triển, đồng thời chủ thể phát triển” và đã có 3 bổ sung, phát triển về giáo dục và đào tạo là (1) Chỉ rõ vị trí, vai trò và sứ mệnh của giáo dục và đào tạo là nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, góp phần quan trọng phát triển đất nước, xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam; (2) Khẳng định rõ quan điểm đối với giáo dục và đào tạo: phát triển giáo dục và đào tạo cùng với phát triển khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu; đầu tư cho giáo dục và đào tạo là đầu tư phát triển và (3) Chỉ rõ đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo theo nhu cầu phát triển của xã hội; nâng cao chất lượng theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế, phục vụ đắc lực sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập, tạo cơ hội và điều kiện cho mọi công dân được học tập suốt đời.

Báo cáo chính trị tại Đại hội lần thứ XII của Đảng đã đánh giá là các nghị quyết của Đảng về giáo dục, đào tạo được lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, đạt được những thành quả nhất định như: Quan tâm đầu tư cho giáo dục, đào tạo; Chất lượng giáo dục và đào tạo có tiến bộ; Xã hội hóa giáo dục được đẩy mạnh và chủ trương đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho con người đã được các cấp ủy, chính quyền quan tâm chỉ đạo thực hiện và nhận được sự ủng hộ của toàn xã hội…Tuy nhiên, giáo dục và đào tạo chưa thực sự trở thành quốc sách hàng đầu, thành động lực phát triển. Chất lượng, hiệu quả giáo dục và đào tạo còn thấp so với yêu cầu…  Đầu tư cho giáo dục và đào tạo chưa hiệu quả và chính sách, cơ chế tài chính cho giáo dục và đào tạo chưa phù hợp…

Do vậy trong phương hướng, nhiệm vụ 5 năm tới cần khẳng định giáo dục là quốc sách hàng đầu. Phát triển giáo dục và đào tạo nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài… Phấn đấu tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo; đáp ứng ngày càng tốt hơn công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và nhu cầu học tập của nhân dân… Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ các yếu tố cơ bản của giáo dục, đào tạo theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực của người học. Đổi mới chương trình, nội dung giáo dục theo hướng tinh giản, hiện đại, thiết thực, phù hợp với lứa tuổi, trình độ và ngành nghề. Đa dạng hóa nội dung, tài liệu học tập, đáp ứng yêu cầu của các bậc học, các chương trình giáo dục, đào tạo và nhu cầu học tập suốt đời của mọi người… Hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng hệ thống giáo dục mở, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập… Hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng hệ thống giáo dục mở, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập… Xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực cho đất nước…

Nói đến việc phát triển nguồn nhân lực, Đảng cũng đã nêu rõ: Phát triển nguồn nhân lực và khoa học, công nghệ đạt được những kết quả tích cực; hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách phát triển nguồn nhân lực và khoa học, công nghệ tiếp tục được hoàn thiện. Mạng lưới giáo dục, đào tạo được mở rộng, quy mô và chất lượng được nâng lên, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của xã hội và xã hội hoá giáo dục, đào tạo được đẩy mạnh…Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn những hạn chế, tồn tại là: Phát triển nguồn nhân lực và ứng dụng khoa học, công nghệ còn chậm; Chất lượng giáo dục, đào tạo, nhất là giáo dục đại học và đào tạo nghề cải thiện còn chậm; thiếu lao động chất lượng cao; Cơ chế, chính sách có mặt chưa phù hợp; xã hội hóa còn chậm và gặp nhiều khó khăn, chưa thu hút được nhiều nguồn lực ngoài nhà nước cho phát triển giáo dục, đào tạo… Từ đó, trong 10 nhiệm vụ giải pháp chủ yếu sắp tới, nhiệm vụ thứ tư chính là “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và tăng cường tiềm lực khoa học, công nghệ” với yêu cầu phải “Thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách, giải pháp phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo theo hướng mở, hội nhập, xây dựng xã hội học tập, phát triển toàn diện năng lực, thể chất, nhân cách, đạo đức, lối sống, ý thức tôn trọng pháp luật và trách nhiệm công dân…” cùng với việc “Đẩy mạnh dạy nghề và gắn kết đào tạo với doanh nghiệp. Phân cấp quản lý hợp lý trong đào tạo nghề. Quan tâm phát triển giáo dục, dạy nghề trong đồng bào dân tộc thiểu số và các vùng khó khăn. Hoàn thiện chính sách tín dụng ưu đãi cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Khuyến khích hình thành các quỹ học bổng giúp học sinh, sinh viên nghèo vượt khó, học giỏi. Có cơ chế đặc thù để tuyển chọn và trọng dụng nhân tài…”

Quán triệt những nội dung trên, trong thời gian sắp tới, nhân dân cả nước nói chung, nhân dân các dân tộc tỉnh Lâm Đồng nói riêng cần tiếp tục quan tâm đẩy mạnh việc thực hiện Đề án "Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012 - 2020" đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 89/QĐ-TTg ngày 09/01/2013 cũng như Đề án “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 281/QĐ-TTg ngày 20/02/2014… để mọi cá nhân có thể học tập thường xuyên, suốt đời, tận dụng mọi cơ hội học tập để làm người công dân tốt; có nghề, lao động với hiệu quả ngày càng cao; góp phần phát triển quê hương, đất nước, thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới toàn diện mà Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII đề ra./.

Bùi Thanh Long

Lượt xem: 1.306
Văn bản mới
  • Số 206-HD/BTGTU 23/12/2024 Hướng dẫn học tập, quán triệt, tuyên truyền Chuyên đề năm 2025 “Học tập và ...
  • Số 92-KH/BTGTU 19/12/2024 Kế hoạch tổ chức chào cờ và sinh hoạt chính trị năm 2025
  • Số 1492-CV/BTGTU 18/12/2024 Tuyên truyền kết quả kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV
  • Số 204-HD/BTGTU 09/12/2024 Hướng dẫn tuyên truyền kỷ niệm 300 năm Ngày sinh Hải Thượng Lãn Ông Lê ...
  • Số: 1720/STTTT - TTr 06/12/2024 Về việc cảnh báo thủ đoạn cắt ghép hình ảnh cá nhân vào clip “nhạy ...
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 004372802
  •  Đang online: 101
  •  Trong tuần: 28.466
  •  Trong tháng: 163.493
  •  Trong năm: 2.073.843