Một ngày cuối năm 2000, tổ chuyên đề chúng tôi về huyện Cát Tiên , một huyện vùng sâu, vùng xa của tỉnh Lâm Đồng để thực hiện “Trang chuyên đề” về kinh tế nông nghiệp. Theo kịch bản, nội dung chuyên đề phản ánh việc thâm canh tăng năng suất lúa và đời sống của người trồng lúa ở vùng sâu, vùng xa huyện Cát Tiên.
Như chương trình đã định, chúng tôi về xã Phước Cát 2, huyện Cát Tiên thực hiện các cảnh quay. Trước mắt chúng tôi, những cánh đồng lúa chín vàng trải rộng; Những ngôi nhà mái ngói đỏ au thấp thoáng trong màu xanh mượt mà của vườn điều, vườn cây ăn trái. Tất cả hợp thành một bức tranh miền thôn dã đầy sức sống và quyến rũ lạ kỳ. Dường như không biết mệt mỏi, quay phim Bùi Phương, một mình vác máy lội ra đồng thực hiện nhiều góc quay, ghi lại nhiều hình ảnh đẹp. Hai ngày ở Cát Tiên, nhóm làm phim chúng tôi hoàn tất mọi công việc ở hiện trường.
Phát hiện đề tài từ hình ảnh dàn dựng
Thực lòng mà nói, trong khi anh em quay phim thực hiện các cảnh quay ngoại cảnh thì cánh biên tập chúng tôi tìm nhân vật, nắm thông tin, trao đổi nội dung để phỏng vấn nên không quan sát đầy đủ các chi tiết hiện trường, vì vậy khi bước vào phần hậu kỳ(thực hiện dàn dựng), thì tôi mới phát hiện hình ảnh hai người nông dân đang gặt lúa với tư thế đứng, tay đưa qua, đưa lại. Thấy lạ, tôi hỏi anh Bùi Phương thì được trả lời: Hai người nông dân đó sử dụng máy cắt cỏ cải tiến thành máy cắt lúa. Nghe nói thế, một ý tưởng lóe sáng trong tôi: “Hay quá, đây là một đề tài độc đáo, phản ánh sự sáng tạo của nông dân, góp phần giải phóng sức lao động, đem lại hiệu quả cao trong sản xuất. Những tấm gương sáng tạo như thế này rất hiếm, lâu nay qua các đợt liên hoan truyền hình toàn quốc mình chưa bao giờ thấy. Tụi mình sẽ chọn đề tài này để dự thi Liên hoan Truyền hình toàn quốc….mình tin chắc rằng, đề tài này sẽ đem huy chương về cho Đài”. Thế là, ngay ngày hôm sau, tất cả anh em trong nhóm làm phim “tốc hành” về lại Cát Tiên.
Bối cảnh chính để thực hiện phóng sự là cánh đồng của gia đình anh Nguyễn Đức Tâm, quê ở tỉnh Bình Định, người đã có phát kiến cải tiến máy cắt cỏ thành máy cắt lúa và những những cánh đồng đẹp ở xã Phước Cát 2. Tuyến nhân vật của phóng sự là anh Tâm và những người nông dân đã sử dụng máy cắt lúa do anh Tâm cải tiến cùng bác thợ rèn, người đã giúp anh Tâm thực hiện ý tưởng. 10 ngày sau, phóng sự hoàn thành với phần dàn dựng công phu từ khâu hình ảnh đến âm thanh, tiếng động hiện trường. Đây là một tác phẩm truyền hình khá hoàn hảo từ chủ đề, nội dung, đến hình thức thể hiện, không hề có sai sót. Anh em chúng tôi đều rất hài lòng và quả quyết rằng tác phẩm sẽ có giải.
Trước tết năm đó – 2001, tôi cùng nhà báo Sơn Dũng, Đình Hồng hăm hở lên đường tham dự Liên hoan Truyền hình toàn quốc tổ chức tại thành phố biển Nha Trang mang theo niềm tin “lấp lánh”của cả ê kíp làm phim. Ngay sau buổi trình chiếu đầu tiên tại liên hoan, phóng sự của chúng tôi được sử dụng phát trên sóng VTV1 Đài Truyền hình Việt Nam và đã tạo được tiếng vang trong khán giả truyền hình cả nước. Nhưng... đêm bế mạc, “chuyện cái máy cắt lúa cầm tay” không được xếp vào loại có giải. Buồn!
Buồn nhưng vui!
Khoảng nửa tháng sau, vào những ngày cận Tết Nguyên Đán, thật bất ngờ trong chương trình thời sự trên sóng VTV1 Đài THVN phát lại phóng sự trên với lời người dẫn chương trình “phóng sự được phát theo yêu cầu của đông đảo khán giả Truyền hình cả nước”. Ít ngày sau đó, chúng tôi nhận được Bằng khen của Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam với nội dung: Khen thưởng nhóm tác giả và phóng sự “Chuyện cái máy cắt lúa cầm tay” vì đã có tác động tích cực trong đời sống xã hội” kèm theo khoản tiền thưởng là 500.000 đồng. Chúng tôi nói đùa “ căn cứ vào khoản tiền thưởng này thì phóng sự tụi mình giá trị bằng Huy chương bạc’.
Chúng tôi rất vui. Vui không phải vì nhận được Bằng khen của Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam đối với một tác phẩm(điều chưa từng có trước đó) mà vui vì tác phẩm của mình được lan tỏa nhanh chóng trong đời sống xã hội. Còn nhớ, mồng 5 tết năm ấy, cuộc điện thoại đầu tiên mà tôi nhận được sau những ngày nghỉ tết là của Hội nông dân tỉnh Đồng Tháp nhờ Đài Lâm Đồng cho địa chỉ cụ thể người đã sáng chế máy cắt lúa cầm tay, để họ cử đoàn đến học tập, nghiên cứu và ứng dụng. Liên tiếp những ngày sau đó, nhiều tỉnh khác như Quãng Ngãi, Bình Định, Quảng Nam, Thái Bình, Bình Thuận, Long An, Bình Phước, một số tỉnh miền cao phía Bắc và nhiều tỉnh, thành khác cũng điện thoại nhờ Đài giúp. Lãnh đạo huyện Cát Tiên gặp chúng tôi nói vui: “Nhờ các ông mà trước và sau tết, Cát Tiên chúng tôi được mùa khách”. Riêng anh Nguyễn Đức Tâm thì rất vinh dự được Chủ tịch nước tặng Bằng khen; rồi chương trình “Người đương thời” Đài THVN mời ra Hà Nội để thực hiện chương trình “người nông dân sáng tạo”. Sau đó anh được Xí nghiệp cơ khí Lâm Đồng đón về làm việc với khoản tiền lương rất khá. Vài năm sau, một cơ sở chuyên sản xuất nông cụ ở thành phố Hồ Chí Minh “rước” anh về chuyên làm cái nghề “sáng tạo”.
Với chúng tôi, điều hạnh phúc nhất chính là từ thực tiễn tác nghiệp đã phát hiện và phản ảnh kịp thời một “hiện tượng lạ” ở nông thôn lúc bấy giờ, từ đó khơi dậy và thúc đẩy mạnh mẽ phong trào nông dân sáng tạo, phục vụ sản xuất nông nghiệp, nâng cao năng suất lao động, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn, nông nghiệp. Hiện nay, “máy cắt lúa cầm tay” hay còn gọi là “máy cắt lúa mini” đang được rao bán trên thị trường với giá không quá 3 triệu đồng một chiếc, khoản tiền mà bất cứ người nông dân nào cũng có thể đầu tư. Giá cả hợp túi tiền, cộng với công năng hoạt động cao, phù hợp với mọi diện tích, địa hình nên máy cắt lúa cầm tay sớm trở thành nông cụ phổ biến trong cả nước với thời gian sử dụng không hạn định.
Lời khuyên cho các nhà báo trẻ
Kể lại câu chuyện nhỏ trong cuộc đời làm báo để các nhà báo trẻ hôm nay thấy rằng vinh quang và hạnh phúc của người làm báo đâu chỉ là những tác phẩm báo chí mang tầm vĩ mô, những phóng sự điều tra nhiều kỳ hay những tác phẩm mang tính lý luận sâu sắc mà vinh quang, hạnh phúc của nhà báo nhiều khi chỉ là một phóng sự chân chất đời thường như chuyện của anh “Hai lúa” Nguyễn Đức Tâm.
Không ít nhà báo trẻ hôm nay đang gặp khó khăn trong việc tìm đề tài. Nhiều nhà báo bị lạc vào “ma trận” khi tìm kiếm đề tài trong mênh mông thông tin mạng. Thực ra, đề tài báo chí không ở đâu xa, nó luôn ở quanh ta, rất gần với ta; bạn rất dễ dàng thấy nó, thậm chí là phát hiện ra nó chính trong tác phẩm báo chí của mình và của đồng nghiệp(kể cả bài viết của đồng nghiệp được đăng tải trên mạng) nếu bạn thực sự đam mê, thực sự có tâm, luôn trăn trở với nghề. Xin mách nhỏ: Báo chí phản ánh hiện thực cuộc sống mà cuộc sống thì luôn vận động, phát triển. Sự vận động, phát triển ấy tất yếu sản sinh ra vô số sự kiện, hiện tượng, vấn đề trở thành đề tài hay cho báo chí. Vì thế, khuyên các bạn làm báo trẻ hãy bền bỉ luyện cho mình kỹ năng quan sát, phát hiện vì đó là một trong những tố chất không thể thiếu của người làm báo.
Lê Văn