Lời tuyên thệ của Thủ tướng trước Quốc hội
"Dưới cờ đỏ sao vàng thiêng liêng của Tổ quốc, trước Quốc hội, và đồng bào, cử tri cả nước, tôi, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, xin tuyên thệ: Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, với Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nỗ lực công tác tốt để hoàn thành nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó".
Phát biểu nhậm chức của Thủ tướng Chính phủ và cũng là lời hứa trước dân.
"Thưa Quốc hội,
Tôi xin trân trọng cảm ơn Quốc hội đã tín nhiệm, bầu tôi giữ chức Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa 14. Nhận thức rõ trách nhiệm nặng nề trước Đảng, Quốc hội và đồng bào, cử tri cả nước, tôi sẽ nỗ lực hết sức mình phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân.
Thưa Quốc hội,
Đất nước ta đang đứng trước nhiều vận hội phát triển nhưng cũng gặp không ít khó khăn, thách thức. Việt Nam cần phát huy nội lực và tranh thủ ngoại lực, vì lợi ích quốc gia dân tộc, để phát triển nhanh và bền vững, xây dựng đất nước giàu mạnh, có vị trí ngày càng cao trên trường quốc tế. Hiện nay,Việt Nam đứng thứ 14 trên thế giới về dân số nhưng quy mô nền kinh tế chỉ đứng thứ 48 và GDP đầu người xếp thứ 133. Chúng ta phải cố gắng rất nhiều để rút ngắn khoảng cách với thế giới. Phát triển tốc độ cao hơn còn là yêu cầu cấp bách để đối phó với nguy cơ “chưa giàu đã già”, khi giai đoạn dân số vàng sẽ chấm dứt trong khoảng 10 năm tới.
Nợ công cao, áp lực trả nợ lớn; xử lý nợ xấu chưa thực chất; dư địa chính sách và nguồn lực cho phát triển giai đoạn tới rất hạn hẹp. Chính phủ phải nỗ lực tinh giản bộ máy hành chính nhà nước các cấp, đi đầu trong việc tiết kiệm công quỹ, sử dụng tài sản công, xe công, đi công tác nước ngoài... Chúng ta cần phải có trách nhiệm đối với từng đồng tiền thuế của dân, phải sử dụng minh bạch, hiệu quả, vì lợi ích chung của người dân và của toàn xã hội.
Để phát triển nhanh và bền vững, phải tăng năng suất lao động, tăng hiệu quả đầu tư. Muốn vậy, phải đẩy mạnh cải cách thể chế, chấn hưng giáo dục và khoa học công nghệ. Đặc biệt phải bảo vệ môi trường trong quá trình phát triển; quyết không vì phát triển mà hủy hoại môi trường. Thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn gây thiệt hại nặng nề chưa từng có thời gian vừa qua đòi hỏi chúng ta phải chủ động hơn nữa trước những thách thức lớn của biến đổi khí hậu đang diễn biến nhanh và ngày càng khốc liệt.
Phải bảo đảm các nguồn lực tiềm năng được sử dụng có hiệu quả. Thị trường vốn, đất đai, tài nguyên cần phải được phát triển lành mạnh, không để cho các nhóm lợi ích thao túng.
Tiềm năng lớn nhất của Việt Nam là nguồn nhân lực. Nguyễn Trãi đã từng nói:“nước Đại Việt ta hào kiệt không bao giờ thiếu”. Hiền tài là nguyên khí quốc gia. Ngày nay, nhân tài, hiền tài của Việt Nam ở cả trong nước và nước ngoài không thiếu, phải tạo mọi cơ hội để người tài cùng tham gia xây dựng và bảo vệ đất nước.
Hiền tài trong tương lai là thế hệ trẻ hôm nay. Chúng ta phải có trách nhiệm giáo dục, đào tạo lớp trẻ. Cần đầu tư nhiều hơn cho giáo dục, dành ngân sách thỏa đáng để cải thiện phòng học, thư viện, nhà vệ sinh; lo tốt hơn điều kiện ăn ở, đi lại cho các cháu ở vùng sâu vùng xa. Phải tạo cơ hội bình đẳng trong học tập, làm việc, thăng tiến để xuất hiện ngày càng nhiều nhân tài. Chúng ta phải làm sao để con cháu của nông dân, công nhân, người nghèo đều có cơ hội học tập, tiến thân, kể cả cơ hội trở thành lãnh đạo của đất nước trong tương lai.
Quan tâm gìn giữ bản sắc văn hóa và phát triển con người Việt Nam. Chăm lo cho gia đình chính sách, người nghèo, người yếu thế là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và của tất cả chúng ta.
Sự kiện Formosa cũng là bài học sâu sắc về chính sách tiếp nhận và quản lý các dự án đầu tư nước ngoài. Chúng ta quyết không để tái diễn. Phải rà soát lại những dự án lớn, kiểm soát chặt chẽ các cam kết về môi trường, về chuyển giao công nghệ.
Cũng do chính sách tiếp nhận đầu tư nước ngoài chưa tốt và tình trạng các doanh nghiệp Nhà nước hoạt động kém hiệu quả, cơ chế chính sách khuyến khích doanh nghiệp tư nhân có nhiều bất cập nên khu vực đầu tư nước ngoài phát triển mạnh trong khi khu vực trong nước còn yếu. Thời gian tới, chúng ta phải cải thiện tình trạng này; tăng cường hợp tác liên kết hai khu vực trong một nền kinh tế quốc dân thống nhất. Phải tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi; cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính; kiên quyết tháo gỡ những điểm nghẽn; thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; phát triển mạnh doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa làm sao cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, thành công tại thị trường trong nước và cả quốc tế.
Với việc ban hành Bộ luật Hồng Đức từ thế kỷ thứ 15, Vua Lê Thánh Tông đã đặt nền móng cho việc hình thành hệ thống pháp luật ở nước ta từ rất sớm. Nhà vua nói:“Pháp luật là phép tắc chung của Nhà nước, ta và các ngươi phải cùng tuân theo”. Năm 1919, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cũng đã viết:
“Bảy xin Hiến pháp ban hành
Trăm điều phải có thần linh pháp quyền”.
Nguyên tắc này vẫn là thông điệp đúng đắn cho chúng ta hôm nay. Chính phủ quản lý xã hội bằng pháp luật và đồng thời Chính phủ cũng phải nghiêm chỉnh tuân thủ pháp luật. Phải đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật, tăng cường kỷ luật, kỷ cương; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo đánh giá; kiên quyết xóa bỏ cơ chế xin cho; thực hiện công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình; quyết liệt phòng chống tham ô, lãng phí và nhũng nhiễu người dân. Khi có sai phạm, dù bất kể cấp nào cũng phải làm rõ trách nhiệm và xử phạt nghiêm minh.
Bác Hồ kính yêu đã dạy: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Chúng ta phải kiên quyết giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. Kiên quyết bảo vệ chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông và kêu gọi các bên tôn trọng và tuân thủ luật pháp quốc tế, không làm phức tạp thêm tình hình. Đồng thời, chúng ta phải tích cực, chủ động trong đối ngoại và hội nhập quốc tế; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội để tạo môi trường hoà bình và điều kiện thuận lợi cho phát triển đất nước.
Thưa Quốc hội,
Với cương vị là người đứng đầu Cơ quan hành chính nhà nước cao nhất, tôi sẽ cùng tập thể Chính phủ kế thừa và phát huy những thành tựu của 30 năm đổi mới; tranh thủ tối đa thời cơ, thuận lợi; khắc phục hạn chế, yếu kém; vượt qua khó khăn thách thức; nỗ lực xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển,liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ nhân dân; cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm tới và tạo điều kiện để tiếp tục phát triển bền vững trong một tương lai xa hơn.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự giám sát, phối hợp, ủng hộ của Quốc hội, Chủ tịch nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ nghiêm túc lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của cử tri, đồng bào ta cả trong và ngoài nước, cộng đồng doanh nghiệp, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nỗ lực phấn đấu, xây dựng nước Việt Nam Xã hội chủ nghĩa ngày càng giầu mạnh, người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Xin trân trọng cảm ơn Quốc hội".
Đến việc làm
Lời nói đi đôi với việc làm, Chính phủ đã và đang tập trung xây dựng “Chính phủ liêm chính...” dựa trên nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, lấy lợi ích quốc gia, lợi ích nhân dân làm mục tiêu tối thượng; đảm bảo tính công khai, minh bạch; phát huy mạnh mẽ dân chủ gắn với tinh thần thượng tôn pháp luật; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; siết chặt kỷ luật, kỷ cương. Quy trình, quy chế làm việc rõ ràng; phân công, phân cấp cụ thể, khắc phục tình trạng “thành tích là của tôi nhưng trách nhiệm thì của chúng ta”. Chính phủ cũng đã tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ, xử lý nghiêm các hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực. Từng bước thực hiện tinh giản biên chế gắn với đổi mới, giám sát công tác tuyển chọn cán bộ theo phương châm: “Chọn người tài chứ không phải người nhà”. Điều này đã được Thủ tướng nhấn mạnh tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ mới. Thủ tướng lưu ý 9 vấn đề cần đặc biệt quan tâm. Trong đó, có câu chuyện về công tác cán bộ. Thủ tướng nói: “Tôi báo cáo trước Quốc hội phải đổi mới công tác cán bộ, tôi đề nghị các đồng chí phải lưu ý điều này, việc này cần phải chấn chỉnh ở tất cả các khâu, tuyển chọn, sử dụng, bổ nhiệm, chúng ta thi tuyển để tìm người tài, chứ không phải để tìm người nhà. Đừng để nhiệm kỳ này tai tiếng về cán bộ”. Trả lời cử tri Hải Phòng, Thủ tướng khẳng định:“để có bộ máy đủ sức đưa đất nước đi lên thì phải chọn lựa được cán bộ giỏi, nhân tài là nguyên khí quốc gia, do vậy dù nhân tài ở bìa rừng, góc núi cũng phải được trân trọng với tinh thần cầu hiền”.
Chính phủ đã đưa ra thông điệp rõ ràng rằng bộ máy của Chính phủ từ Trung ương đến địa phương là “bộ máy phục vụ” chứ không phải bộ máy quan quyền, hưởng thụ, hành dân.Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói: Chúng ta đang ăn lương từ tiền thuế của nhân dân, chúng ta phải có trách nhiệm với từng đồng tiền thuế ấy, vì vậy phải sử dụng chi tiêu như thế nào để đem lại lợi ích cho nước, cho dân; lãng phí một xu dù là ai cũng đều có tội với dân. Thủ tướng nhấn mạnh: Chống tham nhũng, tiêu cực phải được tiến hành đồng bộ và quyết liệt không có vùng cấm, không có vùng ưu tiên; “truy tới cùng, làm tới cùng”. Thủ tướng cho rằng, lâu nay “ta đã bắn chỉ thiên quá nhiều, không trúng vào ai cả, bây giờ phải bắn có địa chỉ, không thể nói xong là xong việc. Ngay ngày hôm nay phải thành lập tổ công tác theo dõi kết luận của Thủ tướng và các Phó Thủ tướng thực hiện đến đâu”.
Về triệt để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong cơ quan nhà nước và trong toàn xã hội...Thủ tướng yêu cầu Chính phủ phải thực hành trước để làm gương, Chính phủ không làm gương thì nói ai nghe. Việc đầu tiên là không tặng hoa cho các thành viên Chính phủ khi nhậm chức. Đây là việc làm nhỏ, nhưng nhỏ mà không tiết kiệm thì làm sao tiết kiệm được lớn. Chính phủ không mua sắm xe mới mà Thủ tướng là người gương mẫu đi đầu”. Mới đây, Thủ tướng đã yêu cầu khi Thủ tướng về địa phương, các địa phương không được tổ chức đưa đón linh đình, rầm rộ; không tổ chức đón đoàn trên đường đi, chỉ tổ chức đón tại địa điểm đến công tác, trừ lực lượng công an dẫn đường. Thủ tướng cũng quy định rõ: thành phần tham gia đoàn công tác của lãnh đạo Chính phủ về địa phương, về phía tỉnh, thành phố không đi quá 3 xe ô tô, bao gồm xe chung của Bí thư, Chủ tịch và các sở, cơ quan, ban ngành theo yêu cầu. Về phía các bộ, trừ bộ trưởng đi xe riêng, các thành phần khác đều đi xe chung với Văn phòng Chính phủ.
Về văn hóa ứng xử, Thủ tướng cũng yêu cầu cán bộ chính phủ từ Trung ương đến địa phương phải thay đổi nếp nghĩ về văn hóa ứng xử, phải gần dân, trọng dân, lễ độ với dân. Mới đây, trong cuộc gặp gỡ hơn 3.000 công nhân và người lao động ở Biên Hòa, Đồng Nai, sự gần gũi của Thủ tướng được kể lại: “Công nhân Nguyễn Gia Thái tâm sự: “không bao giờ nghĩ rằng mình có thể được đứng gần Thủ tướng và mong muốn được ôm Thủ tướng", ông đã vui vẻ vòng tay ôm Nguyễn Gia Thái. Có lẽ chưa bao giờ có một hình ảnh tình cảm, gần gũi của một Thủ tướng với một người lao động như vậy”.
Thay đổi lối ứng xử với dân, theo Thủ tướng, cán bộ cũng là con người mà đặc biệt là con người có học thức, có nhân cách. Cán bộ sai thì phải biết xin lỗi dân, đó là lối ứng xử rất đời thường của con người. Cán bộ không biết xin lỗi dân khi làm sai là cán bộ yếu kém đạo đức, thiếu nhân cách và vô cảm. Thủ tướng đã xin lỗi dân khi để đoàn xe Chính phủ đi vào khu phố đi bộ ở Hội An, Quảng Nam. Lời xin lỗi đó của Thủ tướng đã làm nhân dân vô cùng cảm kích.
Lời nói của Thủ tướng, chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng song hành cùng những việc làm của Thủ tướng đã thực sự làm cho lòng dân hân hoan, tin tưởng: “con đường từ lời nói đến hành động” trong việc xây dựng “Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp” sẽ không là “con đường” dài nhất.
Văn Tòa