Cảnh giác với nạn tin giả trong phòng chống dịch bệnh Covid-19 In trang
13/08/2021 02:07 CH

 

 

Gần đây, khi các ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại nước ta gia tăng thì một số cá nhân đã lợi dụng mạng xã hội để tung tin giả về dịch bệnh Covid-19 nhằm thu hút sự chú ý, gây hoang mang dư luận. Đây là hành vi vi phạm pháp luật, cần phải xử lý nghiêm.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Vấn nạn tin giả trên các trang mạng xã hội trở nên nhức nhối và gây bức xúc cho người dân. Đặc biệt là từ khi Việt Nam có các ca mắc Covid-19 và khi cả nước đang gồng mình chống dịch, tập trung tối đa nguồn lực, sức người, sức của cho cuộc chiến với Covid-19 thì những thông tin về tình hình dịch bệnh Covid-19 bị một số đối tượng đăng tải sai sự thật. Hầu hết những thông tin này được chia sẻ trên mạng xã hội có tác động tiêu cực vô cùng lớn, ảnh hưởng đến hiệu quả của công tác phòng, chống dịch của cơ quan chức năng.

Trong bối cảnh nhiều khó khăn, thử thách, rất cần sự đoàn kết, quyết tâm, chung tay của cộng đồng để ngăn chặn dịch bệnh Covid-19. Vậy nhưng thay vì chung tay cùng cộng đồng chống dịch, một số cá nhân lại đang tiếp tay cho nạn tin giả hết sức nguy hiểm và độc hại.

Gần đây, trên mạng xã hội lan truyền một số thông tin như: Thành phố Hồ Chí Minh sẽ thực hiện phong tỏa theo phương án mới và kêu gọi người dân đi mua sắm tích trữ hàng hóa; các bệnh viện tại thành phố quá tải do số lượng bệnh nhân Covid-19 quá đông; Bác sĩ rút ống thở người thân cứu sản phụ… Bộ Y tế, các ngành chức năng Trung ương và địa phương đã khẳng định những thông tin trên đều là thất thiệt, sai sự thật, xuyên tạc.

Hay như những hình ảnh rất nhiều thi thể bày la liệt ở đâu đó nhưng lại được ghi chú đó là Bệnh viện Chợ Rẫy. Để “thuyết phục” người  dân, một số đối tượng đã tung ra ra hình ảnh các tin nhắn của bác sĩ, cán bộ Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh với nội dung đại loại như: Tình hình thành phố Hồ Chí Minh không còn kiểm soát, không khống chế được đại dịch Covid-19; dịch bệnh ở đây không thua Ấn Độ và hai tuần nữa sẽ rất thê thảm… Đây là những hình ảnh được cắt ghép để xuyên tạc sự thật, đánh lừa dư luận. Chính vì sự tinh vi, xảo quyệt đó, rất nhiều người dân đã mắc bẫy, đổ xô đi mua hàng hóa để tích trữ, khiến tình hình trở nên phức tạp, khan hiếm hàng hóa cục bộ…

Việc xuất hiện nhiều bài viết, thông tin thiếu căn cứ về hiệu quả của vaccine, tùy tiện công kích nguồn gốc một số loại vaccine, hình thành tâm lý so đo, kén chọn trong cộng đồng. Trong khi dịch bệnh chưa có dấu hiệu hạ nhiệt thì việc tăng cường tiêm vaccine cho toàn dân để tạo miễn dịch cộng đồng là việc cấp bách lúc này. Thế nhưng những ý kiến cực đoan, vô căn cứ, sai sự thật lan truyền trong cộng đồng thời gian qua đã khiến cho công tác phòng, chống dịch bệnh càng khó khăn hơn…

Tại Lâm Đồng, trong lúc các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành, địa phương và các tầng lớp Nhân dân đang đồng lòng, chung tay chống dịch, thì vẫn có những cá nhân tung tin sai sự thật như: “Lâm Đồng cấm người dân ra khỏi nhà từ 21 giờ hôm trước đến 05h sáng hôm sau”, thông tin này đã xuyên tạc nội dung Chỉ thị 10-CT/TU “… vận động người dân không ra khỏi nhà và hạn chế phương tiện đi lại sau 21 giờ 00 ngày hôm trước đến 05 giờ 00 ngày hôm sau…”; hay như “Lâm Đồng không có động thái nào để đón công dân của mình”; “Lâm Đồng là tỉnh duy nhất không có trách nhiệm với dân”… Trong khi đó, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh và các cấp, các ngành, các địa phương đã lên kế hoạch và đưa ra nhiều phương án cho việc đón công dân Lâm Đồng đang công tác, học tập, sinh sống tại thành phố Hồ Chí Minh và một số địa phương khác về... Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, xuất hiện nhiều ca F0 trong cộng đồng; tình trạng người dân trở về địa phương bằng phương tiện xe hai bánh ồ ạt… gây khó khăn cho công tác kiểm soát dịch bệnh. Trước tình hình đó, Thủ tướng Chính phủ có công điện chỉ đạo các địa phương quyết liệt phòng chống dịch với tinh thần “ai ở đâu ở đấy” và Lâm Đồng buộc phải tạm dừng kế hoạch đón công dân về. Do đó, không có chuyện Lâm Đồng “không có động thái” hoặc “vô trách nhiệm” như một số thông tin trên.

  Điều đó cho thấy, vấn nạn tin giả về tình hình dịch bệnh Covid-19 trên không gian mạng là vấn đề rất phức tạp hiện nay.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Trước vấn nạn tin giả, ngày 23/7/2021, Bộ Thông tin-Truyền thông đã ban hành Công văn số 2765/BTTTT-PTTH&TTĐT gửi các bộ, ngành và ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố về việc tăng cường xử lý tin giả, tin sai sự thật về Covid-19 trên mạng xã hội.

Theo nội dung văn bản trên: Qua thực tiễn công tác chỉ đạo, quản lý, giám sát thông tin trên không gian mạng thời gian qua, tình trạng phát tán tin giả, sai sự thật về tình hình dịch bệnh và công tác phòng, chống dịch Covid-19 có dấu hiệu gia tăng, trong đó tập trung chủ yếu vào việc kích động vùng miền, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc; tung tin sai sự thật về hiệu quả của các loại vắc-xin Covid-19; xuyên tạc chính sách phân bổ, cung cấp vắc-xin của Chính phủ; việc sử dụng Quỹ vắc-xin phòng, chống Covid-19. Các thông tin giả, sai sự thật cũng liên quan đến diễn biến dịch bệnh tại các điểm nóng như thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Nam; xuyên tạc về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh của Chính phủ và các địa phương... Đáng chú ý, nhiều thông tin có nguồn từ các video của những người cách ly, người dân trong khu vực bị giãn cách, phong tỏa.

Việc xuất hiện nhiều thông tin xấu độc cùng số lượng lớn các video “tự phát” được phát tán tràn lan trên không gian mạng đã làm ảnh hưởng đến niềm tin của người dân vào công tác phòng, chống dịch bệnh; gây hoang mang, bức xúc trong dư luận xã hội; nếu không xử lý tốt sẽ dễ phát sinh điểm nóng, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội tại địa phương; gây khó khăn cho công tác phòng, chống dịch bệnh của cả nước.

Hành vi đăng tải thông tin sai sự thật trên mạng xã hội vi phạm điểm e khoản 1 Điều 5 Nghị định số 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng. Tùy theo tính chất và mức độ, hành vi này có thể sẽ bị xử phạt tối đa 30 triệu đồng theo quy định tại Điều 101, 102 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử. Thậm chí, hành vi vi phạm này có thể bị xử lý hình sự, như Điều 288, Bộ Luật Hình sự năm 2015 quy định với khung hình phạt cao nhất là bị phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 01 tỷ đồng, hoặc phạt tù từ 02 - 07 năm.

Theo thống kê, từ năm 2020 đến nay, Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã đã phối hợp với Công an các địa phương triệu tập đấu tranh hơn 1.800 đối tượng, khởi tố xử lý hình sự 21 đối tượng, xử phạt vi phạm hành chính 466 đối tượng, nộp ngân sách Nhà nước hơn 5 tỷ đồng; chỉ tính riêng trong đợt dịch thứ 4, Cục đã phối hợp xử lý hành chính 82 đối tượng, xử lý hình sự 1 đối tượng ở thành phố Hồ Chí Minh và tiếp tục nhận diện, xử lý các đối tượng khác theo quy định pháp luật.

Cuộc chiến phòng, chống đại dịch Covid-19 chưa thể kết thúc một sớm, một chiều và phía trước chúng ta còn rất nhiều khó khăn, thử thách. Đây chính là thời điểm mà mỗi người dân thể hiện rõ nhất trách nhiệm công dân của mình, đồng sức, đồng lòng phấn đấu vì mục tiêu chung chiến thắng đại dịch Covid-19. Ngoài sự nỗ lực của các cơ quan chức năng trong trận chiến chống thông tin xấu, độc trên mạng xã hội, thì rất cần có sự chung sức, đồng lòng của người dân trong việc lên án những hành vi sai phạm và không chia sẻ những thông tin xấu, góp phần loại bỏ những thông tin tiêu cực trên mạng xã hội. Mỗi người dân hãy thực hiện tốt thông điệp “5K” trong phòng chống tin giả: “không tin ngay; không vội bấm “thích”; không thêm thắt; không kích động; không vội chia sẻ”.

Dịch bệnh sẽ được kiểm soát và ngăn chặn khi có sự đồng lòng, quyết tâm của các tầng lớp Nhân dân và cả hệ thống chính trị.

                                                                                                             Song Hoàng

 

 

Lượt xem: 1.587
Văn bản mới
  • Số 1504-CV/BTGTU 10/01/2025 Tăng cường công tác tuyên truyền đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại ...
  • Số 16-CTr/BTGTU 08/01/2025 Chương trình Công tác Tuyên giáo năm 2025
  • Số 36 - NQ/TU 07/01/2025 Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - ...
  • Số 208-HD/BTGTU 03/01/2025 Hướng dẫn nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền Chỉ thị số 39-CT/TW, ngày ...
  • Số 207-HD/BTGTU 02/01/2025 Hướng dẫn công tác tuyên truyền và tuyên truyền miệng tháng 01 năm 2025
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 005148983
  •  Đang online: 143
  •  Trong tuần: 17.704
  •  Trong tháng: 142.024
  •  Trong năm: 142.024