Việc thực hiện Chỉ thị số 23 ngày 9/2/2018 của Ban Bí thư về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập, nghiên cứu, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới (gọi tắt là Chỉ thị số 23) trong 5 năm vừa qua đã góp phần quan trọng cho sự phát triển của huyện Di Linh.
Việc thực hiện Chỉ thị số 23 đã góp phần đưa Thôn 12, xã Hòa Ninh trở thành điển hình trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.
Ông K’Broi - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Di Linh, cho biết, để thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 23, huyện Di Linh đã kịp thời ban hành và cụ thể hóa nhiều văn bản để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện sát với tình hình của địa phương.
Di Linh là địa bàn rộng với 18 xã, 1 thị trấn với dân số trên 161.000 người. Tính đến 15/12/2022, Đảng bộ huyện Di Linh có 66 tổ chức cơ sở đảng, gồm 23 đảng bộ và 43 chi bộ cơ sở. Chỉ thị 23 được địa phương triển khai thực hiện sâu rộng bắt đầu từ các tổ chức Đảng. Công tác tuyên truyền được các đầu mối trên triển khai đồng bộ, rộng khắp. Các nội dung tuyên truyền tập trung vào việc cán bộ, đảng viên nêu cao tinh thần trách nhiệm, tự giác, thường xuyên tự học tập, tự nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; xây dựng kế hoạch cá nhân về học tập lý luận chính trị để nâng cao trình độ lý luận và năng lực công tác trong thực tiễn. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong nghiên cứu, học tập lý luận chính trị. Kịp thời phát hiện, biểu dương, nhân rộng mô hình mới, gắn lý luận với thực tiễn…
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, giáo dục lý luận chính trị, đạo đức cho thế hệ trẻ được quan tâm đẩy mạnh, đa dạng hóa về hình thức, thông qua các buổi tọa đàm, các câu lạc bộ, các cuộc thi trắc nghiệm, thi tự luận trên mạng internet; xây dựng và vận hành các trang thông tin điện tử, fanpage, group, facebook; xây dựng và phát triển các ứng dụng trên mạng xã hội và các thiết bị di động thông minh để tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh cho thanh, thiếu niên trên địa bàn…
Hình thức tuyên truyền được các tổ chức Đảng, địa phương thực hiện đa dạng, phong phú thông qua hoạt động của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp, các phương tiện thông tin đại chúng, sinh hoạt định kỳ của các tổ chức Đảng, đoàn thể, họp thôn, tổ dân phố, nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, của tỉnh, thông qua các hội thi, hội nghị, hội diễn và một số hình thức tuyên truyền khác. Qua đó, giúp cho việc nắm bắt thông tin lý luận và thực tiễn đối với những giá trị, nội dung cốt lõi của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh được phổ biến sâu rộng hơn đến cán bộ, đảng viên và Nhân dân.
“5 năm qua, Chỉ thị 23 đã dần thấm sâu và gắn chặt với những chuyển động của đời sống. Điều đó đã được minh chứng khi nhiều mô hình mới, cách làm hay, sáng tạo, các phong trào thi đua trên các lĩnh vực đã dần được thực hiện và cho thấy hiệu quả, tạo sức lan toả sâu rộng trong xã hội”, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Di Linh khẳng định.
Cụ thể, trong lĩnh vực phát triển kinh tế có phong trào ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ cao để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm như: mô hình cải tạo, tái canh, chuyển đổi giống cà phê; mô hình trồng sầu riêng, bơ ghép xen cà phê; mô hình sản xuất, thu hoạch, bảo quản, chế biến cà phê bền vững khép kín theo quy trình 4C, VietGAP… Qua đó đã góp phần tăng diện tích cà phê lên 44.598 ha; diện tích cây trồng chủ động nước tưới đạt 65,3%; giá trị sản xuất đạt 132 triệu đồng/ha. Toàn huyện có 39 hợp tác xã trên lĩnh vực nông nghiệp với 230 trang trại chăn nuôi, trồng trọt…
Trong lĩnh vực văn hoá - xã hội, xây dựng hệ thống chính trị, đảm bảo quốc phòng - an ninh có các phong trào thi đua xây dựng đảng bộ, chi bộ trong sạch, vững mạnh; Phong trào “4 biết - 4 giữ gìn - 4 không - 4 chống”; Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”; Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”; Phong trào thi đua “Hai tốt - dạy tốt, học tốt” với chủ đề “Nói không với tiêu cực và bệnh thành tích trong thi cử”, Phong trào “Chung tay cải cách hành chính”; Phong trào Chung sức xây dụng nông thôn mới, đô thị văn minh …
Từ những phong trào thi đua, đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân điển hình, tiên tiến với những cách làm hay, sáng tạo, đem lại hiệu quả cao, cụ thể như: Mô hình “Phát triển chăn nuôi bò sữa, bò thịt”; Mô hình “Tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần xây dựng khu dân cư an toàn, sáng, xanh, sạch, đẹp”; Mô hình “Khu dân cư bảo vệ môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm” của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện; Mô hình “Phát huy truyền thống anh bộ đội Cụ Hồ góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Cùng đó là Phong trào Thanh niên tình nguyện, Phong trào Sáng tạo trẻ của Đoàn Thanh niên huyện; Mô hình “Phụ nữ với các hoạt động bảo vệ môi trường”,“5 không 3 sạch”, “Tổ giúp việc”, “Xây dựng gia đình hạnh phúc”,“Tiết kiệm gây dựng Quỹ Vì phụ nữ nghèo” của Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện; Mô hình “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”, “Nồi cháo tình thương” của Hội Chữ thập đỏ huyện. Tại các xã, thị trấn thực hiện Mô hình “Tổ tự quản”, “Cổng rào an ninh”,“Chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và hàng trăm mô hình, điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực của đời sống xã hội khác.
Sau 5 năm thực hiện, bên cạnh những kết quả đạt được, huyện Di Linh cũng thẳng thắn nhìn nhận những vấn đề còn tồn tại, hạn chế. Trên cơ sở đó, địa phương đã xác định những nhiệm vụ cụ thể để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 23 trong thời gian tới.
(Theo Báo Lâm Đồng)