Từ tư tưởng Hồ Chí Minh về nêu gương đến phát huy vai trò, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 khóa XIII In trang
08/12/2022 08:21 SA

Nghị quyết Trung ương 6 khóa XIII về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới đã xác định rõ, một trong những nhiệm vụ, giải pháp được đề ra là: Phát huy vai trò, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên.

Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai báo cáo chuyên đề “Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới”.
Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai báo cáo chuyên đề “Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới”.

ĐỔI MỚI PHƯƠNG THỨC LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG QUYẾT ĐỊNH THẮNG LỢI CÔNG CUỘC ĐỔI MỚI

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam cho đến trước thời kỳ đổi mới, Đảng ta dùng các khái niệm: phương pháp lãnh đạo, phương pháp công tác, phong cách lãnh đạo, phong cách công tác, lề lối làm việc, quy chế công tác, quy trình làm việc..., nhưng chủ yếu áp dụng đối với cá nhân cán bộ lãnh đạo, chưa đề cập đến các tổ chức đảng. Từ Hội nghị Trung ương 6 khóa VI (tháng 3-1989) Đảng ta chính thức dùng khái niệm "phương thức lãnh đạo của Đảng" với cách đặt vấn đề “phương thức lãnh đạo” là khái niệm ở tầm tổng quát và cao hơn các khái niệm phương pháp lãnh đạo, phương pháp công tác, phong cách lãnh đạo…

Phương thức lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là tổng thể các cách thức, hình thức, phương pháp, quy chế, quy định, quy trình, lề lối làm việc... mà Đảng sử dụng để tác động vào đối tượng lãnh đạo nhằm thực hiện thắng lợi Cương lĩnh chính trị, đường lối, các nghị quyết và các nội dung lãnh đạo của Đảng trong từng thời kỳ cách mạng.

Có thể khái quát phương thức lãnh đạo của Đảng hiện nay gồm:

Một là, Đảng lãnh đạo bằng cương lĩnh, chiến lược, các định hướng về chính sách và chủ trương lớn;

Hai là, Đảng lãnh đạo bằng công tác tuyên truyền, thuyết phục, vận động nhân dân, dựa vào dân để xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị;

Ba là, Đảng lãnh đạo bằng công tác tổ chức, cán bộ;

Bốn là, Đảng lãnh đạo bằng công tác kiểm tra, giám sát tổ chức đảng và đảng viên;

Năm là, Đảng lãnh đạo thông qua tổ chức đảng và đảng viên hoạt động trong các tổ chức của hệ thống chính trị.

Để lãnh đạo công cuộc đổi mới đi vào chiều sâu và đạt được các mục tiêu đề ra, Đảng phải xác định phương thức lãnh đạo phù hợp. Việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đã trở thành vấn đề trọng tâm, nhiệm vụ trọng yếu và cấp bách. Việc đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đã trở thành một nhân tố đặc biệt quan trọng quyết định thắng lợi công cuộc đổi mới. Quán triệt quan điểm đổi mới gắn với kiên định chính là sự vận dụng và phát triển sáng tạo học thuyết Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng đảng. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII (1991), Đảng ta khẳng định: “Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động”(1).

NÊU GƯƠNG THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH

Nghị quyết Trung ương 6 khóa XIII về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới đã xác định rõ, một trong những nhiệm vụ, giải pháp được đề ra là: Phát huy vai trò, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên. Đảng lãnh đạo bằng tấm gương của đội ngũ đảng viên là sự lãnh đạo bền vững nhất, thuyết phục nhất trong suốt quá trình ra đời đến nay, đặc biệt là những tấm gương hy sinh của đảng viên trong cách mạng giải phóng dân tộc. Ngày nay khi Đảng cầm quyền, tấm gương liêm khiết, tận tụy phục vụ nhân dân của các tổ chức đảng, đảng viên, nhất là trong các cơ quan nhà nước vẫn là yếu tố có sức thuyết phục cao nhất tạo nên uy tín của Đảng. Vì vậy, tổ chức đảng, đảng viên vừa phải gương mẫu tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, vừa phải nêu cao vai trò tiên phong trong thực hiện chủ trương, đường lối, các quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Như vậy, khi tiến hành phương thức lãnh đạo của Đảng thông qua tổ chức đảng và đảng viên hoạt động trong các tổ chức của hệ thống chính trị cần phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của đội ngũ đảng viên, chú trọng phong cách làm việc khoa học, tập thể, dân chủ, trọng dân, gần dân, hiểu dân, vì dân, bám sát thực tiễn, cầu thị, học hỏi, nói đi đôi với làm của cán bộ, đảng viên.

Muốn nêu gương tốt phải có đạo đức tốt vì như dân gian đã nói rằng, "Chân mình thì lấm bê bê/ Lại cầm bó đuốc mà rê chân người" thì sự không thuyết phục. Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm đạo đức là phải: “Không học hỏi dân thì không lãnh đạo được dân. Có biết làm học trò dân, mới làm được thầy học dân”(2). Người yêu cầu cán bộ, đảng viên phải khiêm tốn, gần gũi quần chúng, không được kiêu ngạo; phải thực sự cầu thị, không được chủ quan. Phải luôn chăm lo đến đời sống của quần chúng. Phải “chí công vô tư” và có tinh thần “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”. Tức là Hồ Chí Minh quan niệm đạo đức là sự thống nhất của tư tưởng và phong cách sống, đạo làm người.

Thực tế thời gian qua cho thấy, tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên có chức, có quyền, căn bệnh "nói nhiều làm ít, nói hay làm dở" vẫn tồn tại đã góp phần làm giảm lòng tin của nhân dân, làm tích tụ trong họ những bất mãn, hoài nghi không đáng có đối với sự lãnh đạo của Đảng. Để khắc phục và đẩy lùi căn bệnh này, cần phải có những biện pháp mạnh mẽ và quyết liệt trong đó có nội dung đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng bằng hành động nêu gương theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh mà Nghị quyết Trung ương 6 khóa XIII đã chỉ ra.

Nêu gương thông qua giáo dục đạo đức có vai trò rất lớn trong đời sống xã hội, trong đời sống cá nhân của mỗi con người. Đạo đức là vấn đề thường xuyên được đặt ra và giải quyết nhằm bảo đảm cho các cá nhân và cộng đồng tồn tại, phát triển. Sống trong xã hội, mỗi người phải suy nghĩ về những vấn đề đạo đức để tìm ra những con đường, cách thức và phương tiện hoạt động nhằm kết hợp lợi ích của mình và cộng đồng, từ đó bảo đảm cho sự tồn tại, phát triển của chính mình và cộng đồng. Đạo đức đã trở thành mục tiêu, đồng thời cũng là động lực để phát triển xã hội.

Đạo đức là một phương thức điều chỉnh hành vi của con người, loài người đã sáng tạo ra nhiều phương thức điều chỉnh hành vi con người như: phong tục, tập quán, tôn giáo, pháp luật, đạo đức. Đối với đạo đức, sự điều chỉnh hành vi con người theo chuẩn mực và quy tắc đạo đức được thực hiện bằng dư luận xã hội và lương tâm mỗi người. Chức năng điều chỉnh hành vi của đạo đức bằng dư luận xã hội và lương tâm đã trở thành đặc trưng để phân biệt đạo đức với các hình thái ý thức khác, các hiện tượng xã hội khác.

Vai trò của đạo đức còn thể hiện ở chức năng giáo dục. Con người là sản phẩm của lịch sử, đồng thời là chủ thể của lịch sử. Hệ thống đạo đức do con người tạo ra, nhưng sau khi ra đời hệ thống đạo đức tồn tại như là cái khách quan hóa, tác động, chi phối con người. Chức năng giáo dục của đạo đức cần được hiểu một mặt là sự "giáo dục lẫn nhau trong cộng đồng", giữa cá nhân và cộng đồng; mặt khác, là sự "tự giáo dục" ở cả cấp độ cá nhân lẫn cấp độ cộng đồng.

Với tư cách là một hình thái ý thức xã hội, đạo đức có chức năng nhận thức thông qua sự phản ánh tồn tại xã hội. Nhận thức của đạo đức là quá trình vừa hướng ngoại vừa hướng nội. Nhận thức hướng ngoại lấy chuẩn mực, giá trị, đời sống đạo đức của xã hội làm đối tượng. Đó là hệ thống giá trị thiện và ác, trách nhiệm và nghĩa vụ, hạnh phúc và ý nghĩa cuộc sống... Nhận thức hướng nội (tự nhận thức) lấy bản thân mình - chủ thể đạo đức - làm đối tượng nhận thức. Đây là quá trình tự đánh giá, tự thẩm định, tự đối chiếu những nhận thức, hành vi, đạo đức của mình với những chuẩn mực giá trị chung của cộng đồng. Từ cách nhận thức này mà chủ thể hình thành, phát triển thành các quan điểm và nguyên tắc sống: sáng tạo hay thụ động, hy sinh hay hưởng thụ, vị tha hay vị kỷ, hướng thiện hay sa vào cái ác...

Trong tự nhận thức, vai trò của dư luận xã hội và lương tâm là rất lớn. Dư luận xã hội là sự bình phẩm, đánh giá từ phía xã hội đối với chủ thể, còn lương tâm là sự tự phê bình. Cả hai đều giúp chủ thể tái tạo lại giá trị đạo đức của mình - giá trị mà xã hội mong muốn. Tự nhận thức giúp chủ thể ý thức được trách nhiệm của mình và sẵn sàng để hoàn thành trách nhiệm đó.

Trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay, quan niệm về đạo đức cho dù vẫn có tính khác biệt về vùng miền, tôn giáo, tín ngưỡng nhưng những giá trị chung và phổ quát thì vẫn là thang giá trị để loài người hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

Từ hoạt động thực tiễn, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Có những người miệng thì nói: Phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, nhưng bị vật chất dỗ dành mà phạm vào tham ô, lãng phí, hại đến Tổ quốc, nhân dân. Chúng ta phải giáo dục họ, đưa họ vào con đường cách mạng”(3).

Thực tế là nhiều người nói một đằng, làm một nẻo. Nói thì cứ nói, nhưng làm thì cứ làm. Như vậy thì tấy yếu không thể nêu gương tốt được. Người nói: “Nói cái gì phải cho tin - nói và làm cho nhất trí - làm thế nào cho dân tin”(4). Nhưng điều cốt lõi nhất mà Người muốn nhấn mạnh là nêu gương: Thống nhất giữa lý luận và thực tiễn, từ đó “nói phải đi đôi với làm”.

Các đại biểu dự Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, chiều 5/12.
Các đại biểu dự Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, chiều 5/12.

Như vậy, quan điểm “nói đi đôi với làm” được Hồ Chí Minh hiểu trên tinh thần biện chứng. Thực tiễn cần tới lý luận soi đường, dẫn dắt, chỉ đạo, hướng dẫn, định hướng để không mắc phải bệnh kinh nghiệm, còn lý luận phải dựa trên cơ sở thực tiễn, phản ánh thực tiễn và phải luôn liên hệ với thực tiễn, nếu không sẽ mắc phải bệnh giáo điều. Nghĩa là thực tiễn, lý luận cần đi cùng nhau, hỗ trợ cho nhau, bổ sung cho nhau.

Hồ Chí Minh căn dặn: “Khi học tập lý luận thì nhằm mục đích học để vận dụng chứ không phải học lý luận vì lý luận, hoặc vì tạo cho mình một cái vốn lý luận để sau này đưa ra mặc cả với Đảng”(5). Bác căn dặn cho cán bộ, đảng viên: “Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”(6).

Nhấn mạnh vai trò của phương thức lãnh đạo thông qua việc nêu gương, Bác lưu ý: “Nếu chính mình tham ô bảo người ta liêm khiết có được không? Không được. Mình trước hết phải siêng năng, trong sạch thì mới bảo người ta trong sạch, siêng năng được”(7). Người dạy: “Nói miệng, ai cũng nói được. Ta cần phải thực hành. Kháng chiến, kiến quốc, ta phải cần kiệm. Nhưng tự mình phải cần và kiệm trước đã. Trước hết, mình phải làm gương, gắng làm gương trong anh em, và khi đi công tác, gắng làm gương cho dân. Làm gương về cả ba mặt: Tinh thần, vật chất và văn hóa. Không có gì là khó. Khó như cách mạng mà ta đã làm được và đã thành công. Muốn làm được, ta phải: Quyết tâm, trí tâm và đồng tâm. Ta nhớ ba chữ ấy, thực hành làm gương nêu ba chữ ấy lên, tất cả các đồng chí phải thành công”(8).

Hồ Chí Minh nhắc nhở rằng, có lý luận rồi thì phải kết hợp chặt chẽ với kinh nghiệm thực tế, liên hệ với thực tiễn nếu không lại mắc phải bệnh lý luận suông, bệnh giáo điều. Người khẳng định: "Lý luận cũng như cái tên (hoặc viên đạn). Thực hành cũng như cái đích để bắn. Có tên mà không bắn, hoặc bắn lung tung, cũng như không có tên. Lý luận cốt để áp dụng vào thực tế. Chỉ học thuộc lòng, để đem lòe thiên hạ thì lý luận ấy cũng vô ích”(9).

NÊU GƯƠNG – PHƯƠNG THỨC ĐẶC BIỆT CẦN PHẢI THỰC HIỆN

Để thực hiện theo tấm gương đạo đức, cũng như tác phong làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nghị quyết Trung ương 6 khóa XIII đã tách nội dung nêu gương thành một phương thức cần phải thực hiện. Đặc biệt, Đảng ta yêu cầu những người lãnh đạo cao cấp phải nêu tấm gương về đạo đức, lối sống lành mạnh, phải là những chiến sĩ đi đầu trong việc đấu tranh chống tham nhũng, quan liêu, xa hoa, lãng phí, không chỉ trong xã hội mà cả trong khu phố, gia đình riêng, đặc biệt là vấn đề "nói đi đôi với làm".

Thực hiện phương thức nêu gương, “Nói đi đôi với làm” theo tinh thần của Hồ Chí Minh cũng như Nghị quyết Trung ương 6 khóa XIII đề ra đòi hỏi đội ngũ đảng viên của Đảng phải: Một là, “Nói” phải đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, không được thêm bớt, nói sai sự thật; Hai là, không được “nói một đằng, làm một nẻo”; Ba là, tránh nói, tránh hứa mà không làm. (Làm ở đây chính là nêu gương bằng hành động, bằng hoạt động thực tiễn, là tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước). Vậy, nêu gương theo quan điểm “nói đi đôi với làm” của Người không chỉ là nguyên tắc đạo đức, lẽ sống, phương châm hoạt động, mà còn là biểu hiện sinh động cụ thể của việc quán triệt sâu sắc nguyên tắc thống nhất giữa lý luận với thực tiễn. Với Người, hành động của Người từ việc nhỏ tới việc lớn, từ việc riêng tới việc chung, bao giờ cũng “miệng nói, tay làm, tai lắng nghe”.

Trong giáo dục cán bộ đảng viên, Người nói: Nếu cán bộ đảng viên tư tưởng và hành hộng không nhất trí, thì khác nào “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”. Trong quân ngũ, Người dạy “quân lệnh như sơn”. Trong gia đình, lời nói việc làm mẫu mực của người cha mẹ đối với con cái. Trong nhà trường là tấm gương sáng của thầy cô đối với học sinh. Trong tổ chức tập thể là tấm gương của người đứng đầu. Trong xã hội đó là tấm gương của những người này đối với người khác. Trong bằng hữu là tấm gương đối với bạn. Trong cơ quan, là tấm gương với đồng nghiệp. Tấm gương ở đây là nói đi cùng với hành động để chứng minh là mình làm. Hồ Chí Minh luôn phê phán những cán bộ chỉ biết nói, mà không biết làm dù chỉ là một việc nhỏ. Người yêu cầu cán bộ, đảng viên đã nói thì phải làm, “Nói ít, bắt đầu bằng hành động”, “tốt nhất là miệng nói, tay làm, làm gương cho người khác bắt chước”.

Thực trạng đáng buồn hiện nay là một bộ phận cán bộ, đảng viên suy thoái, biến chất một cách trầm trọng cả về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống…lời nói không đi đôi việc làm, ngày một phát triển. Tình trạng tham nhũng, lãng phí vẫn còn là một mối lo lớn của Đảng và Nhà nước. Tình thương giữa con người đối với con người dần phai nhạt, trở thành thù địch, đối thủ…

Trong xã hội, nhân dân mất đi niềm tin vào đội ngũ cán bộ với suy nghĩ “hành là chính” chứ không phải cán bộ đảng viên là người đầy tớ của nhân nhân, hết lòng phụng sự nhân dân. Kỷ cương, kỷ luật, nội quy, quy chế bị phá vỡ, luân thường đạo lý đảo lộn, nhiều người lấy đồng tiền làm thước đo cho mọi quan hệ xã hội. Đó cũng là hệ lụy của mặt trái cơ chế kinh tế thị trường, sự mai một về văn hóa truyền thống; đó là hòa nhập, nhưng lại có xu hướng bị hòa tan, sự ô hợp của các nền văn hóa lai căng dưới danh nghĩa hội nhập.

Để cán bộ, đảng viên luôn thống nhất giữa lý luận và thực tiễn, thực hành nêu gương, nói đi đôi với làm, khắc phục bệnh kinh nghiệm, thì trước hết họ cần phải khắc phục bệnh kém về lý luận, bệnh coi khinh lý luận. Lấy chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho mọi hành động. Hơn bao giờ hết, đội ngũ cán bộ, đảng viên không những cần phải thấm nhuần về nhận thức mà còn phải dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, nêu gương tốt để “lấy cái đẹp, dẹp cái xấu” nhằm lãnh đạo Nhân dân, phục vụ Nhân dân.

Để đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng cũng như nghị quyết Trung ương 6 khóa XIII về phương thức lãnh đạo thông qua hành động “nêu gương” vào thực tế, cần thực hiện tốt những giải pháp sau:

Một là, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các tổ chức đảng và đảng viên về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng và sự cần thiết của việc thực hành nêu gương, nói đi đôi với làm. Có kế hoạch học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận bắt buộc hằng năm đối với cán bộ, đảng viên gắn với việc cung cấp thông tin, cập nhật kiến thức mới phù hợp từng đối tượng, từng cấp, từng ngành, từng địa phương.

Hai là, thực hành nêu gương, nói đi đôi với làm còn thể hiện ở việc tích cực đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; đẩy mạnh công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, nhất là những mô hình mới, kinh nghiệm hay; khuyến khích phát triển tư duy lý luận phù hợp với đường lối đổi mới của Đảng. Đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức dạy và học lý luận chính trị gắn với ứng dụng thực tế, tăng cường kiểm tra, giám sát và quản lý chặt chẽ chất lượng dạy và học.

Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai Kết luận và Quy định của Trung ương về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai Kết luận và Quy định của Trung ương về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Ba là, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Xây dựng quy chế tự phê bình và phê bình, khắc phục tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm và bảo vệ người thẳng thắn, dám đấu tranh; cấp trên gợi ý kiểm điểm và trực tiếp dự, chỉ đạo ở những nơi có vấn đề phức tạp, nơi có biểu hiện suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa".

Bốn là, xây dựng lý luận sắc bén để đấu tranh, phản bác có hiệu quả đối với các quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội và bất mãn chính trị chống phá Đảng, Nhà nước và khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Năm là, thực hành nêu gương, nói đi đôi với làm còn thể hiện ở việc hoàn thiện Quy chế về kỷ luật phát ngôn đối với cán bộ, đảng viên; xử lý nghiêm những cá nhân, nhóm người cấu kết với nhau, lợi dụng vấn đề "dân chủ", "nhân quyền", tôn giáo, dân tộc để tuyên truyền, xuyên tạc và có hành vi nói, viết, lưu trữ, phát tán tài liệu sai trái. Tổ chức diễn đàn trao đổi, đối thoại những vấn đề còn có nhận thức, quan điểm khác nhau liên quan đến đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Sáu là, hoàn thiện quy định về tổ chức, bộ máy và công tác bảo vệ chính trị nội bộ; bảo đảm sự trong sạch về chính trị trong nội bộ, trước hết là cán bộ lãnh đạo cấp chiến lược. Chú trọng nắm tình hình và giải quyết tốt vấn đề chính trị hiện nay; chủ động phát hiện, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm các đối tượng chống đối, phần tử cơ hội, bất mãn chính trị.

Bảy là, thực hành nêu gương, nói đi đôi với làm đối với cán bộ, đảng viên thông qua công tác kiểm tra, giám sát; phát huy tinh thần đấu tranh tự phê bình và phê bình. Kiên quyết thực hiện đúng phương châm “Nói đi đôi với làm”, đã nói phải làm, đã làm phải chịu. Đó là tinh thần tự phê bình và phê bình chân chính và thiết thực. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, sớm phát hiện những biểu hiện sai lệch trong cách nói, cách làm trong công việc. Tăng cường tổ chức kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết việc thực hiện nghị quyết.

Xây dựng quy định xử lý những tập thể, cá nhân suy thoái nghiêm trọng về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, có lời nói và việc làm biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" nghiêm trọng./.

PGS. TS. Lê Văn Cường

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

---

(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H. 2007, t.51, tr. 253-254.

(2) (6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2011, t.6, tr. 432, 16.

(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr. 361.

(4) (9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr. 260, 275.

(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.11, tr. 95.

(7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.8, tr. 98.

(8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr. 171.

 

(Theo Tạp chí Ban Tuyên giáo TW)

Lượt xem: 1.144
Văn bản mới
  • Số 92-KH/BTGTU 19/12/2024 Kế hoạch tổ chức chào cờ và sinh hoạt chính trị năm 2025
  • Số 1492-CV/BTGTU 18/12/2024 Tuyên truyền kết quả kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV
  • Số 204-HD/BTGTU 09/12/2024 Hướng dẫn tuyên truyền kỷ niệm 300 năm Ngày sinh Hải Thượng Lãn Ông Lê ...
  • Số: 1720/STTTT - TTr 06/12/2024 Về việc cảnh báo thủ đoạn cắt ghép hình ảnh cá nhân vào clip “nhạy ...
  • Số 203-HD/BTGTU 04/12/2024 Nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền Kết luận số 91-KL/TW, ngày 12/8/2024 của ...
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 004343313
  •  Đang online: 196
  •  Trong tuần: 196
  •  Trong tháng: 134.004
  •  Trong năm: 2.044.354