Vai trò đội ngũ nhà giáo trong tư tưởng Hồ Chí Minh In trang
10/11/2022 09:17 SA

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từ nhấn mạnh: “Giáo dục các em là việc chung của gia đình, của trường học và xã hội. Cha mẹ, thầy giáo và người lớn phải cùng nhau phụ trách; trước hết là phải làm gương cho các em trước mọi việc”. Vì vậy, giáo dục phải kết hợp cả ba khâu giáo dục gia đình, giáo dục nhà trường và giáo dục xã hội. Người nhận thấy, “trồng người” là sự nghiệp vẻ vang nhưng rất công phu, bền bỉ, khó khăn và phải có sự phối hợp của nhiều lực lượng mới đạt kết quả tốt.

Bác Hồ thǎm đại biểu giáo viên toàn miền Bắc năm 1958.
Bác Hồ thǎm đại biểu giáo viên toàn miền Bắc năm 1958.

Trong đó, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, mỗi thầy giáo, cô giáo phải là những người chiến sĩ trên mặt trận giáo dục; là “những người vẻ vang nhất”. Người luôn có sự tin tưởng và mong muốn các thế hệ học sinh không ngừng cố gắng học tập, rèn luyện tốt để mai sau trở thành những người có ích cho Tổ quốc.

Thư gửi học sinh nhân ngày khai trường tháng 9/1945, Bác viết: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu hay không, chính là nhờ một phần lớn công học tập của các em”. Lời dạy của Người đã hiệu triệu, tạo động lực thúc đẩy mạnh mẽ hàng triệu thầy giáo, cô giáo và các em học sinh trên cả nước tích cực thi đua dạy tốt- học tốt.

Trong bài nói chuyện tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội (10/1964), Bác căn dặn: “Có gì vẻ vang hơn là nghề đào tạo những thế hệ sau này tích cực góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản? Người thầy giáo tốt - thầy giáo xứng đáng là thầy giáo - là người vẻ vang nhất”. Dù là tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh. Đây là một điều rất vẻ vang. “Nếu không có thầy giáo dạy dỗ cho con em Nhân dân, thì làm sao mà xây dựng chủ nghĩa xã hội được? Vì vậy, nghề thầy giáo rất là quan trọng, rất là vẻ vang”. Vị thế của người thầy vô cùng quan trọng và thiêng liêng, cho nên Người nhắc nhở mọi người cần có quan niệm đúng về nghề dạy học, về vị thế của người thầy trong xã hội.

Xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục là vấn đề then chốt  quyết định chất lượng giáo dục. Bởi vì “nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục, phải xây dựng đội ngũ những người thầy giáo tốt - thầy giáo xứng đáng là thầy giáo. Đó là những người yêu nghề, yêu trường, hết lòng thương yêu, chăm sóc, giáo dục học sinh, không ngừng trau dồi đạo đức cách mạng “khó khăn thì phải chịu trước thiên hạ, sung sướng thì hưởng sau thiên hạ”. Bên cạnh đó, phải thường xuyên tự bồi dưỡng, nâng cao tay nghề, trình độ chuyên môn, phương pháp sư phạm để thực sự là tấm gương sáng cho học sinh noi theo; chủ động thích ứng với điều kiện và đối tượng trong quá trình dạy - học hiện nay.

Bác còn dặn dò các thầy, cô giáo và cán bộ quản lý không được đánh mất phẩm chất của mình, dù hoàn cảnh nào cũng phải là tấm gương cho học sinh noi theo, tránh thái độ thờ ơ đối với xã hội, xa rời đời sống thực tế, lười biếng trong học tập và nâng cao trình độ; thái độ kèn cựa địa vị, xem nhẹ công việc của mình, thiếu tinh thần xây dựng tập thể… và quyết tâm: “Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt”.

Đối với Bác, trồng cây đã khó, trồng người còn khó hơn, “Vì lợi ích mười năm phải trồng cây. Vì lợi ích trăm năm phải trồng người”. Sản phẩm của “trồng người” là tạo ra con người của thế hệ tương lai, do đó không được phép làm ra “phế phẩm”. Một người cán bộ, một công nhân tồi có thể làm hỏng một vài sản phẩm, vài công trình, nhưng một người thầy giáo tồi có thể làm hỏng cả một thế hệ, đó là hậu quả khôn lường mà cả xã hội phải gánh chịu. Vì lẽ đó, nhà giáo cần phải thường xuyên trau dồi không chỉ trình độ chuyên môn mà còn cả về đạo đức, lối sống, phong cách, tác phong và cái tâm trong sáng để xứng đáng với danh hiệu “Người kỹ sư tâm hồn”.

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chuyển đổi số, yêu cầu sản phẩm giáo dục càng cao thì tiêu chí của người thầy càng phải được nâng lên. Nhằm giáo dục con người toàn diện (đức, trí, thể, mỹ), nhà giáo ngoài việc là điển hình của phương thức tiếp cận giáo dục và kỹ năng đào tạo hiện đại thì vẫn phải lưu giữ và phát huy tính điển hình của mẫu người toàn diện, tiêu biểu về đạo đức, trí tuệ của thời kỳ hội nhập và phát triển. Chuẩn mực đạo đức của nhà giáo có tác động lớn tới chuẩn mực đạo đức của xã hội. Người cán bộ quản lý giáo dục ngoài tiêu chuẩn chung của nhà giáo phải là người có kiến thức quản trị hiện đại, quyết đoán, dám nghĩ, dám làm, biết cách làm, làm có hiệu quả, vì lợi ích chung.

Trước những đòi hỏi mới, hơn bao giời hết, mỗi giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục Việt Nam cần thấm nhuần sâu sắc, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của người thầy giáo trong sự nghiệp trồng người. Đại hội XIII của Đảng đề ra giải pháp tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, coi đây là khâu then chốt trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Thể hiện quan điểm của Đảng, Nhà nước về vị trí, vai trò của nhà giáo trong sự nghiệp đào tạo lớp người mới xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc; theo nguyện vọng của giáo giới cả nước…, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành Quyết định số 167/HĐBT, ngày 26/9/1982 quyết định lấy ngày 20-11 hằng năm là Ngày Nhà giáo Việt Nam, để tôn vinh những người làm công tác trồng người. Điều này hoàn toàn phù hợp với truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta, một dân tộc có mấy nghìn năm văn hiến và có truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo. Ngày 20/11 cũng là dịp để các thế hệ học sinh tri ân công ơn dưỡng dục của các thầy cô giáo.

 Hoàng Khôi

 

Lượt xem: 1.545
Văn bản mới
  • Số 92-KH/BTGTU 19/12/2024 Kế hoạch tổ chức chào cờ và sinh hoạt chính trị năm 2025
  • Số 1492-CV/BTGTU 18/12/2024 Tuyên truyền kết quả kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV
  • Số 204-HD/BTGTU 09/12/2024 Hướng dẫn tuyên truyền kỷ niệm 300 năm Ngày sinh Hải Thượng Lãn Ông Lê ...
  • Số: 1720/STTTT - TTr 06/12/2024 Về việc cảnh báo thủ đoạn cắt ghép hình ảnh cá nhân vào clip “nhạy ...
  • Số 203-HD/BTGTU 04/12/2024 Nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền Kết luận số 91-KL/TW, ngày 12/8/2024 của ...
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 004343130
  •  Đang online: 128
  •  Trong tuần: 128
  •  Trong tháng: 133.821
  •  Trong năm: 2.044.171