Chú trọng công tác nêu gương của cán bộ, đảng viên In trang
04/04/2023 01:54 CH

Trong di sản Hồ Chí Minh, nêu gương thấm nhuần trong cả tư tưởng lẫn đạo đức và phong cách, gắn liền trong một chỉnh thể, nhất quán. Nêu gương trở thành một đặc trưng tiêu biểu của văn hoá Hồ Chí Minh, nét văn hoá điển hình trong lãnh đạo và quản lý, trong giao tiếp và ứng xử của Người.

Theo Hồ Chí Minh, nêu gương gắn liền với chủ thể và hành động của chủ thể, tạo ra ảnh hưởng tích cực tới các chủ thể khác, từ cá nhân tới xã hội, thúc đẩy sự noi gương, học tập và làm theo các tấm gương điển hình của các cá nhân, tập thể khác, làm cho người tốt lên, việc tốt lên, thực chất chứ không hình thức, thường xuyên, bền bỉ như một nhu cầu văn hoá chứ không nhất thời; thiết thực, hiệu quả chứ không phù phiếm, khoa trương.

Thấm nhuần tư tưởng của Bác, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn quan tâm đến công tác nêu gương của cán bộ, đảng viên. Đại hội XIII của Đảng xác định: Nêu cao tinh thần tự giác tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của cán bộ, đảng viên. Đẩy mạnh giáo dục đạo đức cách mạng, thực hiện thường xuyên, sâu rộng, có hiệu quả việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện các nhiệm vụ chính trị. Thực hiện nghiêm các quy định của Đảng về trách nhiệm nêu gương (Quy định số 101-QĐ/TW, ngày 07/6/2012 của Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp; Quy định số 55-QĐ/TW, ngày 19/12/2016 của Bộ Chính trị về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên; Quy định số 08-QĐi/TW, ngày 25/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương). Như vậy, chức vụ càng cao càng phải gương mẫu; đảng viên tự giác nêu gương để thể hiện rõ vai trò tiên phong, gương mẫu, tạo sự lan tỏa, thúc đẩy các phong trào cách mạng.

Để thực hiện tốt vấn đề nêu gương trong học và làm theo Bác, thiết nghĩ: Nêu gương phải được coi là bổn phận, nghĩa vụ và trách nhiệm, đồng thời phải có tính tự giác, tự nguyện, trở thành một nhu cầu văn hoá trong lẽ sống, lối sống và nếp sống hàng ngày của mỗi người, trước hết là của cán bộ, đảng viên.

Hơn hết, tự mình nêu gương để tự mình làm gương cho người khác noi theo, làm theo. Do đó, nêu gương có sự thống nhất giữa lý trí và tình cảm. Người biết nêu gương là người đạt đến những phẩm chất của nhân cách văn hoá, luôn có mong muốn trở nên tốt đẹp để tự hoàn thiện bản thân mình theo hệ giá trị chuẩn mực chân - thiện - mỹ.

Đối với mỗi cá nhân, nêu gương có cơ sở đạo đức và tâm lý của nó. Ý thức và hành vi nêu gương được hình thành và thôi thúc trước hết bởi tính thiện - thiện tâm, thiện ý và sự hướng thiện, mong muốn sống lương thiện, tử tế, yêu điều thiện, ghét điều ác.

Trọng đạo đức, coi đức là gốc trong đạo làm người và ở đời là một phẩm chất nổi bật trong truyền thống đạo đức của dân tộc. Đó cũng là thái độ lựa chọn giá trị trong đời sống tinh thần của ông cha ta từ xa xưa, truyền lại cho các thế hệ sau này để gìn giữ và phát huy di sản như một tiếp biến văn hoá. Bởi thế, nêu gương là làm theo cái đúng, cái tốt và cái đẹp trong tự tu dưỡng, tự trau dồi cho bản thân để nên người, thành người như một nhu cầu tự thân, không phải vì danh vì lợi. Tự mình nêu gương cũng là một phong cách ứng xử và tự ứng xử. Không phải ngẫu nhiên mà Chủ tịch Hồ Chí Minh khi bàn về tư cách đạo đức, lại nhấn mạnh trước hết “tự mình phải”, “đối với tự mình”, “tự phê bình” để “phê bình”…

Người có đạo đức, nêu gương sáng về đạo đức là người biết trọng lương tâm, liêm sỉ và danh dự. Đó là cơ sở tâm lý - đạo đức của lòng tự trọng. Có tự tôn trọng chính mình mới biết tôn trọng người khác, không làm điều gì trái đạo lý cũng không bao giờ có thái độ, lời nói, hành vi thiếu tôn trọng hay xúc phạm người khác. Không những thế, người có đạo đức không bó hẹp trong phạm vi “tu thân dưỡng tính” chỉ cho riêng mình mà còn phải biết phê phán, lên án cái xấu, cái ác, bênh vực và bảo vệ cái đúng, cái tốt, không bàng quan, không dửng dưng, vô cảm trước những nỗi đau khổ, bất hạnh của người khác, biết cảm thông và chia sẻ với những cảnh đời, số phận của những người xung quanh khi họ gặp cảnh éo le, ngang trái trước cái ác, cái xấu, những hành vi phi nhân tính...

Vì vậy, thêm một lần khẳng định: nêu cao trách nhiệm nêu gương là bổn phận, nghĩa vụ và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu ở các cấp trong tình hình mới. Để đạt được điều này, cần:

Thực hiện tốt những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các quy định của Đảng về nêu gương và trách nhiệm nêu gương. Đề cao việc phát huy vai trò, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, theo phương châm cán bộ có chức vụ càng cao càng phải gương mẫu; khẳng định vai trò lãnh đạo, tính tiên phong, gương mẫu “trên trước, dưới sau”, “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”.

Lãnh đạo chủ chốt các cấp luôn thể hiện tư tưởng vững vàng, quan điểm đúng đắn, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, hết lòng vì nước, vì dân; có phong cách lãnh đạo khoa học, dân chủ, sâu sát thực tiễn, thật sự là hạt nhân đoàn kết, quy tụ, tạo động lực và phát huy trí tuệ tập thể; luôn giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ, khách quan, toàn diện, công tâm, công khai, minh bạch, chính xác, chống cục bộ địa phương, hẹp hòi, bè phái trong công tác cán bộ. Nghiêm túc tự phê bình và phê bình, thấy đúng phải cương quyết bảo vệ, thấy sai phải quyết liệt đấu tranh. Kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân, ghen ghét, đố kỵ, “lợi ích nhóm”.

Mỗi cán bộ, đảng viên cần phát huy vai trò nêu gương trong rèn luyện bản thân, trong xây dựng, phát triển cơ quan, đơn vị. Không ngừng học tập, tu dưỡng, rèn luyện, trau dồi đạo đức cách mạng, tự giác nêu gương cần, kiệm, liêm, chính, lao động sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; thực hiện nghiêm Quy định số 37-QĐ/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về những điều đảng viên không được làm… Khi mỗi cán bộ, đảng viên tự nêu gương sáng, là những tấm gương sáng thì chắc chắn chi bộ, cơ quan, đơn vị sẽ thực sự trong sạch, vững mạnh, gắn bó máu thịt với Nhân dân…

Tóm lại, hơn bao giờ hết, nêu gương phải được coi là bổn phận, nghĩa vụ và trách nhiệm; đồng thời, phải có tính tự giác, tự nguyện, trở thành một nhu cầu văn hoá trong lẽ sống, lối sống và nếp sống hằng ngày của mỗi người, trước hết là của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, bởi không nêu gương, cán bộ, đảng viên sẽ tự suy thoái. 

                                                                                                    

Song Hoàng

Lượt xem: 3.844
Văn bản mới
  • Số 70-KH/BTGTU 26/04/2024 Kế hoạch khảo sát dư luận xã hội “Ý kiến đánh giá của người dân ...
  • Số 175-HD/BTGTU 26/04/2024 Hướng dẫn công tác tuyên truyền tháng 5 năm 2024
  • Số 174-HD/BTGTU 26/04/2024 Hướng dân tuyên truyền và thực hiện Kết luận số 69-KL/TW, ngày 11/01/2024 của Bộ ...
  • Số: 3255/BCĐ06 25/04/2024 V/v tăng cường tuyên truyền về Luật Căn cước
  • Số 117 -KH/TU 23/04/2024 Kế hoạch tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TU, ngày ...
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 002840842
  •  Đang online: 77
  •  Trong tuần: 30.567
  •  Trong tháng: 139.793
  •  Trong năm: 541.883