Chủ tịch Hồ Chí Minh - một tình yêu bao la In trang
13/05/2022 03:44 CH

Trong vô vàn những bài hát về Chủ tịch Hồ Chí Minh thì bài hát “Bác Hồ, một tình yêu bao la” của nhạc sỹ Thuận Yến, tôi thích nhất ca từ và giai điệu:

          “Bác Hồ, Người là tình yêu thiết tha nhất

          Trong lòng dân và trong trái tim nhân loại

Cả cuộc đời, Bác chăm lo cho hạnh phúc Nhân dân

Cả cuộc đời, Bác hi sinh cho dân tộc Việt Nam”       

Ngày 5-6-1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đặt chân lên con tàu Amiral Latouche Treville tại bến cảng Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước.
Ngày 5-6-1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đặt chân lên con tàu Amiral Latouche Treville tại bến cảng Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước.

Có rất nhiều công trình nghiên cứu, bài viết về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Bài viết này chỉ đề cập đến một trong những đức tính vô cùng cao cả của Người, đó là “Yêu nước - Thương Dân”.

Trước hết, nói về “Yêu nước”: Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh ra và lớn lên trong gia đình nhà Nho yêu nước, thừa hưởng sự giáo dục của gia đình, đặc biệt là từ người cha, cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, tinh thần yêu nước đã thấm sâu vào Nguyễn Sinh Cung từ nhỏ, cho nên ngay khi còn niên thiếu, Người đã làm liên lạc cho các sĩ phu yêu nước trong phong trào Cần Vương; tham gia vào phong trào yêu nước chống Pháp của Nhân dân Trung Kỳ. Tinh thần yêu nước của Người được hun đúc bằng truyền thống yêu nước với bề dày hàng nghìn năm lịch sử của cha ông; được hình thành trong quá trình dựng nước, trong đấu tranh và bảo vệ nền độc lập, thoát khỏi sự đô hộ của ngoại bang, khởi nguồn từ lòng tự hào về “Dân tộc ta là con Rồng cháu Tiên, có nhiều người tài giỏi đánh Bắc dẹp Nam, yên dân trị nước tiếng để muôn đời”. Tiếp đó là ý thức về quyền độc lập dân tộc, bắt đầu từ “Nam quốc sơn hà Nam đế cư” của thời Lý cho đến ý chí quyết tâm “Sát Thát” ở đời Trần, tinh thần quyết chiến của Quang Trung - Nguyễn Huệ “Đánh cho phiến giáp bất hoàn/Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ”… Chính lòng yêu nước đã thúc đẩy người thanh niên 21 tuổi Nguyễn Tất Thành rời bến Nhà Rồng ngày 05/6/1911, bắt đầu hành trình tìm đường cứu nước, cứu dân. Trong hành trình đầy gian nan, sóng gió, vất vả và hiểm nguy, Người đã lấy tên là Nguyễn Ái Quốc (tức là Yêu nước).

Khi Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước, cứu dân, đất nước đau thương của Người đang chìm đắm trong đêm dài nô lệ, Nhân dân lầm than cơ cực trong cảnh đọa đày của đế quốc thực dân, phong kiến, nước mất nhà tan, nền độc lập, tự do của Tổ quốc, chủ quyền quốc gia, dân tộc bị thực dân cướp đoạt và dày xéo. Trong nước, các phong trào khởi nghĩa, các xu hướng, đường lối cứu nước đều thất bại, rơi vào khủng hoảng và bế tắc. Trong tình cảnh ấy, ý chí và hành động của Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc thể hiện tình yêu nước tuyệt đối và thiêng liêng. Cũng chính từ lòng yêu nước đã đưa Hồ Chí Minh đến với chủ nghĩa Mác - Lênin một cách tự nhiên. Trong bài viết Con đường dẫn tôi đến chủ nghĩa Lênin (1960), Hồ Chí Minh viết: “lúc đầu, chính là chủ nghĩa yêu nước, chứ chưa phải chủ nghĩa cộng sản đã đưa tôi theo Lênin, tin theo Quốc tế thứ ba”. Cuộc hành trình 30 năm tìm đường cứu nước và cả cuộc đời, sự nghiệp của Người với những bước ngoặt lịch sử, đã ngay từ đầu gắn bó máu thịt với Tổ quốc và Nhân dân, đã phấn đấu hy sinh, dấn thân và quên mình vì nước, vì dân, sau này được khái quát thành lý luận: Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Đó là con đường, là quy luật phát triển của cách mạng Việt Nam.

Trong thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc, Nhân dân ta đã trải qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, cách mạng Việt Nam khi đó gặp muôn vàn khó khăn, thử thách, nhưng có sự soi sáng của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng yêu nước Hồ Chí Minh; đặc biệt, có sự lãnh đạo của Đảng cách mạng chân chính, tinh thần yêu nước của dân tộc ta đã được khơi dậy, toàn dân đã đoàn kết một lòng đứng lên đấu tranh giải phóng quê hương đất nước thoát khỏi ách nô lệ thực dân, đế quốc, giành độc lập, tự do cho dân tộc.  

Đức tính nổi bật thứ hai của Người: “Thương Dân”. Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Bác có hàng trăm cái tên và bút danh nhưng nổi bật nhất vẫn là “Ái Quốc” và “Ái Dân”, hiểu ra là “Yêu nước” và “Yêu dân, Thương dân”. Bác là hình ảnh tuyệt đẹp của lòng yêu thương, quý trọng Nhân dân, phong cách ứng xử giàu tính nhân văn, thấm đượm tâm hồn Việt Nam. Người đã từng nói: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho đất nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”. Tinh thần “Thương dân” không chỉ hóa thân trong sự nghiệp cách mạng cao cả của Người mà thể hiện cả trong đời sống thường nhật. Chúng ta đều biết về cuộc sống vô cùng giản dị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh, từ ngôi nhà sàn đơn sơ, đôi dép cao su, chiếc áo nâu đã sờn vai hoặc mỗi bữa ăn chỉ là bát cơm với mấy quả cà pháo, rau muống và chút cá, tép đồng kho…tất cả đều chứng minh cho lý tưởng nhân văn cao cả: Lấy hạnh phúc của Nhân dân làm hạnh phúc của mình. Cả cuộc đời Người “sống thanh cao không gợn chút riêng tư” cũng chỉ vì thương dân.

Bác nói “tình thương yêu của tôi với đồng bào đồng chí, nhân loại khổ đau mãi mãi không bao giờ thay đổi”. Thương dân nên ngay trong phiên họp Chính phủ đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Bác trên cương vị Chủ tịch đã tuyên bố nhịn ăn để lấy gạo nuôi dân “Tôi đề nghị các vị bộ trưởng, các ngài bộ trưởng, hộ tôi một chủ trương phát động ngay trong chính phủ, 10 ngày nhịn ăn một bữa. Mỗi bữa là một bơ gạo. Đem gạo cứu dân nghèo, tôi xin làm trước tiên”.

Tình thương yêu của Bác là vô cùng rộng lớn và dành cho tất cả mọi tầng lớp Nhân dân. Thủ tướng Phạm Văn Đồng, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết “Trong trái tim mênh mông của Bác, ai là người Việt Nam cũng có phần ở trong đó”. Nhà thơ Tố Hữu cũng đã thốt lên “Bác ơi! Tim Bác mênh mông thế. Ôm cả non sông mọi kiếp người.” Bác thương từ cụ già để “xuân về gửi biếu lụa”, thương các em nhỏ “Trung thu gửi cho quà.” Bác còn lo lắng cho các đoàn dân công “đêm nay ngủ ngoài rừng” và người chiến sỹ “đứng gác ngoài biên cương”. Không chỉ “Sữa để em thơ, lụa tặng già,” Bác còn quan tâm đến chỗ ở, việc làm, đến từng bát cơm, manh áo hàng ngày cho Nhân dân. Trong thời kỳ miền Bắc xây dựng chủ nghĩa xã hội và kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, mặc dù bộn bề công việc, Bác vẫn luôn ân cần thăm hỏi, động viên từ công nhân khu mỏ Quảng Ninh, đồng bào dân tộc miền núi, quê hương “năm tấn” Thái Bình, đến các đơn vị không quân anh hùng, các trường học... Đặc biệt hơn cả là tình yêu của Bác đối với thiếu niên nhi đồng. Bác luôn nhắc nhở các cán bộ chiến sỹ và đồng bào “Nhiệm vụ của chúng ta là phải làm sao cho các em có cơm ăn, có áo ấm, được đi học”. Dù là “ông Ké”, “già Thu” ở chiến khu xưa, hay là Chủ tịch Đảng, Chủ tịch nước sau này, Bác vẫn luôn dõi theo, dành tình cảm, thời gian cho các cháu. Hầu như Tết Trung thu năm nào Bác cũng gửi thư thăm hỏi, động viên và đặt nhiều niềm tin nơi các cháu.

Bác Hồ thăm lại bà con Pác Bó, Cao Bằng.
Bác Hồ thăm lại bà con Pác Bó, Cao Bằng.

Ngay cả trước lúc vĩnh biệt chúng ta, trong bản Di chúc thiêng liêng, Bác cũng viết “Tôi để lại muôn vàn tình thương yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng”.

Ta bồi hồi, xúc động khi đọc những vần thơ của Tố Hữu:

“Ôi lòng Bác vậy cứ thương ta

Thương cuộc đời chung thương cỏ hoa

Chỉ biết quên mình cho hết thảy

Như dòng sông chảy nặng phù sa” (bài thơ "Theo chân Bác")

Năm nay chúng ta kỷ niệm 132 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2022). Đây sẽ là dịp để mỗi người dân Việt Nam bày tỏ tình cảm, lòng biết ơn sâu sắc tới Bác Hồ kính yêu. Nhắc nhở mỗi cán bộ, đảng viên học Bác nhiều hơn nữa, nhất là học và làm theo Bác ở đức “Yêu nước - Thương dân”, để chúng ta có động lực, sức mạnh, niềm tin; tăng cường đoàn kết, quyết tâm xây dựng đất nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, sánh vai các cường quốc năm châu như sinh thời Bác hằng mong muốn.

 

Trần Trung HIếu

                                                                                       

 

                                        

                                                         

Lượt xem: 775
Văn bản mới
  • Số 175-HD/BTGTU 26/04/2024 Hướng dẫn công tác tuyên truyền tháng 5 năm 2024
  • Số 174-HD/BTGTU 26/04/2024 Hướng dân tuyên truyền và thực hiện Kết luận số 69-KL/TW, ngày 11/01/2024 của Bộ ...
  • Số: 3255/BCĐ06 25/04/2024 V/v tăng cường tuyên truyền về Luật Căn cước
  • Số 117 -KH/TU 23/04/2024 Kế hoạch tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TU, ngày ...
  • Số 116 -KH/TU 23/04/2024 Kế hoạch thực hiện Kết luận số 69-KL/TW, ngày 11/01/2024 của Bộ Chính trị về ...
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 002838596
  •  Đang online: 71
  •  Trong tuần: 28.321
  •  Trong tháng: 137.547
  •  Trong năm: 539.637