Không thể xuyên tạc quyền tự do báo chí tại Việt Nam In trang
22/05/2024 08:52 SA

Những năm qua, sự phát triển mạnh mẽ, sôi động của hệ thống báo chí, truyền thông trong nước đã phản ánh rất rõ những thành tựu đáng ghi nhận của Việt Nam trong bảo đảm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí. Báo chí đã có những đóng góp quan trọng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là tiếng nói của mọi tầng lớp nhân dân.

hóng viên các cơ quan thông tấn, báo chí trong nước tác nghiệp tại Trung tâm Báo chí Đại hội XIII của Đảng. (Ảnh: TTXVN)
hóng viên các cơ quan thông tấn, báo chí trong nước tác nghiệp tại Trung tâm Báo chí Đại hội XIII của Đảng. (Ảnh: TTXVN)

Việt Nam đã, đang tham gia và nghiêm túc thực hiện các cam kết của mình về vấn đề tự do ngôn luận, tự do báo chí theo Hiến chương Liên hợp quốc và các nghị định, hiệp ước quốc tế, khu vực liên quan.

Tuy nhiên, một số cá nhân và tổ chức thù địch, phản động vẫn luôn tìm cách để bịa đặt, xuyên tạc tình hình tự do báo chí như một chiêu bài trong chiến lược “diễn biến hòa bình” nhằm chống phá, bôi nhọ, hạ thấp uy tín, hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế.

Không có gì đáng ngạc nhiên, vào đầu tháng 5/2024, theo thông lệ, tổ chức “Phóng viên không biên giới” (RSF) lại công bố báo cáo thường niên về “Chỉ số tự do báo chí năm 2024”.

Tổ chức này xếp Việt Nam đứng thứ 174 trong số 180 quốc gia về tự do báo chí - thuộc nhóm các nước “có nền báo chí tồi tệ nhất thế giới”.

Đây không phải là lần đầu RSF đưa ra những nhận định hoàn toàn phiến diện, thiếu khách quan, thiên kiến và quy chụp về tình hình tự do báo chí ở Việt Nam, bất chấp thực tế đời sống báo chí ở nước ta ngày càng phát triển chuyên nghiệp, sôi động và hiệu quả.

Giống như mọi lần, những quy kết vô căn cứ trong báo cáo của tổ chức này không đưa ra được bất cứ bằng chứng có tính xác thực nào ứng với các tiêu chí được chính họ đưa ra là “thực hiện các hoạt động giúp thúc đẩy tự do báo chí của thế giới” mà chỉ dựa vào những thông tin thiếu khách quan từ một nhóm người có định kiến với nhà nước sở tại về quan điểm, đường hướng hoạt động báo chí hoặc một số đối tượng bất mãn, cơ hội chính trị, có hành vi vi phạm pháp luật, âm mưu chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam, gây mất ổn định chính trị.

Những nội dung mang tính bịa đặt trong bản báo cáo đã tạo cơ hội cho những phần tử thù địch, cực đoan trong và ngoài nước công kích, chống phá Việt Nam.

Thực tiễn đã chứng minh, trong suốt tiến trình phát triển của đất nước, việc bảo đảm tự do báo chí, tự do ngôn luận là mục tiêu nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam, được khẳng định và bảo đảm thực hiện thông qua Hiến pháp và các quy định của pháp luật, phù hợp với các quy định của quốc tế, được nhân dân đồng tình ủng hộ.

Cụ thể tại Điều 25, Hiến pháp 2013 ghi rõ: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”.

Điều 13, Luật Báo chí 2016 quy định: Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí và để báo chí phát huy đúng vai trò của mình.

Báo chí, nhà báo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật và được Nhà nước bảo hộ. Không ai được lạm dụng quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân. Báo chí không bị kiểm duyệt trước khi in, truyền dẫn và phát sóng.

Trên cơ sở hành lang pháp lý được quy định rõ ràng, cụ thể, thực tiễn hoạt động của báo chí Việt Nam những năm qua rất sôi động với nhiều thành tựu nổi bật. Báo chí đã thể hiện vai trò xung kích trên nhiều lĩnh vực, góp phần định hướng dư luận, giữ ổn định chính trị, biểu dương kịp thời những tấm gương người tốt, việc tốt trong lao động sản xuất, phát triển kinh tế-văn hóa-xã hội, đẩy lùi nạn tham nhũng, tiêu cực...

Báo chí thật sự là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội; là cơ quan ngôn luận của cơ quan Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức chính trị xã hội-nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội-nghề nghiệp; là diễn đàn của nhân dân. Đảng, Nhà nước ta luôn tạo điều kiện thuận lợi để quyền tự do báo chí của nhân dân được thực hiện đúng theo quy định của pháp luật.

Thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy, đến năm 2023, cả nước có 6 cơ quan truyền thông đa phương tiện chủ lực, 127 cơ quan báo, 671 cơ quan tạp chí, 72 cơ quan Đài phát thanh, truyền hình. Nhân sự hoạt động trong lĩnh vực báo chí có khoảng 41.000 người, tăng gấp 6 lần so với năm 2000.

Với sự hỗ trợ của công nghệ, hệ thống báo điện tử đang hoạt động ngày càng mạnh mẽ, tạo ra sự tương tác tích cực đối với bạn đọc. Hợp tác quốc tế trong truyền thông cũng đang được tăng cường.

Các nhà báo quốc tế được Chính phủ Việt Nam tạo mọi điều kiện thuận lợi để tác nghiệp. Công tác đào tạo, trao đổi, hợp tác về báo chí trong và ngoài nước ngày càng được quan tâm. Không chỉ vậy, mạng xã hội cũng là một kênh thông tin tham gia mạnh mẽ vào môi trường truyền thông.

Mọi công dân đều được quyền phát ngôn, thảo luận các vấn đề của đời sống. Đây là những minh chứng rõ ràng, thuyết phục nhất cho vấn đề tự do ngôn luận, tự do báo chí ở Việt Nam được bảo đảm.

Tuy nhiên, cần phải hiểu rằng, tự do báo chí không có nghĩa là bất chấp mọi quy định pháp luật. Tự do phải trong khuôn khổ luật pháp quốc gia. Không chỉ riêng báo chí mà bất kỳ lĩnh vực nào khác của đời sống cũng phải hoạt động theo tinh thần thượng tôn pháp luật.

Luật Báo chí 2016 quy định: “Không ai được lạm dụng quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân” (Điều 13, khoản 2).

Đồng thời tại khoản 3, Điều 25 về Quyền và nghĩa vụ của nhà báo, Luật Báo chí quy định, nhà báo có nghĩa vụ thông tin trung thực về tình hình đất nước và thế giới phù hợp với lợi ích của đất nước và của Nhân dân; phản ánh ý kiến, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân; tuân thủ quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo.

Như vậy, có thể thấy, tự do báo chí ở Việt Nam lấy mục tiêu cao nhất là phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, góp phần thúc đẩy tiến bộ xã hội. Người làm báo luôn gắn trách nhiệm với cộng đồng, xã hội, không phải là tự do tùy tiện theo ý chí cá nhân.

Do đó khi thực hiện quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, mọi công dân đều phải tuân thủ các quy định của pháp luật nhằm bảo vệ chế độ xã hội, bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, không làm ảnh hưởng hay xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.

Thực chất thủ đoạn xuyên tạc tình hình nhân quyền, tự do báo chí, tự do ngôn luận của Việt Nam không phải là mới. Đây là kịch bản cũ thường xuyên được RSF và một số tổ chức nhân danh dân chủ, nhân quyền áp dụng, rêu rao để vu khống, chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam, hòng can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam.

Mặt khác, qua đó kích động, tuyển lựa hỗ trợ các thành phần chống đối trong nước tiến hành những hoạt động công kích Đảng, Nhà nước, cơ quan công quyền dưới vỏ bọc “nhà báo độc lập”, “nhà báo tự do” nhằm phục vụ cho mục đích đen tối của mình.

Một thực tế không thể phủ nhận là ở Việt Nam, không người nào bị kết án tù vì thực hiện quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí. Những trường hợp bị xử lý hình sự đều do thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm nghiêm trọng đến quyền, lợi ích của Nhà nước, cũng như các tổ chức, cá nhân, gây bất bình trong dư luận.

Việc bắt giữ, xử lý hình sự một số đối tượng nhân danh “tự do ngôn luận” để chống phá Đảng, Nhà nước, gây mất ổn định chính trị là cần thiết và đúng với quy định pháp luật. Tuy nhiên các thế lực thù địch đã lợi dụng những vụ việc này để rêu rao vấn đề nhân quyền, tự do ngôn luận, tự do báo chí hòng chống phá Việt Nam.

Chúng cố tình gắn mác cho những đối tượng cực đoan, chống phá, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc là “nhà báo độc lập”, hay “nhà báo tự do”, cho dù các đối tượng này không hề làm việc cho một cơ quan báo chí nào ở Việt Nam, không được Bộ Thông tin và Truyền thông ở Việt Nam cấp thẻ theo luật định.

Từ đây các đối tượng ra sức bóp méo tình hình tự do báo chí ở Việt Nam, kêu gọi các tổ chức quốc tế lên án Việt Nam.

Có thể thấy rằng, cái gọi là “tự do báo chí” mà những phần tử thù địch muốn tuyên truyền, cổ xúy thực chất là đề cao quan điểm cá nhân nhưng không đi kèm với trách nhiệm xã hội, khuôn khổ pháp luật và đạo đức, bất chấp những hậu quả xảy ra với cộng đồng, quốc gia, dân tộc.

Đây là điều không thể chấp nhận được bởi trong một xã hội tiến bộ, tự do ngôn luận, tự do báo chí không thể nằm ngoài lợi ích của quốc gia, dân tộc. Mọi hành vi phá hoại đất nước, gây mất an ninh trật tự xã hội nhân danh tự do ngôn luận, tự do báo chí đều phải bị ngăn chặn và loại bỏ.

Cựu Tổng Thư ký Liên hợp quốc, ông Ban Ki-moon từng khẳng định: “Tự do ngôn luận được bảo vệ khi nó được sử dụng vào mục đích công lý và cộng đồng... Khi một số người sử dụng quyền tự do này để khiêu khích hoặc sỉ nhục các giá trị niềm tin của người khác thì hành động đó sẽ không được bảo vệ”.

Trước đó, trong Tuyên ngôn nhân quyền thế giới năm 1948 cũng nêu rõ: “Mỗi người đều có nghĩa vụ đối với cộng đồng, trong khi hưởng thụ các quyền về tự do cá nhân phải chịu những hạn chế do luật định nhằm mục đích duy nhất là bảo đảm việc thừa nhận và tôn trọng đối với các quyền tự do của người khác và phù hợp với những đòi hỏi chính đáng về đạo đức, trật tự công cộng và phúc lợi chung trong một xã hội dân chủ”.

Rõ ràng sẽ không có quốc gia nào ủng hộ tự do báo chí nếu đi ngược lại lợi ích của cộng đồng, xã hội. Như tại Pháp, pháp luật về tự do ngôn luận cũng đưa ra các giới hạn, chế tài nghiêm khắc, trừng trị hành vi lạm dụng quyền tự do ngôn luận làm ảnh hưởng tới quyền, lợi ích hợp pháp của người khác, bao gồm việc bảo vệ nhân phẩm con người, chống lại việc vu khống, bôi nhọ; chống phân biệt chủng tộc, tôn giáo; chống kích động bạo lực, gây hận thù (Luật Tự do báo chí, năm 1881); chống lại việc xâm phạm đời tư (Bộ luật Dân sự); cấm xuất bản một số tài liệu liên quan đến an ninh quốc gia (Luật Hình sự); đồng thời, việc bày tỏ quan điểm cá nhân trên internet cũng chịu sự điều chỉnh của Luật Tự do báo chí.

Hệ thống các quy định pháp luật của nước ta luôn tương thích với các quy định quốc tế trong vấn đề tự do báo chí. Nền báo chí cách mạng Việt Nam đang ngày càng phát triển mạnh mẽ, góp phần vào công cuộc xây dựng, bảo vệ, phát triển đất nước.

Do đó, những luận điệu xuyên tạc, thiếu thiện chí nhằm bôi nhọ, bịa đặt tình hình tự do báo chí ở Việt Nam, hay các bảng xếp hạng thiếu căn cứ của một số tổ chức, cá nhân không thể phủ nhận, bóp méo những thành tựu to lớn mà báo chí cách mạng Việt Nam đạt được./.

VŨ QUỲNH (nhandan.vn)

Lượt xem: 327
Văn bản mới
  • Số 208-HD/BTGTU 03/01/2025 Hướng dẫn nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền Chỉ thị số 39-CT/TW, ngày ...
  • Số 207-HD/BTGTU 02/01/2025 Hướng dẫn công tác tuyên truyền và tuyên truyền miệng tháng 01 năm 2025
  • Số 206-HD/BTGTU 23/12/2024 Hướng dẫn học tập, quán triệt, tuyên truyền Chuyên đề năm 2025 “Học tập và ...
  • Số 92-KH/BTGTU 19/12/2024 Kế hoạch tổ chức chào cờ và sinh hoạt chính trị năm 2025
  • Số 1492-CV/BTGTU 18/12/2024 Tuyên truyền kết quả kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 005043403
  •  Đang online: 135
  •  Trong tuần: 4.805
  •  Trong tháng: 36.444
  •  Trong năm: 36.444