Con người, văn hóa - nguồn lực “gốc” để phát triển đất nước theo tinh thần Đại hội XIII In trang
23/10/2023 04:57 CH

Mọi sự phát triển, mọi nguồn lực cho sự phát triển của quốc gia - dân tộc cũng không nằm ngoài đích hướng tới cao nhất và cuối cùng là vì con người, nâng cao toàn diện chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của con người. Phát triển con người để nâng tầm văn hóa. Phát triển văn hóa để hoàn thiện phẩm chất, giá trị con người.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc.

PHÁT HUY MỌI TIỀM NĂNG, NGUỒN LỰC ĐẤT NƯỚC TRONG BỐI CẢNH MỚI

Định hướng phát triển đất nước đến năm 2030, tầm nhìn 2045, Đại hội XIII của Đảng đã đề ra mục tiêu tổng quát: phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI “nước ta trở thành nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. Trong đó, các mục tiêu cụ thể được đặt ra là: “Đến năm 2025, kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước: Là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình. Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: Là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao”(1).

Để đạt được các mục tiêu nêu trên, đồng thời tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững đất nước, cùng với “đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa”, Đảng ta đã xác định rõ tầm quan trọng của việc phát huy, khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực đất nước gắn với xu thế phát triển của thế giới trong bối cảnh, tình hình mới: “Phát huy hiệu quả sức mạnh tổng hợp của đất nước kết hợp với sức mạnh của thời đại; khai thác, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới…”(2).

Thực tiễn phát triển đất nước và xu thế của nhân loại cho thấy, các nguồn lực đóng vai trò quan trọng và quyết định đến tiến trình phát triển của mỗi quốc gia - dân tộc. Nguồn lực tạo ra của cải cho xã hội, không chỉ nhằm thỏa mãn những nhu cầu cơ bản của cuộc sống, mà còn xây dựng cơ sở vật chất hiện đại, phát triển con người toàn diện. Nguồn lực cũng là nền tảng để thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; hiện thực hóa khát vọng dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh…

Trong hệ thống và các tiêu chí xác định các nguồn lực của đất nước ta hiện nay, có thể khái quát những nhóm nguồn lực cơ bản như: nguồn lực con người; nguồn lực khoa học và công nghệ; nguồn lực tài nguyên thiên nhiên; nguồn lực tài chính; nguồn lực văn hóa; nguồn lực bên ngoài… Như vậy, nguồn lực bao gồm cả nguồn lực vật chất và nguồn lực tinh thần; nguồn lực nội sinh và ngoại sinh, nói cách khác là nội lực và ngoại lực.

Trong bối cảnh hiện nay, Đảng ta đã xác định: “…phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó, nguồn lực nội sinh, nhất là nguồn lực con người là quan trọng nhất”(3); “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa, con người Việt Nam thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”(4). Như vậy, nội lực được được xác định đóng vai trò quyết định, ngoại lực đóng vai trò quan trọng. Cùng với “dòng chảy chung” của thế giời, đồng thời xuất phát từ những giá trị riêng có của con người Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử; trên cơ sở lý luận và thực tiễn cách mạng, trong hệ thống các nguồn lực, bao gồm cả nội sinh và ngoại sinh, Đảng ta đã đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò, tầm quan trọng của nguồn lực con người; xác định con người vừa là trung tâm, chủ thể, vừa là mục tiêu của sự phát triển, đồng thời gắn nguồn lực con người với nguồn lực văn hóa.

Như vậy, nguồn lực con người và nguồn lực văn hóa là “gốc”. Bởi, mọi sự phát triển, mọi nguồn lực cho sự phát triển của quốc gia - dân tộc cũng không nằm ngoài đích hướng tới cao nhất và cuối cùng là vì con người, nâng cao toàn diện chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của con người. Phát triển con người để nâng tầm văn hóa. Phát triển văn hóa để hoàn thiện phẩm chất, giá trị con người. Các nguồn lực khác như: khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, tài chính, kinh tế… chỉ có thể phát huy giá trị “đặc biệt quan trọng”, “quốc sách hàng đầu” hay “động lực then chốt” khi nguồn lực con người, nguồn lực văn hóa được chú trọng và phát huy đúng tầm, đúng mức trong tiến trình phát triển của đất nước.

NGUỒN LỰC “GỐC” QUYẾT ĐỊNH CHẤT LƯỢNG CÁC NGUỒN LỰC NỘI SINH VÀ NGOẠI SINH

Nguồn lực con người, hay còn gọi là nguồn nhân lực - là tổng thể những tiềm năng, năng lực của mỗi cá nhân và cộng đồng đã, đang và sẽ tạo ra sức mạnh để thúc đẩy xã hội phát triển. Đây là nguồn lực quan trọng hàng đầu, có ý nghĩa quyết định đến sự phát triển của văn hóa, kinh tế, chính trị và xã hội.

Trong thế giới hiện đại, khi nền kinh tế của nhân loại đang chuyển sang nền kinh tế tri thức và xu thế toàn cầu hóa đang diễn ra hết sức nhanh chóng thì vai trò quyết định của nguồn nhân lực đối với phát triển lại càng rõ nét hơn. Các lý thuyết tăng trưởng kinh tế chỉ ra rằng, một nền kinh tế muốn tăng trưởng nhanh và ở mức cao phải dựa trên ít nhất 3 trụ cột cơ bản là: áp dụng công nghệ mới, phát triển kết cấu hạ tầng hiện đại và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Trong đó, yếu tố và cũng là động lực quan trọng nhất của sự tăng trưởng kinh tế bền vững chính là nguồn lực con người, đặ biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao. Bởi vì, trong nền kinh tế toàn cầu hóa đầy biến động và cạnh tranh quyết liệt, ưu thế cạnh tranh luôn nghiêng về các quốc gia có nguồn nhân lực chất lượng cao. Do vậy, trong chiến lược phát triển, nhiều quốc gia xác định phát triển nguồn vốn nhân lực như là yếu tố cạnh tranh cơ bản, quan trọng nhất.

Hiện nay, Việt Nam là quốc gia đông dân thứ 15 trên thế giới và đứng thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á. Cơ cấu dân số trẻ, trình độ dân trí ngày càng được nâng cao, tỷ lệ lao động chất lượng cao có xu hướng tăng, có khả năng nắm bắt, áp dụng khoa học - công nghệ hiện đại cùng vẻ đẹp tâm hồn, sức mạnh, trí tuệ là những điểm mạnh trong nguồn lực con người ở nước ta cần được phát huy. Xét trong mối quan hệ giữa các nguồn lực thì nguồn lực con người đóng vai trò quyết định các nguồn lực khác. Vì vậy, đầu tư nâng cao chất lượng nguồn lực con người cũng chính là đầu tư phát triển các nguồn lực khác.

Là chủ thể sáng tạo, lưu giữ và nâng tầm văn hóa, vì thế, chỉ khi nào chất lượng nguồn nhân lực được phát huy tốt nhất thì văn hóa mới thực sự trở thành “sức mạnh mềm”, nguồn lực văn hóa mới thực sự là nguồn lực đặc biệt, là sức mạnh thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững theo hướng nhân văn, nhân bản.

Trong bối cảnh đầy biến động của thế giới hiện đại với nhiều hệ giá trị và quan niệm, nhận thức về văn hóa bị “đảo lộn”, cho thấy, nguồn lực văn hóa không những có chức năng tạo dựng môi trường giáo dục nhân văn mà còn có chức năng trực tiếp tham gia vào quá trình sáng tạo giá trị trong sản xuất và kinh doanh. Hiểu như thế để khẳng định rằng, văn hóa và nguồn lực văn hóa không phải là câu chuyện của “cờ đèn kèn trống”, chỉ có chức năng “tô điểm” cho cuộc sống; lại càng không phải là sản phẩm của phát triển kinh tế, phụ thuộc vào kinh tế.

Lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta đã cho thấy, thời kỳ nào con người và văn hóa được coi trọng thì quốc gia hưng thịnh, toàn dân trên dưới đồng lòng, sẵn sàng đối đầu với mọi “sóng gió” và vượt qua mọi thử thách; ngược lại, khi văn hóa xuống cấp, bị coi nhẹ, con người không được đặt vào vị trí trung tâm của mọi quyết sách phát triển đất nước thì đất nước suy yếu, “bách gia trăm họ” rơi vào cảnh lầm than.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta luôn coi trọng vai trò của văn hóa và hết sức quan tâm đến công tác xây dựng văn hóa trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước, nhất là trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Nhận thức của Đảng về văn hóa ngày càng toàn diện, đầy đủ và sâu sắc hơn...”; “Đảng ta xác định: Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước; xác định phát triển văn hóa đồng bộ, hài hòa với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội là một định hướng căn bản của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, thể hiện tính ưu việt của chế độ ta”(5).

Xét cho cùng, thước đo sự phát triển văn hóa và nguồn lực văn hóa cũng chính là sự phát triển con người, nguồn lực con người. Sự hoàn thiện con người cần và chỉ có thể thực hiện được trong văn hóa và bằng văn hóa. Vì thế, quá trình xây dựng nền văn hóa và phát triển nguồn lực văn hóa Việt nam cũng chính là quá trình xây dựng và phát triền con người và nguồn lực con người Việt Nam, phát huy tối đa nhân tố con người, thực hiện chiến lược con người - khâu trung tâm của sự nghiệp xây dựng nền tảng tinh thần, tiềm lực văn hóa và chế độ xã hội chủ nghĩa. Điều đó cũng có nghĩa là, việc đưa ra các nhóm giải pháp riêng lẻ để phát huy nguồn lực con người và nguồn lực văn hóa chỉ mang tính tương đối. Bởi, trong các giải pháp để phát triển con người và nguồn nhân lực cũng bao hàm để nâng tầm văn hóa, phát triển nguồn lực văn hóa. Ngược lại, phát huy nguồn lực văn hóa cũng là để tạo những điều kiện và “chất xúc tác” quan trọng cho phát triển và hoàn thiện con người, phát huy nguồn nhân lực - nguồn lực “gốc” quyết định tới chất lượng các nguồn lực nội sinh và ngoại sinh khác trong quá trình hiện thực hóa mục tiêu phát triển đất nước theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng.

Câu lạc bộ đàn tính của các bạn trẻ xã Trung Hà, H. Chiêm Hóa, Tuyên Quang.
Câu lạc bộ đàn tính của các bạn trẻ xã Trung Hà, H. Chiêm Hóa, Tuyên Quang.

GẮN KẾT CHẶT CHẼ, HÀI HÒA GIỮA GIÁ TRỊ TRUYỀN THỐNG VÀ GIÁ TRỊ HIỆN ĐẠI

Để đạt được các mục mục tiêu phát triển đất nước trong bối cảnh mới, Đại hội XIII của Đảng đã xác định nhiệm vụ hàng đầu là: “Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại”(6); “lấy con người là trung tâm của phát triển và được chia sẻ những thành quả của quá trình phát triển”(7). Đồng thời tiếp tục xác định phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần; phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của nền văn hóa, con người Việt Nam: “...lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, chủ nghĩa xã hội, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt nam, vai trò của khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo chính là nguồn động lực mới, to lớn để đất nước phát triển nhanh và bền vững hơn”(8).

Theo đó, để thực hiện thành công định hướng: “Phát triển nguồn lực con người, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao” và “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa, con người Việt Nam thực sự trở thành sức mạnh nội dịnh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”, trên cơ sở các nhóm giải pháp tổng thể, quan trọng đã được Đảng ta chỉ rõ, một số giải pháp cụ thể được các nhà hoạch định chính sách cũng như giới chuyên gia lưu ý là:

Một là, đẩy mạnh công tác giáo dục và đào tạo; đổi mới nội dung phương pháp giáo dục, lấy con người là trung tâm cho mọi chính sách, chương trình giáo dục; tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao - nhân tố quan trọng nhất để hiện thực hóa các mục tiêu phát triển đất nước.

Hai là, cùng với đẩy mạnh tính thực tiễn trong các chính sách thu hút nguồn lực của người Việt Nam ở nước ngoài đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; cần thực hiện hiệu quả chiến lược nhân tài cho phát triển đất nước, kết hợp hài hòa đào tạo trong nước và ngoài nước; tối ưu hóa việc sử dụng, phát huy vai trò nhân tài trong nước trong môi trường đổi mới sáng tạo và sử dụng hiệu quả nhân tài từ nước ngoài.

Ba là, phát triển đội ngũ nhân lực chất lượng cao có quy mô, cơ cấu hợp lý, phục vụ trực tiếp nhu cầu phát triển trong các điều kiện hội nhập kinh tế sâu rộng gắn với nâng cao năng lực tự chủ chiến lược, thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Phát triển lực lượng lao động có trình độ, kỹ năng, kỹ thuật, có sức cạnh tranh quốc tế. Tập trung phát triển đội ngũ chuyên gia trực tiếp nghiên cứu và phát triển sản phẩm tại doanh nghiệp cũng như đội ngũ chuyên gia nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ đổi mới sáng tạo tại các viện nghiên cứu, trường đại học.

Bốn là, xây dựng hệ thống chăm sóc sức khỏe, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh; bảo đảm người dân được bảo vệ, chăm sóc sức khỏe; thực hiện tốt chính sách về dinh dưỡng, an toàn thực phẩm; nâng cao tầm vóc của người Việt Nam. Xây dựng và hoàn thiện hệ thống, chính sách, pháp luật bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội cho mọi người dân; thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội trong quá trình phát triển; bảo đảm mọi người dân không ai bị bỏ lại phía sau.

Năm là, tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới; xử lý tốt mối quan hệ lớn giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa; bảo vệ và phát huy các giá trị tốt đẹp, bền vững trong truyền thống văn hóa Việt Nam; có cơ chế chính sách, giải pháp để xây dựng môi trường văn hóa thật sự trong sạch, lành mạnh, cải thiện điều kiện hưởng thụ văn hóa của nhân dân; chú trọng xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh; phát triển văn hóa nhà trường; củng cố môi trường văn hóa công sở lành mạnh, dân chủ, đoàn kết, nhân văn, đẩy lùi bệnh quan liêu, bè phái, mất đoàn kết, chủ nghĩa cơ hội và thực dụng; xây dựng văn hóa doanh nghiệp, doanh nhân và kinh doanh.

Phát triển văn hóa con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước.
Phát triển văn hóa con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước.

Sáu là, khẩn trương triển khai có trọng tâm, trọng điểm ngành công nghiệp văn hóa và dịch vụ văn hóa trên cơ sở xác định và phát huy “sức mạnh mềm” của văn hóa Việt Nam, vận dụng có hiệu quả các giá trị, tinh hoa và thành tựu mới của văn hóa, khoa học, kỹ thuật, công nghệ của thế giới; gắn phát triển văn hóa với phát triển du lịch. Tăng cường đầu tư, khai thác và phát huy tối đa các nguồn lực văn hóa đi đôi với đổi mới nội dung, phương thức quản lý, khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, kém hiệu quả. Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế về văn hóa, xây dựng Việt Nam thành địa chỉ hấp dẫn về giao lưu văn hóa quốc tế./.

THẾ HOÀNG

__________________

(1) (2) (3) (4) (6) (8) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2021, t.I, tr.112, 98, 110-111, 115-116, 47, 205.

(7) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t.II, tr.81.

(5) Phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triền khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng (24/10/2021)

 

Theo Tạp chí Tuyên giáo TW

Lượt xem: 5.380
Văn bản mới
  • Số 208-HD/BTGTU 03/01/2025 Hướng dẫn nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền Chỉ thị số 39-CT/TW, ngày ...
  • Số 207-HD/BTGTU 02/01/2025 Hướng dẫn công tác tuyên truyền và tuyên truyền miệng tháng 01 năm 2025
  • Số 206-HD/BTGTU 23/12/2024 Hướng dẫn học tập, quán triệt, tuyên truyền Chuyên đề năm 2025 “Học tập và ...
  • Số 92-KH/BTGTU 19/12/2024 Kế hoạch tổ chức chào cờ và sinh hoạt chính trị năm 2025
  • Số 1492-CV/BTGTU 18/12/2024 Tuyên truyền kết quả kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 005052565
  •  Đang online: 144
  •  Trong tuần: 13.967
  •  Trong tháng: 45.606
  •  Trong năm: 45.606