Đảm bảo không để những cán bộ tốt, cán bộ có năng lực thực sự bị thiệt thòi In trang
23/12/2024 02:20 CH

Sáng 22/12, đồng chí Nguyễn Thái Học - Quyền Bí thư Tỉnh uỷ đã có buổi làm việc với lãnh đạo và trưởng, phó phòng chuyên môn Báo Lâm Đồng và Đài Phát thanh - Truyền hình Lâm Đồng (sau đây gọi tắt là Báo và Đài) về định hướng hợp nhất 2 đơn vị theo Kế hoạch số 03-KH/BCĐ ngày 12/12/2024 của Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW tỉnh Lâm Đồng về “triển khai định hướng sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới”.

Đồng chí Nguyễn Thái Học - Quyền Bí thư Tỉnh uỷ chủ trì buổi làm việc với cán bộ, lãnh đạo Báo Lâm Đồng và Đài Phát thanh - Truyền hình Lâm Đồng
Đồng chí Nguyễn Thái Học - Quyền Bí thư Tỉnh uỷ chủ trì buổi làm việc với cán bộ, lãnh đạo Báo Lâm Đồng và Đài Phát thanh - Truyền hình Lâm Đồng

Đồng chí Nguyễn Thái Học - Quyền Bí thư Tỉnh uỷ chủ trì buổi làm việc với cán bộ, lãnh đạo Báo Lâm Đồng và Đài Phát thanh - Truyền hình Lâm Đồng

Tại buổi làm việc, Quyền Bí thư Tỉnh uỷ muốn lắng nghe ý kiến của đội ngũ cán bộ 2 cơ quan Báo và Đài về dư luận xã hội trong cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân trong toàn tỉnh về việc tổ chức thực hiện định hướng sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và ý kiến của cán bộ Báo, Đài về việc sáp nhập hai cơ quan báo chí quan trọng bậc nhất của tỉnh.

Nhà báo Nguyễn Tấn Lộc - Giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình Lâm Đồng phát biểu
Nhà báo Nguyễn Tấn Lộc - Giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình Lâm Đồng phát biểu

• NHÂN DÂN ĐỒNG TÌNH CHỦ TRƯƠNG SÁP NHẬP

Từ thực tiễn quá trình tác nghiệp của đội ngũ phóng viên 2 cơ quan ở cơ sở, cán bộ lãnh đạo Báo và Đài đã thông tin tới Quyền Bí thư Tỉnh uỷ về tình hình triển khai công tác tuyên truyền cũng như nắm bắt ý kiến dư luận xã hội. Theo đó, định hướng sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị đã được các đơn vị, địa phương quán triệt sâu rộng và triển khai quyết liệt. Trong đội ngũ cán bộ đa phần nắm và hiểu vấn đề. Tuy nhiên, vẫn còn những băn khoăn, nhất là việc giải quyết vấn đề sắp xếp con người và chi trả chế độ.

Nhà báo Nguyễn Hữu Phúc - Trưởng Phòng Thời sự Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh phát biểu
Nhà báo Nguyễn Hữu Phúc - Trưởng Phòng Thời sự Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh phát biểu

Người dân thể hiện sự đồng tình, ủng hộ đối với chủ trương sáp nhập và mong muốn ngân sách chi cho bộ máy giảm để đầu tư nhiều hơn cho phát triển. Đồng thời, người dân có sự đánh giá cao đối với những nỗ lực của tỉnh trong thực hiện nhiệm vụ khó khăn này. Đặc biệt, Lâm Đồng là đơn vị có số lượng đơn vị hành chính cấp huyện thực hiện sáp nhập nhiều nhất trong cả nước, khi tiến hành sáp nhập 3 huyện thành 1 huyện.

Song, bên cạnh đó, người dân cũng thể hiện sự băn khoăn trong việc chọn lọc đội ngũ cán bộ sau sáp nhập; mong muốn giảm đầu mối, giảm tham ô, nhũng nhiễu. Bởi vậy, sau sáp nhập cần có cơ chế sàng lọc để giữ người tài ở lại và người thiếu năng lực sẽ không tiếp tục công tác. Quy trình sàng lọc cần được công khai để người dân giám sát…

Nhà báo Nguyễn Hồng Hải - Phó Tổng Biên tập Báo Lâm Đồng phát biểu
Nhà báo Nguyễn Hồng Hải - Phó Tổng Biên tập Báo Lâm Đồng phát biểu

• SÁP NHẬP BÁO VÀ ĐÀI - CẦN THẬN TRỌNG, KỸ LƯỠNG VÀ PHÙ HỢP VỚI TÌNH HÌNH THỰC TIỄN

Tại buổi làm việc, các đồng chí trưởng, phó các phòng chuyên môn và lãnh đạo 2 cơ quan Báo, Đài đã trình bày 14 ý kiến. Nhiều ý kiến đã phân tích những khó khăn trước mắt và vấn đề đặt ra trong việc tiến hành hợp nhất 2 cơ quan Báo và Đài.

Một số ý kiến bày tỏ rõ quan điểm chưa nên hợp nhất 2 cơ quan Báo và Đài vào thời điểm hiện tại vì sẽ có những ảnh hưởng nhất định đến công tác thông tin tuyên truyền, nhất là tuyên truyền cho sự kiện trọng đại của đất nước sắp diễn ra là đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Nhà báo Nguyễn Thị Hải Yến - Trưởng phòng Phóng viên Xây dựng Đảng - Nội chính - Bạn đọc Báo Lâm Đồng phát biểu
Nhà báo Nguyễn Thị Hải Yến - Trưởng phòng Phóng viên Xây dựng Đảng - Nội chính - Bạn đọc Báo Lâm Đồng phát biểu

Một số lý do được các đồng chí lãnh đạo, cán bộ của 2 cơ quan dẫn chứng để làm căn cứ đề xuất chưa thực hiện việc sáp nhập Báo và Đài vào lúc này. Cụ thể, dù Báo và Đài có chức năng và nhiệm vụ tương đồng nhưng có những khác biệt đặc thù trong quá trình tác nghiệp cũng như quy trình xuất bản của 4 loại hình báo chí gồm: báo in, báo điện tử, phát thanh và truyền hình. Do đó, nếu sáp nhập mà không tổ chức bộ máy vận hành tốt sẽ tạo nên một số khó khăn nhất định, ảnh hưởng đến việc đảm bảo hoạt động hiệu lực, hiệu quả. 

Nhà báo Hồ Xuân Trung - Trưởng phòng Phóng viên Kinh tế - Văn hóa - Xã hội Báo Lâm Đồng phát biểu
Nhà báo Hồ Xuân Trung - Trưởng phòng Phóng viên Kinh tế - Văn hóa - Xã hội Báo Lâm Đồng phát biểu

Thời điểm hiện tại, Báo và Đài đang tập trung cao độ cho nhiệm vụ chuyên môn, nhất là tập trung tuyên truyền về chính việc triển khai tổng kết Nghị quyết 18, về Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIV của Đảng nên việc sáp nhập vào thời điểm này, nhất là khi chưa có mô hình cụ thể để học tập, sẽ ảnh hưởng đến công tác thông tin tuyên truyền.

Trưởng Phòng Tổ chức - Hành chính và Kế hoạch - Tài vụ Đài Phát thanh Truyền hình Lâm Đồng phát biểu
Trưởng Phòng Tổ chức - Hành chính và Kế hoạch - Tài vụ Đài Phát thanh Truyền hình Lâm Đồng phát biểu

Ngoài ra, có ý kiến cho rằng việc sáp nhập 2 cơ quan Báo và Đài cần chú trọng đến việc sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong vừa tinh, vừa gọn mới đáp ứng được yêu cầu hoạt động hiệu lực, hiệu quả, nếu không sẽ gây ra nhiều khó khăn.

Nhà báo Nguyễn Tấn Sỹ - Trưởng Phòng Chuyên mục và Văn nghệ - Giải trí Đài Phát thanh - Truyền hình Lâm Đồng phát biểu
Nhà báo Nguyễn Tấn Sỹ - Trưởng Phòng Chuyên mục và Văn nghệ - Giải trí Đài Phát thanh - Truyền hình Lâm Đồng phát biểu

Các mô hình sáp nhập của một số địa phương trong cả nước hiện nay như Trung tâm Truyền thông Quảng Ninh, Báo - Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Phước chưa đánh giá những hiệu quả cũng như những khó khăn cụ thể và trên thực tế là bên cạnh việc tinh gọn được bộ máy tổ chức là hiệu quả nhìn thấy được cụ thể, thì vẫn còn có sự chồng chéo trong hoạt động chuyên môn, chưa thực sự phát huy tính ưu việt và hiệu quả. Do đó, cần tính toán kỹ lưỡng, thận trọng, phù hợp với tình hình thực tiễn tại địa phương.

Nhà báo Nguyễn Thanh Hùng - Phó Giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh phát biểu
Nhà báo Nguyễn Thanh Hùng - Phó Giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh phát biểu

Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến cho rằng đây là thời điểm chín muồi để thực hiện việc sáp nhập 2 cơ quan Báo và Đài; đồng thời, cần có sự quyết đoán để thực hiện việc sáp nhập. Bởi lẽ, chắc chắn việc sáp nhập sẽ gây nên những xáo trộn, nhiều người còn tâm tư về công tác sắp xếp bố trí cán bộ, về chế độ chính sách nhưng "cứ đi rồi sẽ đến"...

Nhà báo Phạm Sơn Dũng - Phó Tổng Biên tập phụ trách Báo Lâm Đồng phát biểu
Nhà báo Phạm Sơn Dũng - Phó Tổng Biên tập phụ trách Báo Lâm Đồng phát biểu

Về lý do nên sáp nhập 2 cơ quan Báo và Đài, các ý kiến cho rằng đây là chủ trương lớn, là cuộc cách mạng trong Đảng về tinh gọn tổ chức bộ máy do đó báo chí cũng cần thực hiện chủ trương này. Đồng thời, có ý kiến cho rằng đây là thời điểm và cơ hội chín muồi để thực hiện việc sáp nhập, do đó nên triển khai thực hiện vào lúc này cùng với các sở, ngành, địa phương của tỉnh.

Đồng chí Bùi Thắng - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ phát biểu tại buổi làm việc
Đồng chí Bùi Thắng - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ phát biểu tại buổi làm việc

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Bùi Thắng - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ cho rằng, việc sáp nhập có những thuận lợi nhất định như: Tinh gọn bộ máy, cơ sở vật chất được đảm bảo hơn, công tác thông tin tuyên truyền sẽ tập trung và tạo hiệu quả cao hơn…

Tuy nhiên, việc này cần được thực hiện cẩn trọng, kỹ lưỡng và phù hợp với đặc thù địa phương. Nếu sáp nhập cần có người đứng đầu đảm bảo được vai trò “nhạc trưởng” với sự am hiểu các loại hình báo chí để đảm bảo vận hành tổ chức bộ máy hiệu quả. Đồng thời, cần tính toán kỹ lưỡng để sau khi tiến hành sắp xếp bộ máy sẽ giữ lại những nhân sự có kinh nghiệm thực tiễn, có tố chất để đảm bảo nhiệm vụ tuyên truyền.

 Đồng chí Nguyễn Thái Học - Quyền Bí thư Tỉnh uỷ phát biểu kết luận
Đồng chí Nguyễn Thái Học - Quyền Bí thư Tỉnh uỷ phát biểu kết luận

• CÂN NHẮC KỸ LƯỠNG TRÊN CƠ SỞ KHOA HỌC VÀ THỰC TIỄN

Kết luận buổi làm việc, Quyền Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Thái Học khẳng định: Tinh gọn tổ chức bộ máy và rà soát, kiện toàn đội ngũ cán bộ là một cuộc cách mạng. Cuộc cách mạng này đang được triển khai từ Trung ương đến địa phương để xây dựng hệ thống chính trị đảm bảo: “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả”. Bởi vậy, đây là nhiệm vụ của tất cả các cơ quan, đơn vị. Những cơ quan, đơn vị được Trung ương định hướng là để làm điểm, làm gương cho các đơn vị khác thực hiện. Còn những cơ quan, đơn vị không nằm trong định hướng cũng cần phải tự chủ động sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong chứ không phải đứng ngoài cuộc. Hiện nay, dù không là đơn vị nằm trong định hướng nhưng Thường trực Tỉnh uỷ vẫn chọn Văn phòng Tỉnh uỷ để làm điểm sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn.

Các đồng chí lãnh đạo, cán bộ Báo Lâm Đồng tham dự buổi làm việc
Các đồng chí lãnh đạo, cán bộ Báo Lâm Đồng tham dự buổi làm việc

Công tác sáp nhập phải thực hiện từ việc tổ chức bộ máy được tiến hành trước rồi tiếp đến việc sắp xếp cán bộ phù hợp. Việc sắp xếp, bố trí cán bộ phải nhìn nhận đúng năng lực sở trường. Bởi vậy Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã chỉ đạo phải đánh giá đúng thực chất chất lượng tổ chức đảng, đảng viên năm 2024. Đó là cơ sở để sắp xếp đội ngũ cán bộ trên tinh thần khách quan, dân chủ, công bằng.

Đây là thời cơ, thời điểm chín muồi để tiến hành cách mạng. Việc tổ chức bộ máy sẽ gắn liền với việc tổ chức Đại hội Đảng sắp tới. Nhiệm vụ này cần được tiến hành gấp rút, khẩn trương. Bởi vậy, trước hết tư tưởng phải thông suốt, nhất là trong chính đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt của các cơ quan, đơn vị. Mục tiêu đặt ra là vì cái chung, vì lợi ích của quốc gia, dân tộc, của Nhân dân. Hành động phải đồng bộ, quyết liệt, tất cả đều phải vào cuộc, tránh tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”.

Chương trình kiểm tra, giám sát của Tỉnh uỷ năm 2025 sẽ tập trung vào vấn đề này. Đơn vị nào báo cáo mà không làm, tổ chức bộ máy không tinh gọn; tổ chức bộ máy tinh gọn mà đội ngũ cán bộ sắp xếp không đáp ứng yêu cầu thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm. Và việc sáp nhập phải đảm bảo hiệu lực, hiệu quả hơn.

Các đồng chí lãnh đạo, cán bộ Đài Phát thanh - Truyền hình Lâm Đồng tham dự buổi làm việc
Các đồng chí lãnh đạo, cán bộ Đài Phát thanh - Truyền hình Lâm Đồng tham dự buổi làm việc

Các đồng chí lãnh đạo, cán bộ Đài Phát thanh - Truyền hình Lâm Đồng tham dự buổi làm việc

Đối với việc sáp nhập hay không sáp nhập 2 cơ quan Báo và Đài, Quyền Bí thư Tỉnh uỷ nhấn mạnh: Báo và Đài là hai cơ thông tin, tuyên truyền quan trọng bậc nhất của Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân tỉnh Lâm Đồng. Do đó, sáp nhập hay không sáp nhập là vấn đề mà tôi rất trăn trở, suy nghĩ và có sự nghiên cứu. Tất cả vẫn phải cân nhắc kỹ lưỡng trên cơ sở khoa học và thực tiễn.

Do chức năng, nhiệm vụ của 2 cơ quan có sự tương đồng nên nếu sáp nhập, Quyền Bí thư Tỉnh uỷ cho rằng, dù cách tác nghiệp và hình thức thể hiện của các loại hình báo chí khác nhau nhưng sẽ có sự thống nhất chủ trương trong thông tin tuyên truyền. Báo chí là nghề nghiệp đặc thù và có sự khác biệt với các cơ quan khác, tuy nhiên vẫn phải nằm trong cái chung của cuộc cách mạng, không thể tách rời.

Đồng chí cho rằng, nếu sáp nhập, phải bằng chính suy nghĩ của người trong cuộc để thiết kế nên một mô hình tối ưu về tổ chức bộ máy, phù hợp với đặc thù của địa phương theo đúng chủ trương “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”.

Khi đã có tổ chức bộ máy cần tiếp tục tiến hành rà soát, đánh giá kỹ lưỡng về vấn đề con người. Trên tinh thần rất dân chủ, khách quan và đảm bảo công bằng trong nhìn nhận, đánh giá và sắp xếp, không kể biên chế hay hợp đồng mà chỉ giữ lại những người có năng lực thực sự và đảm nhận tốt nhiệm vụ. “Có như thế mới tinh được bộ máy, mới là làm cách mạng”, đồng chí Nguyễn Thái Học nhấn mạnh.

Phải có được đội ngũ điều hành, quản lý tốt. Nhất là người đứng đầu phải là người có khả năng, năng lực, có uy tín thực sự, quán xuyến được công việc, có tinh thần tiến công để đảm bảo vận hành tốt chức năng nhiệm vụ của đơn vị.

Các đồng chí lãnh đạo, cán bộ Báo Lâm Đồng tham dự buổi làm việc
Các đồng chí lãnh đạo, cán bộ Báo Lâm Đồng tham dự buổi làm việc

Nếu phương án sáp nhập đựơc lựa chọn sẽ phải đối diện với rất nhiều khó khăn, áp lực, gian khổ và cả hy sinh, nhưng nếu khó khăn đó được lường trước và có sự quyết tâm, đồng lòng thì kết quả sẽ xứng đáng. Vì vậy, nếu sáp nhập thì cấp uỷ, lãnh đạo Báo và Đài thực hiện chặt chẽ các bước, có sự bàn bạc kỹ lưỡng và thống nhất ý chí để xây dựng được phương án tối ưu nhất cho tổ chức bộ máy.

Trên cơ sở phương án tối ưu đó mới tới việc soát xét, sắp xếp đội ngũ cán bộ. “Sàng lọc đội ngũ cán bộ đảm bảo người tốt, người giỏi, người có năng lực uy tín phải được sử dụng. Người không có năng lực dứt khoát phải nhìn nhận đánh giá và xử lý. Phải làm trong sạch và tinh gọn đội ngũ. Dựa trên cơ sở đánh giá thực chất cán bộ mới tiến hành sắp xếp, bố trí”, Quyền Bí thư Tỉnh uỷ nhấn mạnh.

Còn nếu không sáp nhập, 2 cơ quan vẫn phải soát xét để tinh gọn bộ máy và tinh thông đội ngũ. Quyền bí thư Tỉnh uỷ khẳng định: Dù có phương án nhập hay không nhập thì lãnh đạo Tỉnh uỷ và cá nhân người đứng đầu Tỉnh uỷ rất quan tâm tới hiệu quả hoạt động của hai cơ quan Báo và Đài. Đảm bảo không để những cán bộ tốt, cán bộ có năng lực thực sự bị thiệt thòi cả về quyền lợi chính trị và tổ chức. Hai cơ quan Báo và Đài, bộ máy phải thực sự tinh gọn, đội ngũ cán bộ phải thực sự tinh thông. Người đứng đầu các cơ quan phải phát hiện và đề xuất cán bộ, đảm bảo chọn đúng người, giao đúng việc để đảm bảo hiệu quả hoạt động của đơn vị.

Đồng chí Nguyễn Thái Học - Quyền Bí thư Tỉnh ủy chỉ đạo: Ngay sau buổi họp này, cấp ủy, tập thể lãnh đạo Báo Lâm Đồng và Đài Phát thanh - Truyền hình Lâm Đồng cần ngồi lại họp bàn kỹ lưỡng để lựa chọn phương án sáp nhập hay không sáp nhập để báo cáo Ban Thường vụ, Ban Chỉ đạo xem xét quyết định.

 

 

 

(LĐ online)

Lượt xem: 12
Văn bản mới
  • Số 92-KH/BTGTU 19/12/2024 Kế hoạch tổ chức chào cờ và sinh hoạt chính trị năm 2025
  • Số 1492-CV/BTGTU 18/12/2024 Tuyên truyền kết quả kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV
  • Số 204-HD/BTGTU 09/12/2024 Hướng dẫn tuyên truyền kỷ niệm 300 năm Ngày sinh Hải Thượng Lãn Ông Lê ...
  • Số: 1720/STTTT - TTr 06/12/2024 Về việc cảnh báo thủ đoạn cắt ghép hình ảnh cá nhân vào clip “nhạy ...
  • Số 203-HD/BTGTU 04/12/2024 Nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền Kết luận số 91-KL/TW, ngày 12/8/2024 của ...
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 004348935
  •  Đang online: 182
  •  Trong tuần: 4.599
  •  Trong tháng: 139.626
  •  Trong năm: 2.049.976